Kỹ Thuật Nuôi Cá Trê Lai

Kỹ thuật nuôi cá trê lai

Giới thiệu một số đặc điểm sinh học của cá trê lai: thích ứng môi trường, dinh dưỡng, sinh trưởng, tập tính sống. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trê lai: chọn địa điểm và xây dựng ao, chuẩn bị ao nuôi, thả giống, quản lý và chăm sóc, thu hoạch, công tác phòng và trị bệnh

I. Một số đặc điểm sinh học:

1. Các loài cá trê nuôi phổ biến hiện nay ở Việt Nam:

- Cá trê phi: Có nguồn gốc từ Châu Phi, tên khoa học là Clarius gariepinus, thân có màu xám có những mảng vân đen to, cá lớn nhanh - nuôi 6 tháng đạt bình quân 1kg/con, trọng lượng cá đạt tối đa là 12,8kg nhưng thịt mềm ít thơm.

-Cá trê vàng: Tên khoa học Clarius macrocephalus có màu vàng nâu điểm đốm nhỏ màu vàng thành hàng trên thân, thịt rất thơm ngon nhưng có kích thước nhỏ, nuôi chậm lớn, nuôi 1 năm chỉ đạt 300g/con.

- Cá trê lai: Được lai giữa cá trê phi và cá trê vàng, có ngoại hình tương tự cá trê vàng, da trơn nhẵn, đầu dẹp, thân hình trụ, dẹp ở đuôi. Thân có màu xám có những chấm nhỏ mờ, u lồi xương chẩm có hình gần giống chữ M với các góc tròn, trong khi ở cá trê vàng là chữ U còn có trê phi là chữ M có các góc nhọn và rõ nét. Cá trê lai dễ nuôi, mau lớn, nuôi tốt có thể tăng trọng bình quân 100g/con/tháng.

2. Đặc điểm thích ứng môi trường:

Cá trê lai thích ứng rộng với môi trường nước, cá có thể sống trong giới hạn nhiệt độ từ 11-39,5oC; pH: 3,5-10,5; độ mặn dưới 15‰. Do có cơ quan hô hấp phụ nên cá trê có thể thở bằng oxy không khí, sống được ở môi trường nước có hàm lượng oxy thấp thậm chí sống được ở trên cạn 1 giờ nếu giữ được độ ẩm cho cá.

3. Đặc điểm dinh dưỡng:

Từ khi cá mới nở đến 48 giờ cá sử dụng noãn hoàng. Sau đó bắt đầu ăn động vật phù du cỡ nhỏ như trứng nước, ấu trùng muỗi,… Sau vài ngày có thể ăn bọ gậy… Khi cá đạt cỡ 4-6cm bắt đầu ăn tạp thiên về động vật thối rữa, tôm cá nhỏ, ruốc, tép, côn trùng, các loại phế phẩm chế biến và thức ăn tinh khác như cám gạo, bã rượu, phân gia súc…

4. Đặc điểm sinh trưởng:

Cá trê lai lớn rất nhanh, trong điều kiện môi trường nuôi tốt, mật độ thích hợp và chăm sóc tốt có thể tăng trọng 100-150g/con/tháng. Sau 6 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 0,4-0,6kg/con.

5. Tập tính sống:

Cá trê lai nuôi ít bị bệnh, chúng thường chui rúc đào hang dễ làm hỏng bờ ao. Khi mặt nước ao nuôi cao xấp xỉ bờ ao, cá thường phóng lên bờ. Cá trê lai hoạt động bơi lội và ăn mạnh vào chiều tối và mờ sáng.

II. Kỹ thuật nuôi:

Có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các loài cá khác-loài cá ghép thích hợp nhất là rô phi với tỷ lệ ghép là 10%.

1. Chọn địa điểm và xây dựng ao:

- Chọn nơi có nguồn nước sạch và chủ động nguồn nước để thay, chất đất là đất thịt hoặc cát pha sét để đắp bờ.

- Xây dựng ao: có thể nuôi bằng ao đất bình thường hoặc bể xi măng có đáy là bùn đất. Ao có hình chữ nhật (để dễ kéo lưới khi thu hoạch). Diện tích ao thích hợp để nuôi cá trê từ 1.000-3.000m2. Độ sâu mức nước trong ao từ 1,2-1,5m. Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất là 0,6m và được đầm nén thật chặt, không để nước rò rỉ hoặc chảy thành dòng từ mặt bờ xuống ao vì đặc điểm cá trê thường dùng hai ngạnh cứng của vây ngực để bò, kết hợp đầu bẹt và đuôi quạt rất mạnh để chui và đào ngoáy chỗ rò rỉ thành hang ổ để trú hoặc đi sang ao khác, cá có thể bò hàng giờ trên cạn và bò theo ngược dòng nước rất nhanh. Do đó để chống cá đi ta phải cho chảy rót thẳng xuống ao hoặc dẫn đường ống cấp nước vào trong lòng ao, đầu 2 cống cấp và thoát nước phải có bọc nylon hoặc lưới sắt không cho cá đi. Xung quanh ao không có cây cối che phủ.

2. Chuẩn bị ao:

- Đối với ao cũ: vét sạch lớp bùn đáy, xảm trét lỗ rò rỉ, đầm nén chặt sau đó tiến hành rãi vôi ở khắp đáy ao và mái bờ. Liều lượng vôi tùy thuộc và độ phèn của ao. Nếu ao ít phèn (pH trên 4,5) dùng 50 - 100 kg/1000m2, nếu ao nhiều phèn (pH dưới 4,5) dùng 100 - 150kg/1000m2. Sau khi bón vôi xong phơi nắng đáy ao từ 2 - 3 ngày để diệt tạp. Tiếp theo bón phân chuồng ủ hoai (với 1% vôi) với lượng 100-150kg/1000m2. Lấy nước qua lưới lọc 0,5mm để ngăn cá dữ, địch hại vào ao, độ sâu mực nước 1,2-1,5m. Kiểm tra lại các thông số môi trường để điều chỉnh cho thích hợp rồi tiến hành thả giống. Đối với những ao không có điều kiện tháo cạn nước, trong ao có nhiều cá tạp thì dùng rễ cây thuốc cá dập kỹ ngâm một đêm vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao, liều lượng 1kg rễ/1000m3 nước hoặc dùng Saponin liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì để diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong ao. Thời gian xử lý thuốc diệt cá tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng. Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để 7-10 ngày sau mới thả cá giống.

- Đối với ao mới: Lấy nước ngâm ao 5-7 ngày sau đó sục rửa nhiều lần để loại bớt chất phèn, kiểm tra lại lỗ rò rỉ, đầm nén cho kỹ rồi tiến hành trình tự các bước; bón vôi, bón phân gây màu, lấy nước kiểm tra môi trường như ao cũ. Sau 5-7 ngày tiến hành thả cá.

3. Thả giống:

Chọn giống:

- Chọn mua giống tại các trại có uy tín và chọn trại gần nhất.

- Chọn giống có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không xây xát, không có dấu hiệu bị bệnh, bơi lội nhanh nhẹn.

- Cỡ giống chọn thả nuôi tốt nhất: 200 – 300 con/kg.

Vận chuyển:

- Cho cá nhịn đói 1-2 ngày trước khi vận chuyển để cá thải hết phân.

- Vận chuyển bằng 2 phương pháp:

+ Phương pháp hở có sục khí: dùng thùng xốp có lót ni lông, gắn máy sục khí, chứa mật độ 0,1-0,15kg cá giống/1lít nước, sau 3-4 giờ thay nước 1 lần.

+ Phương pháp vận chuyển bằng túi nilon có bơm oxy: Mật độ 0,15-0,2 kg cá giống/1lít nước. Thể tích giữa nước và oxy trong túi là 1:2, sau khi vận chuyển 8 giờ nên thay oxy mới.

- Nhiệt độ khi vận chuyển 25-32oC. Cần vận chuyển lúc trời mát hoặc có biện pháp hạ nhiệt để chống nóng cho cá.

- Thời gian thả cá tốt nhất là vào sáng sớm và chiều mát. Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá xuống ao nuôi ta nên tắm cho cá bằng nước muối 2-3% (20-30gam muối/1lít nước) trong 3 -5 phút. Trước khi thả nên ngâm bao trong nước ao 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài, sau đó mở miệng bao cho một ít nước vào trong bao để yên trong 5 phút rồi thả cá tự bơi ra ngoài.

Mật độ thả:

Nuôi đơn thả 15-25 con/m2.

Nuôi ghép thả 90% trê lai và 10% cá khác (Trắm, trôi, mè, chép,…).

4. Quản lý và chăm sóc:

4.1. Cho ăn:

Cá trê rất háu ăn và ăn tạp, khả năng tiêu hóa mạnh

Sử dụng các loại thức ăn: cám gạo, gạo kém phẩm chất, ngô, bã rượu, bột cá nhạt, tôm, cua, ốc, phế phẩm lò mổ, phân gia súc, gia cầm…để cho cá ăn. Có thể dùng thức ăn tổng hợp viên có bán trên thị trường.

- Tháng đầu tiên: dùng thức ăn dạng bột như cám nhuyễn, bột cá, bột đậu nành rải trên mặt nước hoặc cám tổng hợp cho gia súc. Hoặc dùng cá tạp xay nhỏ trộn với cám gạo đặt vào sàng cho ăn. Lượng cho ăn bằng 20-30% trọng lượng cá.

- Tháng 2 đến tháng 4: Cho cá ăn từ 10 – 15% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

+ Cám gạo : 35%

+ Bột cá : 50%

+ Rau xanh : 10%

+ Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa : 5%

- Tháng 5 đến tháng 6: Khẩu phần ăn là 5% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

+ Cám gạo : 40%

+ Bột cá : 55%

+ Rau xanh : 10%

+ Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa : 5%

*Cách chế biến thức ăn: Các loại bột nấu chín trộn với dầu cá, vitamin, men tiêu hóa xay ép thành viên hoặc nắm thành nắm cho ăn.

Khẩu phần thức ăn được điều chỉnh theo mức ăn hằng ngày của cá, thường từ 4-6% trọng lượng cá/ngày (thức ăn khô), 8-10% (thức ăn ướt).

4.2. Chăm sóc:

Trong thời gian nuôi thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và màu nước của ao để kịp thời xử lý những sự cố kịp thời, điều chỉnh thức ăn phù hợp cho cá.

Cá trê lai chịu đựng được ở môi trường nước bẩn và hàm lượng oxy thấp nhưng ở môi trường sạch thông thoáng cá phát triển nhanh hơn nên cần thay nước thường xuyên. Tháng đầu chỉ cấp nước bù hao hụt, tháng hai trở đi định kỳ thay nước 5-7 ngày/lần, thay từ 20-40%.

Khi có mưa lớn theo dõi bờ bao phòng chống cá đi trong mưa, đồng thời rắc vôi bột ở bờ ao 10kg/100m2 để hạn chế phèn trên bờ ao theo nước mưa trôi xuống ao.

Thường xuyên kiểm tra các lỗ rò rỉ, cống ao phòng trường hợp cá trê đi khỏi ao.

Theo dõi phòng trừ địch hại như chim, rắn… ăn cá.

Có thể thu tỉa những con lớn tránh trường hợp cá lớn ăn cá bé.

5. Thu hoạch:

Sau 4 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch. Trong điều kiện nuôi tốt cá có thể đạt quy cỡ sau:

- Nuôi 3 tháng: 200-300g/con

- 4-6 tháng: 400 - 500g/con

III. Phòng trị một số bệnh thường gặp ở các trê lai

Cá trê có sức chống chịu với bệnh tật rất cao. Tuy vậy ở điều kiện nuôi dưỡng quá xấu, một số bệnh thường phát sinh.

Cá trê cũng như các loại thủy sản khác, lấy công tác phòng bệnh là chủ yếu:

* Phòng bệnh:

+ Cải tạo ao ban đầu thật kỹ, vùng nuôi phù hợp, sạch, thức ăn đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh.

+ Vận chuyển cá giống không để xây xát, trước khi thả cá vào ao nuôi nên tắm qua bằng nước muối 3% trong 5 phút hoặc Iod 10% trong 5-10phút.

1. Bệnh do vi khuẩn

* Triệu chứng: Cơ thể có nhiều vết loét rỉ máu, vây cá bị thối, râu quăn, bụng trướng, da tiết nhiều chất nhầy, cá chết rất nhanh.

* Tác nhân gây bệnh: do các loại vi khuẩn Aeromonas sp, Flexibacter sp… gây nên.

* Trị bệnh:

+ Thay nhiều nước, tốt nhất nên xi phông lớp đáy dơ.

+ Bón vôi 15-20kg/1000m3 kết hợp trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin hoặc Gencin, Ciprocan, Beta N…vào thức ăn với liều lượng 3-5g/kg thức ăn.

+ Sau khi ổn định cho cá ăn Vitamin và men tiêu hóa để cá phục hồi đồng thời phục hồi đáy ao bằng Zeofish.

2. Bệnh do ký sinh trùng:

* Triệu chứng: trên da có nhiều chất nhày, vết loét rỉ máu, vây thối, có những điểm trắng trên lưng. Cá có màu đen hơn so với bình thường, cá bị mất thăng bằng.

* Tác nhân: Do các loại ký sinh trùng: trùng bánh xe, Costia…

* Điều trị: phun Sunphát đồng (CuSO4) trực tiếp xuống ao với liều lượng 0,3-0,5ppm hoặc Formalin 30-50ppm để 2-3 ngày sau mới thay nước.

Cho ăn ngày 2 lần : 5-6h và 16-18h, nên cho ăn tại những vị trí cố định trong ao để dễ theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Từ khóa » Cách Nuôi Cá Trê Giống