Kỹ Thuật Nuôi Ếch Bố Mẹ Và Sinh Sản Ếch Giống - Tiệp Phát

I. KỸ THUẬT NUÔI ẾCH BỐ MẸ

1. Cách chọn giống ếch bố mẹ

Nên chọn ếch bố mẹ có đặc  điểm như sau:

– Nguồn giống từ những nơi khác nhau, nhằm tránh hiện tượng đồng huyết, làm cho ếch còi cọc, chậm lớn, dị hình. – Ếch phải đủ tuổi sinh sản, ếch đực phải đủ một tuổi, ếch cái phải 8 tháng tuổi, không chọn con cái quá mập vì trứng sẽ rụng chậm, nhưng không quá ốm, nên chọn con giống từ 400 đến 500g. – Chọn ếch khỏe mạnh, có màu sáng đẹp, không bị dị tật bởi vì nó làm cho ếch con yếu, dễ bệnh. – Chọn giống ếch đực: Hoàn toàn khoẻ mạnh, có hộp âm thanh hiện rõ, ta có thể thử mức độ thành thục của ếch đực bằng cách lấy ngón tay đụng vào vùng bụng, ếch ôm chặt ngón tay thể hiện ếch đã sẵn sàng, ngoài ra môi dưới của ếch đực có màu cam, bộ phận dưới chân có màu vàng nhìn thấy rõ hơn ếch cái, đầu ngón chân trước có hiện tượng to hơn bình thường. – Chọn giống ếch cái: Khỏe mạnh, bụng to, di chuyển chậm chạp, không nhanh nhẹn, cạnh thân eo chỗ để con đực vịn vào thấy có nhám như giấy nhám, trứng thành thục tốt. – Giá ếch thịt hiện nay tại ĐBSCL đang dao động ở mức 39.000-40.000 đồng/kg, giá ếch giống loại 100-150 con/kg giá 500 đồng/con.

2. Kỹ thuật nuôi ếch bố mẹ và cho sinh sản

a. Chuẩn bị bể

– Kích thước hồ ếch giống bố mẹ nên có cỡ 2 x 2,5 m, cao 1,2m trở lên. – Rửa bể cho sạch, phơi nắng diệt khuẩn 1 – 2 ngày, trường hợp là bể xi măng mới phải rửa xi măng bằng cách lấy 1kg phèn chua/1m3 nước, ngâm 3 – 4 ngày xả nước ngâm lại lần nữa (tuyệt đối không dùng bột giặt). – Cho nước sạch vào hồ từ 5 – 7 cm, ngập khoảng ½ thân ếch, nước cho vào hồ nên cho vào buổi chiều, nước cho vào ban ngày sẽ nóng, ếch không giao phối, có thể dùng nước ngầm hay nước kênh rạch để nuôi, nước có độ pH phù hợp từ 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 150 mg. – Dùng rau muống tươi thả xuống bể nuôi, tạo nơi cho ếch giao phối đồng thời làm giá thể cho trứng.

b. Kỹ thuật cho đẻ

– Tỷ lệ đực/cái là 1:1 nên gây mưa và tạo môi trường tự nhiên cho ếch sinh sản. Nhiệt độ trong hồ phối giống và đẻ trứng không dưới 25oC. – Nên thả ếch bố mẹ lúc chiều mát, tỷ lệ thả tùy mùa, nếu là mùa mưa (mùa sinh sản tự nhiên) ếch mẹ sẽ có nhiều trứng, không nên cho nhiều ếch bố mẹ xuống hồ chỉ cần cho 2 – 3 cặp là được. Sau khi thả ếch bố mẹ xuống hồ, tránh tạo tiếng ồn cho ếch, tuyệt đối không cho ăn, sẽ làm cho ếch giật mình không chịu đẻ. Bình thường trong mùa giao phối ếch cái sẽ cho 2000 – 4000 trứng/lần/con, còn nếu đầu hay cuối mùa giao phối sẽ cho 800 – 1000 trứng/lần/con, còn mùa đông sẽ không lên trứng. – Sau khi ếch đẻ nên chuyển ếch bố mẹ sang bể khác để tiếp tục nuôi dưỡng cho lứa kế tiếp, đồng thời mở máy sục khí cho trứng nở. Sau 18 – 24 giờ trứng sẽ nở thành nòng nọc. – Trường hợp trứng trong bể quá nhiều nên tách trứng ra bể khác, bể cho trứng vào nở cũng phải làm vệ sinh. Sử dụng POWER FORCE 100cc/10lít nước hoà tan tạt khắp hồ, để 2 – 3 giờ rồi rửa sạch sau đó mới cho nước vào bể. Sử dụng TOMO 20g hòa tan với nước sạch tạt khắp hồ sau đó mới cho trứng ếch bỏ vào ấp, khi di chuyển phải thận trọng phải lấy dụng cụ múc cả trứng lẫn nước đem cho vô bể đã chuẩn bị.

Lưu ý: Trứng sẽ nở đều ở nhiệt độ 28oC, nhiệt độ xuống thấp dưới 25oC tỷ lệ trứng nở thấp và khi ếch đã đẻ nếu ánh sáng không đầy đủ thì ếch cái không chịu rời bỏ trứng, trứng có thể không nở thành nòng nọc.

Hiện nay người ta tiêm chất kích thích sinh sản như LH – RHa hoặc HCG để kích thích ếch đẻ nhiều và đồng loạt hơn.

II. CÁCH CHO ĂN

– Thức ăn để nuôi ếch bố mẹ nên chọn những loại thức ăn có mùi vị thơm, hấp dẫn hoặc cho ăn các loại mồi sống như: cá, còng, ốc bươu vàng (nên chú ý các loại thức ăn sống vì nó dễ lây bệnh cho ếch). – Cho ếch ăn ngày hai lần, sáng và chiều, mỗi lần bằng 4 – 5% trọng lượng của ếch, gần đến mùa phối giống nên giảm bớt lượng thức ăn, để hạn chế lượng mỡ. Để cho ếch bố mẹ tạo trứng và tinh dịch nhiều, nên cho MILLENIUM 3 – 5 g/1kg thức ăn kết hợp với C – QUICK 3 – 5 g/1kg thức ăn, cho ếch ăn hàng ngày suốt quá trình nuôi giúp ếch khỏe mạnh, thành thục tốt.

– Nên thay nước bể nuôi giống bố mẹ mỗi lần sau khi ăn 1 – 2 giờ để giữ vệ sinh, ếch bố mẹ sẽ ít mắc bệnh, ếch sạch giúp trứng mau già và có tinh dịch tốt, khỏe mạnh.

III. KỸ THUẬT NUÔI DƯỠNG NÒNG NỌC

1. Giai đoạn trứng và nòng nọc

Khi trứng đã nở thành nòng nọc rồi, 1 – 7 ngày đầu không cần thay nước, nên thả rau muống trong hồ để nòng nọc bám vào nghỉ ngơi, sang ngày thứ 8 có thể chăm thêm nước lên 2 – 3 cm/ngày để chất lượng nước không thay đổi nhanh, tăng lượng nước cho tới khi nước trong hồ đạt 20 cm mới ngừng. Trong quá trình nuôi tùy vào tình trạng chất lượng nước mà tiến hành thay nước định kỳ, nên thay nước định kỳ 4 – 5 ngày một lần, hồ dưỡng nòng nọc nên sục khí nhẹ để tăng hàm lượng oxy.

Tuổi nòng nọc (ngày) Thức ăn
1 – 2 Không cho ăn, lúc này nòng nọc sống bằng noãn hoàn
3 – 10 Cho ăn bobo hoặc trùng chỉ, lòng đỏ trứng hoặc thức ăn tổng hợp
11 – 20 Cho ăn thức ăn tổng hợp
21 – 30 Cho ăn thức ăn tổng hợp
31 – 45 Cho ăn thức ăn tổng hợp
Ngoài 45 Cho ăn thức ăn tổng hợp

– Để nòng nọc mau lớn, khoẻ mạnh nên cho C – QUICK 3 – 5 g trộn trứng khô, nghiền nát cho nòng nọc ăn hàng ngày cho tới lúc nòng nọc phát triển thành ếch con. Thời gian 30 ngày khi nòng nọc phát triển thành ếch con đầy đủ chi, nên phân cỡ ếch, bắt đầu cho ăn thức ăn tổng hợp, lấy VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg thức ăn trộn đều cho ếch ăn hàng ngày.

Chú ý: – Khi thêm nước không tăng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của nòng nọc. Trong suốt quá trình ươm nòng nọc nên thay nước định kỳ 4 – 5 ngày một lần, mỗi lần chỉ nên thay 1/4 – 1/5 lượng nước trong bể. – Cho ăn lòng đỏ trứng luộc chín nghiền nát rải đều trong nước, phải thật vệ sinh để tránh nòng nọc bị đầy bụng, sinh bệnh chết và nước bị thối, nên nuôi cấy thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho nòng nọc. Có thể cho ăn thêm cá nấu chín. – Tránh cho ăn thừa thức ăn vì lòng đỏ trứng có hàm lượng Protein rất cao nên dễ gây sình bụng, khó tiêu và đồng thời làm môi trường nước dơ dễ sinh bệnh làm cho nòng nọc chết rất nhiều khi đạt từ 5 – 7 ngày. – Nòng nọc rất háo ăn nhưng không nên cho ăn quá no vì dễ bị sình bụng chết, nhưng nếu để đói chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nên phải chia cho ăn làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 2 – 3 giờ. Nòng nọc tăng trưởng không đồng đều có thể do trứng của từng cặp đẻ ra không cùng lúc, do duy truyền, ảnh hưởng từ ếch bố mẹ hoặc cho ăn không đầy đủ, thường khoảng 70% nòng nọc sẽ biến thái thành ếch con. – Thời gian nuôi ếch con thành ếch giống xuất bán là 30 – 40 ngày, như vậy tổng cộng thời gian từ nuôi vỗ ếch bố mẹ đến sinh sản thành con giống là 90 – 100 ngày. – Nuôi dưỡng nòng nọc rất quan trọng, tỷ lệ trứng nở thành nòng nọc, tỷ lệ sống sót chuyển hoá thành ếch giống và cả chất lượng ếch giống nuôi đều tuỳ thuộc vào môi trường nước có dồi dào oxy, nhiệt độ trong nước, thức ăn và cách chăm sóc. – Trong khi ươm nuôi nòng nọc không vớt bỏ rau muống và cho mọc tự nhiên vì đây là nguồn thức ăn tốt cho nòng nọc, nếu thấy mật độ quá dày có thể sang bớt qua hồ ươm khác, nên theo tiêu chuẩn mật độ 1.000 con nòng nọc/m2. – Trong thiên nhiên nòng nọc ăn các phiêu sinh, động thực vật có trong nước như lăng quăng, bo bo, bọ nước và các thuỷ động vật khác, nên gây nuôi tảo để cung cấp phiêu sinh vật với mật độ dày làm giàu dinh dưỡng cho nòng nọc và không gây ô nhiễm môi trường ươm nuôi, lúc nào cũng dự trữ thức ăn có sẵn trong hồ cho nòng nọc ăn khi đói.

2. Nước và chế độ thay nước trong hồ nuôi nòng nọc và ếch con

– Nước phải sạch, không nhiễm phèn, không nhiễm mặn, không nhiễm hoá chất, có nhiều phiêu sinh động thực vật, có oxy đầy đủ bằng cách sục nhẹ khí vào hồ ươm. – Ngay sau khi vớt ếch bố mẹ ra khỏi hồ ươm có thể tăng dần lượng nước trong bể từ  6 – 7 cm lên 30cm trong vòng 7 – 8 ngày giúp có thêm oxy hòa tan trong nước nếu nước xấu phải thay 1/3 nước trong hồ, tốt nhất là dùng nước đã dự trữ được lắng trong hồ riêng. – Khi nòng nọc biết ăn, chất thải của chúng rất nhiều, dễ làm xấu nước nuôi, nên quan sát kiểm tra nếu thấy nước có hiện tượng sủi bọt từ đáy lên và mặt nước như có màng mỏng che thì phải thay nước ngay, tốt nhất nên thay 1/3 nước trong hồ mỗi ngày để loại bỏ các chất thải, thức ăn dư thừa và xác nòng nọc chết. – Vào thời gian nòng nọc teo đuôi chuẩn bị rụng phải giảm mực nước xuống, thả thêm mouse xốp, tấm nhựa, ống tre, tàu lá dừa, bè tre gỗ … để làm chỗ cho nòng nọc bám và ếch con leo lên nghỉ, có thể dùng vợt vớt ếch con đem thả xuống các hồ khác đã chuẩn bị sẵn để nuôi. – Khi nòng nọc teo rụng đuôi thành ếch con khoảng từ 1,5 – 2 cm, có đủ 4 chân, chúng nhảy lên cạn sống bám vào các thủy thực vật, có thể thả miếng xốp vào hồ nuôi cho ếch con bám, tách sang hồ nuôi dưỡng mới. Ếch con rất háu ăn, để đề phòng chúng ăn thịt lẫn nhau nên thả nuôi cùng kích cỡ với mật độ nuôi 500 con/m2 và từ từ giảm mật độ nuôi theo tăng trọng của ếch con đến giai đoạn nuôi ếch thịt khoảng 80 – 100 con/m2 . – Hồ ươm nuôi: Có mức nước 10 – 15 cm là được, có thể nuôi với mức nước 30cm, việc nuôi trong hồ sẽ dễ chăm sóc, ếch con có đủ điều kiện tăng trưởng và phát triển tốt.

3. Chế độ chăm sóc và quản lý ếch con

Chế độ cho ăn: Có thể ăn động vật sống như tôm nhỏ, cá con, ấu trùng của côn trùng, trùn đất, dòi hoặc cá tạp tươi nấu chín nghiền nhỏ hoặc thức ăn viên. Đối với thức ăn viên, nếu đã tập cho ăn thức ăn viên từ giai đoạn nòng nọc thì tiếp tục cho ăn, nếu chưa thì phải cho ếch nhịn từ 1 – 2 ngày sau đó mới cho ăn, ếch đói sẽ dễ ăn hơn và sẽ ăn quen sau 4 – 5 ngày.

Chế độ thay nước: Cứ 2 – 3 ngày/lần tùy vào tình trạng chất lượng nước, nếu nước hôi phải thay hoàn toàn nước trong hồ nuôi.

Sự tăng trưởng và phát triển: Sau 30 ngày ếch con có trọng lượng từ 6 – 10 g/con, khoảng 125con/kg, độ lớn này có thể chuyển vào hồ nuôi ếch thịt được. Trước khi thả vào hồ nuôi phải tuyển chọn ếch cùng cỡ để thả chung vào một hồ, tránh sát hại lẫn nhau. Sau 3 tháng ếch đạt khoảng 250 – 300 g/con.

4. Bệnh của nòng nọc và ếch con

a. Bệnh sình bụng ở nòng nọc

Nguyên nhân: Do việc thay nước gấp gáp, nhất là khi dùng nước ngầm không trữ nước ở một khoảng thời gian nhất định hay là nhiệt độ quá cao. – Nên kiểm tra hàm lượng Clorine trong nước đối với nước máy trước khi thả nòng nọc vào nuôi. – Trường hợp sử dụng nước giếng khoan để nuôi ếch nên có hồ lắng riêng để lắng 2 – 3 ngày. Nếu không để lắng nước giếng khoan trước sẽ làm sức ép gas hòa ở trong nước giảm xuống đột ngột gây cho nòng nọc phải thích nghi với sức ép của nước gây ra bong bóng trên thân nòng nọc, nòng nọc sẽ bị viêm ổ bụng, chữa trị rất khó khăn. Nên đề phòng bằng cách cẩn thận khi thay nước giếng khoan phải để lắng nước và không thay nước ồ ạt và tăng cường sục khí trước khi sử dụng nước. – Môi trường nước bị dơ cho thức ăn dư thừa và lòng đỏ trứng là một trong những nguyên nhân dễ làm cho nòng nọc bị sình bụng.

Hiện tượng: Nòng nọc bị trướng bụng lên, có bọt nước bám ở thân mình, nổi chết trên mặt nước.

Cách chữa trị: Dùng Thuốc Thủy Sản DETOX 500g/12m2 hồ với độ sâu của nước là 10 – 20 cm, rắc khắp hồ, ngâm sau 2 giờ thay nước ra, cho nước mới vào cùng lúc sử dụng DETOX một lần nữa với tỉ lệ 300g để ngâm 3 ngày sau đó cho thay nước và dùng POWER FORCE hoặc High Clean xử lý nước lần nữa.

Chú ý: Nên trữ nước một khoảng thời gian trước khi cho nòng nọc vào nuôi, khi trời nóng bức, nhiệt độ nước trong bể nuôi ươm tăng, nên thêm nước vào và thay nước mới.

b. Hiện tượng ăn nhau

Trong quá trình nuôi, trong 1 – 2 tháng đầu, sẽ có hiện tượng ếch con ăn thịt lẫn nhau rất nhiều. Nguyên nhân: – Nuôi với mật độ cao. – Thức ăn không đủ về mặt lượng hoặc thành phần các chất dinh dưỡng. – Kích cỡ nuôi không đều.

Biện pháp: – Nuôi với mật độ vừa phải. – Thức ăn phải đủ số lượng và đủ chất nhất là thành phần đạm, cho ăn nhiều lần trong ngày và phân chia lượng thức ăn cho các lần một cách hợp lý. – Thường xuyên lọc và phân cỡ ếch nuôi, nhất là giai đoạn ếch < 100g.

Xem thêm: Bộ đôi sản phẩm Dinh Dưỡng cho Ếch | Vai trò của Khoáng Chất trong nuôi Ếch | Điều trị bệnh trên Ếch nuôi

 

Quan tâm ZALO TIỆP PHÁT

 

Like FACEBOOK TIỆP PHÁT

 

Share THÔNG TIN THỦY SẢN

 

Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát

errorfb-share-icon Tweet fb-share-icon

Từ khóa » ếch Nuôi Bao Lâu Thì đẻ