Kỹ Thuật Trồng Rong Sụn - Tạp Chí Thủy Sản

Chọn vùng nuôi

Rong sụn có thể trồng ở thủy vực, mặt nước ven biển và ở đảo chìm có độ sâu 0,5 – 10 m. Có thể trồng quanh năm hoặc theo mùa, tùy điều kiện từng vùng.

Vùng nuôi rong sụn cần đảm bảo một số yêu cầu: Nước biển có độ mặn từ 28 – 32‰, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước ngọt; Vùng nước yên tĩnh, ít chịu ảnh hưởng của sóng gió; Nước luôn được luân chuyển, với lưu tốc vừa phải, 20 – 40 m/phút.

Đối với các vùng bãi ngang cạn vùng triều, khi thủy triều xuống thấp nhất, mực nước phải còn lại ít nhất 0,5 m để đảm bảo rong không bị phơi ra ngoài không khí và biên độ thủy triều không > 2 m. Chất đáy thích hợp để trồng rong sụn tốt nhất là cát thô, san hô vụn. (Nền đáy là cát bùn hay bùn cát thì không thích hợp).

Giống và thời vụ

Chọn giống

Rong làm giống cần chọn đoạn bánh tẻ – Ảnh: CTV

Để làm rong giống cần chọn đoạn rong bánh tẻ (không già không non), có nhiều nhánh nhỏ, trơn mướt, khỏe mạnh, mỗi đoạn dài 20 – 30 cm. Trọng lượng giống ban đầu bình quân 80 – 100 g/bụi, dùng dao sắc (không dùng tay bẻ) để cắt.

Rong giống sau khi cắt xong cần che đậy, tránh nắng gió trực tiếp, tránh nước ngọt ảnh hưởng. Không nên nén chặt rong với nhau. Cần đảm bảo cho rong luôn ẩm trong quá trình vận chuyển bằng cách tưới nước biển lên rong để giữ độ ẩm.

Mùa vụ

Căn cứ vào các yếu tố tự nhiên có thể nuôi rong sụn theo 2 mùa:

Mùa chính: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Thời điểm này nhiệt độ nước trung bình thường ổn định (< 300C), rong lớn nhanh và ít bị bệnh.

Mùa phụ: Ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ thường từ tháng 4 đến tháng 9; các tỉnh Nam bộ từ tháng 4 đến tháng 6. Các tháng mùa nắng – nóng của khu vực, nhiệt độ nước và không khí thường rất cao nên rong sụn phát triển chậm, dễ bị bệnh, năng suất thấp hơn. Vì vậy, cần phải chú ý đến kỹ thuật, quy mô diện tích, mật độ… để trồng rong hiệu quả nhất.

Hình thức nuôi trồng rong sụn

Dàn căng trên đáy

Hình thức này áp dụng cho việc trồng rong sụn ở các vùng bãi ngang vùng triều, ven các đầm phá, vũng vịnh, ven biển, ven đảo khi nước triều rút thấp nhất, mực nước còn khoảng 0,5 – 1,2 m.

Yêu cầu: Diện tích của một giàn tốt nhất có chiều ngang 20 – 25 m, chiều dài 50 – 100 m, tương đương diện tích 1.000 – 2.500 m2. Các giàn đặt cách nhau theo vị trí (phải, trái, trên, dưới) ít nhất 1 – 2 m, để đảm bảo nước lưu thông cho rong phát triển. Khoảng cách giữa các bụi rong giống ít nhất 20 cm, giữa các dây rong giống là 35 – 40 cm. Các dây rong giống đặt song song hướng gió.

Để hạn chế cá tạp ăn rong có thể dùng lưới (mắt lưới 1 – 1,5 cm) bao quanh giàn. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới để nước lưu thông tốt hơn.

Trồng rong sụn trong lồng lưới (mỗi lồng cao 1 m, đường kính 50 cm, cách nhau 1 m và đặt trồng cách bờ 20 – 30 m) có tác dụng ngăn cá vào ăn rong, đồng thời người trồng dễ kiểm tra, vệ sinh lồng lưới hằng ngày.

Trồng rong sụn luân canh trong ao nuôi tôm sú ven biển

Hình thức này áp dụng trong thời gian nghỉ của ao tôm (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau).

Yêu cầu: Chọn ao tôm có thể thay nước theo thủy triều (ít nhất 15 – 20 ngày/tháng), đáy ít bùn. Giàn trồng rong được làm bằng cách đóng cọc căng dây trên đáy hoặc giàn trên đáy có phao. Diện tích giàn thường chiếm 60% tổng diện tích mặt nước ao, đầm. Rong được đặt cách đáy 30 – 40 cm tùy khả năng mức nước lấy vào và giữ trong ao cao hay thấp hoặc dây rong được giữ bằng phao cách mặt nước khoảng 30 cm.

Hằng ngày thay nước trong thời kỳ triều cường. Khi thủy triều xuống thấp, hạn chế thay nước mà chỉ tiến hành giũ dây rong để tránh bị huyền phù bám vào.

Chăm sóc và phòng bệnh

Địch hại lớn nhất của rong là cá. Có thể hạn chế việc cá ăn rong bằng cách: đặt gần mặt nước; mật độ rong trồng không quá thưa; thường xuyên dùng lưới đánh cá quanh giàn trồng; chăm sóc rong thường xuyên trong giàn trồng; trồng với diện rộng và phổ biến.

Bệnh phổ biến nhất ở rong sụn là bệnh trắng nhũn thân. Nếu thấy thân rong, chỗ buộc bụi rong vào dây, chỗ bị cá ăn xuất hiện một số vùng bị mất màu (sắc tố) và trở nên trắng, mềm nhũn, cây rong bị đứt gãy, nghĩa là rong bị bệnh trắng nhũn thân. Bệnh này lây lan nhanh. Cách phòng ngừa hiệu quả là tuân thủ đúng kỹ thuật và mùa vụ trong khi trồng rong. Khi rong bị bệnh cần thu, cắt bỏ phần bị bệnh và buộc giống trở lại.

>> Rong biển được trồng để làm thực phẩm, chế biến nguyên liệu phục vụ ngành dược và có tác dụng tốt cho sức khỏe người dùng. Cùng với rong hồng vân, rong sụn được trồng làm nguyên liệu chính để chiết xuất Carrageenan.

Đoàn Quân

“Kỹ thuật nuôi cá ngựa ở biển Việt Nam”

Cá ngựa (hải mã), có hình dáng kỳ lạ, đầu giống đầu ngựa, mõm hình ống, không có răng và thân không có vảy, con đực ấp trứng… Loài cá này không chỉ dùng làm cảnh mà còn được coi như một loại “thần dược” từ biển.

Để góp phần vào việc nuôi hải sản cũng như đề xuất giải pháp bảo vệ loài cá ngựa, PTS. Trương Sĩ Kỳ, Viện Hải dương học Nha Trang đã biên soạn cuốn sách “Kỹ thuật nuôi cá ngựa biển ở Việt Nam”. Qua 3 chương, cuốn sách sẽ mang đến cho người đọc những hiểu biết về thành phần loài, đặc điểm phân bố, đặc điểm sinh học của cá ngựa. Đặc biệt, là quy trình nuôi cá ngựa từ kỹ thuật chọn cá bố mẹ, đến chế độ chăm sóc, cho ăn và phòng trị bệnh…

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành.

Tuấn Tú

Từ khóa » Trồng Rong Biển Tại Nhà