Ký Sự Trong Chuyến Học Tập Kinh Nghiệm Quản Lý Nợ Thuế ở Nhật ...
>> Ký sự trong chuyến học tập kinh nghiệm Quản lý nợ thuế ở Nhật Bản (bài 1)
VÀI MẨU CHUYỆN VỀ CÔNG SỞ VÀ CÔNG CHỨC THUẾ CỦA NHẬT
Công sở thuế ở Nhật
Cơ quan Tổng cục Thuế Nhật Bản đặt tại Tòa nhà Công sở Bộ Tài chính, tòa nhà rất nhiều tầng, nhưng Tổng cục Thuế chỉ được bố trí gọn trong phạm vi 2 tầng của tòa nhà.
Cục Thuế vùng Tokyo - Quản lý thuế toàn bộ Thủ đô và các tỉnh lân cận Tokyo, họ chia vùng quản lý thuế không gắn với địa giới hành chính cấp tỉnh như ta. CụcThuế Osaka - cũng tựa như các Cục Thuế vùng khác, quản lý thuế thành phố Osaka, Kyoto và các tỉnh lân cận. Còn Chi cục thuế Kyoto - quản lý thuế thành phố Kyoto và các huyện của các tỉnh lân cận Kyoto, hoàn toàn không gắn với địa giới hành chính.
Công sở cơ quan thuế Nhật Bản từ Tổng cục đến Chi cục khác với ta hoàn toàn: Không tách biệt như ta, không được chia thành các phòng làm việc độc lập về kiến trúc, mà họ để thông diện tích theo sàn, có chỗ gần ngàn m2. Nhìn vào “sàn” làm việc thấy cả trăm người ngồi chung, mỗi người một bàn làm việc đủ rộng để đặt màn hình máy tính, điện thoại bàn có màn hình hiển thị thông tin, tài liệu đang dùng, dưới bàn có các khay tiện dụng để lưu trữ tài liệu tạm thời.
Tại các “sàn” làm việc, họ chia diện tích sàn cho các Phòng, Ban theo khu vực tựa như cách chia ngành hàng trong các sạp bán hàng ở Chợ Vinh, Nghệ An. Giữa các phòng, ban có lối đi rộng, trong từng bộ phận có lối đi hẹp hơn. Trưởng, phó bộ phận được bố trí ngồi ở chỗ có thể quán xuyến công việc của người có liên quan. Lãnh đạo cấp Cục thì có “oai” hơn một tý, có phòng làm việc riêng, có chỗ đủ để làm việc phù hợp, có lối đi cánh biệt “sàn” làm việc của anh em.
Ở cấp Chi cục, chỉ có Chi cục trưởng có phòng riêng nhưng nhỏ và không được có lối đi riêng, muốn vào phòng phải đi qua “sàn” làm việc của các cán bộ khác trong chi cục.
Cách bố trí công sở kiểu này đã được duy trì 119 năm, hiện nay họ cũng không có ý định thay đổi. Nếu nghe mà không thấy có lẽ chẳng ai tin: Không được giới thiệu trước nên khi bước vào “sàn” thấy hơi “ngài ngại”. Cả “sàn” có hàng trăm người làm việc nhưng rất trật tự. Đứng cạnh bên nhìn họ làm việc, nghe họ trao đổi điện thoại với khách hàng, không hề có vách ngăn mà chẳng thấy ồn ào, chỉ thầm thì nói đủ nghe…
Tính tôi hơi tò mò, hỏi hàng ngày họ “chạy” từ ngoại thành cách cả trăm km vào thành phố như người “âm phủ” (vì giá thuê nhà ở nội thành rất đắt) trông họ lôi lôi lếch thếch áo mũ giữ ấm, đồ đạc lè kè, vừa chạy vừa ăn, vừa nghe điện thoại… đến công sở mấy thứ đồ lỉnh kỉnh để đâu? Hóa ra, họ quy định tất cả tư trang và điện thoại cá nhân phải gửi vào ngăn tủ tầng hầm, trong giờ làm việc không được dùng điện thoại cá nhân.
Khi hỏi, "nếu như vậy thì tiền điện thoại cơ quan họ quản lý thế nào?" Họ giải thích và chỉ luôn vào màn hình kết nối điện thoại, khi giao tiếp với người nộp thuế, các thông tin cơ bản sẽ tự động hiển thị hỗ trợ giao dịch (ở Nhật, người nộp thuế buộc phải đăng ký số điện thoại với cơ quan thuế). Các giao dịch điện thoại cá nhân do công chức tự giác đăng ký khi gọi, nếu cố tình gian lận thì kể cả khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác họ vẫn thu hồi như thường.
Và "khó chịu" nhất với ta có lẽ là điện thoại có chương trình cảnh báo “buôn dưa lê”: máy tính sẽ cảnh báo nhắc nhở thời lượng điện thoại cho từng loại hình giao tiếp, nếu cố ý “buôn” thêm thì lãnh đạo bộ phận nhắc ngay lập tức thông qua hệ thống cảnh báo.
Tò mò tìm hiểu cách quản lý thời gian làm việc của họ, tôi lại thấy bất ngờ đến “nổi gai ốc”: Hàng ngày, đến giờ làm việc khi nghe tín hiệu mọi người đồng loạt đứng dậy cúi khom người “hành lễ” như khi chào hỏi. Khốn khổ cho Phòng, Ban nào lỡ có người đi chậm không có lý do thì bộ phận đó không có tín hiệu cho ngồi, mọi người phải đứng nhìn ra cửa chờ người đến chậm vào vị trí “hành lễ” mới được yên thân ngồi xuống làm việc. Thường thì tối đa chỉ 10 phút, để người đến chậm không làm ngưng trệ công việc cơ quan.
Lại nữa, giờ nghỉ buổi chiều của phòng, ban có người đến chậm sẽ bị lùi lại tương ứng. Người đi chậm trong ngày bị đưa sang phòng “cách ly để ngồi viết bản tự kiểm điểm và nghe sếp trực tiếp “to tiếng huấn thị”. Nghe nói có “sếp cỡ hàm tiểu đội trưởng” còn bắt nhân viên viết đi, viết lại nhiều lần…
Có lẽ áp lực thời gian theo kiểu “Võ sỹ Nhật Bản”, ít nhiều cũng gây họa bất ổn: Nghe nói mỗi năm số người chết vì tai nạn giao thông chỉ mấy trăm người, nhưng có trên 5.000 người tự sát vì áp lực công việc (thông tin này là do phiên dịch của Jica cung cấp).
Tuy nhiên, qua tìm hiểu “vỉa hè” tôi đước biết, vì cũng là con người nên công chức của họ cũng giống ta, quản kiểu gì cũng tìm ra cách đối phó và thực tế tìm hiểu kỹ thì thấy cũng không đến nỗi khó chịu như cảm nhận ban đầu: Công chức thuế được chủ động lên lịch làm việc theo tháng, theo tuần và theo ngày: Ngày nào đi cơ sở thì tích thông tin vào máy tính từ xa vẫn được và nghe nói họ vẫn tích hộ cho nhau như thường.
Ông Phi Vân Tuấn (thứ hai từ phải sang), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Trưởng Đoàn công tác của ngành Thuế Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các quan chức ngành Thuế Nhật Bản. |
Đến câu chuyện tuyển dụng…
Những người tốt nghiệp Đại học có ngành đào tạo và kết quả tương ứng yêu cầu tuyển dụng công chức được phép tham dự kỳ thi tuyển (Hồ sơ và lệ phí đều gửi qua mạng). Sau khi trúng tuyển qua kỳ thi tuyển Công chức Nhà nước do một trung tâm dịch vụ công đảm nhận (trung tâm này không thuộc ngành Thuế).
Những người trúng tuyển phải vào học 3 tháng tại Trường Đại học Thuế (nhưng khi tìm hiểu kỹ thì không phải là Đại học mà thực chất tựa như Trường nghiệp vụ thuế bên ta). Chương trình học ở đây, ngoài nghiệp vụ thuế họ phải “học đi, học chạy, học ăn, học nói…”. Khi có chứng chỉ tốt nghiệp khóa của Trường Đại học thuế, họ được phân công tập sự 1 năm làm thư ký, 1 năm 11 tháng tập sự làm cán bộ thuế tại Chi cục thuế vùng, mỗi người sẽ được một người Công chức cũ kèm cặp vào nghề (Nghe nói quan hệ thầy trò này lễ tết được duy trì cả đời).
Khi có lời nhận xét thời gian 2 năm 11 tháng theo “thầy” đạt yêu cầu (Không cần phải có Lãnh đạo Chi cục ký tên đóng dấu như ở Việt Nam ta) những người mới sẽ lại phải về Trường Đại học thuế học nâng cao mới được tiếp nhận chính thức vào ngành Thuế.
Tiếp đến họ cũng lại phải tuần tự công việc qua các phòng, ban từ đơn giản đến phức tạp theo một quy trình định sẵn. Thường thường sau khoảng hơn chục năm họ mới được làm các việc quan trọng hoặc chuyển qua các bộ phận kiểm tra, xử lý… có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế. Nếu chịu được áp lực để trở thành “lão làng” thì kể từ lúc đó họ được pháp luật cho phép thực thi quyền hạn thật là lớn.
Các quyền đó nếu ở Việt Nam ta chắc… có thể dẫn đến lạm quyền, bởi công chức dạng này được quyền quyết định mọi việc trong lĩnh vực của mình, mọi quyết định được cập nhật vào máy tính không phải trình xin cấp trên chuẩn y cho phép, nghĩa là làm theo pháp luật và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ví dụ: Công chức bộ phận Cưỡng chế nợ thuế - ở Cục thuế có Văn phòng giám sát quản lý của Tổng cục Thuế đặt ở tại đó, có các Ban điều tra, Ban thanh tra, Ban đánh thuế, Ban thu thuế, trong một số Ban lại có nhiều Phòng, có những Phòng có tên gọi rất khác ta: Phòng xử lý đặc biệt, Phòng cơ động, Văn phòng tố tụng thuế quốc gia.. có quyền khám xét mọi nơi thuộc quyền sở hữu của DN, được quyền tự mình ban hành quyết định, tự thuê lực lượng tổ chức tịch thu tài sản của người nộp thuế phải cưỡng chế và lại được quyền thuê tư vấn và tổ chức đấu giá bán tài sản thu tiền thuế cho Nhà nước.
Điều này chúng tôi nghe khó tin, khi làm việc với bạn, Đoàn chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nhưng đều được ông Phó Tổng cục trưởng Tổng tục Thuế Nhật và các cấp lãnh đạo ngành Thuế Nhật Bản trả lời như thế. (Xin họ xem văn bản Pháp luật quy định chức năng quyền hạn của của Công chức thuế thì họ nói chưa có bản dịch).
Thông qua người phiên dịch, tôi hỏi: Thủ trưởng cơ quan thuế đóng vai trò gì trong các quyết định hành chính nói trên. Họ đều trả lời, Thủ trưởng cơ quan thuế chỉ quản lý con người, triển khai và theo dõi tiến độ công việc theo kế hoạch định trước, công chức thuế theo chức năng nhiệm vụ được giao tự mình hành sự theo pháp luật và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Thủ trưởng cơ quan thuế không được can thiệp hành chính vào việc làm của công chức. Ngoại trừ khi Văn phòng giám sát quản lý của Tổng cục Thuế thấy có dấu hiệu bất thường thì can thiệp ngăn ngừa hậu quả.
Còn việc tuyển dụng, đào tạo huấn luyện, đãi ngộ... của công chức ngành Thuế Nhật Bản cũng được qui định và thực thi rất rõ ràng, cụ thể.
Về công tác tuyển dụng công chức, họ công khai rõ điều kiện, quy trình tuyển dụng công chức (HRM); Quy trình tuyển dụng Công chức Nhà nước được quản lý bởi Cơ quan nhân sự Quốc gia (NPA). NPA là cơ quan bên thứ 3, trung lập và có trách nhiệm đảm bảo công bằng trong tuyển dụng nhân sự.
Đầu tiên (bước 1), người dự tuyển phải trải qua kỳ tuyển dụng dưới dạng viết (Kế toán, Luật, Kinh tế…); bước 2 là bị phỏng vấn bởi cán bộ cao cấp của Tổng cục Thuế và kiểm tra sức khỏe.
Trước khi thi tuyển, họ cũng cho công khai quy trình, thời gian phải đào tạo sau khi được tuyển dụng, theo tìm hiểu thì tổng cộng người được tuyển phải trải qua 4 năm 3 tháng mới trở thành một cán bộ thu thuế. Trong đó phải trải qua thời kỳ huấn luyện như sau:
3 tháng đào tạo ban đầu tại Đại học thuế => Được phân về Chi cục làm 1 năm công việc thư ký => Đào tạo tăng cường => Tập sự thu thuế, thời gian 1 năm 11 tháng 7 tháng đào tạo nâng cao tại Đại học thuế => Sau đó mới trở thành một cán bộ thu thuế.
Ở Nhật Bản, họ cho công khai bảng lương cho cán bộ thuế (HRM lương, nếu được tuyển dụng sẽ được hưởng): Bảng lương cho cán bộ thuế có 10 bậc, mỗi bậc có 21 cấp, cao hơn công chức các ngành khác khoảng 10%, mỗi năm nâng lương 1 lần.
Mức lương của các Bậc như sau: Bậc 1 (xêm xêm Kiểm thu viên bên ta): Khởi điểm bậc 1: 1.497 USD; Cấp 2 của bậc 1: 1.512 USD… và cấp 21 là cấp cuối cùng của lương Bậc 1 là: 1.934 USD.
Bậc 2: Khởi điểm bậc 2: 2.115 USD; Cấp 2 của bậc 2: 2.134 USD… và cấp 21 Bậc 2 là: 2.475 USD….
Đến bậc 10: Khởi điểm bậc 10: 5.342 USD; Cấp 2 của bậc 10: 5.374 USD… và cấp 21 Bậc 10 là: 5.753 USD. (Trong tài liệu do Jica cung cấp không ghi đơn vị tiền tệ, tôi có hỏi phiên dịch của Jica và một Tiến sĩ kinh tế người Hà Tĩnh có DN kinh doanh tại Nhật, cả 2 giải thích đơn vị tiền tệ trong tài liệu là USD.
Thu nhập tăng thêm ngoài giờ, công tác phí, lễ tết, hệ số tăng thêm, hệ số thâm niên… nghe nói có, nhưng bạn không giới thiệu, hỏi thì bạn cũng... không trả lời.
Còn thời gian nâng lương định kỳ, điều kiện chuyển ngạch, điều kiện nâng lương đột xuất… thì được biết ở Nhật Bản cũng có quy định rất chi tiết và cụ thể.
Thông qua anh bạn đang làm Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tôi được biết: Khi đi làm công chức, người Nhật có cuộc sống tương đối ổn, thuộc nhóm khá trong xã hội. Công chức bình thường cỡ chuyên viên, mẫn cán không vi phạm kỷ luật thì mức lương bình quân trước khi nghỉ hưu khoảng trên 5.000 USD/tháng - mức thu nhập thuộc hàng khá ở Nhật Bản.
Chuyện “thăng quan, tiến chức” của công chức thuế
Ở Nhật Bản, họ cho công khai mô hình thăng tiến mẫu trong ngành Thuế (REF) để cho nhân viên biết nếu phấn đấu tốt thì sẽ được thăng tiến tuần tự như thế nào? Chúng tôi tìm hiểu, thấy có 2 mô hình REF như sau:
* Mô hình thăng tiến của cán bộ được tuyển dụng làm việc tại các Chi cục thuế vùng:
Cán bộ được tuyển => Cán bộ thu thuế => Cán bộ thu thuế cao cấp => Trưởng thu thuế => Trưởng phòng điều phối => Chi cục phó => Chi cục trưởng.
* Mô hình thăng tiến của cán bộ được tuyển dụng làm việc tại các Cục thuế vùng:
Cán bộ thuế => Trưởng bộ phận => Cán bộ thuế cao cấp => Cục phó => Cục trưởng.
Tuổi nghỉ hưu băt buộc đối với công chức là 60 tuổi.
Tôi hơi bất ngờ khi được tiếp cận nội dung này, hóa ra xứ người cái gì họ cũng công khai được? Ở ta áp dụng chắc là khó, bởi xứ ta sống “tình cảm” hơn xứ họ.
Theo mô hình thăng tiến của ngành Thuế Nhật Bản, một cán bộ được tuyển dụng vào ngành Thuế nếu phấn đấu tốt liên tục thì sau 30 năm mới trở thành Chi cục trưởng.
Khi nghiên cứu mô hình thăng tiến chúng tôi mới lý giải được điều băn khoăn: Ban Lãnh đạo các Cục, các Chi cục làm việc với Đoàn Việt Nam đều già và thậm chí là rất già. Ví dụ: Chi cục thuế vùng Kamygyo (Vùng này có Thủ đô cũ của Nhật là Kyoto, thành phố cổ duy nhất còn nguyên vẹn) thành lập cách đây 119 năm và đã có gần 72 “lão làng” làm Chi cục trưởng, ông Chi cục trưởng hiện tại nghe nói mới làm 2 năm và cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu và tại phòng truyền thống của họ có chân dung cả 72 vị Chi cục trưởng này.
Phải chăng cán bộ thu thuế cao cấp của họ (cỡ như Chuyên viên chính bên ta) được pháp luật trao rất quá nhiều quyền hạn và hầu như không bị chi phối bởi những người làm lãnh đạo nên họ không hào hứng đổi mới quy trình thăng tiến chăng? Nghe qua thì nhầm tưởng họ bảo thủ và không chịu “đổi mới công tác tổ chức cán bộ”, nếu thế thì lãnh đạo ngành Thuế Nhật Bản toàn là người lớn tuổi.
Trên thực tế, nghe nói họ có quy định rất nghiêm ngặt và Hội đồng thẩm định quốc gia phát hiện nhân tài để đào tạo thăng tiến vượt cấp. Một trường hợp cụ thể mà chúng tôi được tiếp xúc, đó là ông Phó Tổng cục trưởng thuế Nhật Bản, do có những cống hiến đặc biệt khi làm Chi cục trưởng, ông ta đã được lựa chọn đào tạo bổ sung và sau đó được bổ nhiệm vượt cấp đảm nhận chức vụ hiện tại - không qua các vị trí Phó Cục trưởng, Cục trưởng hoặc tương đương./.
(Bài 3: Hiệu quả thu thuế và thái độ của người dân...)
Nguyễn Hồng Hải – Phó Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An
Từ khóa » Cục Thuế ở Osaka
-
Phòng Thuế Thành Phố Osaka Nằm ở đâu?
-
Hướng Dẫn Sinh Hoạt ở Thành Phố Osaka : Thủ Tục Cuộc Sống - 大阪市
-
Nơi Nộp Thuế Của Tỉnh
-
Thông Tin Nhà Trọ/chung Cư Cho Thuê Tại Quận Phủ Osaka Dành Cho ...
-
Thuê ô Tô ở Osaka: Đặt Thuê Xe Giá Rẻ
-
Hội Các Bà Mẹ Việt ở Osaka - Home | Facebook
-
Hội Các Bà Mẹ Việt ở Osaka - Posts | Facebook
-
[PDF] Những điều Cần Thiết Cho Cuộc Sống ở Osaka
-
Căn Hộ Cho Thuê Tại Osaka, Nhật Bản
-
[PDF] HƯỚNG DẪN NỘP ĐƠN
-
[PDF] Những điều Cần Thiết Cho Cuộc Sống ở Thành Phố Sakai
-
Đóng Thuế ở Nhật - TTS đừng để Mất Tiền Vì Thiếu Hiểu Biết
-
Thủ Tục Hôn Nhân | Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam Tại Osaka