Kỹ Thuật Nuôi Xen Canh Cá - Lúa

Mục lục

 I. CHỌN ĐỊA ĐIỂM VÀ THIẾT KẾ RUỘNG NUÔI

1. Địa điểm nuôi

- Địa điểm nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Cơ sở nuôi phải tách biệt với khu dân cư, nhà máy, bệnh viện, có hệ thống cấp nước không bị ô nhiễm đảm bảo tiêu chuẩn cho nuôi trồng thủy sản.

- Giao thông đi lại thuận tiện để vận chuyển giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm và thông tin tuyên truyền.

2. Thiết kế ruộng nuôi

- Hạ tầng của cơ sở nuôi phải được thiết kế, xây dựng theo đúng quy trình, vận hành, duy trì để phòng ngừa sự lây nhiễm các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và an toàn lao động.

- Diện tích ruộng khoảng 0,5 – 2ha tùy theo điều kiện cụ thể. Có thể thiết kế theo nhiều dạng như: dạng mương chữ L, chữ thập, dạng mương trung tâm, dạng mương chu vi, dạng mương xương cá, dạng mương bao và ao trữ… để tiện lợi và đạt hiệu quả cao nên chọn dạng mương bao và ao trữ cá.

+ Tùy theo diện tích ao để đắp bờ bao quanh giao động trong khoảng: chiều rộng mặt bờ 1- 2 m; chiều rộng chân bờ 2 - 4 m; chiều cao bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm 20-30cm. Để sử dụng hiệu quả diện tích đất sản xuất, bờ bao có thể trồng dưa, bí, mướp, ớt để tăng thêm thu nhập.

+ Mương bao quanh đào cách bờ 0,5 m để tránh đất đá xoáy lở từ bờ xuống mương. Bề rộng mặt mương 3m, bề rộng đáy mương 1,5m, chiều sâu mương 1,2-1,5 m. Mương dốc dần về phía cống, để giữ nước quanh năm, để chứa cá khi làm đất cấy cho các vụ sản xuất kế tiếp; giữ và duy trì hoạt động của cá khi sử dụng nông dược để trị sâu bệnh cho lúa; nuôi giữ và dồn cá sau khi thu hoạch, lấy nước để tưới hoa màu quanh bờ.

+ Mặt ruộng được làm bằng phẳng, thuận lợi cho việc điều chỉnh mức nước trên ruộng. Nếu có điều kiện thì thiết kế ao chứa ở đầu ruộng gần nhà. Có tác dụng giữ cá lúc lúa nhỏ và trữ cá lại chờ cá lớn hoặc để chủ động tiêu thụ sản phẩm.

+ Cống: Ruộng cần có cống cấp và cống thoát nước, có hệ thống chống tràn phòng lũ, cống có thể bằng xi măng, ống sành hay gỗ tùy điều kiện của gia đình, tốt nhất nên dùng cống xi măng… Ở đầu cống cấp phải chắn đăng hoặc có túi lọc để không cho cá tạp lọt vào ruộng, đồng thời không để cá nuôi bị thất thoát ra ngoài. Trước cống thoát cũng phải có đăng chắn. Cống để chủ động điều tiết nước cấp và thoát nước cho ruộng, khi sử dụng nông dược, khi thu hoạch…

3. Các trang thiết bị

- Máy bơm nước dự phòng trong quá trình những lúc cần xử lý hoặc thu hoạch mà không điều tiết được bằng cống .

- Các thiết bị đo chỉ tiêu môi trường nước chủ yếu: pH, ôxy, nhiệt độ, NH3, H2S.

- Các dụng cụ thay, cấp nước như giai lưới, túi lưới lọc nước ngăn chặn cá tạp cá dữ, vợt lưới các loại, các loại xô, thùng...

II. KỸ THUẬT NUÔI

1. Chuẩn bị ruộng nuôi

- Sau khi thu hoạch lúa, có thể bón thêm phân ure để tạo chét lúa hay dọn sạch rơm rạ, cỏ trên ruộng lúa; sên vét lớp bùn đáy ở mương bao, chỉ để lại lớp bùn 20-30 cm. Cho nước vào ngập ruộng ngâm vài ngày rồi xả bỏ. Những ruộng có hệ thống mương bao mới đào thì cần lấy nước vào ngâm vài lần để rửa phèn.

- Bón vôi, sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 hay vôi nung CaO 10-15kg/100m2, nếu ruộng quá chua thì bón từ 20-25 kg vôi rắc đều khắp ruộng. Bón vôi sau khi đáy mương bao đã được tát cạn, vôi được rải khắp mương và bờ ruộng. Bón vôi để diệt tạp, tiêu độc đáy mương, tạo môi trường pH thích hợp trong việc tạo thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá nuôi ở giai đoạn nhỏ.

- Phơi mặt ruộng và đáy mương bao khoảng 2 - 3 ngày, tránh phơi quá lâu làm cho mặt ruộng bị nứt nẻ nhiều, đất ruộng nhiễm phèn có thể bị xì phèn.

- Cấp nước vào ruộng nuôi phải qua lưới lọc (lưới cước a = 0,3mm) để ngăn chặn địch hại và cá tạp vào làm giảm sản lượng nuôi và cạnh tranh thức ăn. Khi mực nước trong mương bao đạt 1,2 m thì có thể bón phân vô cơ DAP từ 100 - 150 g/100m2 để gây màu nước hoặc phân hữu cơ 7 - 10 kg/100m2. Lợi ích của việc bón phân là để hạn chế tảo đáy phát triển, tảo sẽ hấp thu các sản phẩm Nitơ và Phospho trong nước hạn chế nguồn gây ô nhiễm và làm ổn định nhiệt độ, pH.

2. Chọn đối tượng

2.1. Chọn giống lúa

Nuôi cá - lúa là hình thức tận dụng triệt để nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa và hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, do đó tùy vào đặc thù của từng vùng lựa chọn giống lúa khác nhau và chọn các giống có khả năng kháng sâu bệnh, chất lượng gạo tốt như giống lúa Thiên Ưu, Bắc Thơm 7, Thái Xuyên 111, JO2, Nam Ưu 209, ST24, ST25… Tốt nhất nên chọn phương pháp sạ hàng.

2.2. Chọn loài cá nuôi

- Phần lớn các loài cá nước ngọt đều có thể nuôi được trong ruộng. Tuy nhiên khi chọn loài cá nuôi cần lưu ý: đối tượng nuôi phải có khả năng thích nghi, phát triển tốt và ăn các loại thức ăn tự nhiên có sẵn trong ruộng; khả năng đầu tư thức ăn, phân bón của người nuôi; đảm bảo số lượng giống thả; đặc biệt thị hiếu của người nuôi và nhu cầu thị trường.

- Đối tượng: Có thể chọn nuôi kết hợp nhiều loại cá khác nhau như: cá chép, cá trắm, rô đồng, rô phi, mè trắng… Có thể áp dụng các công thức kết hợp sau:

+ Công thức 1- Nuôi cá rô phi làm chính: 50% cá rô phi, 40% cá chép, 10% cá mè trắng (hoặc cá mè vinh).

+ Công thức 2 – Nuôi cá rô đồng làm chính: 80% cá rô đồng, 15% cá chép, 5% cá mè trắng (hoặc cá mè vinh).

+ Công thức 3 – Nuôi cá chép làm chính: 50% cá chép, 20% cá rô phi, 10% cá mè trắng (hoặc cá mè vinh), 20% cá trắm cỏ.

+ Công thức 4 – Nuôi cá trắm cỏ làm chính: 50% cá trắm cỏ, 40% cá rô phi, 10% cá mè trắng (hoặc cá mè vinh).

2.3. Sạ lúa và thả giống

a. Sạ lúa: vụ Xuân - Hè: bắt đầu từ khoảng giữa tháng 2 đến giữa tháng 6, sau khi kết thúc vụ Đông Xuân; vụ Đông – Xuân: bắt đầu sau khi thu hoạch cá, tháng 11 đến tháng 3.

b.Thả giống: nên thả cá sớm hơn sau khi sạ lúa vài ngày (vào khoảng giữa cuối tháng 2), lúc đầu cá giống được thả ở ao trữ và mương bao (chưa cho lên mương ruộng). Sau khoảng 40 – 50 ngày (khi lúa đẻ nhánh xong) thì dâng nước lên cho cá vào ruộng, lúc này lúa đã lớn.

- Mật độ và quy cỡ cá thả: mật độ tùy thuộc vào độ màu mỡ của nước và lượng thức ăn cung cấp. Chất lượng con giống rất quan trọng, do đó phải chọn cá khỏe, có kích cỡ tương đối đồng đều, màu sắc sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không bị bệnh, dịch, cỡ cá càng lớn hiệu quả càng cao. Cỡ cá và mật độ thả như sau:

Đối tượng

Cỡ cá thả (g/con)

Mật độ (con/m2)

Công thức 1

Công thức 2

Công thức 3

Công thức 4

Chép lai

≥20

≥0,8

≥1,05

≥0,75

0

Rô phi, rô đồng

≥6

≥1

≥5,6

≥0,3

≥0,8

Trắm

≥100

0

0

≥0,15

≥1

Mè trắng

≥100

≥0,2

≥0,35

≥0,3

≥0,2

Tổng

 

≥2

≥7

≥1,5

≥2

- Vận chuyển cá giống: Có 2 phương pháp vận chuyển cá. Vận chuyển hở áp dụng cho quãng đường gần, thời gian ngắn. Vận chuyển kín áp dụng cho quãng đường vận chuyển xa và thời gian dài.

- Thả cá: Nên thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cá cần ngâm bao cá trong nước từ 20-30 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong và bên ngoài môi trường nước. Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao tương đối cân bằng thì mở miệng cho bao nước bên ngoài vào trong bao, sau đó hạ từ từ cho cá bơi ra ngoài. Khi thả chọn vị trí ít bùn, nhẹ nhàng thả không làm cho nước đục ảnh hưởng không tốt cho cá. Nếu diện tích ruộng lớn thì tốt nhất nên chọn vị trí đầu gió.

3. Thức ăn và cách cho ăn

3.1. Lựa chọn thức ăn

Cơ sở nuôi phải xác định thực hiện chế độ cho ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và độ tuổi của cá nuôi. Tùy vào mật độ thả, hình thức, điều kiện nuôi người nuôi có thể sử dụng các loại thức ăn khác nhau. Cụ thể:

- Thức ăn công nhiệp: Dinh dưỡng phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi. Chủ động, đảm bảo chất lượng, đủ chất dinh dưỡng cho cá, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thức, lượng chất thải ra môi trường ít, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Thức ăn tự chế biến: Đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị để chế biến phải đầy đủ, đảm bảo tất cả các cung đoạn để đảm bảo chất lượng thức ăn

+ Các loại thức ăn đơn, sau khi nghiền có thể đóng vào bao dùng dần. Với các loại thức ăn hỗn hợp, sau khi nghiền, phối trộn nguyên liệu theo công thức rồi đóng bao.

+ Với thức ăn dạng viên, các nguyên liệu khô phối trộn theo công thức rồi trộn với nước cho đủ ẩm, sau đó đưa vào máy ép viên, tạo viên xong đem phơi nắng hoặc sấy khô rồi đóng vào bao cho cá ăn dần.

+ Người nuôi có thể phối trộn nguyên liệu dạng bột với các nguyên liệu tươi nấu chín rồi ủ men 3-5 ngày, dạng thức ăn này có mùi thơm, giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, kích thích sự thèm ăn của cá, tuy nhiên mỗi lần ủ chỉ cho cá ăn trong 2-3 ngày.

Cũng có thể tự phối trộn thức ăn theo các công thức: 70% cám + 30% bột cá hoặc 70% cám + 30% ruột ốc xay nhỏ với hệ số sử dụng 2kg thức ăn/kg cá. Lượng thức ăn cần thay đổi theo từng tháng nuôi, giảm dần từ 10% trọng lượng cá ở 2 tháng đầu xuống 3% từ tháng thứ 7 trở đi.

- Thức ăn tự nhiên: là các loài sinh vật, động vật phù du, sinh vật đáy, ốc, côn trùng, cỏ, thóc rơi rụng, rong, bèo… có trong nước.

3.2. Cách cho ăn

- Trong thời gian 1 tháng đầu, còn nhỏ, khả năng bắt mồi kém, yêu cầu thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao, do đó nên sử dụng thức ăn viên nổi (hàm lượng đạm từ ≥35%), 2 tháng tiếp theo nên sử dụng thức ăn có hàm lượng độ đạm ≥30%, những tháng còn lại sử dụng thức ăn có hàm lượng độ đạm ≥24%, Cho ăn ít nhất 2 lần/ngày.

- Lượng cho ăn thay đổi theo tháng nuôi: hai tháng đầu khẩu phần thức ăn cho cá khoảng 8-10% khối lượng cá, tháng thứ 3-4 cho ăn 5% và những tháng sau cho ăn 2-3%.

- Để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp cần theo dõi mức độ ăn của cá, môi trường nước ruộng nuôi và điều kiện thời tiết. Theo dói mức độ ăn mồi của cá, nếu sau 30 phút cá ăn hết là đạt yêu cầu. Nếu cá ăn hết nhanh trong thời gian ngắn và vẫn còn hiện tượng đòi ăn thì phải tăng thêm lượng thức ăn cho cá mỗi lần. Khi nước bị bẩn hay có mùi hoặc thời tiết không ổn định (âm u, nắng nóng kéo dài hoặc rét kéo dài, nhiệt độ xuống ≤ 180C) nên giảm lượng cho ăn.

- Thời kỳ sử dụng nông dược trên ruộng. Lúc này cá ở dưới mương 10 – 15 ngày, cho cá ăn bằng cách rãi điều trên mặt hoặc cho ăn vào sàn tập trung ở nhiều nơi trong mương.

- Định kỳ 1 tuần/1lần sử dụng chế phẩm sinh học, bổ sung vitamin C, các loại men vi sinh để tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.

4. Quản lý và chăm sóc ruộng nuôi

- Tuần đầu mới thả cá cũng trùng với thời gian sạ lúa hoặc cấy lúa. Lúc này cần phải giữ cá ở mương (trong thời gian này không thay nước hay thêm nước), sau khi sạ lúa được 40 - 50 ngày. Trong suốt thời gian chăm sóc lúa và nuôi cá nên duy trì mức nước tối đa ngập thân lúa từ 15 - 20cm.

- Khi sử dụng nông dược hoặc bón phân hoá học, phải rút nước cho cá xuống mương chờ 5 – 7 ngày thuốc hết độc thì cấp nước trở lại cho cá lên ruộng.

- Sau khi thu hoạch lúa, cấp nước lên ruộng đến mức tối đa cho cá mau lớn.

- Khi sử dụng thuốc nông dược cần lưu ý các loại thuốc không được sử dụng như: Furazon, Fastac, Thiodan, Decis, Sherpa …

- Thay nước khi chất lượng nước xấu đi, nước có mùi hôi,… cá nổi đầu vào sáng sớm, chỉ nên thay nước khoảng 20 – 30% để tránh tình trạng cá bị sốc. Việc thay nước sẽ tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong hệ thống nuôi, kích thích cá hoạt động và bắt mồi. Trong suốt thời gian nuôi cá cần duy trì mức nước tối thiểu 0,3-0,4 m nhằm ổn định nhiệt độ nhất là trong mùa nắng nóng. Lưu ý khi thay nước phải xác định được nguồn nước cấp có đảm bảo yêu cầu hay không để tránh tình trạng làm xấu đi hoặc ô nhiễm chất lượng nước trong ruộng nuôi.

- Vào đầu mùa mưa, mùa lũ thường xuyên kiểm tra đăng, cống,…dọn cỏ quanh bờ bao tránh để nước dâng cao ngập cỏ gây phân huỷ làm thiếu oxy.

- Trong quá trình nuôi lưu ý việc sử dụng nông dược trong canh tác lúa cũng như hoa màu của các nông hộ kế cận để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm sang ruộng nuôi cá.

- Để hạn chế địch hại bờ bao cần có lưới chắn và nước trước khi đưa vào hệ thống nuôi phải qua lọc.

5. Phòng và trị bệnh

5.1. Nguyên nhân cá bị bệnh

- Yếu tố môi trường: sự biến động lớn về nhiệt độ, pH, và hàm lượng oxy thấp sẽ gây sốc hoặc làm cho cá suy yếu.

- Tác nhân gây bệnh: bao gồm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn, nấm), bệnh ký sinh trùng (nguyên sinh động vật, giun sán, giáp xác…), và các sinh vật gây nguy hiểm cho cá (côn trùng nước, cá dữ, rắn, ếch, chim,…) làm tổn thương đến cá tạo điều kiện cho bệnh ký sinh hay bệnh truyền nhiễm phát triển.

- Yếu tố ký chủ: sức đề kháng của cá đối với bệnh.

- Kỹ thuật nuôi: Vận chuyển, đánh bắt làm tổn thương cá – Quản lý chăm sóc không tốt, mật độ thả nuôi quá cao.

5.2. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Cải tạo ruộng triệt để trước khi thả cá giống. Con giống phải đảm bảo quy cỡ, chất lượng. Mật độ nuôi phù hợp với điều kiện từng ruộng và chế độ quản lý chăm sóc. Giữ môi tr­ường n­ước luôn sạch. Cho cá ăn đủ chất đủ lượng để có sức khoẻ kháng bệnh.

- Tr­ước khi thả giống nên tắm cho cá giống bằng nước muối nồng độ 2 - 3%, hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) nồng độ từ 10 - 15g/m3. Thời gian tắm trong 5 - 10 phút.

- Không sử dụng các loại thức ăn bị nấm mốc, kém chất lượng…

- Vào thời gian giao mùa xuân - hè, thu - đông, cá dễ phát sinh dịch bệnh, nên cho cá ăn một trong các loại thuốc phòng bệnh sau:

+ Tiên đắc 1: 100g/100kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 3 ngày

+ Bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, liều lượng 2 - 3g Vitamin C/1kg thức ăn.

- Thay nước: khi thay nước cần lưu ý phải đảm bảo nguồn nước tốt, chỉ thay nước khi cần thiết để tránh làm sốc cá; mỗi lần thay chỉ nên thay khoảng 20 – 30% tổng lượng nước trong ruộng nuôi.

6. Cách sử dụng chế phẩm sinh học

Sử dụng định kỳ trong quá trình nuôi gồm các nhóm chế phẩm xử lý môi trường, hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức cường sức đề kháng…cách dùng và liều lượng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất là lúc trời nắng và khi môi trường trong ao đã đủ lượng oxy hòa tan để các dòng vi khuẩn nhanh chóng được khởi động và nhân rộng sinh khối.

Tuyệt đối không được sử dụng chế phẩm sinh học cùng với các loại hoá chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, Chlorine, kháng sinh ... Khi đã sử dụng các hóa chất nêu trên thì sau 3 - 5 ngày mới được dùng chế phẩm.

Chỉ sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học của các công ty có uy tín chất lượng và có tên trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT

7. Thu hoạch cá

- Thu hoạch cá sau 5-7 tháng nuôi, cá thu được đạt kích cỡ: cá chép đạt ≥ 0,6 kg/con; cá rô phi đạt ≥ 0,6 kg/con; cá rô đồng đạt 0,1 kg/con; cá Trắm cỏ đạt 1,5 kg/con; cá mè đạt 0,8 kg/con. Bơm nước hạ dần mực nước ruộng để cá tập trung xuống mương bao, sau đó dùng lưới kéo, số còn lại tát cạn và thu hoạch bằng tay.

- Trước khi hoạch cá cần chuẩn bị đủ dụng cụ và vật liệu (tấm bạt, rổ, xô nhựa, thùng cách nhiệt, nước sạch, đá sạch, giai, lưới…), tùy theo sản lượng cá thu hoạch mà bố trí nhân lực cho hợp lý

Ths Nguyễn Thị Hằng - Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản

Từ khóa » Trồng Lúa Kết Hợp Nuôi Cá