Làm đồ Giả Cổ Và Thị Trường đồ Cổ - Nghệ Thuật Xưa

Đồ cổ, như ta đã biết, được làm ra từ hàng trăm năm về trước, càng lâu đời càng quý, lâu đời và chất liệu độc đáo, làm đơn chiếc, hiếm thấy lại càng quý giá hơn. Một pho tượng cổ, một bức tranh cổ có thể trị giá bằng cả một tòa nhà. Một bộ tam đa cổ (ba ông) bằng gốm có thể bán tới 4-5 cây vàng.

Do đồ cổ là thứ hàng xưa đều rất đắt nên người ta tìm mọi cách để làm giả. Làm giả đồ cổ trở thành một loại nghề nghiệp hốt bạc, khá phổ biến ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Những vật dụng được sản xuất hôm nay không thể coi là đồ cổ, nếu làm giống như đồ cổ thì chỉ là thứ đồ giả cổ. Tuy giả cổ, song chúng rất được giá. Đương nhiên, làm đồ giả cổ phải rất công phu, như đồ gỗ, đồ gốm, đồ đồng giả cổ  chẳng hạn. Hiện nay, nghề làm đồ giả cổ phát triển mạnh, đem lại nguồn thi khá lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong cả nước, có ý nghĩa tích cực về đời sống kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tang của người tiêu dung trong và ngoài nước.Điều đó giải thích vì sao hàng giả cổ chẳng những không bị cấm mà còn khuyến khích sản xuất, trong khi các loại hàng giả khác đều bị cấm sản xuất và buôn bán.

Tuy vậy, lợi dụng tính hợp pháp của việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả cổ, một số người đã làm đồ cổ giả để đánh lừa khách hàng. Bằng các thủ pháp kỹ thuật, họ làm cho đồ giả”có màu thời gian”, biến đồ giả thành đồ cổ thật và bán cho những khách hàng cả tin với giá cắt cổ. Việc sản xuất, kinh doanh kiểu ấy được coi là hoạt động phi pháp, cần phải nghiêm trị, bởi vì nó làm phương hại đến lợi ích chính đáng của người tiêu dung, gây hậu quả xấu về kinh tế, xã hôi.

 

1/ ĐỒ GIẢ CỔ VÀ ĐỒ CỔ – THẬT GIẢ LẪN LỘN

Trên thế giới, việc làm đồ cổ giả đã diễn ra khá phổ biến ở bất cứ thời kỳ nào. Không hiếm những người thành thạo trong lĩnh vực này, mà một đại diện trong số họ V. Migio (Meegere).

Năm 1947, tại Amsterdam, thay vì lãnh án tù chung thân về tội thông đồng với phát xít Đức chống lại lợi ích quốc gia, V.Migio chỉ bị tòa kết án một năm tù vì tội mạo chữ ký của danh họa Hà Lan Van Vermeer. Nguyên do là V.Migio đã từng bán cho Gocring một tên trùm phát xít Đức bức kiệt tác Chúa Cứu Thế và con dâm  phụ  do Van- Vec-mia  sáng tác từ thế kỷ XVII. Nhưng trước tòa V-Migio đã chứng minh bằng tài nghệ của mình – kiệt tác mà ông bán cho Gocring chỉ là một bức tranh giả của kiệt tác kia … và đến lúc ấy, người ta mới biết rằng : từ năm 1936 đến khi phải ra tòa, V-Migio đã làm và bán trót lọt  8 bức tranh giả cổ, mỗi bức 60- 120 nghìn livres, cho một số nhà bảo tàng lớn và giới sưu tập tranh chuyên nghiệp.

Để qua được con mắt các nhà chuyên môn, nói cách khác là”qua mắt thiên hạ”, là V-Migio phải bỏ ra  ba năm khổ luyện tay cọ cho nét vẽ giống hệt bút pháp của Van Vermeer. Sau đó, ông sưu tầm những tranh cùng cỡ, cùng thời với tranh của Van Vermeer, đem tẩy rửa sạch lớp sơn dầu cũ cho thật khéo để có các tấm vải nền cùng thời với vải nền các tranh vẽ vào thế kỷ XVII. Tranh giả khi vẽ xong lại phải làm lại cho cũ đi, giới làm đồ giả gọi “nhuốm màu thời gian”. Tranh sơn dầu cũ thường có vết ran. V.Migio đã dung loại dầu đặc biệt để pha sơn, để sao cho khi sấy nóng tranh không đổi màu mà vẫn rạn mặt, đó là cách làm giả rất tinh vi của ông.

Người ta thán phục V.Migio bởi  các tranh giả cổ của ông tinh xảo và hoàn thiện đến mức, những chuyện viên sừng sỏ trong nghề giám định, có sự giúp sức của các thiết bị hiện đại, chuyện dụng trong thẩm định cũ, mới cũng phải bó tay. Những người làm đồ cổ giả cỡ như V.Migio tuy không nhiều, nhưng ở đâu và thời nào cũng có. Một lần, có nhà nghiên cứu đem đến một bức tranh có chữ ký của Picasso để hỏi nhà danh họa có phải tranh của ông không. Picasso nhìn kỹ tác phẩm rồi thốt lên: đúng là chữ ký của ông, nhưng chính ông cũng không biết đấy có phải tranh của mình hay tranh giả !

Những người làm tranh giả, tranh cổ giả và đồ cổ giả nói chung, phần lớn đếu là nghệ nhân vô danh, đầy tài năng, am tường về đồ cổ. Họ có tài, lại thừa hưởng kho kinh nghiệm quý báu trong các nghề thủ công truyền thống do các thế hệ trước tích lũy, lưu truyền. Trong số họ phải kể đến các chuyên gia phục chế cổ vật của các viện bảo tàng. Nghề phục chế cổ vật có vai trò quan trọng trong việc trả lại cho hiện vật bộ mặt ban đầu của nó, nhân bản cổ vật quý hiếm để trưng bày, nhằm bảo vệ cổ vật gốc trước nạn đánh cắp gia tăng, đồng thời để cung cấp bản sao cổ vật cho các bảo tàng và có thể bán cho các nhà sưu tầm.

So với đồ cổ thật, sản phẩm được làm giả vừa phải đúng về chất liệu, kích cỡ, trọng lượng, vừa phải có “màu thời gian” và phải hệt như bản gốc ngay cả những vết sứt sẹo, rạn nứt nhỏ nhất.

Ở Việt Nam, nghề làm đồ cổ giả cũng có lịch sử lâu đời, với không ít nghệ nhân vô danh và lưu danh.

Năm 1903, thành lập trường Mỹ Nghệ Thực Hành  Biên Hòa, người Pháp đặt vào đó hy vọng đào tạo những lớp thợ giỏi để có thể sản xuất hàng loạt đồ gốm giả cổ Trung Quốc, bởi họ biết rõ thế mạnh của các nghệ nhân Việt Nam (khéo tay, cần cù, óc sáng tạo, tính nhạy bén tiếp thu cái mới …) Thế nhưng phải mất 18 năm nghiên cứu, thực nghiệm với sự hỗ trợ của chuyên viên cao cấp người Pháp về gốm, trường này mới tìm ra kỹ thuật sản xuất gốm cổ – đó là cách chế men gốm cổ, loại đất sét làm xương gốm và độ lửa nung gốm cần thiết xưa.

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, hang Thành Lễ, một cơ sở tư nhân chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Thủ Dầu Một (Sông Bé) đã khá nổi tiếng, cũng bắt đầu chập chững đi tìm kỹ thuật làm đồ gốm giả cổ. Phương pháp tìm tòi, thể nghiệm của hang Thành lễ được tiến hành như sau :

-Bước đầu tiên là sưu tầm, hãng cử người đi khắp nơi săn lung, tìm mua các loại đồ gốm cổ của Việt Nam và của Trung Quốc.

-Bước hai – nghiên cứu và thẩm định, khi có số lượng đồ cổ cần thiết, hãng mới mời chuyên viên về gốm (đa số đã tốt nghiệp Phân ban Gốm của trường Mỹ Nghệ Thực hành Biên Hòa) và các họa sĩ có tài đến xem xét kỹ lưỡng kiểu dáng, hoa văn, họa tiết, thẩm định chất liệu gốm (xương gốm, men, độ nung…) xác đinh niên đại và xuất xứ từng loại, từng thứ cổ vật.

-Bước cuối cùng là thử nghiệm, sản xuất. Khi đã nghiên cứu, phân tích mọi mặt, nắm vững về chất liệu và kỹ thuật hãng bắt tay vào sản xuất thử nghiệm và thử mãi đến khi thành công mới tiến hành sản xuất hàng loạt để bán ra thị trường. Ở cơ sở Thành Lễ, việc nghiên cứu gốm cổ tiến hành trên cả hai mặt, đó là tìm hiểu các kiến thức gốm trong sách vở, tài liệu va phân tích sâu sắc từ trên sản phẩm gốm xưa, đem kết quả thu được đưa vào thử nghiệm sản xuất.

Do tiến hành nghiên cứu, sản xuất rất công phu, có phương pháp khoa học như thế, nên trước năm 1975 hãng Thành Lễ đã làm ra nhiều chủng loại gốm giả cổ : đồ đất nung, gốm thô, gốm men ngọc, men hoa nâu, men Celadon.vv…Nghĩa là, Thành Lễ trên thực tế đã làm được hàng loạt đồ cổ giả như đồ cổ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn của Việt Nam, cũng như giả đồ cổ các đời Xuân – Thu chiến quốc, Khang Hy, Càn Long … của Trung Quốc.

Sự kinh doanh  đồ cổ  kéo theo việc săn tìm đồ cổ. Kinh doanh đồ cổ phát triển rầm rộ còn lôi cuốn những người làm đồ giả cổ và cả đồ cổ giả. Ngoài kết quả sản xuất đồ gốm giả cổ của cơ sở Thành Lễ, các nghệ nhân có tay nghề cao ở nhiều địa phương trong nước đã tìm cách làm ra các đồ gỗ giả cổ, các sản phẩm khắc đá, đúc đồng giả cổ …. Được khách hàng rất ưa chuộng.

Tuy kỹ thuật làm cho các sản phẩm giả cổ có “màu thời gian” nhiều khi rất thô sơ, nhưng nhờ khéo tay, một số “nghệ nhân” đã làm cho đồ giả y như đồ cổ thật. Hoạt động này đã gây rất nhiều khó khăn trong  xã hội, làm cho người mua bị mắc lừa, thậm chí ngay cả các chuyên viên giám định đồ cổ ở các cửa khẩu cũng không phân định rạch ròi đâu là đồ cổ, đâu là đồ cổ giả, nếu họ thiếu kinh nghiệm và sự thận trọng cần thiết.

Mấy năm gần đây, tham gia vào  việc làm đồ cổ giả còn có một số xí nghiệp, công ty và một số cơ quan nhà nước. Các cơ sở sản xuất gốm sứ Bát Tràng đua nhau làm đồ gốm sứ giả cổ. Một số hộ đúc đồng Ngũ Xá (Hà Nội) làm nhiều đồ đồng giả cổ. Nhìn chung các đơn vị chế tạo đồ giả cổ đang cố gắng thực hiện chương trình nghiên cứu một cách nghiêm túc về đồ cổ.Mục đích cuối cùng của họ là làm được các loại sản phẩm hoàn hảo. Để làm được các sản phẩm giả cổ chất lượng cao, các nghệ nhân, các chuyên gia đang cố gắng kế thừa những kinh nghiệm cổ truyền, kết hợp kinh nghiệm quý báu ấy với các thành tực khoa học – kỹ thuật hiện đại, khắc phục dần nhược điểm, yếu kém trong nghề làm đồ giả cổ ở nước ta.Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng  : sản xuất các mặt hàng giả cổ hiện đang là thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, xuất khẩu và tiêu thụ hàng giả cổ trên thị trường trong nước đã thu cho ngân sách nhà nước khoản tiền lớn.Nhưng, ngay ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh này rõ ràng vẫn có sự lấn cấn ít nhiều giữa giả và thật. Hơn nữa, một số người đã và đang chế tạo ra những đồ cổ giả rồi tung vào”thị trường ngầm”càng làm cho tình hình quản lý, mua bán đố cổ phức tạp hơn.

2/ KỸ THUẬT LÀM ĐỒ CỔ GIẢ – ĐỒ”THẬT GIẢ”TRÊN THỊ TRƯỜNG

Đồ cổ vốn đắt giá. Vì thế, đồ cổ giả thường đem lại những khoản lợi kếch xù cho người làm ra và người kinh doanh nó. Song công việc làm đồ cổ giả đến mức tinh xảo và hoàn thiện thì không phải là dễ dàng. Quá trình tìm đạt các yếu tố cần và đủ để món đồ giả được chấp nhận như đồ cổ thật là quá trình đầy gian nan, tốn phí nhiều thời gian, công sức, tiền bạc … kinh nghiệm trong lĩnh vưc  này vì vậy luôn luôn là bí quyết, bí mật, nhiều khi vĩnh viễn thất truyền.

Đồ cổ tức là các vật dụng,   hiện vật xưa, phải lâu đời, phải mang cái màu đặc trưng “’màu thời gian”. Vậy mà những đồng tiền cổ thời Hồng Đức, tiền đồng thời Minh Mạng, thới Vạn Lịch … đậm nét dấu vết tàn phá của thời gian, được bày bán trong các hộp nhỏ hoặc trong tủ kính dọc đường Đồng Khởi (TPHCM) thường là “đồ cổ” mới làm hôm qua! Giới làm đồ cổ giả (đồ dởm) biết cách tạo ra “màu thời gian” đơn giản mà rất nghệ thuật, đống và thau hóa ra màu rỉ xanh đặc biệt, kẽm hóa ra màu xám, xỉn, đồng đỏ hóa đồng đen, giấy mới tinh hóa thành giấy cũ ố vàng … Thực sự kỹ thuật này không có gì phức tạp.

Để có “màu thời gian”, biến vật mới thành cũ, người ta chỉ việc ngâm đồ kim khí vào acid trong một thời gian cần thiết, lâu hay mau tùy ý. Không cần cọ rửa kỹ, rồi để chừng vài giờ, vật kim khí bị ăn mòn ít nhiều ấy sẽ có màu xỉn và trở nên u ám như đã chon vùi hàng thế kỷ.

Muốn có một văn bản cổ ư ? người ta dung loại giấy dó thủ công, đem viết bằng bút long, mực tàu một bài văn bản cổ bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm,hoặc kiếm loại giấy khá dày (chọn giấy sản xuất thủ công càng tốt) đem viết một văn tự chuyển nhượng nào đó bằng loại ngòi bút cũ như loại ngòi là tre, ngòi búp đa, ngòi viết rông (rond), với mực gói pha và kiểu  chữ  gô –tích (gothique) chứ tuyệt đối không dung bút bi, bút dạ là các loại bút viết và loại mực mới xuất hiện gần đây. Văn bản được nhúng qua nước Javel cho phai nhạt bớt màu giấy mực mới, rồi phơi khô. Xong đem nhuộm “màu thời gian” bằng … nước trà đặc. cần cho chỗ đậm nhạt chỗ nhạt chỉ việc tạo bằng cách điểm xuyết cho văn bản vài giọt javel vài giọt nước trà. Để tạo giấy nhăn nheo, người ta kiên trì ngồi xếp lại thành tập rồi mở ra hàng trăm lần. Muốn cho nó mềm nhũn thì lấy ống sắt mà cán.

Văn bản thời trước, nhất là thời Pháp thuộc, thường có dấu rỉ sắt đinh ghim. Người ta dùng kim găm, kẹp sắt ngâm acid loãng rồi đem ghim tập văn bản đã xử lý trên. Còn con dấu và chữ ký chỉ là việc vặt vãnh của những người có tay nghề làm giả. Các văn bản cổ giả như vậy dễ dàng gây cho ta niềm tin rằng chúng vừa được lấy ra từ một ván khố cổ của kho lưu trữ nào đó và đấy là một tài liệu gốc!

Các tranh giả mới vẽ, mới sao chép hôm qua mà trông như đã để hàng trăm năm trong các bảo tàng hay trong các bộ sưu tập tư nhân. Kỹ thuật khá đơn giản: cho tranh vào lò sấy như lò bánh mì. Chừng vài giờ sau thì cả khung gỗ, cả mặt tranh đều có những vết rạn đầy nghệ thuật. Bụi thời gian ư ? có gì khó. Qua một số công đoạn kể trên, tức khắc nó được liệt vào loại tranh cổ. Còn giá bán tranh thì tùy đối tượng cần mua.

Đồ gốm, sứ cũng không thoát khỏi cảnh bị làm giả. Làm một chiếc bát cổ, lọ cổ rạn vỏ trứng, rạn vảy rắn, rạn hột mè cũng không phải là chuyện khó. Người ta làm cho nó nóng nguội đột ngột là men bị rạn ngay. Rồi đem ngâm nó vào nước trà đặc. Cách này có  thể tạo ra các đồ gốm men rạn y như đồ được làm từ thời Lý, Trần, Lê vậy. Chỉ có điều làm gốm men rạn giả, sau khi tạo vết rạn trong môi trường nhiệt bất thường, người ta nhúng nó trong chậu mực xanh để mực ngấm vào sâu trong men gốm theo các vết rạn nứt, rồi mới nhúng vào nước trà để tạo “màu thời gian”.

Nhiều loại tượng gỗ, tượng đá, tương đồng cổ được làm giả không chỉ bằng trình độ cao về kỹ thuật mà còn bằng các thủ thuật. Chẳng hạn trường hợp pho tượng cổ Chăm bằng đá được làm giả bằng  xảo thuật: những công đoạn cuối cùng hoàn chỉnh pho tượng cổ giả vừa hoàn thành, người nghệ nhân suy nghĩ một lát và bỗng cầm búa chặt mạnh vào cổ pho tượng, làm nó gãy đôi, đầu một nơi, thân một nơi. Bạn đọc đừng vội ngạc nhiên. Ông ta  làm như thế là làm theo yêu cầu của chủ hàng. Cách đây vài năm, chính ông đã sơ ý làm vỡ một pho tượng giả cổ do mình tạo. Chưa kịp gắn lại thì có một du khách mua ngay phần thân tượng. Gần đây, người khách ấy quay lại cửa hàng bỗng thấy đầu tượng. ông ta thích quá mau ngay đầu tượng với giá đắt gấp ba lần thân tượng trước đó. Thế là mỗi pho tượng do nghệ nhân này làm xong, chủ cửa hàng đều đề nghị ông đập gãy đôi, gãy ba, gãy bốn …

Đó là kiểu khá phổ biến trong kinh doanh đồ giả cổ ở thị trường nước ta hiện nay, tìm đủ cách, dung cả kỹ thuật lẫn xảo thuật để bán đồ giả với giá của đồ cổ thật.

Người kinh doanh đồ cổ giả không chỉ lừa những kẻ “gà mờ’’. Họ còn qua mắt người sành chơi đồ cổ.

Người sành đồ cổ, sính đồ cổ hay có cái hiếu kỳ muốn cho món đồ cổ của mình có lai lịch, càng ly kỳ càng tốt.

Họ còn phân biệt đồ cổ và đồ cổ giả theo những nguyên tắc  nhất định.Tính hiếu kỳ và các nguyện tắc ấy không phải là bí mật tuyệt đối, giới làm đồ cổ giả cũng nắm vững và tìm ra đối sách hữu hiệu. Các chủ hiệu đồ cổ, nhất là những tay bán đồ cổ dởm cũng dán cho hàng mình môt lai lịch, thậm chí còn “sáng tác’’ ra lai lịch ly kỳ nữa.Có tới hàng ngàn ví dụ thực tế về điều ấy, như một bình vôi vô danh (thuộc loại vứt gốc đa, sau miếu, lăn lóc không ai thèm nhặt) đã được bán với giá bằng cả một căn nhà khang trang, nhờ được gắn một lai lịch “bình vôi của Ngài Ngự”– bà Từ Cung Thái Hậu thời nhà Nguyễn(!). Một viên ngọc (hay đá?) màu trắng đục, bên trong có hai vân đá quấn lấy nhau, được chủ buôn gắn cho cái lai lịch “viên ngọc rắn” . Ly kỳ hơn nữa, người ta bảo: đem ngâm viên ngọc ấy trong sữa của bà mẹ có con so sẽ thấy ngọc trong hơn và hai con rắn cựa quậy (!). Rắn có ngọc là phi lý và phản khoa học. Song có nhiều người chơi đồ cổ cố tin vào câu chuyện hoang đường ấy. Theo họ, con gì cũng có ngọc, miễn là tu luyện lâu năm, kể cả con người. Ở Hà Nội, không mấy ai chơi đồ cổ lại không nhớ câu chuyện hoang đường gắn liền với ông Hoàng Cao Khải có “huệ nhỡn” đã biết trước trong đầu cậu bé (đầu to khác thường) có viên ngọc to …bằng trứng gà con so(!).

Người sính đồ cổ thì mê đồ cổ. Đã mê thì dễ tin. Dễ tin thì dễ bị lừa gạt. Cái lô-gich nghìn đời vẫn thế.

Hiện nay, thật khó đoàn định chính xác số lượng, chủng loại đồ cổ giả đã và đang lưu hành trên thị trường, khó có thể thống kê số đồ giả được coi như các bảo vật đã được sưu tập trong các gia đình hay đang trôi nổi trên thương  trường trong và ngoài nước. Chỉ biết rằng, sản xuất và kinh doanh đồ cổ giả, dù công khai hay ngấm ngầm, thì từ lâu đã thành nghề và nghiệp sống còn của không ít người.

Bên cạnh lấy tân làm cổ, còn có nghề tân trang – lấy cổ làm tân. Thượng vàng hạ cám, bất cứ cái gì cũ làm cho mới thì đều có giá. Đó là những nghề tân trang đồng hồ, máy hát, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, ô tô, xe máy, xe đạp, dây chuyền công nghệ và thiết bị cũ, kể cả con người (như tân trang sắc đẹp, chỉnh hình) mà phần lớn đều mới xuất hiện ở Việt Nam. Nếu như những năm trước việc tân trang đồng hồ cũ hỏng thành đồng hồ mới (đồng hồ dởm, đồng hồ cốp) dễ thu lợi thì bây giờ, khi thị trường TP HCM rộ lên việc mua bán cao giá đồng hồ cổ, đồng hồ cũ của Thụy Sĩ, của Pháp, đã kéo theo sự phát triển việc làm đồng hồ cổ giả, tức là làm cho đồng hồ mới có hình thức tương tự biến thành đồng hồ cổ, như chúng ra đời hàng trăm năm trước.

Ngành bảo tồn bảo tàng có khoa phục chế, dạy cho người ta các phương pháp làm đồ cổ giả. Nhưng trong giới sản xuất, chế tác đồ cổ giả, ngoài các chuyên gia và nghệ nhân giỏi, rất am tường đồ cổ cả về lý thuyết lẫn thực hành, còn khá nhiều người không hề qua trường lớp nào, không được kế thừa kinh nghiệm gia truyền, nhưng tay nghề của họ có khi rất cao, sản phẩm của họ có thể qua mặt các chuyên gia trong ngành giám định cổ vật. Quả thật, những tay nghề cỡ ấy rất đáng khâm phục, song xét về mặt kinh tế – xã hội thì không khuyến khích các hoạt động của họ, bởi nó gây nên và để lại hậu quả tiêu cực nhiều khi hết sức phức tạp.

Ngăn chặn và làm giảm hẳn nạn làm đồ giả, cần có nhiều biện pháp quản  lý, kiểm tra. Giám định là một biện pháp kiểm tra hữu hiệu trong việc chặn đứng nạn “chảy máu đồ cổ”, phân định đâu là đồ cổ thật, đâu là đồ cổ giả.

Thạc Sĩ  Bùi Văn Vượng.

 

Xin  giải thích theo cách hiểu của tôi :

– Đồ cổ : đồ nguyên bản có tuổi (original)

– Đồ giả cổ : là đồ sao chép chính xác từ nguyên vật liệu đến hình dáng của món đồ nguyện bản (theo luật định của Việt Nam phải được sự đồng ý của chủ sở hữu món đồ cổ đó mới được tái bản và món đồ đó được gọi là đồ giả cổ và phải xin phép cơ quan quản lý cổ vật)

– ĐỒ CỔ GIẢ  : là đồ giả cổ nhưng không được sự đồng ý hoặc chủ sở hữu không biết đến việc sao chép lại món đồ cổ đó hoặc không xin phép cơ quan quản lý cổ vật

– Đồ phỏng cổ : cũng là đồ sao chép nhưng không chính xác từ nguyên vật liệu cho đến hình dáng do đó không cần xin phép chủ sở hữu món đồ đó.

Do vậy về giá cả đồ phỏng cổ không đắt bằng đồ giả cổ, đồ cổ và ĐỒ CỔ GIẢ có thể bạn sẽ mua ngang giá vì bị lừa.

tùy theo sự hiểu biết và cảm nghĩ của mỗi người mà có thể diễn đạt ngôn ngữ có khác biệt và gây nhầm lẫn đôi chút

Continue Reading

Previous post:

Sàn đấu giá nghệ thuật hay là cái chợ đen?

Next post:

Những câu chuyện xung quanh vấn đề tranh thật và tranh giả : họa sĩ Đông Dương từ cõi âm trở về.

Từ khóa » đồ Giả Cổ Là Gì