Ký Sự: Săn Mật Ong Bọng đất - Báo Bình Phước

Để chuẩn bị cho một chuyến săn mật ong, anh Công dậy từ 5 giờ sáng mang theo đồ nghề cần thiết gồm: Xà beng, dao, kéo cắt rễ cây, túi ni-lon, làn đựng, lương thực và nước uống cho một ngày rong ruổi tìm mật. Từ xã Phú Nghĩa, chúng tôi theo anh Công di chuyển về hướng Bù Đăng và dừng chân ở con suối lớn trong vườn điều, cà phê ở xã Bom Bo. Sau một hồi tìm hiểu địa hình, địa vật, anh Công gửi xe máy để tìm ong.

DỤNG CỤ ĐẶC BIỆT CỦA NGHỀ ĐẶC BIỆT

Để phù hợp với nghề, anh chế tạo chiếc làn xách tay mà các bà nội trợ dùng khi đi chợ thành một chiếc “gùi” đeo vai. Gùi của anh Công lạ nhưng khá tiện dụng và đeo rất thoải mái. Hai quai đeo được làm bằng cao su nên đeo vào ôm sát người. “Khi đi bắt ong phải luồn qua các bụi cây hay vượt khe, suối nên phải mang loại gùi này. Gùi dùng để cõng thức ăn, nước uống cho một ngày đi dài và đặc biệt là dùng để cõng mật” - anh Công nói.

Anh Công thu hoạch mật ong bọng đất

Tôi được anh giao nhiệm vụ đeo chiếc “gùi”, bên trong đựng một chai nước suối loại 1,5 lít và vác thêm cây xà beng nặng khoảng 3kg. Anh Công cũng đeo một chiếc “gùi” y hệt tôi nhưng cõng tới hai chai nước suối cùng loại, bữa ăn trưa cho hai người và vác thêm chiếc rựa. Vừa đi về con suối cạn khô đáy để lộ những tảng đá, anh vừa nói: “Mùa này suối hết nước nên chúng ta đi dưới lòng suối tìm ong rất thuận lợi”. Con suối chúng tôi đi tìm ong bọng đất là một nhánh ở thượng nguồn sông Đắk Lung (thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng).

Ong bọng thường làm tổ trong hang đất hoặc thân cây bị rỗng ruột. Chính vì thế, anh đã mang theo con dao cò dùng để phát quang khu đất ong làm tổ; một chiếc xà beng dùng để đào đất; chiếc đục để đục cây lấy mật khi ong làm tổ trong thân cây; một chiếc kéo để cắt cành, rễ cây trong tổ ong và túi ni-lon để đựng mật, ké ong.

TÌM ONG VÀ “ĂN MẬT”

Một ngày trải nghiệm với nghề “ăn mật” ong bọng đất, tôi cảm nhận được sự vất vả và những nguy hiểm luôn rình rập mà người săn mật phải đối mặt. Cũng như các loài ong khác, ong bọng đất thường làm tổ gần suối và khu vực có nhiều cây, đặc biệt là cà phê. “Mùa mưa sông, suối đầy nước, nếu lội tìm ong rất khó. Hơn nữa, đi dưới nước mất nhiều sức, nếu sẩy chân hay gặp lũ thì khó giữ được tính mạng. Còn đi trên bờ tìm ong bọng đất thì thua, vì hai bên bờ suối, cây tầm vông, lồ ô mọc kín nên khó phát hiện được tổ ong” - anh Công chia sẻ kinh nghiệm.

Dưới lòng suối, anh Công đi chậm rãi để tìm ong. Đi khoảng 1km anh phát hiện tổ ong bọng đất nằm trong bụi le. Anh dùng dao phát quang khu vực cửa tổ ong. Sau đó, chặt một cành le vót thành con dao để cắt tổ ong ra khỏi hang. Do loài ong này hiền nên khi bắt không cần hun khói. Chuẩn bị xong dụng cụ, anh đào mấp tạo chỗ đứng và dùng xà beng đào đất để bắt ong. Anh cho biết: Ong bọng đất thường làm tổ nông nên đào khoảng 30-50cm là đến “kho mật”. Mình phải đào từng lớp mỏng để không làm giập sáp ong”. Đào đến “kho mật”, anh Công dùng dao bằng cây le cắt từng tảng sáp ong chứa đầy mật cho vào túi ni-lon.

Sau khi lấy hết sáp ong trong tổ, phần sáp ong chứa con non và phần sáp chứa mật được lược bỏ vào hai túi ni-lon riêng biệt. Phần sáp ong chứa mật đem về vắt, lóng sạch sáp bán với giá 600 ngàn đồng/lít. Sáp ong vắt hết mật, ké ong (sáp chứa con non) bán cho người ngâm rượu với giá 100 ngàn đồng/kg. Theo kinh nghiệm, nếu để con non lẫn vào mật sẽ làm mật bị chua, nhanh hỏng. Chính bước sơ chế này đã làm nên thương hiệu mật ong của anh Công.

Đi thêm một đoạn, anh phát hiện và bắt thêm một tổ ong, thu khoảng 2 lít mật. Anh phấn khởi nói, suối này ong nhiều, mật cũng khá. Hôm nay sẽ trúng đậm đây! Tuy nhiên, đi ngược suối thêm khoảng 5km nữa, chúng tôi vẫn không tìm thấy thêm tổ ong nào. Về trưa nắng gắt nên tôi bàn “lui binh”. Anh động viên: làm nghề này không kiên nhẫn là thua. Có khi đi cả ngày không bắt được tổ ong nào nhưng đi thêm chục mét nữa lại phát hiện mấy tổ liên tiếp.

Buổi chiều, chúng tôi quaty về trung tâm xã Bom Bo (Bù Đăng) để anh Công vào nhà người quen mượn cưa máy bắt tổ ong làm trong gốc cây cà chất (do cây to nên không thể dùng đục khoét lỗ lấy mật). Anh gom cỏ khô lẫn lá cây tươi và dùng cây dây leo bó thành một bó đuốc. Xông khói xong, anh dùng cưa máy khoét gốc cây để lấy mật. Trong chốc lát, “kho mật” vàng óng từ bọng cây lộ ngay trước mắt. Anh gạt mớ ong thợ và hớn hở thu “vựa mật”.

VỊ ĐẮNG CỦA NHỮNG LẦN TÌM MẬT

Suốt quãng đường gần 7km, tôi không hỏi chuyện anh nhiều mà chỉ lẽo đẽo theo sau phục vụ anh lấy mật khi tìm được tổ. Lúc nghỉ ăn cơm trưa, anh chia sẻ: “Tôi chỉ tìm ong bọng đất trong mùa khô, còn mùa mưa kiếm việc khác làm. Bởi mùa mưa kiếm ong đã khó lại nhiều nguy hiểm. Sau cơn mưa, rắn thường ra phơi nắng. Nếu bị rắn độc cắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

Không những bị rắn, rết và các loại côn trùng cắn, thợ ong còn gặp nhiều nguy hiểm khi đi kiếm mật. Anh Công nhớ lại: “Cách đây 2 năm, trong lúc tìm ong dọc bờ sông Đắk Quýt, tôi phát hiện một tổ ong nằm lưng chừng vách suối. Quan sát thấy ong thợ ra vào nhiều, tôi đoán tổ này nhiều mật nên mạo hiểm tìm cách bắt. Cách tiếp cận duy nhất là dùng dây thả mình từ trên cao xuống. Ở ngay đoạn suối xa khu dân cư, không mượn được dây thừng nên tôi đành chặt lồ ô đập giập rồi xoắn lại làm dây đu. Do tổ ong làm ở vị trí khó, ít người bắt nên lần đó tôi thu được hơn 5 lít mật. Thế nhưng nghĩ lại thấy mình liều lĩnh, vì đi một mình, nếu chẳng may trượt tay, sẩy chân là không ai cứu giúp”.

Nhất Sơn

Từ khóa » Bọng Ong