Kỹ Thuật Xoa Bóp đôi Chân - Giữ Gìn Sức Khỏe

RVBW1ff3.jpgPhóng to
Cách day và điểm huyệt dũng tuyền

Khi day hoặc bấm các huyệt vi ở bàn chân còn có tác dụng chữa được bệnh, phòng bệnh, kéo dài tuổi xuân và tăng thêm tuổi thọ...

Đôi bàn chân có nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, nó chống đỡ và chịu đựng sức nén của toàn bộ cơ thể. Khi ta đi, đứng, vận động, lao động... không thể thiếu được đôi chân. Ngoài ra, đôi bàn chân còn có mối liên quan mật thiết tới lục phủ ngũ tạng, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Sau đây là kỹ thuật xoa bóp bàn chân giúp bạn đọc tham khảo, áp dụng:

Xoa bóp gan bàn chân

Tư thế ngồi, chân trái đặt lên trên gối phải, tay trái giữ bàn chân, tay phải áp sát vào gan bàn chân xoa và xát theo chiều dọc bàn chân 20 lần, làm từ nhẹ đến mạnh, từ chậm đến nhanh. Bàn chân sẽ nóng dần lên là tốt. Sau đó dùng hai ngón cái và trỏ bóp nhẹ các ngón chân, bóp dần xuống đến gót khoảng 5 phút. Dùng ngón trỏ day ấn vào huyệt dũng tuyền (giữa gan bàn chân). Sau đó để đầu ngón tay cái vuông góc với gan bàn chân, ấn vào thấy tức là được, day nhẹ nhàng huyệt theo chiều kim đồng hồ. Huyệt này có tác dụng hạ huyết áp, bổ thận, chữa đau lưng mỏi gối.

Đổi bàn chân, trình tự làm như trên.

Xoa bóp mu bàn chân

Tư thế ngồi, chân trái co lại, gấp đầu gối, bàn chân để áp bằng trên ghế. Dùng lòng bàn tay phải áp lên mu bàn chân, tay trái xoa dọc lên khớp cổ chân 20-30 lần. Sau đó dùng ngón tay cái và trỏ (hai tay) bóp nhẹ các ngón day vào kẽ ngón chân 5 phút, ấn dọc lên mu chân theo từng ngón, sau đó vỗ nhẹ lên mu chân.

Tiếp đó dùng ngón cái ấn lên huyệt giải khê (giữa nếp lằn cổ chân), huyệt thái xung (giữa kẽ ngón 1, 2 dịch lên 2 đốt ngón tay), huyệt túc lâm khấp (giữa kẽ ngón 4, 5 dịch lên 2 đốt). Mỗi lần ấn khoảng 1 phút cho mỗi huyệt. Thay đổi hai chân, xoa bóp khoảng 20 phút mỗi lần trong ngày. Ngày làm hai lần. Ngoài ra kết hợp đi bộ. Nên đi chân đất và giẫm vào những hòn sỏi nhỏ, có tác dụng như ấn vào huyệt ở vùng gan bàn chân.

Ngâm chân

Trước khi xoa bóp bàn chân, có thể kết hợp ngâm chân. Cách làm: Dùng các loại lá ngải cứu, lá lốt, lá xương xông và gừng, lá tre, lá hương nhu, muối, đun sôi để ngâm chân chữa các bệnh khớp, bệnh tê thấp và lạnh chân. Khi nồi nước xông đang nóng thì đặt chân cách mặt nước để xông hơi. Khi nước giảm nhiệt thì đặt dần bàn chân thấp xuống. Khi nước nóng già thì cho bàn chân sát vào mặt nước, sau đó ngâm cả bàn chân. Có thể vuốt nước lên cẳng chân, bắp chân. Khi nước hết nóng thì thôi.

Từ khóa » Cách Xoa Bóp Huyệt Bàn Chân