Làm Gì để Ban đại Diện Cha Mẹ HS Không Là "cánh Tay Nối Dài Của ...

Ngày 4/8, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết: "Phụ huynh "tố" phải góp tiền để chọn giáo viên "tốt", Hiệu trưởng Tiểu học Đội Cung nói gì?" phản ánh về việc một phụ huynh bức xúc liên quan đến việc ban đại diện cho phụ huynh ở lớp nhắn tin mỗi người phải góp 300.000 đồng để chọn giáo viên tốt cho con vào lớp 2.

Ngoài ra, người đại diện cho phụ huynh còn nhắn thêm: "Phụ huynh nào có điều kiện đóng hơn càng tốt".

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Câu chuyện này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Bài viết đã được dẫn trên nhiều trang mạng xã hội và nhận được rất nhiều ý kiến bình luận từ nhiều độc giả.

Ngoài việc phản ứng, bất bình với câu chuyện nộp tiền để chọn giáo viên, nhiều người chia sẻ thêm những câu chuyện của chính mình đã gặp hoặc câu chuyện đã nghe, đã thấy về những việc làm của “Hội phụ huynh” nay đổi tên gọi là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Nhân câu chuyện được xem là “nực cười” về việc phụ huynh kêu gọi quyên góp tiền, nhiều ý kiến tiếp tục lên tiếng yêu cầu bỏ gấp “Hội phụ huynh” hay “Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Trường Tiểu học Đội Cung (thành phố Vinh)

Phụ huynh "tố" phải góp tiền để chọn GV "tốt", Hiệu trưởng TH Đội Cung nói gì?

Đây không phải lần đầu dư luận có phản ứng như vậy, năm 2017 anh Võ Quốc Bình, phụ huynh lớp 3/2, một trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dũng cảm nêu ý kiến “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ” khi Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất phụ huynh đóng tiền lót sàn gỗ cho lớp đầu năm học này.

Nói rồi, vị phụ huynh này còn gửi đơn đến 1 số cơ quan kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh sinh ra để làm gì?

Chỉ cần nghe tên gọi “Hội phụ huynh” hay “Ban đại diện cha mẹ học sinh” cũng đủ hiểu nó ra đời nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường được lập ra không ngoài mục đích làm cầu nối giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để giải quyết các vấn đề ngoài quyền hạn của nhà trường.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do hoạt động không hiệu quả, hoạt động sai mục đích đề ra nên không bảo vệ được quyền lợi cho phụ huynh mà lại bảo vệ quyền lợi cho nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng.

Có phụ huynh còn tự đúc kết hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh bằng những nhiệm vụ nghe khá buồn: Hội phụ huynh có nhiệm vụ thu tiền, chi tiền theo yêu cầu của nhà trường, chi tiền cho các dịp lễ, Tết cho thầy, cô là hết năm học.

Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn cần thiết hay không?

Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn cần thiết hay không?

Vì thế, ở đâu đó gọi ban đại diện cha mẹ học sinh là “Cánh tay nối dài của hiệu trưởng”, là “Ban phụ thu”…

Làm gì để có một Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng nghĩa?

Nơi nào có một Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng nghĩa nơi đó quyền lợi chính đáng của học sinh, của cha mẹ học sinh sẽ được bảo vệ.

Trong thực tế gần 30 năm đi dạy, người viết đã gặp khá nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh thực sự là “cánh tay nối dài của hiệu trưởng”, là “ban phụ thu” như tên nhiều người gọi.

Những người trong ban đại diện này luôn đồng tình với các khoản thu mà hiệu trưởng đề ra. Trong cuộc họp phụ huynh, họ luôn đứng ra vận động phụ huynh đóng góp trên danh nghĩa là tự nguyện nhưng thực chất là khoản phải đóng bắt buộc.

Người viết cũng gặp không ít, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động rất năng nổ, hiệu quả, đúng là những người đại diện tốt nhất cho phụ huynh.

Họ sẵn sàng đối chất trước cuộc họp đông người, nắm chắc những quy định trong Thông tư 55 như khoản nào được ủng hộ, được chi? Khoản nào không? Sau những phản ứng có lý ấy, nhà trường đã không thể áp đặt các khoản thu theo ý muốn.

Vậy, làm gì để có được một Ban đại diện phụ huynh đúng nghĩa? Theo người viết sẽ có những giải pháp sau:

Thứ nhất, cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học bao giờ cũng bình bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tránh việc chỉ định không hiệu quả, phụ huynh có chính kiến, có tiếng nói cần tự mình đứng ra ứng cử.

Có được những phụ huynh như thế này, mỗi khi hiệu trưởng có yêu cầu về thu chi, nếu thấy không phù hợp họ cũng sẵn sàng lên tiếng. Khi phụ huynh đã lên tiếng thì thường sẽ có hiệu quả.

Trong thực tế người viết đã chứng kiến, phần lớn phụ huynh đều né tránh để không được bầu vào vai trò này. Họ lấy đủ lý do như bận việc, không có thời gian, làm không quen...nên tìm mọi cách từ chối.

Thế nên hoặc là lớp cử đại một ai đó, hoặc là nhà trường trước đó đã "bật đèn xanh" cho giáo viên cử phụ huynh ấy vào ban đại diện.

Vì thế, người được cử vào ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng phần nhiều lại bảo vệ quyền lợi cho nhà trường.

Để hạn chế chuyện Ban đại diện cha mẹ học sinh là "cánh tay nối dài của hiệu trưởng" thì những phụ huynh cương trực, thẳng thắn nên tự mình ứng cử vào.

Thứ hai, trước khi bầu người đại diện cho mình, phụ huynh lớp học ấy cần hiểu rõ về vị phụ huynh mình sẽ bầu. Không nên bầu những người có tiềm lực kinh tế. Bởi, một số phụ huynh trong hoàn cảnh này ít thấu hiểu những nỗi thống khổ của những gia đình quá eo hẹp tài chính.

Người có kinh tế thì có thể họ không quá quan tâm đến số tiền đóng góp, nhưng với những gia đình khó khăn, đông con ăn học chỉ vài trăm ngàn cũng là cả một vấn đề lớn.

Có lần trong cuộc họp phụ huynh đầu năm do tôi chủ trì, có phụ huynh đứng lên yêu cầu đóng hội phí 500 ngàn/học sinh. Sau đề xuất ấy, một số phụ huynh bên dưới hưởng ứng, số khác im lặng không nói gì nhưng tôi hiểu họ ngại vì sợ mất lòng giáo viên.

Tôi đã không đồng ý và cho rằng đóng góp tùy tâm, gia đình nghèo, khó khăn có thể không đóng góp mới đúng tinh thần của Thông tư 55 quy định. Được lời như cởi tấm lòng nên nhiều phụ huynh đã rất cởi mở và cảm ơn giáo viên.

Thứ ba, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhóm sẽ ghi nhận tất cả ý kiến phản ánh từ phụ huynh và sẽ đề đạt lên ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong cuộc họp do nhà trường tổ chức.

Khi đã có được một Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng nghĩa, chắc chắn sẽ không còn tên gọi “ban phụ thu” hay “cánh tay nối dài của hiệu trưởng” và lúc đó quyền lợi của phụ huynh sẽ được đảm bảo.

Tài liệu tham khảo:

https://hoatieu.vn/phap-luat/dieu-le-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-133103

https://tinmoidaily.com/doi-song/ong-bo-gui-don-toi-chinh-phu-de-nghi-giai-tan-hoi-phu-huynh-2929.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-55-2011-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-66455-d1.html

Đỗ Quyên

Từ khóa » Bỏ Ban đại Diện Cha Mẹ Học Sinh