Kỳ Kinh đầu Tiên Sau Khi Sinh Con Sẽ Như Thế Nào? - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Thời điểm có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh con sẽ phụ thuộc vào việc bạn có cho con bú hay không. Và giống như nhiều bộ phận trên cơ thể, kinh nguyệt sau khi sinh cũng sẽ có một vài sự thay đổi so với trước.
  • Phụ nữ thường có kinh nguyệt trở lại sau khoảng từ 6 đến 8 tuần kể từ sinh nếu như không cho con bú. Những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có thể sẽ không có kinh nguyệt trong suốt thời gian cho con bú.
  • Khi bắt đầu có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh thì rất kỳ kinh đầu tiên sẽ khác so với trước, bạn có thể gặp một số thay đổi như đau bụng nhiều hơn, ra nhiều máu hơn, dòng chảy không đều,...
  • Sau kỳ kinh đầu tiên, bạn có thể sẽ bị lỡ từ một đến một vài kỳ tiếp theo rồi kỳ kinh sau đó thường đến sớm hơn dự kiến.
  • Nếu nhận thấy có bất cứ điều gì không bình thường khi có kỳ kinh kinh đầu tiên sau sinh bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ. Ra máu quá nhiều hoặc các triệu chứng nhiễm trùng đều là những dấu hiệu đặc biệt cần lưu tâm.

Khi nào có kinh nguyệt trở lại?

Phụ nữ thường có kinh nguyệt trở lại sau khoảng từ 6 đến 8 tuần kể từ sinh nếu như không cho con bú. Còn nếu cho con bú thì thời gian có kinh nguyệt trở lại sẽ thay đổi tùy theo nhiều yếu tố. Những phụ nữ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể sẽ không có kinh nguyệt trong suốt thời gian cho con bú. Tuy nhiên, ở một số người thì kinh nguyệt có thể trở lại sau một vài tháng, cho dù có cho con bú hay không.

Nếu nhanh chóng có kinh nguyệt lại chỉ một thời gian ngắn sau sinh và sinh thường thì không nên dùng tampon hay cốc nguyệt san vào tháng đầu tiên.

Lý do là bởi cơ thể vẫn còn đang trong quá trình lành lại và việc dùng tampon hay cốc nguyệt san sẽ gây tổn thương âm đạo đang nhạy cảm. Tốt nhất chỉ nên dùng băng vệ sinh.

Cho con bú ảnh hưởng thế nào đến kỳ kinh nguyệt?

ky kinh nguyet dau tien sau sinh
Cho con bú ảnh hưởng đến chu kinh nguyệt như thế nào?

Thông thường, những phụ nữ đang cho con bú thường lâu có kinh trở lại sau khi sinh hơn so với những người không cho con bú do các hormone của cơ thể. Prolactin - hormone cần thiết để sản xuất sữa mẹ - có thể ức chế các hormone sinh dục. Kết quả là cơ thể không thể rụng trứng và khi không rụng trứng thì sẽ không thể có kinh nguyệt.

Kinh nguyệt có ảnh hưởng đến sự tiết sữa không?

Khi có kinh nguyệt trở lại, lượng sữa tiết ra hoặc phản ứng của bé với sữa mẹ có thể sẽ có sự thay đổi. Những dao động về nồng độ nội tiết tố tạo ra kỳ kinh nguyệt sẽ ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Chẳng hạn, lượng sữa bị giảm đi. Ngoài ra, sự thay đổi hormone còn có thể tác động đến cả thành phần hoặc mùi vị của sữa và khiến trẻ không muốn bú mẹ. Tuy nhiên, những thay đổi này thường rất nhỏ và không ảnh hưởng đến khả năng cho con bú.

Biện pháp tránh thai sau sinh

Cho con bú là một biện pháp tránh thai tự nhiên hữu hiệu. Theo Hiệp hội Chuyên gia sức khỏe sinh sản Hoa Kỳ (Association of Reproductive Health Professionals), trong số 100 phụ nữ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ có chưa đến 1% mang thai trong vòng 1 năm sau sinh. Mặc dù cho con bú làm giảm khả năng sinh sản nhưng đây không phải là một biện pháp đảm bảo tuyệt đối bạn sẽ không mang thai lần nữa.

Điều quan trọng ở đây là nuôi con HOÀN TOÀN bằng sữa mẹ, có nghĩa là không được cho trẻ ăn/uống bất kỳ loại sữa công thức hay thực phẩm nào ngoài sữa mẹ, kể cả nước nhưng vẫn có thể bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này thì việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ không thể cho hiệu quả tránh thai.

Nếu trong thời gian cho con bú mà có kinh nguyệt trở lại thì bạn sẽ không còn được bảo vệ khỏi việc mang thai nữa. Cũng rất khó có thể dự đoán thời điểm khôi phục khả năng sinh sản. Bạn sẽ rụng trứng trước khi có kinh nguyệt trở lại vì vậy nên hoàn toàn có thể thụ thai thành công dù chưa thấy hiện tượng ra máu.

Hiện nay có nhiều biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả dành cho những phụ nữ đang cho con bú, ví dụ như các biện pháp không chứa nội tiết tố như vòng tránh thai mạ đồng, bao cao su và màng ngăn âm đạo.

Ngoài ra cũng có một số biện pháp tránh thai nội tiết tố an toàn khi sử dụng trong thời gian cho con bú. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Nói chung, các loại thuốc tránh thai kết hợp liều thấp có chứa cả estrogen và progestin đều có thể sử dụng được một cách an toàn khi cơ thể lành lại hoàn toàn sau sinh. Các loại thuốc chỉ có progestin cũng an toàn khi dùng cho phụ nữ cho con bú.

Kinh nguyệt sẽ thay đổi như thế nào sau sinh?

ky kinh nguyet dau tien sau sinh1
Những thay đổi về kinh nguyệt sau khi sinh

Khi bắt đầu có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh thì rất kỳ kinh đầu tiên sẽ khác so với trước. Cơ thể sẽ phải một lần nữa thích nghi với những thay đổi diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể sẽ gặp một số thay đổi như:

  • Đau bụng kinh nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Máu kinh lẫn các cục máu đông nhỏ
  • Ra nhiều máu hơn
  • Dòng chảy không đều
  • Độ dài chu kỳ kinh nguyệt không đều

Mức độ ra máu vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi sinh thường nặng hơn so với trước. Ngoài ra còn đi kèm với hiện tượng đau bụng dữ dội hơn, do lớp niêm mạc tử cung dày tích tụ và bong ra. Sau đó, những thay đổi này sẽ giảm dần. Trong một số ít trường hợp, ra máu kinh nhiều sau khi mang thai có thể là dấu hiệu của các vấn đề như bệnh lý tuyến giáp hoặc bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis). Cơ tuyến tử cung là tình trạng mô niêm mạc tử cung phát triển bên trong lớp cơ của tử cung.

Mặt khác, những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai thường bị ra máu ít hơn sau khi sinh. Hiện tượng ra máu kinh ít hơn cũng có thể là do hai bệnh lý hiếm gặp là hội chứng Asherman và hội chứng Sheehan. Hội chứng Asherman là tình trạng hình thành mô sẹo trong tử cung. Hội chứng Sheehan là tình trạng tổn thương ở tuyến yên, có thể là kết quả do mất máu nghiêm trọng.

Kỳ kinh đầu tiên sau sinh sẽ như thế nào?

Cho dù là sinh thường hay sinh mổ thì cũng đều sẽ có hiện tượng chảy máu và dịch tiết âm đạo sau khi sinh do cơ thể đào thải máu và lớp mô niêm mạc tử cung đã hình thành trong thời gian mang bầu.

Trong vài tuần đầu, mức độ ra máu sẽ nặng và đi kèm nhiều cục máu đông. Sau một thời gian, lượng máu này sẽ giảm và thay vào đó là sản dịch. Sản dịch là dịch tiết âm đạo sau khi sinh, có chứa máu, chất nhầy và mô niêm mạc tử cung, có nhiều màu sắc khác nhau, từ trong suốt, màu trắng đục cho đến màu đỏ.

Hiện tượng sản dịch có thể kéo dài trong khoảng 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, kỳ kinh nguyệt có thể xuất hiện trở lại nếu như không cho con bú. Nếu nhận thấy chất dịch giống như sản dịch trong vài tuần, sau đó dừng lại một thời gian và rồi bắt đầu hiện tượng ra máu thì khả năng cao là bạn đã có kinh nguyệt trở lại. Nếu không chắc chắn hiện tượng ra máu mà mình gặp phải là sản dịch hay là máu kinh thì có thể phân biệt bằng một số cách như sau:

  • Sau tuần đầu tiên sau sinh, sản dịch thường không có màu đỏ tươi, lượng ít hơn và có kết cấu lỏng như nước, trong suốt hoặc có màu trắng. Hiện tượng ra máu đỏ tươi bắt đầu sau khoảng từ 6 tuần trở lên kể từ khi sinh đa phần là kinh nguyệt.
  • Lượng sản dịch thường tăng lên khi vận động mạnh hoặc gắng sức. Nếu lượng dịch tiết tăng lên khi hoạt động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi thì nhiều khả năng đó là sản dịch.
  • Sản dịch có mùi khác biệt do có trộn lẫn với lượng mô còn sót lại sau mang thai. Tuy nhiên, nếu nhận thấy vùng kín có mùi hôi khó chịu thì cần đi khám bác sĩ.

Sẽ phải mất một thời gian để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường sau khi sinh. Sau kỳ kinh đầu tiên, bạn có thể sẽ bị lỡ từ một đến một vài kỳ tiếp theo rồi kỳ kinh sau đó thường đến sớm hơn dự kiến.

Trong năm đầu tiên sau sinh, việc kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường về độ dài, thời gian của các chu kỳ và mức độ ra máu là điều bình thường, đặc biệt là ở những người cho con bú.

Một thời gian sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở về bình thường, kéo dài từ 21 đến 35 ngày và hiện tượng ra máu kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Nhưng cũng có thể kinh nguyệt sẽ không còn giống với thời gian trước khi mang thai.

Nguyên nhân gây đau nhẹ vào kỳ kinh nguyệt sau sinh

Các cơn đau nhẹ vào kỳ kinh nguyệt sau sinh có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, ví dụ như:

  • Tăng cường độ các cơn co thắt tử cung
  • Sự sản sinh các nội tiết tố trong thời gian cho con bú
  • Khoang bên trong tử cung bị nhỏ lại sau khi mang thai, khiến cho nhiều niêm mạc tử cung bị bong ra vào kỳ kinh nguyệt hơn.

Những dấu hiệu cần chú ý sau sinh

dau hieu can chu y sau sinh
Những dấu hiệu sau khi sinh mà bạn cần đặc biệt phải chú ý.

Một số hiện tượng bất thường cần lưu ý sau khi sinh gồm có:

  • Máu tràn băng vệ sinh sau 1 tiếng
  • Ra máu kèm theo cơn đau đột ngột và dữ dội
  • Sốt đột ngột
  • Ra máu liên tục trong thời gian hơn 7 ngày
  • Có lẫn cục máu đông cỡ lớn
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
  • Đau đầu dữ dội
  • Khó thở
  • Đau buốt khi đi tiểu

Khi có các hiện tượng này hoặc bất cứ dấu hiệu nào mà bạn cảm thấy là bất thường vào kỳ kinh nguyệt sau sinh thì đều phải đi gặp bác sĩ. Một số có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Kết luận

Sự trở lại của chu kỳ kinh nguyệt là một trong những phần bình thường của quá trình hồi phục sau sinh. Ở một số phụ nữ, kinh nguyệt trở lại muộn do sự gia tăng nồng độ hormone trong thời gian cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả nhưng không đảm bảo được 100% sẽ không mang bầu lần nữa. Do đó, nên kết hợp thêm các biện pháp khác, chẳng hạn như uống thuốc tránh thai hoặc đeo bao cao su để tăng thêm sự bảo vệ.

Nếu nhận thấy có bất cứ điều gì không bình thường khi có kinh nguyệt trở lại sau sinh thì cần liên hệ ngay với bác sĩ. Ra máu quá nhiều hoặc các triệu chứng nhiễm trùng đều là những dấu hiệu đặc biệt cần lưu tâm.

Từ khóa » Sinh Xong 2 Tháng Có Kinh