KỸ THUẬT ĐÁ BÓNG CƠ BẢN KIỂM TRA VÀ THI

Skip to main content Top Top KỸ THUẬT ĐÁ BÓNG CƠ BẢN KIỂM TRA VÀ THI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG                

BỘ MÔN: GIÁO DỤC THỂ CHẤT   

            

KỸ THUẬT ĐÁ BÓNG CƠ BẢN KIỂM TRA VÀ THI

TS. Hàng Quang Thái

Bộ môn Giáo Dục Thể Chất

hqthai@agu.edu.vn

0903009599

Giảng viên chính Ths. Văng Công Danh

Bộ môn Giáo Dục Thể Chất

vcdanh@agu.edu.vn

0918145745

Ths.Trần Ngọc Hùng

Bộ môn Giáo Dục Thể Chất

tnhung@agu.edu.vn

0918000508

 

I. ĐÁ BÓNG BẰNG LÒNG BÀN CHÂN

(Nội dung kiểm tra thường xuyên)

          Kiểu này được sử dụng rất nhiều trong quá trình thi đấu, khi cần chuyền bóng chính xác đối với mọi vị trí trên sân. Nhưng do đặc điểm tiếp xúc bóng và biên độ vung chân mà  kiểu đá bóng này không  thể làm bóng bay xa được (phải luyện tập gian khổ lắm mới có thể chuyền bóng với khoảng cách 30 – 35m; trong khi các động tác đá mu giữa, mu rong… bóng bay xa từ 50 – 60m không phải là điều khó khăn lắm). Bởi thế, kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân để   dùng chủ yếu để chuyền bóng ở cự ly ngắn trung bình và có thể đá vào cầu môn ghi bàn thắng (hình 17).

Description: 17

Hình 17

  1. Giai đoạn chạy lấy đà.

Cự ly chạy đà từ 3 – 4m, hướng chạy đà thẳng với mục tiêu định đá bóng tới, tốc độ chạy đà không cao lắm vì mục đích chủ yếu là đá chính xác chứ không phải là đá mạnh; mặt khác, nếu chạy đà quá nhanh thì làm động tác đá bóng bằng lòng bàn chân gặp nhiều kkhó khăn và ảnh hưởng đến độ chính xác của kiểu đá (mà đó là ưu điểm căn bản của động tác đá bóng này). Động tác vung tự nhiên, mắt quan sát bóng và mục tiêu định đá đồng thời xác định khoảng cách giữa người và bóng để sắp xếp bước chạy đà thích hợp và thoải mái.

  1. Giai đoạn đặt chân trụ.

Đặt chân trụ bắt đầu từ chân trụ chuyển qua cả bàn chân, hướng mũi chân về hướng định đá bóng. Chân trụ đặt cách bóng khoảng 10 – 15cm đầu bàn chân đặt ngang vơi bóng (xê dịch trong khoảng từ mép trước tới mép sau của bóng). Cách đặt chân trụ còn phụ thuộc vào thói quen của từng cầu thủ.

Đầu gối chân trụ hơi khuỵu để hạ thấp trọng tâm, vừa giảm xung động vừa giữ được thăng bằng tốt để cho chân đá thực hiện động tác.

  1. Giai đoạn vung chân lăng.

Khi chân trụ đặt xuống đất thì chân đá tiếp tục lăng về sau. Nhờ sự tham gia của các cơ duỗi đùi và co cẳng chân mà biên độ đùi, cẳng chân được mở về phía sau. Khi sắp kết thúc lăng chân về sau thì cũng là lúc đầu gối và bàn chân bắt đầu dần dần bẻ ra ngoài. Trở lại động tác đưa chân đá về trước thì việc bẻ bàn chân ra ngoài (mũi chân xoay ra ngoài) vẫn tiếp tục. Tốc độ chuyển động của bàn chân (cùng với cẳng chân và đùi) khi vung về trước tăng dần.  Do động tác xoay bàn chân mà ta có cảm giác là tốc độ gót chân tiến nhanh hơn mũi chân để tới khi sắp chạm bóng thì bàn chân đá xoay ngang 90o (so với hướng chuyển động). Khi cầu thủ có cảm giác là bàn chân đã xoay vừa độ thì cố gắng giữ cố định cảm giác đó, khớp cổ chân trở nên vững chắc để bước sang giai đoạn tiếp xúc bóng.

  1. Giai đoạn tiếp xúc bóng.

Hình 18: Vị trí tiếp xúc

Bóng của bàn chân

Diện tiếp xúc bóng chân là tam giác phía trong của bàn chân. Bàn chân thường thẳng về mục tiêu đá bóng tới để cho lòng bàn chân tiếp xúc đúng phần giữa của quả bóng, như vậy lực sẽ đi qua tâm của bóng làm cho bóng đi thẳng và mạnh. Nếu muốn cho bóng đi bổng thì thân người ngả về phía sau, chân đá chạm phía dưới quả bóng, làm lực tác dụng qua tâm theo chiều từ dưới lên làm cho bóng bay bổng (hình 18).

 

  1. Giai đoạn kết thúc.

          Theo quán tính của chân đá, sau khi tiếp xúc bóng chân đá tiếp tục đưa về phía trước để phát huy hết lực. Khi bóng rời chân, động tác chân vẫn còn vung về  trước và lên cao một chút, sau đó cầu thủ xoay cổ chân và đùi trở về tư thế bình thường (không bẻ ra ngoài) sau đó hạ xuống, bước thêm 1,2 bước  rồi dừng lại.

II. ĐÁ BÓNG BẰNG MU GIỮA BÀN CHÂN (CHÍNH DIỆN)

(Nội dung thi kết thúc học phần)

          Là kiểu đá bóng cơ bản và thông dụng trong thi đấu. Kiểu đá này có nhiều ưu điểm, tạo cho đường bóng đi căng và chính xác nên bên cạnh tác dụng chuyền bóng; nó có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong sút bóng vào cầu môn ghi bàn thắng hay phá bóng.

  1. Giai đoạn chạy đà.

Đường chạy lấy đà thẳng với hướng đá bóng đi. Tốc độ chạy đà tăng dần để có tốc độ lớn khi đá bóng. Khác với kiểu chạy của vận động viên điền kinh, ở đây độ dài bước chạy ngắn hơn nhưng tần số bước khá lớn, bước chân tiếp xúc đất không vượt trước hình chiếu xuống mặt đất của thân, thân người hơi lao về trước một chút. Động tác chạy đà như thế bảo đảm cho việc giữ thăng bằng của cơ thể và điều chỉnh cho giai đoạn đặt chân trụ đúng.

          Bước cuối cùng bao giờ cũng dài hơn các bước trước để có thể đặt chân trụ thích hợp và có đủ thời gian lăng chân đá về sau; độ dài này tuỳ thuộc vào tốc độ chạy nhanh hay chạy chậm.

          Biên độ động tác tay vung về cơ bản là lớn; tránh chạy đà cứng nhắc, không thả lỏng vừa phí sức vì căng thẳng, vừa ảnh hưởng tới nhịp điệu và độ chính xác của của toàn bộ động tác đá bóng

  1. Giai đoạn đặt chân trụ.

Giai đoạn này tạo thành điểm tựa vững chắc của trọng tâm cơ thể để chân đá làm nhiệm vụ mấu chốt toàn bộ của toàn bộ động tác tiếp xúc bóng.

Nếu cầu thủ đá chân phải thì đặt chân trái làm trụ sang bên trái của bóng và ngược lại. Động tác đặt chân từ gót, rồi chuyển sang cả bàn chân chống đất, cách bóng một bàn chân (10 đến 15cm) về phía mũi bàn chân trụ đặt trong phạm vi từ ngang mép dưới của bóng (tuỳ thuộc vào tầm vóc và  thói quen của từng cầu thủ) theo hướng định đá bóng đi.

Đầu khối chân trụ hơi khuỵu khi chân chống đất làm giảm độ lao của cơ thể đang chuyển động về phía trước và thân người hơi ngả sau tạo thế cân bằng cho cơ thể. Nhờ thế, cơ thể ở tư thế vững chắc để làm động tác kế tiếp.

Thân trên ở giai đoạn này thả lỏng, hai tay theo phản xạ nên tay hơi dang ngang để giữ thăng bằng, trọng tam cơ thể dồn hoàn toàn vào chân trụ.

Khi đặt chân trụ, nếu đặt từ mũi bàn chân xuống gót thì việc giảm độ lao của cơ thể không tốt, người không giữ được thăng bằng mà đổ về trước, do đó chân đá chưa vung hết ra sau đá phải vội vàng lăng về trước, lực đá bị yếu (do không phát huy hết khả năng làm việc của cơ) độ chính xác bị giảm.

Khi đặt chân trụ so với bóng không thích hợp thì:

    • Nếu đặt chân trụ sau bóng quá (đá vỡ) sẽ làm bóng bay lên cao (đá vọt).
    • Nếu đặt chân trụ trước bóng quá sẽ làm bóng đi yếu và sệt.
    • Nếu đặt chân trụ không song song với bóng (bẻ ra ngoài hoặc bẻ vào trong), hoặc xa bóng, gần bóng quá sẽ làm bóng bay lệch sang bên phải hoặc trái (hình 19).
  1. Giai đoạn vung chân lăng.

Là giai đoạn phát lực chủ yếu, tạo tốc độ vung chân lớn nhất để tác dụng lực vào bóng mạnh. Tốc độ vung chan lăng kết hợp vối tốc độ chạy đà quyết định sức mạnh của động tác đá bóng.

Hình 19. Đá bóng mu chính diện bàn chân

Trong khi chân trụ đang chạm đất thì theo động tác chạy bình thường, chân đá tiếp tục văng về phía sau. Nhưng lúc này không còn là động tác vung bình thường khi chạy mà xuất phát từ ý thức tạo lực đá mạnh nên cầu thủ kết hợp dùng sức đưa chân về sau với biên độ lớn hơn (do những cơ duỗi đùi và gấp cẳng chân làm việc khẩn trương nên động tác đánh lăng về sau thực hiện tốt). Tác dụng của việc đánh chân về sau nhằm kéo dài biên độ hoạt động, tăng thêm lực đá bóng (hay tốc độ vung chân) khi đưa về trước. Mặt khác, do đưa chân ra sau với biên độ lớn hơn mà kéo căng được các nhóm cơ phía trước đùi và và hông, tận dụng được sức mạnh co cơ khi làm động tác duỗi cẳng chân và gấp đùi để đá bóng đi.

 

Sau khi chân lăng vung hết ra sau thì chuyển động ngược trở lại để đá bóng. Lúc này, chân trụ khuỵu xuống thêm một chút và cẳng chân trụ hơi đổ về phía trước nhằm giữ thăng bằng cho cơ thể. Ban đầu, chân lăng đưa về trước, chủ yếu theo trục của khớp hông (các cơ gấp đùi) bên cạch đó, khớp gối cũng làm trụ cho cẳng chân duỗi ra ở mức độ không đáng kể. Khi đùi gần tới phương thẳng đứng thì trục chuyển động chủ yếu lại là khớp gối, tuy đùi vẫn tiếp tục chuyển động, nhưng cẳng chân “bật” mạnh về trước với lực rất bột phát.

Khi thực hiện giai đoạn vung chân lăng, các cầu thủ mới tập chưa hiệp đồng hoạt động tốt các cơ nên vung chân ra trước không khống chế được chân lăng theo đúng hướng (thẳng góc với trục phải trái) nên ảnh hưởng tới lực tác dụng và độ chính xác khi chân chạm bóng, hoặc động tác vung chân không nhịp nhàng làm tốn sức và  tốc độ vung chân bị giảm.

  1. Giai đoạn tiếp xúc bóng.

Là giai đoạn quan trọng nhất quyết định toàn bộ kỹ thuật đá bóng mặc dù chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn khi mu giữa bàn chân chạmbóng. Vị trí tiếp xúc chỉ rõ kiểu đá bóng và điều chủ yếu là bảo đảm độ chính xác và sức mạnh của động tác đá bóng. Khi vung chân lăng về trước, bàn chân đã dược duỗi thẳng (do tác dụng co cơ của các cơ: dài gấp chung các ngón, cơ cẳng chân sau) và đế giai đoạn tiếp xúc bàn chân vẫn giữ ở tư thế duỗi thẳng, chúc mũi chân xuống đất. Vị trí tiếp xúc của bàn chân với bóng là phần trên của bàn chân, kể từ các khớp ngón cổ chân (phần buộc dây giầy) bao gồm bề mặt các xương hộp, xương sên, xương  chêm và một phần của 4 đốt đầu 4 xương bàn. Các xương này liên hệ với nhau bởi những khớp bán động nên tạo thành một khối vững chắc và phẳng. Độ vững chắc của vị trí tiếp xúc giúp cho việc tăng độ đàn hồi, làm sức mạnh của động tác đá tốt hơn; mặt phẳng diện tiếp xúc bảo đảm độ chính xác của động tác đá bóng. Vị trí bóng được tiếp xúc là chính mặt sau của bóng làm cho lực đá từ bàn chân truyền qua bóng phải thông qua tâm bóng mà đẩy về phía trước. Chỉ có như vậy, động tác đá mu giữa mới đảm bảo độ chính xác và đường bóng bay thẳng (hình 12a).

 Đối với những người mới tập, do khống chế khớ cổ chân không tốt (các dây chằng và cơ không cố định được các khớp) nên khi tiếp xúc với bóng, cổ chân, bàn chân thả lỏng làm cho đường bóng đi yếu, không chính xác và dễ gây chấn thương, hoặc người tập không duỗi thẳng bàn chân nên động tác tiếp xúc có nhiều hướng đẩy bóng lên, bóng đi bổng và không mạnh. Khi tiếp xúc bóng thì đầu gối của chân đó nhô về trước ngang vớùi mặt phẳng đứng phía trước của bóng. Như thế sẽ tránh được sai sót thường mắc là nhô thân về trước (tụt hông) hoặc ngả người về sau quá (hình 12b).

Description: 12

 

  1. Giai đoạn kết thúc.

Có tác dụng bảo đảm cho toàn bộ động tác được nhịp nhàng, thoải mái, tránh những động tác làm giật cục, có có thể gây chấn thương. Bản thân giai đoạn kết thúc không còn ảnh hưởng gì tới bóng nữa, nhưng nếu cầu thủ cố tình không thực hiện động tác kết thúc (sau khi tiếp xúc, chạy thêm một vài bước để giảm tốc độ và thả lỏng cơ hoạt động) thì lại có ảnh hưởng tới những giai đoạn trước. Với tâm lý muốn ghìm chuyển động (không làm động tác kết thúc), nên ngay trong khi tiếp xúc đã vội vã co chân lại, hoặc tư thế thân người ngả không hợp lý để giảm tốc độ. Chính với ý thức như vậy làm cho động tác trước đó (như tiếp xúc bóng) trở nên thiếu chính xác và động tác vung chân không thoải mái, kết quả là đường bóng đi cũng không mạnh và chính xác.

III. ĐÁ BÓNG BẰNG MU TRONG BÀN CHÂN (MÁ TRONG)

(Nội dung thi kết thúc học phần)

          Kiểu đá bóng này được sử dụng rất phổ biến vì động tác thực hiện dễ, thuận lợi khi bóng lăn theo mọi hướng, bóng bổng, bóng chết… và có tác dụng rất lớn trong nhiệm vụ chuyền bóng. Cầu thủ còn dùng động tác này để sút bóng vào cầu môn và phá bóng. Động tác đá bóng bằng mu trong tương đối dễ tập luyện và cũng có thể đá được xa và mạnh (hình 13).

Description: 13

 

  1. Giai đoạn chạy lấy đà.

Do đặc điểm tiếp xúc bóng (bằng mu trong) nên chạy lấy đà của kiểu đá này chếch với hướng đá bóng đi chừng 45o. Khi chạy lấy đà, tốc độ tăng dần, bước gắn, tần số cao để dễ điều chỉnh bước cuối cùng khi đặt chân tru. Bước cuối cùng khi chuẩn bị đặt chân trụ phải dài để giảm độ cao của cơ thể về phía trước, tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp. Do hướng chạy đà chếch như vậy nên thực tế thân người hơi ngả về phía trong, đường chạy đà hơi vòng. Đá bóng “chết” cự ly chạy đà là 6 – 7 mét.

  1. Giai đoạn đặt chân trụ.

Giai đoạn này vẫn có tác dụng là nhằm tạo thành điểm tựa vững chắc của trọng tâm cơ thể trong khi chuyển động với tốc độ lớn đẻ chân đá có thể tự do hoạt động. Đặt chân trụ trong kỹ thuật này là bẻ bàn chân ra phía ngoài để mũi chân thẳng với hướng định đá bóng đi. Thứ tự đặt chân trụ là từ gót chân chuyển qua má ngoài rồi tới mũi bàn chân.

Tư thế thân người nghiêng về phía chân trụ và hơi ngả về phía sau đầu gối chân trụ hơi khuỵu để giữ thăng bằng. Trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ.

Vị trí chân trụ đặt cách bóng chừng 25 - 30 cm về phía bên và lùi về phía sau của bóng một chút (đường tiếp tuyến của bóng với mặt đất). Tất nhiên tuỳ tầm vóc và đặc điểm của từng cầu thủ mà đặt chân trụ cho thích hợp. Sở dĩ khi đá bóng bằng mu trong lại phải đặt chân trụ xa bóng 25 - 30cm hơn các động tác đá khác (như mu giữa) là do đặc điểm chạy đà chếch, vung chân theo đường vòng và phải bẻ chân đá bóng bằng mu trong của động tác này. 

  1. Giai đoạn vung chân lăng.

Do đưòng chạy đà hơi vòng và lệch hướng 45o cho nên động tác vung chân có khác khi đá bóng bằng mu giữa.

Khi vung chân về sau đùi hơi mở ra do ảnh hưởng của các cơ duỗi dạng và xoay đùi ra ngoài (cơ mông lớn, mông nhỡ và mông bé). Đường vung chân về sau hơi chếch về phía chân trụ. Để giữ thăng bằng cho cơ thể, tay đối diện với chân lăng cũng đánh mạnh về sau, thân người ngả vặn đối lập với hướng vung chân tạo cho tư thế cơ thể căng ra như hình cánh cung.

Động tác vung chân về trước có quỹ đạo ngược chiều với hướng vung chân về sau lúc này bàn chân duỗi hết và hơi bẻ ra ngoài, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp xúc bóng. Động tác vung chân về trước làm cho đùi hơi khép lại và khi đùi gần tới phương thẳng đứng thì đường chuyển động của thân gần như thẳng hàng với hướng xút bóng (tất nhiên lúc đó bàn chân vẫn bẻ ra ngoài). Tay đối diện với chân đá và thân người gập xuống vừa làm nhiện vụ giữ thăng bằng vừa hỗ trợ cho hoạt động của cơ chân.

  1. Giai đoạn tiếp xúc bóng.

Description: 14 Vị trí tiếp xúc của chân với bóng là cạnh trong của các xương giữa bàn chân – tính từ ngón cái tới phía trong mắt cá chân (hình 14). Do đường vung chân khi đá mu trong tạo thành một mặt phẳng cắt mặt phẳng của đất bằng một góc nhọn nên mu trong bàn chân tiếp xúc với bóng cũng theo diện tiếp xúc hơi chếch. Bàn chân tuy bẻ ra ngoài nhưng giữ ở tư thế vững chắc. Nhờ thế mà động tác đá vẫn mạnh và cổ chân không bị chấn thương (do thả lỏng).

Mặt khác, măïc dù đường vung chân chếch nhưng mu trong bàn chân tiếp xúc đúng phía sau của bóng và lực đá vẫn thông qua tâm bóng về phía trước (đường vung chân lúc này hầu nhu thẳng hướng về trước). Vì thế động tác đá bóng bằng mu trong vẫn có thể làm cho đường bóng đi thẳng và không bi xoáy.

Những cầu thủ mới tập thường mắc khuyết điểm không duỗi hết mu bàn chân và tiếp xúc bóng lệch sang bên ngoài của tâm bóng (so với người đá). Vì thế bóng thường không đi đúng mục tiêu và bị xoáy, lệch hướng. Đồng thời, khi bị phân tán lực nên đường bóng đi yếu, không bay được xa.

Đối với những cầu thủ có trình độ kỹ thuật vững vàng, có thể vận dụng điều khiển đá bằng mu trong bào chân để đá vòng cung. Đường bóng đi theo “hình qủa chuối” vì cầu thủ chủ động tiếp xúc lệch ra phần ngoài của tâm bóng, miết từ phía ngón cái lướt vòng qua lòng bàn chân. Chính cầu thủ thường dùng động tác này để chuyền bóng qua đối phương cho đồng đội của mình sút vào cầu môn.

  1. Giai đoạn kết thúc.

Khi đá bóng đi thì tiếp tục đưa hông về  trước. Chân đá sau khi vung về trứơc thì hạ xuống đất tiếp tục bước 1, 2 bước để giả m tốc độ chuyển động của cơ thể (thông thường sau khi tiếp xúc bóng, chân đá vung sẽ làm  tư thế người hơi bị vặn nên sau đó cần làm động tác thả lỏng để cơ bắp trở lại hoạt động nhẹ nhàng). Hai tay dang rộng tự nhiên để giữ thăng bằng cơ thể.

Bộ môn Giáo dục thể chất

 

Tìm kiếm
Hình ảnh hoạt động
Xem thêm
Thông tin chính
  • Học tập
  • Thể thao - giải trí
  • Hoạt động ngoại khóa
  • Video
Các bộ môn
  • Thumb Bóng
  • Thumb Bơi
  • Thumb Cầu Lông
  • Thumb Cờ
  • Thumb Quần Vợt
  • Thumb
  • Thumb Điền Kinh
  • Thumb Đá Cầu
Liên kết
  • Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
  • Đại Học Thể Dục Thể Thao Bắc Ninh
  • Đại Học Sư Phạm Thể Dục Thể Thao TP.HCM
  • Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM
  • Đại Học CầnThơ
  • Viện Khoa Học Thể Thao
  • Tạp Chí Thể Thao
  • Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng

Từ khóa » Những Kỹ Thuật đá Bóng Bằng Lòng Bàn Chân