Làm Gì để Giải Tỏa Căng Thẳng | BvNTP

Căng thẳng thần kinh là gì?

Căng thẳng thần kinh (stress) là phản ứng của cơ thể, một cảm giác thể hiện tình trạng tinh thần bị dồn nén, chịu nhiều áp lực khác nhau. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể đến từ bất kỳ sự kiện hoặc suy nghĩ tiêu cực, khiến bạn cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc lo lắng.

Hiện tại, có thể phân loại căng thẳng thần kinh thành 2 loại:

  • Căng thẳng thần kinh cấp tính. Đây là căng thẳng ngắn hạn trong ngày hoặc vài tuần rồi sẽ biến mất nhanh chóng. Bạn có thể lấy lại trạng thái cân bằng nhanh chóng thông qua các hoạt động giải trí, thư giãn,…
  • Căng thẳng thần kinh mãn tính. Là tình trạng căng thẳng kéo dài trong một thời gian dài hơn (từ vài tháng đến nhiều năm). Bạn có thể bị căng thẳng mãn tính nếu gặp vấn đề về tiền bạc, hôn nhân không hạnh phúc hoặc gặp rắc rối trong công việc. Bất kỳ loại căng thẳng nào diễn ra trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng đều là căng thẳng mãn tính. Bạn có thể trở nên quá quen với tình trạng căng thẳng mãn tính đến mức không nhận ra đó là một vấn đề. Nếu bạn không tìm cách quản lý căng thẳng, nó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.

Căng thẳng thần kinh kéo dài có nguy hiểm không?

Căng thẳng thần kinh kéo dài gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần và thể chất. Sau đây là những ảnh hưởng có thể xảy ra:

Sức khỏe tinh thần

Căng thẳng trong thời gian dài thường có liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác như trầm cảm, các bệnh lý sau khi sử dụng chất kích thích, khó ngủ và rối loạn nhân cách.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, căng thẳng kéo dài thực sự có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc não như giảm khối lượng ở một số vùng nhất định của não. Từ đó, tăng khả năng dẫn đến rối loạn chức năng hành vi, cảm xúc, nhận thức và cuối cùng làm tăng khả năng bị bệnh tâm thần của một người.

Căng thẳng thần kinh ảnh hưởng hệ tim mạch

Căng thẳng khiến hệ thống tim mạch hoạt động mạnh, nhịp tim tăng lên, mạch máu giãn ra và huyết áp cũng tăng để bơm máu có oxy đi khắp cơ thể. Vậy nên, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như huyết áp cao, đau tim hoặc đột quỵ.

Hệ tiêu hóa

Căng thẳng kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiêm trọng của các bệnh về dạ dày và tiêu hóa như bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBD), loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Hệ thống cơ xương

Khi căng thẳng, cơ bắp căng lên và trong thời gian dài, các cơ ở đầu, cổ và vai bị căng có thể gây ra các tình trạng như đau đầu, đau nửa đầu.

Hệ thống hô hấp

Tâm lý căng thẳng có thể khiến việc thở khó khăn hơn, dẫn đến thở nhanh và khó thở. Căng thẳng kéo dài có thể làm nghiêm trọng hơn những bệnh lý hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

5 cách giải tỏa căng thẳng thần kinh hiệu quả

1. Đi bộ

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tập thể dục giúp giải phóng endorphin – hormone giúp cải thiện tâm trạng và hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, khi tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy có năng lực và tự tin hơn vào cơ thể của mình, từ đó thúc đẩy tinh thần khỏe mạnh hơn.

Những hoạt động như đi bộ một đoạn ngắn xung quanh văn phòng, hoặc đơn giản là đứng dậy để vươn vai trong giờ giải lao tại nơi làm việc là những biện pháp nhỏ có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng ngay lập tức.

2. Chăm sóc cây cảnh

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chỉ cần ở xung quanh cây cỏ, chỉ số căng thẳng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Sau đây là một vài loại cây mà bạn có thể trồng trong nhà, vừa lọc sạch không khí vừa giúp giải tỏa căng thẳng:

  • Cây nha đam
  • Hoa lily
  • Cây trầu bà
  • Cây lưỡi hổ

3. Nghe nhạc, xem video giải trí giúp giảm căng thẳng thần kinh

Âm nhạc có tác dụng thư giãn rất tốt cho cơ thể. Những bài nhạc cổ điển hoặc những nhạc cụ nhịp độ chậm có thể giúp giảm huyết áp và nhịp tim, cũng như các kích thích tố gây căng thẳng.

Bên cạnh đó, xem một video giải trí cũng là một cách giảm căng thẳng thần kinh vì giúp tâm trạng được thả lỏng và cười nhiều hơn. Theo trang Mayo Clinic, tiếng cười giúp tăng cường lượng không khí giàu oxy, kích thích tim, phổi và cơ bắp, đồng thời kích thích não giải phóng endorphin và cải thiện chỉ số căng thẳng. Về lâu dài, tiếng cười còn có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và tâm trạng của bạn.

4. Ăn những món ngon

Những món ăn ngon có thể kích thích hệ thần kinh của bạn tiết ra hormone endorphin, hormone hạnh phúc, giúp làm giảm các triệu chứng do căng thẳng gây ra.

Ngoài ra, các thực phẩm tốt cho hệ thần kinh cũng nên được bổ sung vào thực đơn hằng ngày, giúp phòng ngừa căng thẳng xảy ra trong thời gian dài. Sau đây là danh sách các thực phẩm bổ thần kinh mà bạn có thể tham khảo:

  • Tía tô đất
  • Axit béo omega-3
  • Trà xanh
  • Chuối

5. Thực hiện các liệu pháp massage, xoa bóp

Massage làm tăng nhiệt độ trong cơ thể và thúc đẩy sự thư giãn. Khi cơ thể thư giãn, nhịp tim sẽ giảm xuống, khi đó mức độ căng thẳng được giảm bớt và cảm giác bình tĩnh sẽ tăng lên.

Ngoài ra, các kỹ thuật xoa bóp trong massage còn giúp tăng cường tuần hoàn, cung cấp nhiều máu hơn đến các cơ, loại bỏ các chất cặn bã và giảm căng thẳng.

Nguồn tham khảo

What Is the Impact of Prolonged Stress? https://www.verywellmind.com/prolonged-stress-symptoms-causes-impact-and-coping-5092113#signs-of-prolonged-stress

16 Simple Ways to Relieve Stress and Anxiety https://www.healthline.com/nutrition/16-ways-relieve-stress-anxiety

All About Nervine Tonics https://www.healthline.com/health/nervine-tonics

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Căng Thẳng Là J