Kỹ Thuật Nuôi Trồng Thương Phẩm Rong Nho Biển

Trong số các loài thực vật thủy sinh nước mặn, rong nho biển là loại thực vật thuỷ sinh dinh dưỡng tự dưỡng, là một giống loài mới, rất dễ nuôi trồng trong điều kiện công nghiệp do không tốn nhiều nhân công, tốn ít chi phí đầu tư ban đầu, là món rau sạch không có dư lượng thuốc, hóa chất và kháng sinh, trong bữa ăn gia đình rong biển thường được sử dụng làm rau xanh và được dùng phổ biến trong các món salad tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Philipphin… bởi vì rong nho biển là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Các kết quả phân tích cho thấy rong nho biển rất giàu các nguyên tố vi lượng như iốt, kẽm, kali, canxi... đặc biệt là chứa nhiều các vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin C.

1. Lựa chọn vị trí trồng rong nho biển.

Điều tiên quyết trong việc trồng rong nho biển là phải lựa chọn cácvùng nước biển sạch, không ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tránh xa nguồn nước ngọt từ các sông suối đổ vào, thuận tiện trong việc cấp thoát nước, vùng ít bị ảnh hưởng bởi sóng, gió và ít bị ảnh hưởng, tác động từ các phương tiện giao thông đường thủy, chọn vùng nuôi nơi có đáy cát hoặc cát pha bùn… Trong đó có việc tận dụng các ao, đùng nuôi tại các vùng ven biển, ven các vùng cửa sông, vịnh nơi có điều kiện thuận lợi, ít bị tác động, phù hợp cho rong nho biển phát triển gần với điệu kiện tự nhiên.

Tại một số địa phương các tỉnh như tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận… đã rất thành công trong việc tiên phong nuôi trồng thương phẩm cây rong nho biển, trong đó có việc chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho người dân, ký hợp đồng với các đối tác Nhật Bản, các đại lý, siêu thị và hệ thống phân phối bán lẻ trong nước trong việc bao tiêu, lo đầu ra cho sản phẩm rong nho biển thương phẩm của người dân.

2. Kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển.

Trong nuôi thương phẩm rong nho biển, bà con nên chọn những cây rong giống có màu sắc xanh tươi tự nhiên, thân rong giống không có rong tạp bám, thân cọng rong mập mạp, các quả (trái nho) xếp đều đặn dọc hai bên thân và không có dị tật. Theo kinh nghiệm của các tỉnh thành đi trước, thì mật độ nuôi trồng thích hợp ở vào khoảng 200kg giống/sào đối với trồng đáy, tương ứng với khoảng 0,2kg giống/vỉ, mỗi sào bố trí rải đều khoảng từ 1.000 – 1.200 vỉ. Có ba phương pháp nuôi trồng rong nho biển, đó là phương pháp trồng đáy, phương pháp trồng kê sàn và phương pháp trồng trong vỉ lưới.

- Phương pháp trồng đáy: Bà con dùng các nẹp bằng tre hoặc gỗ gim cố định các nhánh rong xuống đáy ao, khoảng cách trồng 40 x 40cm, mật độ nuôi trồng khoảng 200kg giống/sào. Phương pháp này khá đơn giản, có chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên khi thu hoạch và triển khai vụ mới tốn khá nhiều nhân công hơn so với các phương pháp khác.

- Phương pháp trồng kê sàn: Phương pháp này dùng gỗ tạp hoặc tre đóng hoặc xếp thành hàng cách mặt đáy ao khoảng 5cm, dùng các khay, rổ có kích thước 50cm x 30cm, bỏ cát, bùn vào rồi cấy rong nho giống, tiến hành giữ cố định rong trong khay rổ. Phương pháp này khá tốn công, rong chậm phát triển do ít hấp thụ được nguồn dinh dưỡng từ đáy ao.

- Phương pháp trồng trong vỉ lưới: Phương pháp này sử dụng các khung gỗ, tre hoặc ống nhựa làm thành hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước khoảng 0,3 x 0,6m, bao 2 lớp lưới, lớp dưới bố trí loại dày, mắt lưới nhỏ là giá đỡ giống rong, lớp trên phủ lên trên có mắt lưới thưa, may bốn mép để cố định rong giống trong vỉ, sau đó thả theo thứ tự thành hàng trong ao, có bố trí đường đi để kiểm tra, chăm sóc các vỉ rong. Phương pháp này giúp cho rong nho hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong quản lý, chăm sóc, thu hoạch và quan trọng là mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp khác.

Hiện nguồn giống rong nho biển có rất nhiều tại các tỉnh thành như tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Ninh Thuận và tại các viện, trường chuyên ngành thủy hải sản. Trong quá trình nuôi thương phẩm, bà con có thể chọn và lưu giữ giống cho các mùa vụ tiếp theo của mình mà không cần phải mua giống nữa.

3. Mùa vụ nuôi trồng rong nho biển.

Được đánh giá là loài khá dễ tính, rong nho biển có thể trồng quanh năm, các tháng mùa mưa thì năng xuất không cao bằng các tháng mùa nắng, do môi trường nước thường xuyên biến đổi. Trong tự nhiên, mùa vụ chính của rong nho biển diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, chúng phát triển tốt ở các vùng nước ấm, nhiệt độ dưới 200C, chúng sẽ chậm hoặc ngừng tăng trưởng, độ mặn phù hợp để rong nho biển phát triển tốt ở ngưỡng28 – 35 %o.

Rong nho biển thu hái từ mọc tự nhiên trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

4. Công tác quản lý, chăm sóc rong nho biển.

Mặc dù được đánh giá là loài dễ nuôi trồng, tuy nhiên bà con vẫn cần phải tuân thủ nghiêm quy trình nhằm đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng sản xuất, một số lưu ý khi nuôi trồng rong nho biển cụ thể:

- Định kỳ 2-3 ngày theo dõi sự phát triển của rong, tiến hành vệ sinh nhặt bỏ rong tạp, tiêu diệt cá, cua còng vào ăn rong và phá rong nuôi trong ao đầm, dùng tay rung, gạt nhẹ khay rong nhằm loại bỏ các chất bẩn bám trên khay, thân rong.

- Bà con cần chú ý theo dõi lịch thủy triều để có chế độ thay nước hợp lý nhằm cung cấp một lượng nước mới giúp kích thích rong phát triển, thông thường khoảng 3-5 ngày thay nước mới một lần, lượng nước thay khoảng 50-70%.

- Là loài nuôi trồng ngắn ngày, tăng trưởng nhanh đặc biệt là trong môi trường nhiều chất dinh dưỡng. Sau 30 – 35 ngày trồng rong nho biển có thể thu hoạch, năng suất trung bình 8 tấn/sào/năm.

5. Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển rong nho biển..

Là loài nuôi trồng ngắn ngày, chỉ sau từ 2 – 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Thu hoạch rong nho khá tốn công, khi thu hoạch, chỉ lấy phần thân đứng, chọn lấy các cọng rong đứng dài trên 5cm có các hàng quả xếp đều đặn xung quanh thân cây rong, sau đó rửa sạch rong bằng nước biển, xếp nhẹ nhàng và đều trong thùng nước có sục khí, bước tiếp theo làm ráo nước và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ bình thường trong các thùng xốp đậy kín hoặc xếp bảo quản trong các túi nylon khô ráo.

Theo kinh nghiệm của các hộ dân đang nuôi trồng rong tại các tỉnh Nam trung bộ, thì việc bảo quản như trên có thể giữ rong tươi trong vòng khoảng từ 10-15 ngày mà không làm giảm giá trị dinh dưỡng của rong nho, vì thế chúng rất được ưa chuộng sử dụng trong các món ăn sống, thuận lợi trong việc bảo vận chuyển và đưa đi phân phối tiêu thụ, nếu ở dạng rong muối thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn, tuy nhiên rong nho biển thường tiêu thụ ở dạng tươi sống.

6. Khả năng nuôi trồng ở các vùng biển Đông Nam bộ.

So sánh điều kiện tự nhiên tại các vùng ven biển, các vùng cửa sông, vịnh, vùng cửa biển của các tỉnh thành Đông Nam bộ nói chung thì hoàn toàn phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng rong nho biển thương phẩm phục vụ xuất khẩu, việc nuôi trồng rong nho biển ngoài góp phần đa dạng hóa các loài nuôi trồng thủy sản của các địa phương, còn giúp ích to lớn cho người dân nuôi trồng thủy sản trong việc cải tao môi trường ao nuôi một cách tự nhiên, nhờ đặc tính hấp thu chất dinh dưỡng mạnh, ngoài ra, còn có thể nuôi ghép, nuôi xen canh giữa chúng với một số loài động vật thủy sản khác cũng rất cần được các địa phương nghiên cứu thử nghiệm.

Qua quan sát thực tế tại các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tác giả nhận thấy tại đây xuất hiện rất nhiều rong nho biển mọc bám tự nhiên trên các giá thể của các bè nuôi cá biển, đặc biệt là các bè nuôi hàu, và rong nho biển tại đây phát triển rất xanh tốt, người dân tại đây cũng đã thu hái để sử dụng làm rau xanh. Hiện các cán bộ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đang tiến hành gửi mẫu rong nho mọc tự nhiên tại sông Chà Và đến các Viện, Trường chuyên nhành để nhờ giúp định danh bộ, họ, chi, loài giống rong trên, để từ đó làm căn cứ tham mưu thí điểm xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển thương phẩm, với hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đông Nam bộ nói chung trước tình hình bệnh dịch trên động vật thủy sản chưa có phần lắng dịu như hiện nay./.

Nguyễn Hữu Thi - Chi cục NTTS

Từ khóa » Trồng Rong Biển Tại Nhà