Là Hiệp Hội Thì đừng 'em Chã' - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Ngày 21/6/2016, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn số 41/201/CV-HHMĐ đề nghị Bộ Tài chính áp dụng và duy trì mức bảo hộ cao nhất cho ngành đường theo các cam kết theo lộ trình đã ký.

VSSA giải thích, trong xu hướng hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành mía đường là một trong các ngành nông nghiệp bị tổn thương cao nhất với mặt hàng đường là mặt hàng nhạy cảm mà trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do đã đề cập.

VSSA cho rằng: “Việc nhập đường giá rẻ vào Việt Nam khác nào “cướp” đi công ăn việc làm, thu nhập của các DN sản xuất đường và nông dân trồng mía trên cả nước”.

Bộ Tài chính thì lý giải, theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào ngày 27/6/2015, phía Việt Nam sẽ dành cho phía Lào ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Lào.

Xã hội phát triển, đất nước đã tiến đến ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình, không còn cảnh đói ăn như trước. Nhưng quá khứ bao cấp cũng tạo ra và tồn tại nhiều doanh nghiệp ít chịu động đậy, chả tìm tòi phấn đấu, kiểu dạng “không chịu phát triển”. Quen thói ăn sẵn, do thừa hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, thiếu tính cạnh tranh, nên đến thời kỳ kinh tế thị trường thì trì trệ, thua lỗ, mãi vẫn không bứt được lên.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Định nghĩa là thế, nhưng ở mình, nhiều doanh nghiệp chả chịu...

Đây không phải lần đầu. Năm nào Hiệp hội Mía đường Việt Nam chả kêu toáng lên như thế. Chuyện phản đối của Hiệp hội Mía đường thực ra là bình thường, tất yếu. Bởi những điều sầu thảm, èo ọt phát triển của nền công nghiệp mía đường Việt Nam đã diễn ra từ lâu. Vì nông dân trồng rồi chặt phá, bỏ không trồng do rớt giá, vì nhà máy không chịu thu mua, vì giá thành quá cao, vì không tiêu thụ được...

"Em chã" có nguồn gốc từ một nhân vật trong tiểu thuyết "Số đỏ" của nhà văn, “vua phóng sự đất Bắc”, thời kỳ những năm 30 - 40 thế kỷ trước, Vũ Trọng Phụng.

Em ấy là cậu thiếu niên có tướng người phổng phao to béo, con trai cầu tự của bà Phó Đoan, nhưng lại được chiều chuộng chăm sóc như trẻ sơ sinh. Câu cửa miệng khi làm nũng của em ấy là: "em chã, em chã" (em chả…, em chả…). Nên thành ra tên gọi “em chã” như ngày nay, chỉ trẻ con béo, bệu, lớn xác nhưng ngu ngơ.

Hiệp hội tức tưởi mỗi khi gặp trở ngại khó khăn, đã kiến nghị rồi “tâm thư” bao lần cho Chính phủ, cho các bộ ngành. Sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là bản chất để tồn tại và phát triển. Chứ cứ gào khóc đòi bú như trẻ con thì chả sống nổi. Nếu sống được thì quặt quẹo. Mà hiệp hội lớn rồi, bé bỏng bú mớm gì nữa đâu...

Bạn đang đọc bài viết Là hiệp hội thì đừng 'em chã' tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.

Nguyễn Quốc Hưng

  • Chia sẻ Facebook
-1 1 Quan tâm

Từ khóa » Em Chã Số đỏ