Kỹ Thuật Chụp động Mạch Vành Cản Quang Chọn Lọc Qua Da
Chụp mạch vành là phương pháp chẩn đoán tình trạng tim, giúp lập kế hoạch điều trị chính xác và thực hiện một số thủ thuật can thiệp nhất định.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Anh Minh – Trưởng đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Chụp mạch vành là gì?
Chụp mạch vành hay chụp động mạch vành là một đánh giá hình ảnh học (sử dụng tia X) để chẩn đoán, đánh giá trình trạng dòng máu đang di chuyển trong các động mạch nuôi tim (động mạch vành) và tìm kiếm những vùng đang bị tắc nghẽn. Đây là một phần của nhóm các thủ thuật chung được gọi là thông tim; và chụp mạch vành là thủ thuật thông tim phổ biến nhất hiện nay. (1)
Vì động mạch vành rất quan trọng, đóng vai trò đưa một lượng máu đến cơ tim; do đó, khi động mạch vành bị tắc nghẽn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim (cơ tim bị chết). Với kết quả ghi nhận được từ chụp mạch vành, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp cho từng người bệnh, như phương pháp nong mạch (đặt stent), phẫu thuật bắc cầu hoặc dùng thuốc.
Vì sao cần chụp mạch vành?
Chụp động mạch vành được sử dụng để đánh giá bất thường của động mạch đưa máu nuôi tim. Người bệnh được chỉ định chụp mạch vành khi cần xác định một số vấn đề, như: (2)
- Người bệnh có vấn đề đau ngực (đau thắt ngực);
- Cảm thấy khó chịu ở ngực, khó thở bất thường, hoặc đau thượng vị, vã mồ hôi, nôn ói… nghi ngờ giống với cơn đau tim không điển hình;
- Điện tâm đồ (ECG) không bình thường nghi ngờ thiếu máu cơ tim;
- Siêu âm tim không bình thường nghi ngờ thiếu máu cơ tim;
- Xét nghiệm máu (men tim) bất thường nghi ngờ nhồi máu cơ tim;
- Để xác định người bệnh có bị đau tim;
- Tìm nguyên nhân suy tim là gì, có phải do thiếu máu cơ tim gây ra hay không;
- Bác sĩ nhận định người bệnh có thể bị bệnh động mạch vành, cần phải phẫu thuật tim hoặc đặt stent;
- Kiểm tra mức độ tắc nghẽn của động mạch vành.
Chụp động mạch vành cũng được sử dụng trước hoặc trong thời gian điều trị nhất định, chẳng hạn như:
- Nong mạch vành hoặc can thiệp động mạch vành qua da: một thủ thuật để mở rộng các động mạch vành bị tắc hoặc hẹp.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): để cung cấp thêm dòng máu nuôi động mạch hẹp hoặc bị tắc, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến tim.
- Phẫu thuật van tim: phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim.
- Phẫu thuật ngoài tim: phẫu thuật lớn khác cần đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim để xác định nguy cơ của phẫu thuật
Phân loại
1. Chụp mạch cắt lớp vi tính (CT)
Chụp mạch vành bằng phương pháp chụp CT (thuật ngữ chuyên môn gọi là Multislice Computer Tomography, viết tắt MSCT, nghĩa là chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt) là một phiên bản ít xâm lấn hơn của chụp mạch vành tiêu chuẩn. (3)
Kỹ thuật này sử dụng máy quét cắt lớp vi tính hiện đại, kiểm tra các động mạch cung cấp máu cho tim và có thể được sử dụng để chẩn đoán các tình trạng như bệnh động mạch vành (CAD). Do phản ánh chi tiết hình ảnh của tim và mạch máu, chụp MSCT mạch vành có thể làm nổi bật các mạch máu nào bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Sự khác biệt giữa chụp mạch vành tiêu chuẩn và chụp MSCT mạch vành là ở chỗ: chụp mạch tiêu chuẩn sẽ dùng một ống thông luồng vào động mạch và đưa đến động mạch vành để chụp chọn lọc; còn ở chụp mạch MSCT không yêu cầu luồn ống thông.
Không xâm lấn là một ưu điểm đáng kể của chụp MSCT mạch vành so với chụp mạch vành tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có kết quả chụp MSCT mạch vành bất thường – chẳng hạn như một hoặc một số mạch máu bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp mạch vành tiêu chuẩn để đánh giá chi tiết thêm.
Điều này thường cần để khảo sát chính xác mức độ tắc nghẽn, can thiệp nong đặt stent chỗ tắc nghẽn hoặc xem xét kế hoạch phẫu thuật để điều trị tắc nghẽn. Do đó, trong một số trường hợp, chụp mạch vành tiêu chuẩn có thể có lợi hơn chụp MSCT mạch vành vì bác sĩ có thể tiến hành nong mạch ngay.
2. Chụp mạch vành tiêu chuẩn (Coronary Angiogram)
Chụp mạch vành tiêu chuẩn sử dụng tia X để ghi lại hình ảnh của các mạch máu tim, được thực hiện để kiểm tra sự tắc nghẽn của dòng máu đến tim. Chụp mạch vành tiêu chuẩn cũng có thể chẩn đoán và điều trị các tình trạng liên quan đến tim và mạch máu.
Chụp mạch vành tiêu chuẩn hoạt động bằng cách luồng một ống thông nhỏ vào động mạch gần cổ tay hoặc bẹn sau đó đưa đến động mạch vành một cách chọn lọc để bơm thuốc cản quang vào mạch vành, nhằm làm nổi bật các mạch máu nuôi tim.
Ống thông được đưa vào thông qua một chỗ chích kim và việc này được thực hiện dưới sự gây tê tại chỗ. Khi thuốc cản quang được bơm vào động mạch vành, X-quang chiếu và ghi lại hình ảnh ở khu vực của trái tim trong lồng ngực ở nhiều góc độ khác nhau. Điều này nhằm chẩn đoán hoặc phát hiện bất kỳ vấn đề bất thường nào liên quan đến mạch máu máu nuôi tim của người bệnh, chẳng hạn như xơ vữa động mạch vành gây hẹp, tắc nghẽn.
3. Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA)
Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography – DSA) là một kĩ thuật cung cấp hình ảnh lòng mạch (bề mặt bên trong) của mạch máu bao gồm động mạch, tĩnh mạch. Những hình ảnh này thu được bằng cách sử dụng máy X-quang ghi hình khi thuốc cản quang được tiêm vào lòng mạch máu ở chế độ DSA.
Kỹ thuật này thường được sử dụng để chẩn đoán nhiều loại bệnh về mạch máu. Người bệnh có thể cần phải thực hiện chụp DSA để chẩn đoán các bệnh tắc nghẽn mạch máu gây ra bởi các khối hoặc hẹp trong lòng mạch (bề mặt bên trong) của động mạch và tĩnh mạch.
Chụp động mạch DSA cũng cung cấp một hướng dẫn trực quan về các thủ thuật can thiệp cần thiết để mở thông các động mạch bị tắc nghẽn như nong động mạch, đặt stent động mạch…
Chụp mạch vành có nguy hiểm không?
Cũng giống như các thủ thuật y tế khác, bên cạnh yếu tố lợi ích, chụp mạch vành có cả yếu tố rủi ro. Người bệnh cần phải trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về vấn đề sức khỏe của mình, để từ đó có được những thông tin cụ thể hơn về mức độ rủi ro (biến chứng) khi lựa chọn chụp mạch vành.
Các biến chứng nhỏ có thể bao gồm:
- Chảy máu dưới da tại vết thương: tình trạng này sẽ cải thiện sau vài giờ
- Vết bầm tím: thường có một vết bầm tím từ ống thông trong một vài ngày
- Dị ứng với thuốc cản quang đã sử dụng, gây ra các triệu chứng như phát ban. Người bệnh nên thảo luận về bất kỳ trường hợp dị ứng nào với bác sĩ tim mạch trước khi tiến hành thủ thuật.
Các biến chứng nghiêm trọng hiếm gặp có thể bao gồm:
- Tổn thương động mạch ở cánh tay hoặc bẹn do ống thông, có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho các chi
- Đau tim
- Đột quỵ
- Thận bị suy do thuốc cản quang gây nên
- Tổn thương mô do bức xạ tia X nếu thủ thuật kéo dài
- Chảy máu nghiêm trọng
- Tử vong
Người bệnh có khả năng phát triển các biến chứng do:
- Tuổi tác: Nguy cơ cao hơn ở những độ tuổi lớn hơn
- Điều trị khẩn cấp luôn rủi ro hơn vì có ít thời gian để lập kế hoạch điều trị.
- Nếu người bệnh có bệnh thận, thuốc cản quang được sử dụng trong quá trình chụp, nong mạch vành đôi khi có thể gây thêm tổn thương cho thận
- Có một hoặc nhiều động mạch vành bị tắc nghẽn
- Có bệnh tim nghiêm trọng trước đó
Quy trình chụp mạch vành như thế nào?
1. Chuẩn bị
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh không ăn uống trước 4 tiếng và có thể uống nước không màu 2 giờ trước khi làm thủ thuật chụp mạch vành. Nếu vậy, người bệnh nên tránh các loại thuốc này ít nhất một ngày trước khi làm thủ thuật:
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc điều trị bệnh tiểu đường (Metformin)
Chụp mạch vành sẽ mất từ 15 phút đến nửa giờ để thực hiện. Mặc dù hầu hết mọi người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày (từ 2 – 4 giờ sau khi làm thủ thuật), tuy nhiên người bệnh cũng nên chuẩn bị tinh thần ở lại bệnh viện qua đêm để hồi phục hoàn toàn nếu thấy cần thiết.
Bác sĩ sẽ thăm hỏi người bệnh có bị phản ứng với thuốc cản quang; hay có đang dùng sildenafil (Viagra hoặc Revatio) hoặc đang mang thai hay không. Người bệnh nên đi tiểu trước khi chụp mạch vành vì chụp mạch vành có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn tiểu.
Vì sự an toàn của người bệnh thì nên có người thân, người nhà đến đưa đón trong ngày làm thủ thuật chụp mạch vành, không nên tự lái xe về nhà (nếu xuất viện cùng ngày).
2. Thực hiện
Người bệnh sẽ nằm ngửa để làm thủ thuật chụp mạch vành. Bác sĩ sẽ cung cấp một loại thuốc khiến người bệnh cảm thấy thư giãn nhưng vẫn đủ tỉnh táo để làm theo hướng dẫn. Điện tâm đồ (ECG) sẽ theo dõi nhịp tim người bệnh trong suốt quá trình thực hiện.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để giúp người bệnh không có cảm giác đau ở vị trí cẳng tay hay dưới bẹn – nơi bác sĩ tiếp cận động mạch. Người bệnh có thể thấy nhói nhẹ nhưng không cảm thấy đau. Một ống thông nhỏ sẽ được đưa vào động mạch của người bệnh.
Ống này đóng vai trò như một chiếc cổng nhỏ, giúp dây dẫn và ống thông đi qua để đưa đến động mạch vành người bệnh. Một máy chụp X-quang sẽ quay xung quanh, cho phép bác sĩ nhìn thấy ống thông đang đi đến đâu từ mọi góc độ. Người bệnh sẽ không cảm thấy ống đi qua mạch máu của mình.
Sau khi đưa ống thông vào động mạch vành người bệnh, bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang vào ống thông và thông qua tia X để xem thuốc cản quang đi qua động mạch vành người bệnh như thế nào. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy ấm khi thuốc cản quang ngấm vào cơ thể. Trong một vài trường hợp hiếm gặp, ngực của người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi thuốc cản quang ngấm vào ngực.
Bác sĩ sẽ đánh giá liệu có bất kỳ thứ gì (như cholesterol hoặc mảng bám) cản trở máu đi qua động mạch vành của người bệnh hay không. Nếu nhìn thấy thứ gì đó cản trở dòng máu, bác sĩ có thể thực hiện thông tắc nghẽn bằng một quả bóng (một thủ thuật gọi là nong mạch), sau đó đặt stent (một giá đỡ kim loại thường được phủ một lớp thuốc) để giữ cho động mạch của người bệnh thông thoáng. Nong mạch và đặt stent là những thủ thuật can thiệp mạch vành qua da (PCI). Điều này có thể được thực hiện ngay sau đó hoặc sau một thời gian.
3. Theo dõi và xử lý biến chứng
Khi chụp mạch vành xong, bác sĩ sẽ lấy ống thông ra. Tại vị trí rút ống thông có thể bị chảy máu, vì vậy bác sĩ sẽ băng ép lên đó trong ít nhất 2-6 giờ để cầm máu. Người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ ở đó. Nếu ống thông còn lưu lại ở trong động mạch ở bẹn người bệnh, bác sĩ sẽ cố định và rút ra sau đó.
Người bệnh có thể cần nằm ngửa trong vài giờ nếu ống thông ở bẹn. Thông thường, người bệnh về nhà cùng ngày sau khi chụp mạch vành. Mặc dù nhiều người đặt stent vẫn có thể về nhà ngay trong ngày, nhưng nếu thủ thuật phức tạp hoặc được thực hiện vào buổi chiều, người bệnh nên ở lại qua đêm ở bệnh viện để phục hồi tối đa.
Người bệnh có thể cảm thấy mệt sau khi chụp mạch vành, vết thương sẽ nhạy cảm hoặc bầm tím trong vài ngày trở lên. Người bệnh nên hạn chế các hoạt động mạnh trong vài ngày sau khi về nhà.
Chăm sóc sau khi chụp mạch vành
Người bệnh cần tuân thủ các yêu cầu trong việc chăm sóc sức khỏe ở nhà sau khi chụp mạch vành như:
- Giữ tinh thần và cơ thể thư giãn;
- Uống nhiều nước;
- Tuyệt đối không hút thuốc cũng như uống rượu;
- Không nên lái xe, vận hành các loại máy móc lớn;
- Tháo băng sau 4-6 giờ tại tay hoặc sau 24 giờ tại vùng bẹn; nếu có rỉ dịch nhỏ thì băng lại trong 6-8 giờ;
- Trong 2 ngày sau đó, không tập thể dục thể thao quá nặng, không quan hệ tình dục;
- Có thể tắm nhưng không được sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc sử dụng hồ bơi trong ít nhất 3 ngày;
- Không được bôi kem dưỡng da gần chỗ bị thủng trong 3 ngày.
Một số lưu ý của bác sĩ
Người bệnh nên liên hệ bác sĩ điều trị hoặc bệnh viện nếu gặp phải các tình huống sau chụp mạch vành, như: (4)
- Vết thương trở nên đau, sưng, đỏ hoặc tiết dịch nhiều;
- Xuất hiện một cục cứng, mềm (lớn hơn kích thước của hạt đậu) dưới da xung quanh vết thương;
- Sốt, nhiệt độ cao;
- Có sự đổi màu, lạnh hoặc tê ở chân hoặc cánh tay ở cùng một bên của cơ thể – nơi ống thông được đưa vào;
- Nếu thấy vết thương chảy máu, người bệnh hãy ấn vào chỗ đó để cầm máu;
Được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D hiện đại, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 – 3 Tesla, MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp mạch vành hiện đại tích hợp đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành và siêu âm trong lòng mạch…, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh tiếp nhận và điều trị cho người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, thiếu máu cơ tim…).
Phác đồ điều trị được xây dựng cá thể hóa cho từng người bệnh, đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của ca bệnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Chụp mạch vành có thể giúp bác sĩ xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Chẳng hạn, dựa trên kết quả chụp mạch vành, bác sĩ quyết định rằng người bệnh sẽ được lợi khi nong mạch vành hoặc đặt stent để giúp thông các động mạch bị tắc. Hoặc cũng có thể nong mạch hoặc đặt stent được thực hiện trong quá trình chụp mạch để tránh phải thực hiện nhiều thủ thuật, xét nghiệm khác.
Từ khóa » Msct Mạch Vành Là Gì
-
Vai Trò Của MSCT Mạch Vành Trong Chẩn đoán Bệnh Lý Mạch Vành
-
Chụp CT Mạch Vành | Vinmec
-
Chụp MSCT đánh Giá Bệnh Lý Mạch Vành | Medlatec
-
Chụp CT Mạch Vành: ưu Nhược điểm Và Những Lưu ý Khi Thực Hiện
-
TÌM HIỂU VỀ PHƯƠNG PHÁP CHỤP CT ĐỘNG MẠCH VÀNH
-
Chụp CT Mạch Vành, Những điều Cần Biết - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
Chụp CT Mạch Vành – Chìa Khóa Trong điều Trị Bệnh động Mạch Vành
-
Vai Trò Chụp Vi Tính 64 Lát Cắt (MSCT 64) Trong Bệnh Lý động Mạch Vành
-
MSCT Mạch Vành Là Gì? Tại Sao Người Bệnh Mạch Vành Cần Thực ...
-
Chụp Mạch Vành: Có Nguy Hiểm Không? - YouMed
-
Chụp Mạch Vành | Bệnh Viện Việt Pháp
-
Chụp Mạch Vành Và Những Thông Tin Có Thể Bạn Chưa Biết
-
CT Mạch Vành | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Chụp Cắt Lớp Vi Tính Trong Bệnh Lý Tim Mạch | BvNTP