LẠC DƯƠNG, KINH ĐÔ CỦA 15 TRIỀU ĐẠI TRUNG HOA
Có thể bạn quan tâm
Nhà Đông Chu kéo dài chừng 5 thế kỷ đã khởi đầu như thế và Lạc Ấp chính là thành phố Lạc Dương, phía Tây tỉnh Hà Nam hiện nay. Nằm trên bờ sông Lạc Hà ở vùng đồng bằng trung tâm, được vua Chu Công xây dựng vào thế kỷ 11 TCN, Lạc Dương là một trong 4 cố đô lớn, đồng thời, là một cái nôi văn minh của Trung Hoa. Mảnh đất này từng là kinh đô của 15 triều đại phong kiến Trung Quốc như nhà Hạ (2205-1766 TCN), Thương (1766-1122 TCN), Đông Chu (1122-255 TCN), Tần (255-207 TCN), Đông Hán (208 TCN-220), Ngụy (221-316) và Bắc Ngụy (493-534)... Có thể thấy rằng trong vòng 16 thế kỷ, Lạc Dương đã đóng vai trò một trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
*
Nói đến Lạc Dương, không thể bỏ qua vai trò cái nôi Phật giáo Trung Hoa.
Ngược dòng lịch sử, Phật giáo được lan truyền tới Trung Quốc trong thời Hán - Ngụy và từ đó, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Trung Quốc có nội dung và cách thể hiện mới qua hai hình thức: tự viện (chùa chiền) và thạch quật (hang đá). Cả hai cách thể hiện đặc trưng ấy, du khách ngày nay đều có thể chứng kiến tại Lạc Dương, ở dạng nguyên vẹn và cổ kính nhất. Đó là Bạch Mã Tự và Long Môn Động, hai di tích lịch sử văn hóa và tôn giáo có ý nghĩa lớn lao của thành phố này.
Nằm cách Lạc Dương chừng 12 cây số về phía Đông, Bạch Mã Tự là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Trung Quốc, được xây cất khoảng năm 68. Chùa có một sự tích khá ly kỳ. Tương truyền, năm 67, vua Hán Minh Ðế (58-76) nằm mộng thấy một người vàng bay lơ lửng trước điện. Sáng hôm sau, vua đem chuyện kể lại với quần thần thì một cận thần là Trương Nghị giải thích: đó là người đã đắc đạo ở nước Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay), gọi là Phật, thân thể có hào quang và có thể phi hành trên hư không. Hán Minh Đế bèn cử một phái đoàn 18 người sang Thiên Trúc - dọc đường, khi đến nước Ðại Nhục Chi (Scythia, vùng Afghanistan, giữa Bắc Ấn và Trung Quốc), họ gặp được hai cao vị tăng Ấn Độ là Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan đang thuyết giáo ở đây. Rốt cục, hai vị tăng được mời sang Trung Quốc để hoằng pháp và trong chuyến đi ấy, cùng đoàn sứ giả, họ đã mang theo nhiều bộ kinh tiếng Phạn cùng tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, chở trên một con ngựa trắng. Tại kinh đô Lạc Dương, ngôi chùa Bạch Mã Tự được xây dựng làm chỗ cho hai thần tăng này cư ngụ và dịch kinh - tên chùa được lấy từ sự tích con ngựa trắng chở kinh từ Ðại Nhục Chi về. Trong vòng gần hai trăm năm đầu, hoạt động Phật giáo ở Trung Quốc chủ yếu là dịch kinh và xây dựng chùa chiền, đều khởi nguyên từ ngôi chùa Bạch Mã Tự này.
Khu phố cổ trên đường vào Bạch Mã Tự
Ngày nay, du khách đến thăm Bạch Mã Tự, sẽ đi qua một dãy phố kiến trúc cổ kính, hai bên đường san sát cửa hiệu bán tượng Phật, hương nhang, tranh ảnh và sách vở về Phật giáo, với những tiếng rao dài và bầu không khí đậm vẻ trang nghiêm. Trước cổng Tam Quan (nằm trên trục Nam - Bắc) của ngôi chùa, là một sân rộng, có những hồ sen nuôi cá vàng.
Cổng vào Bạch Mã Tự
Bước vào sân chùa, đón du khách là một vườn cây tĩnh mịch, gồm tùng bách, bạch quả và hoa mẫu đơn, biểu tượng của Lạc Dương. Đây đó, nhiều cây cổ thụ um tùm tỏa bóng, được chống đỡ bằng bê-tông; ở một góc, tọa lạc tượng bạch mã chở kinh về Hoàng Thổ cách đây 20 thế kỷ.
Tượng bạch mã
Kiến trúc của Bạch Mã Tự đặc thù cho kiến trúc chùa chiền Phật giáo, gồm những tòa Phật điện nối tiếp nhau: thoạt đầu là Thiên Vương Điện (thờ Tứ Đại Thiên Vương hộ trì Phật pháp, hộ trì bốn cõi thiên hạ, khiến quỉ thần hung ác không thể xâm hại chúng sinh), rồi đến Đại Phật Điện (thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni); tiếp đến là chính điện (Đại Hùng Bảo Điện, hay Chư Phật Đại Điện, thờ Phật Thế Tôn, Phật A Di Đà và Phật Dược Sư cùng 18 vị La Hán) và cuối cùng là Thuyết Pháp Điện (pháp đường để giảng kinh). Hai bên và xung quanh các Phật điện là trai đường, thiền đường, cũng như khu nhà tiếp khách, nhà kho, nhà vệ sinh... và nơi ở của các vị phương trượng. Đặc biệt, hai bên Thiên Vương Điện, nay vẫn còn phần mộ nơi yên nghỉ của hai thần tăng Ấn Độ, Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan, cũng như Tàng Kinh Lâu là nơi chứa “Tứ Thập Nhị Chương”, bộ kinh cổ nhất của Trung Quốc do họ biên dịch từ tiếng Phạn.
Sân trong của Bạch Mã Tự
Bạch Mã Tự - như ở dạng nguyên thủy của nó - đã bị tàn phá rất nhiều với thời gian và chinh chiến; những gì du khách được “mục sở thị” ngày nay là phần được tái tạo và xây dựng thời nhà Minh và nhà Thanh. Tuy nhiên, bóng dáng của gần hai mươi thế kỷ vẫn ghi dấu ấn rất đậm nét trên diện tích 34 ngàn m2 của ngôi chùa cổ, khiến nó vẫn là cái đích hấp dẫn đối với những ai muốn hành hương tìm hiểu lịch sử và cội nguồn tín ngưỡng tại xứ sở Trung Quốc.
Tượng Phật (dài 5 mét, nặng 8 tấn) trong Phật Ngọc Điện
*
Nếu như Bạch Mã Tự là điển hình của kiến trúc chùa chiền Phật giáo Trung Quốc thì Long Môn Động, hay Long Môn Thạch Quật (hang đá Long Môn) - cách Lạc Dương 12 cây số về phía Nam - lại là hình mẫu của các công trình trạm trổ, điêu khắc tượng Phật trong vách núi đá. Cùng Mạc Cao (ở Cam Túc) và Vân Cương (Sơn Tây), hang đá Long Môn là một trong 3 địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã được xếp hạng di sản văn hóa thế giới tháng 11-2000.
Cổng vào Long Môn Động
Du khách tới Long Môn Động, sẽ được hướng theo con đường ven sông Di, dài chừng 1 cây số chạy về phía Nam, bên kia sông là ngọn núi Hương Sơn và bên này sông, phía phải con đường, là Hổ Sơn với hơn 2.300 hang động và hốc lớn nhỏ, 43 chùa, 2.800 họa tiết, chạm trổ và hơn 100 ngàn tượng Phật trong đủ mọi tư thế ngồi, nằm hoặc đứng khiêu vũ.
Hang và hốc tại Long Môn Động
Những tượng Phật đa phần được chạm khắc từ thời Bắc Ngụy (30%), khi triều đình này dời đô về Lạc Dương (năm 493) và sau đó, đời nhà Đường (60%), đặc biệt là trong thời gian 15 năm mà Võ Tắc Thiên - vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc - ngự trị. Kích cỡ của tượng Phật bên vách Long Môn Động cũng hết sức khác nhau: nhỏ nhất là... 2 phân, nằm gọn trong lòng bàn tay, và lớn nhất là 17,14 mét.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế kiết già
Trong số các động tại Long Môn, Tân Dương Bắc, Trung và Nam là ba động lớn nhất và có sự điêu khắc hoa mỹ, hoành tráng nhất qua qua triều đại Bắc Ngụy, Đường và Tống. Đặc biệt là động Tân Dương Trung được dựng trong vòng 23 năm (500-523) với độ dài 12 mét, chiều sâu 11 mét và cao 9 mét, chính giữa sừng sững quần thể tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị Bồ Tát - đây từng là nơi thờ tự chính của hoàng gia thời xưa.
Đại Phật Lư Xá Na, bức tượng được coi là "Mona Lisa phương Đông"
Ở gần cuối con đường, trên độ cao hàng trăm bậc thang, là động Phụng Tiên, đồng thời cũng là điện thờ lớn nhất tại Long Môn với chiều dài 39 mét và chiều sâu 35 mét. Tại đây, tọa lạc một quần thể tượng gồm 9 bức rất kỳ vĩ, lớn nhất là Đại Phật Lư Xá Na (Vairocana) cao hơn 17 mét (đầu tượng dài 4 mét và tai dài 1,9 mét), cùng các Bồ Tát, Thiên Vương, đệ tử...
Quần thể tượng tại động Phục Tiên, bên pho tượng Đại Phật Lư Xá Na
Theo sử sách, nữ hoàng Võ Tắc Thiên, tuy tàn ác trong việc triều chính nhưng lại rất sùng đạo, đã khuyến dụ và ra lệnh cho cư dân đời Đường làm thật nhiều tượng Phật để “lấy hên”. Tương truyền, bức tượng Đại Phật Lư Xá Na đã mô phỏng hình ảnh vị nữ hoàng trong tư thế tọa thiền (kiết già, ngồi xếp chân hoa sen) của một phụ nữ trung niên có khuôn mặt sắc sảo, thông tuệ, môi hơi cong và đầu hơi cúi, nở một nụ cười nhẹ, an nhiên tự tại. Pho tượng còn được gọi là “Mona Lisa Đông Phương” hay “Thần Vệ Nữ Đông Phương” vì sự hoàn hảo của nó.
Võ Tắc Thiên (625-705), vị nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc, lập ra triều đại riêng (nhà Chu) và cai trị dưới tên Tắc Thiên Thuận Thánh Hoàng Hậu trong vòng 15 năm (690-705). Xảo quyệt và tàn bạo, nhưng lại là một Phật tử sùng kính, người ta cho rằng pho tượng Đại Phật Lư Xá Na (Vairocana) đã được mô phỏng theo gương mặt của bà
*
Không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử và tín ngưỡng, Lạc Dương còn được biết đến như trung tâm nuôi trồng gần 200 loài mẫu đơn đẹp nhất của Trung Quốc, với hàng loạt triển lãm hoa mẫu đơn - mang tên "Lạc Dương mẫu đơn hội" - tổ chức thường niên ở đây. Trong lịch sử Trung Quốc, mẫu đơn được sử dụng từ rất lâu đời trong văn hóa trang trí và là một trong các biểu trưng quốc gia. Cho đến nay, đã nhiều lần mẫu đơn được đề nghị làm quốc hoa của Đại Lục. Việc trồng mẫu đơn rất phổ biến từ thời Tùy Đường và lên đến đỉnh cao thời Tống ở Lạc Dương, mảnh đất từ đó được coi là "thiên hạ vô địch" về loài hoa này.
Một ngày đầu hạ nào đó, du khách có dịp đặt chân đến Lạc Dương thành, đắm chìm trong bầu không khí của những thể kỷ đã trôi qua và trong sắc hoa mẫu đơn rực rỡ, hẳn sẽ không thất vọng với những gì được thấy ở kinh đô của 15 triều đại phong kiến Trung Hoa này...
Từ khóa » Thành Lạc Dương Trung Quốc
-
Lạc Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lạc Dương - Thành Phố Của Những Cái Nhất ở Trung Quốc - VnExpress
-
TỔNG QUAN THÀNH PHỐ LẠC DƯƠNG VÀ TOP NHỮNG ĐỊA ...
-
Du Lịch Lạc Dương Trung Quốc - Vé Máy Bay
-
Lạc Dương - địa Danh Du Lịch Không Thể Bỏ Qua ở Trung Quốc
-
Lạc Dương - Wikivoyage
-
Cố đô Lạc Dương - Kinh đô Bị Lãng Quên
-
Lạc Dương - Wiki Tiếng Việt - Du Học Trung Quốc
-
Thành Phố Lạc Dương - Hà Nam || 1 Trong 4 Cố Đô Của Trung Quốc
-
Cổ Kính Thành Lạc Dương – Trung Quốc - Báo Tây Ninh Online
-
Dấu Tích Vàng Son Của Tứ đại Cố đô Trung Quốc - Du Lịch - Zing News
-
Du Lịch Lạc Dương - VIETRAVEL
-
Du Lịch Trung Quốc: Hà Nội - Tây An - Lạc Dương - Trịnh Châu