KỸ THUẬT TRỒNG CÂY CÀ PHÊ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO

Cà phê sẽ càng ngon khi được trồng ở vùng đất cao nguyên, nơi có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ. Nó có khả năng phát triển tốt ở nơi có nhiều ánh sáng, độ pH lý tưởng ở mức 6 - 6.5, đặc biệt để hạt cà phê cho năng suất và chất lượng cao, cần phải lưu ý các kỹ thuật trồng trọt sau.

Chọn giống cà phê

Cần chọn giống cà phê phù hợp với điều kiện trồng để cho năng suất tốt nhất. Có 02 giống chính là Arabica và Robusta. Arabica được yêu chuộng và đem lại giá trị lớn hơn Robusta. Tuy nhiên vì điều kiện trồng khắt khe nên chưa được trồng phổ biến ở Việt Nam như Robusta.

Arabica yêu cầu đất có độ dốc dưới 200, độ xốp trên 60%, tầng đất mặt dày trên 70 cm, hàm lượng mùn của lớp đất mặt trên 2,5%. Đất phải có độ cao từ 1000 – 1500m so với mặt nước biển, lượng mưa trung bình từ 1200 – 1900 mm, nhiệt độ từ 15 độ C – 24 độ C và phải có mùa khô hạn tối thiểu 2 tháng. Còn Robusta thì ít phức tạp hơn, nó thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ từ 24 độ C – 26 độ C, lượng mưa trên 2000mm/năm và có độ ẩm cao.

Điều kiện đất trồng

Nên trồng cà phê trên địa hình đất đỏ bazan, có độ tơi xốp cao, tầng đất mặt dày, khả năng thoát nước tốt và có độ dốc phù hợp với mỗi loại giống cà phê. Để cây cà phê phát triển tốt nhất, phải cày bừa đất trồng kỹ càng, dọn sạch cỏ dại và những tàn dư thực vật trước khi trồng.

Thời điểm và lưu ý lúc trồng

Thời điểm trồng cà phê lý tưởng là vào đầu mùa mưa, cần kết thúc việc trồng trước 1-2 tháng khi vào mùa khô. Cây cà phê ưa nước, tuy nhiên khi trồng vào mùa mưa cần theo dõi và đảm bảo đất không bị ngập úng. Nếu có những cây không thể sống sót, bị còi cọc và không có khả năng phát triển thì cần phải trồng dặm vào những vị trí đó.

Bón phân

Cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là trong quá trình phát triển. Nên sử dụng phân bón hữu cơ để bón hai tuần một lần từ tháng 3, tháng 4 đến tháng 9. Sử dụng phân vô cơ vừa an toàn cho sức khỏe, đảm bảo được năng suất, chất lượng cao lại thân thiện với môi trường và góp phần cải tạo đất.

Cây cà phê cũng cần được bổ sung phân NPK theo định kỳ hằng năm, tuy nhiên loại này có thể dễ gây mặn cho cây nên sử dụng liều lượng phù hợp theo các chỉ dẫn đã được nghiên cứu.

Tưới nước

Trong giai đoạn phát triển của cà phê, cần tưới đủ lượng nước và không nên để cây bị khô hoàn toàn. Nên tưới nước vào mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều tối muộn, tránh tưới vào giữa trưa nắng. Nếu vào mùa hè nắng gắt cần tưới nhiều hơn vào cả sáng và tối. Tuy nhiên, trước mỗi lần tưới cây lớp đất bề mặt của cà phê nên được khô ráo.

Cắt tỉa cây

Việc cắt tỉa cành, cây cà phê thường xuyên là một yếu tố quan trọng để có thể giúp cây tránh già cỗi và cho năng suất cao hơn. Nên cắt tỉa cây cà phê vào khoảng thời gian đầu mùa xuân. Việc loại bỏ những cành già cỗi sẽ tạo thêm điều kiện cho những cành khoẻ phát triển và cho ra hạt cà phê năng xuất tốt hơn. Ngoài ra bạn nên tỉa để đảm bảo cây luôn nhận đủ ánh sáng từ nhiều phía để tránh sâu bệnh và tán cây cân đối hơn.

Phòng trừ sâu bệnh

Các bệnh thường gặp ở cà phê là sâu đục thân, mọt đục cành, đục quả; các loại rệp vảy trên quả, rệp sáp hại rễ, hại quả; bệnh gỉ sắt, thán thư, bệnh thối cổ rễ, vàng lá, bệnh khô cành, khô quả và thối cuống quả,…. Bất kỳ một bộ phận nào trên cây cà phê đều có thể gặp nguy hại nếu không được chăm sóc và tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật trồng trọt.

Trường hợp cây gặp sâu bệnh, nên sử dụng các loại phân hữu cơ thể điều trị, tránh các chất hóa học và hạn chế các loại phân vô cơ, bởi chúng làm đất nhanh thoái hóa và mất cân bằng sinh thái tự nhiên.

Trên đây là những kỹ thuật trồng cà phê cần được lưu ý. The Coffee House chúc bạn sẽ cho ra đời những hạt cà phê có năng suất cao và chất lượng tốt nhất, đem đến những hạt cà phê thượng hạng và chinh phục cả những khách hàng khó tính.

Từ khóa » Trồng Cây Cà Phê Cảnh