Kỹ Thuật điều Chỉnh Lợi Nhuận Của Nhà Quản Trị Doanh Nghiệp

Điều chỉnh lợi nhuận theo ý muốn chủ quan của nhà quản trị (NQT) là hành động làm thay đổi lợi nhuận kế toán nhằm đạt được lợi nhuận mục tiêu thông qua công cụ kế toán. Tùy theo mục tiêu khác nhau của NQT, điều chỉnh lợi nhuận nhằm tăng giá cổ phiếu, giảm thiểu chi phí thuế TNDN, hưởng lợi tối đa từ việc ưu đãi thuế hoặc thu hút vốn đầu tư,...

Động cơ để NQT thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận có thể là công ty lần đầu niêm yết trên TTCK hoặc trong đợt phát hành thêm cổ phiếu, khi thuế suất thuế TNDN thay đổi, khi công ty được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế TNDN. Cần lưu ý rằng, hành vi điều chỉnh lợi nhuận này là hợp pháp, vì kỹ thuật điều chỉnh nằm trong chuẩn mực kế toán quy định.

Tùy theo mục tiêu cụ thể mà NQT doanh nghiệp (DN) có thể điều chỉnh lợi nhuận tăng hoặc giảm. Cụ thể, các NQT có thể sử dụng một số kỹ thuật điều chỉnh sau:

1. Vận dụng phương pháp kế toán

a) Thời điểm ghi nhận doanh thu: DN có thể điều chỉnh thời điểm lập hóa đơn lệch vài ngày, có thể làm gia tăng hoặc giảm doanh thu trong kỳ. DN cũng có thể vận dụng phương pháp phần trăm hoàn thành, để ghi nhận doanh thu trong hợp đồng cung cấp dịch vụ và hợp đồng xây dựng. Phương pháp này, cho phép DN ghi nhận mức doanh thu lớn hơn hoặc nhỏ hơn thực tế theo tỷ lệ ước tính tiến độ thực hiện hợp đồng.

b) Chính sách kế toán đối với hàng tồn kho: Đối với tính giá thành sản phẩm, lựa chọn phương pháp tính giá thành sản phẩm và phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang có thể làm thay đổi giá thành sản phẩm, từ đó có thể điều chỉnh giá vốn hàng bán. Đối với xác định giá trị hàng xuất kho, lựa chọn phương pháp tính giá hàng xuất kho (bình quân, nhập trước - xuất trước, nhập sau - xuất trước, đích danh) có thể làm thay đổi giá vốn hàng bán trong kì. Chính sách lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thay đổi giá bán và chi phí ước tính để thay đổi mức lập dự phòng, điều chỉnh chi phí trong kì.

c) Thời điểm ghi nhận chi phí: NQT có thể dịch chuyển một vài chi phí từ niên độ này về các niên độ sau hoặc ngược lại sẽ làm giảm hoặc tăng chi phí của niên độ hiện hành, từ đó lợi nhuận được điều chỉnh tăng hoặc giảm đi. Việc lựa chọn phương pháp phân bổ công cụ dụng cụ xuất dùng nhiều kì, phân bổ chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định (TSCĐ), việc xác định mức trích trước chi phí bao gồm trích trước chi phí bảo hành, trích trước chi phí tiền lương công nhân sản xuất nghỉ phép (đối với DN sản xuất). Ngoài ra, các NQT còn lựa chọn thời điểm nào ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán, khi nào các khoản dự phòng này được hoàn nhập với mức trích lập bao nhiêu và mức hoàn nhập bao nhiêu? Các NQT cũng có thể ước tính lãi suất ngầm của hợp đồng thuê tài sản để vốn hóa trong hợp đồng thuê tài chính.

d) Chính sách về kế toán TSCĐ: Lựa chọn phương pháp khấu hao TSCĐ, mỗi phương pháp khấu hao (đường thẳng, số dư giảm dần có điều chỉnh, tỷ lệ sử dụng) cho chi phí khấu hao khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận báo cáo trong kì. Lựa chọn thời điểm mua hay thanh lý, nhượng bán TSCĐ cũng có ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán. NQT DN có thể quyết định khi nào và mức bao nhiêu các chi phí sửa chửa, nâng cấp cải tạo TSCĐ được chi ra. NQT cũng có thể quyết định thời điểm thanh lý, nhượng bán TSCĐ để đẩy nhanh hoặc làm chậm lại việc ghi nhận lợi nhuận hoặc thua lỗ hoạt động khác.

2. Sự khác nhau trong đo lường lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế

a) Ghi nhận doanh thu, thu nhập trong kế toán và thuế: Kế toán ghi nhận doanh thu (thu nhập) chủ yếu dựa vào nguyên tắc phù hợp, thận trọng, cơ sở dồn tích, còn thuế ghi nhận doanh thu chủ yếu dựa vào tính hợp pháp, hợp lý. Điều này sẽ dẫn tới một số khoản doanh thu, thu nhập được ghi nhận theo kế toán và thuế giống nhau, nhưng cũng có một số khoản doanh thu, thu nhập được ghi nhận theo quy định của kế toán thì lại không được ghi nhận theo quy định của thuế và ngược lại.

b) Ghi nhận chi phí trong kế toán và thuế: Chi phí trong kế toán là toàn bộ những khoản chi thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, theo thuế chi phí được ghi nhận là những chi phí mang tính chất hợp pháp, hợp lý, hợp lệ. Vì vậy, việc ghi nhận chi phí theo kế toán và thuế cũng có những điểm giống và khác nhau tương đối.

Như vậy, phương pháp ghi nhận doanh thu, chi phí giữa kế toán và thuế có những điểm giống và khác nhau. Qua đó, thể hiện mối liên kết giữa chúng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản trị lợi nhuận của DN, một tác động làm thay đổi lợi nhuận kế toán cũng ảnh hưởng đến thu nhập chịu thuế và số thuế TNDN phải nộp.

3. Các kỹ thuật điều chỉnh lợi nhuận khác

a) Thông qua chính sách giá và tín dụng thương mại: Một biện pháp các DN thường sử dụng để tăng lợi nhuận khi thấy có nguy cơ không đạt kế hoạch đặt ra là giảm giá bán hoặc nới lỏng chính sách bán chịu, nhằm tăng lượng hàng bán ra trong những tháng cuối năm tài chính hoặc DN có thể xuất trước hóa đơn để ghi nhận doanh thu. Biện pháp thứ hai là công bố tăng giá bán đầu năm sau. Thủ thuật này, cho phép DN tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, nhưng sẽ bị giảm vào các năm sau, vì thực chất công ty đã chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Mặt khác, tăng giá bán năm sau còn làm giảm khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường.

b) Cắt giảm các chi phí hữu ích: Cắt giảm một số chi phí không cần thiết như chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí quảng cáo, chi phí bảo dưỡng thiết bị cũng là một cách có thể làm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, vì các chi phí này có vai trò cực kì quan trọng đối với sự phát triển của DN về lâu dài, nên sử dụng giải pháp này cũng đồng nghĩa với việc hy sinh các khoản lợi nhuận tiềm năng trong tương lai.

c) Làm giảm chi phí bằng cách “vốn hóa”: Việc xác định thời điểm bắt đầu vốn hóa, thời điểm tạm ngừng vốn hóa, thời điểm chấm dứt việc vốn hóa cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Trước sự hấp dẫn của những lợi ích ngắn hạn, các DN thường có xu hướng điều chỉnh lợi nhuận lệch so với thực tế. Điều này gây khó khăn cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán. Đặc biệt, trong sự phát triển của thị trường chứng khoán, để thu hút các nhà đầu tư, các DN thường dùng các kỹ thuật để điều chỉnh lợi nhuận, biến lỗ thành lãi, lãi ít thành lãi nhiều. Bài báo này đã trình bày một cách tổng quát các kỹ thuật mà NQT vận dụng, để có thể điều chỉnh lợi nhuận./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính ban hành Hệ thống các thông tư hướng dẫn các chuẩn mực kế toán.2. Nguyễn Công Phương (2007), Về tính trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận, Tạp chí Kế toán số 12/2007.3. Phạm Bích Vân, Cách đo lường sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận, Tạp chí Ngân hàng số 1/2013.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Ths. Phan Thùy Dương * ĐH Công nghệ GTVT

Từ khóa » Book Lợi Nhuận Là Gì