Kỹ Thuật Nuôi Cá điêu Hồng Trong Ao đất

I. Đặc điểm sinh học:

Cá Điêu Hồng là loại rô phi lai giữa loài rô phi đen với rô phi vằn, vẩy trên thân có màu vàng đậm hoặc nhạt, hay màu đỏ hồng. Cũng có thể gặp những cá thể có màu vàng, màu hồng xen lẫn những vẩy màu đen. Cá Điêu Hồng là loại cá có giá

trị dinh dưỡng cao, sống và phát triển tốt trong các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn....

Cá Điêu Hồng là loài cá ăn tạp thiên về thực vật và các chất như: mùn bã hữu cơ, tảo và động vật phù du trong nước. Trong ao nuôi cá ăn thức ăn tự chế biến và các phụ phẩm nông nghiệp, cám gạo, bột sắn, bột ngô hay rau bèo kết hợp một phần bột cá và thức ăn viên tổng hợp.

II. Kỹ thuật nuôi.

1.1. Chuẩn bị ao nuôi.

- Ao nuôi có diện tích từ 300m2 trở lên, độ sâu ao 1- 1,5 m, ao nuôi chủ động cấp tháo nước trong quá trình nuôi.

- Phát quang bụi rậm, tu sửa bờ ao, lấp hết hang hốc. Mặt ao không bị cớm rợp, đảm bảo thông thoáng nhằm tăng cường oxy hòa tan từ không khí vào nước.

- Tháo nước bắt hết cá tạp, cá dữ, vét bù đáy ao.

- Bón vôi liều lượng 7- 10kg/100m2, phơi nắng từ 5 - 7 ngày sau đó bón phân 20 - 30kg/100m2 (phân chuồng đã ủ hoai), tiến hành cấp nước vào ao. Nơi cấp nước phải có lưới lọc ngăn không cho cá tạp và cá dữ vào ao nuôi.

1.2 Chọn và thả giống:

- Chọn giống:

Nguồn giống đảm bảo chất lượng, màu sắc tươi sáng, giống kích cở đồng đều ( 5 – 7cm/con), không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn và không có dấu hiệu bệnh. Mật độ thả: 3 con/m2.

- Vận chuyển con giống:

- Có 2 cách vận chuyển cá giống:

+ Vận chuyển kín bằng túi nilon có bơm ôxy, mật độ vận chuyển 500 con/ túi nilon (10 lít nước).

+ Vận chuyển hở: vận chuyển bằng thùng phi nhựa có sục khí trong quá trình vận chuyển, mật độ vận chuyển 800 con/10 lít nước.

- Thả giống:

+ Tiến hành tắm cho cá bằng nước muối 2- 3% (2 – 3 lạng muối hòa với 10 lít nước sạch) trước khi thả cá xuống ao nuôi, mục đích để cho cá sạch mầm bệnh.

+ Cách thả: Giống được thả vào sáng sớm, trước khi ngâm túi đựng cá trong ao 5- 10 phút, mở miệng túi cho nước từ từ vào rồi thả cá ra ao, thả vị trí đầu hướng gió.

1.3. Thức ăn và chăm sóc quản lý:

- Quản lý cho ăn:

+ Thức ăn sử dụng cho cá là thức ăn tổng hợp dạng viên nổi, khi cá nhỏ sử dụng thức ăn bột mịn, sau khi cá nuôi được 1 tháng trở lên dùng thức ăn viên, ngoài ra bổ sung: bèo cám, rau xanh, bột sắn, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương cho cá ăn. Lượng thức ăn: Khi cá mới thả cho cá ăn thức ăn công nghiệp, với tỷ lệ 10% trọng lượng cơ thể. Khi cá đạt trọng lượng 50g/con giảm xuống 5% trọng lượng cơ thể, cá đạt trọng lượng cá đạt 100g/con trở lên thì cho cá ăn 2 - 3 % trọng lượng cá trong ao. Ngày cho ăn 2 lần (sáng 6-7h chiều 17-18h).

Cá cỡ: 5 - 10cm sử dụng thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm > 30%.

Cá cỡ : > 100g/con sử dụng thức ăn có độ đạm 20 - 22%.

+ Định kỳ 15 ngày bổ sung phân chuồng ủ hoai hoặc phân cút để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Liều lượng 15kg/ 100m2.

- Quản lý môi trường:

+ Thường xuyên thay nước ao nuôi với liều lượng là 10%- 20% lượng nước trong ao, sau khi thay nước nên bón vôi với liều lượng 10g/m3 ao nhằm ổn định môi trường ao nuôi để cá phát triển tốt.

+ Vào những ngày mưa lớn theo dõi pH nước để có biện pháp bón vôi thích hợp, nếu pH thấp (< 6,5 ) bón vôi liều lượng 15g/m3 nước.

+ Theo dõi hoạt động bơi lội của cá, nếu buổi sáng đến 9 giờ thấy cá còn nổi đầu thì có biện pháp thêm hoặc thay bớt nước.

III. Một số bệnh thường gặp ở cá.

Cá Diêu hồng là loài cá Rô phi đỏ, một số loại bệnh thường gặp trên cá Diêu hồng cách phòng trị.

1. Bệnh do ký sinh trùng:

Bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).

- Dấu hiệu xuất hiện bệnh:

Triệu chứng thường thấy là xuất hiện những nốt đỏ, xuất huyết, các vùng bị viêm loét trên mình cá. Cá thường gầy yếu, đầu to, da mất dần màu sắc bình thường bơi lờ đờ, chậm chạp, phản ứng kém với người và các sinh vật địch hại.

- Cách phòng trị:

Khi phát hiện cá bị bệnh dùng CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2 - 5g/10m3 sau thời gian 6 – 8 giờ thay nước mới cho ao hoặc tắm cho cá dùng 20 – 50g/10m3 trị trong 15 – 30 phút cách ngày trị một lần; muối ăn dùng để phòng và trị bệnh cho cá, nồng độ 1 - 3% trị thời gian dài và 1- 2% trị trong 10 - 15 phút.

2. Bệnh xuất huyết:

Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiellatarda gây ra.

- Dấu hiệu xuất hiện bệnh: Cá có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra.

- Cách phòng trị: Nên định kỳ bón vôi khử trùng nước 1 – 2kg/ 100m3 và khử

trùng nơi cho ăn. Cách trị dùng Oxytetraxylin hoặc Steptomyxin liều lượng 2 – 5g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục 3 – 5 ngày kết hợp bón vôi khử trùng nước ao nuôi.

3. Cá trương bụng do thức ăn:

Thường xảy ra ở các ao cho cá ăn thức ăn tự chế không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hoá được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác.

- Cách phòng trị: là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa (các probiotic...).

VI. Thu hoạch:

Sau thời gian nuôi 4 - 6 tháng, cá đạt trọng lượng 400 - 600g trở lên thì tiến hành thu hoạch. Cách thu có thể thu tỉa hoặc thu một lần./.

Từ khóa » Cách Nuôi Cá Ao đất