Sao Khuê đố quý vị: - Ai chưa từng làm rể: thưa đó là các bà, các cô, các chị nói chung là ...đàn bà - Rể và rễ khác nhau ở đâu : thưa ở dấu hỏi hay dấu Ngã. Rể sở dĩ mang dấu hỏi là vì đi hỏi vợ. Tại sao phải hỏi vợ, dạ thưa hỏi vợ là để xem người ta có bằng lòng làm vợ mình không, khi người ta bằng lòng làm vợ mình thì mình mới được làm chú rể chứ. Rễ mang dấu ngã. Khi bị ngã tức là bị té thì bị nằm dưới đất nên rễ nằm dưới đất - Rể và rễ giống nhau ở chỗ nào? * có chữ R và chữ E, tức là phải êm re, * cùng có chính và phụ: rễ chính, rễ phụ và rể chính, rể phụ tức phù rể.Khi chưa chính thức làm chú rể quý ông cũng nên coi chừng sẽ bị thành rể phụ. Rể có chữ R nên thích ...rờ Re có chữ E nên hay e lệ, e thẹn - Rể là gì ? Theo wikipedia, thì Anh hay Mỹ gọi chàng rể ngày cưới vợ là a groom (man about to be married) , con rể a son-in-law vàở rể to live with one's wife's parent. Họ gọi anh rể, con dâu, cha vợ, mẹ vợ, chị em vợ là brother-in-law, daughter-in-law, father-in-law, mother-in-law, sister-in-law Như vậy rể, theo Anh, Mỹ chỉ là người của gia đình cô gái về phương diện luật pháp mà thôi trong khi đó thì người Pháp thì sao? Thưa, họ gọi đó là những người đẹp đẽ: mon beau-frere, ma belle-fille, mon beau-père, ma belle-mère, ma belle-soeur vì những người lạ hoắc nhưng rất đáng yêu này khuân đi được khi thì cái quả bom nổ chậm, khi thì anh chàng ẫm ương… ….Chuột kêu rúc rích trong rương Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay Má hay má hỏi đi đâu Con đi bắt chuột cho mèo con ăn Nghe nàng dặn dò chàng, quý vị có biết hoàn cảnh của cặp trai gái này ra sao không nhỉ? Quý vị nói rất đúng, anh chàng này đang ở rể và nửa đêm giờ tý canh ba, chàng nhớ nàng quá nên len lén đi tìm nàng. Hàng ngày chàng vẫn thấy nàng ẹo qua ẹo lại trước mắt nhưng có thèm cái nắm tay, cái vuốt má cũng đành bấm bụng thở dài tuy nhiên hai đứa vẫn liếc nhau nên đuôi mắt đứa nào đứa nấy dài ra như đuôi mắt Cléopâtre. Thế rồi anh ra dấu, anh háy, anh hó để rồi ban trưa nhân lúc nàng đem cơm ra ruộng, anh đã được nàng cho cái hẹn tối nay. Bà già trầu thiệt…ác, bắt con gái ngủ chung, không chừng còn kẹp cô nàng bằng cặp giò hộ pháp nữa, thế thì nàng hết nhúc nhích, anh chỉ còn nước bò đến cạnh giường mà rờ cho đỡ thèm. Nàng giả bộ tiếng chuột kêu để báo hiệu giờ G đã điểm, bà già đã ngáy o..o. để chàng bắt đầu hành động nhưng nàng còn lo xa, đêm tối thui, không đèn không đóm, chàng đụng giường thì bà má thức dậy, bà sẽ la ông bố ngủ quá say, để cho thằng "quỷ sứ" lần sang mò cô con gái rượu của bà , bởi vậy nàng cần dặn dò " anh đi kheo khéo kẻo đụng giường má hay."... Ước gì anh được ở chung thì anh được ở chung rồi nhưng anh còn ước chung chăn chung chiếu chung giừơng chung mâm. Quý vị ạ, ở chung nhà, ăn chung mâm nhưng chưa được chung chăn, chung chiếu chung giường, nói chung là chưa được sơ múi gì là cảnh của những anh chàng đi làm rể hay ở rể ngày xưa. Thế nào là ở rể? Tục ở rể (Google) Trong tập quán cưới hỏi của Việt Nam ngày nay đã có nhiều giản lược và khác biệt với ngày xưa. Tuy nhiên chúng ta vẫn thường nghe đến tục ở rể trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Nhưng tục ở rể cũng khác và dần thay đổi theo thời gian. Ở rể là một nét văn hóa đặc sắc trong phong tục cưới hỏi của nhiều dân tộc như người Kinh, Thái và người thiểu sốnhư Êđê, Ba Na, Gia Rai, Dao quần trắng, Cơ Ho, Sán Chỉ. Trước khi đón tân nương về gia đình mình thì chàng trai phải sang nhà bố mẹ vợ để ở rểmột thời gian nhất định. Thời gian này sẽ do hainhà thỏa thuận với nhau. Ý nghĩa của việc này là để chú rể thể hiện lòng biết ơn công sinh dưỡng ra cô dâu nên người ở rể phải làm nhiều công việc nặng nhọc của nhà vợ. Nhiều dân tộc thiểu số quy định, khi người con trai đến độ tuổi kết hôn, người con gái đến gia đình chàng trai, nhà trai thách nhà gái các lễ vật khi cưới.Khi cưới xong chàng trai sang nhà gái ở rể, làm các công việc cho nhà vợ cho đến cuối đời. Đa số các tộc người có tục này đều theo chế độ mẫu hệ, con cái đẻ ra mang họ mẹ. Với những người đàn ông ở dân tộc Thái, để cưới được vợ thì họ phải trải qua nhiều thử thách rất lâu dài. Khi ưng cô gái nào, chàng trai sẽ về thưa với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Trước tiên, chàng trai phải đến ở rể 3 tháng, sống trong gian nhà giành cho khách và chỉ được phép mang một con dao đi làm việc, sau khi hết thời gian thì chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ biết, lúc này chàng trai mới được mang mọi tư trang và hành lý đến nhà cô gái ở 3 năm. Sau khi hết thời hạn 3 năm thì lễ thành hôn chính thức được tiến hành. Nếu như cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân này nữa thì sẽ tự cắt tóc mình. Người dân tộcMường quan niệm rằng chuyện tình cảm không chỉ là một vấn đề riêng tư giữa các đôi trai gái với nhau mà còn là mối quan tâm của gia đình tổ tiên. Chính vì vậy mà các thanh niên đến tuổi 15 đều được đến ngủ thăm với người con gái mà mình thích và phải có sự chứng kiến của người thân, nếu như người con gái ưng cái "bụng" thì sẽ vặn nhỏ đèn với ngầm ý thông báo cho mọi người là mình đã chọn đối tượng ngủ thăm, sẽ nằm bên nhau tâm sự, chung chăn gối mà không được phép chạm vào người nhau. Sau vài ba đêm tìm hiểu thì cô gái có quyền quyết định cho chàng trai ngủ thật hay không. Nếu như mọi chuyện được tốt đẹp thì chàng trai sẽ mang lợn rừng và bạc trắng qua hỏi xin làm đám cưới với cô gái. Sống giữa ranh giới vùng Lai Châu và Lào Cai, người dân tộc Hà Nhì có tục lệ đó là khi cưới phải cưới nhau hai lần.Trongnhững khi hát giao duyên thì trai gái có quyền tìm hiểu nhau để đi đến kết hôn. Chàng trai nào phải lòng cô gái sẽ dẫn người yêu về nhà ra mắt để xin cưới cô gái đó. Nếu như cả nhà đồng ý thì sẽ làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, báo cáo gia đình sắp có cô con dâu mới sau đó mời tất cả họ hàng và dân bản tới để chung vui. Đây là lần cưới thứ nhất của chàng trai. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó vẫn chưa được coi là hoàn thành, khi hai người có kinh tế khá giả thì họ sẽ tổ chức đám cưới lần thứ hai linh đình hơn. Người Mông vỗ mông kén vợ Những phiên chợ cuối năm thường là dịp tốt nhất để trai gái có thể tìm nhau và nên vợ nên chồng. Sau những chén rượu bắp thơm cùng nhau chúc tụng, nếu như cô gái ưng thuận chàng trai nào thì có một cái nhìn tình tứ rồi bỏ chạy,vừa chạy vừa ngoái cổ lại nhìn. Chàng trai hiểu ý liền có nhiệm vụ đuổi theo cô gái và vỗ vào mông cô gái trước sự chứng kiến của nhiều người. Hành động này có nghĩa là cô gái sắp thành vợ của họ. Người Chu Ru bắt chồng Bắt chồng là tục lệ phổ biến ở đồng bào Chu Ru, Cơ Ho… ở Tây Nguyên, thường được tổ chức suốt cả tháng. Theo như quy định thì tục bắt chồng sẽ diễn ra vào ban đêm, các cô gái lại là người chủ động, cô nào tìm được chàng trai nào ưng ý thì sẽ thông báo với gia đình của cả hai bên, nếu như được chấp thuận thì cô gái phải mang nhẫn tới cho chàng trai đeo vào. Nếu như chàng trai không đồng ý thì có thể trả nhẫn, tuy nhiên sau 7 ngày cô gái lại tiếp tục đến đeo nhẫn cho chàng trai cho tới khi nào được đồng ý mới thôi. Tục ở rể người Dao quần trắng Con trai phải đến bên nhà gái ở từ một đến ba năm đến khi lễ cưới chính thức được tổ chức và tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của nhà trai, nhà trai đưa sang nhà gái một mâm lễ vật gồm: - Một đồng bạc trắng hoa xòe - Một chiếc vòng tay "lá hẹ" bằng bạc trắng - 6 đôi gà - Một con lợn dò chừng 30 kg. Bạc trắng và vòng tay được coi như vật tín trao cho người con gái, còn gà, lợn sẽ được đem ra giết thịt để dâng cúng tổ tiên chính thức công nhận người con trai trở thành con rể và được phép ăn ở, qua lại trong gia đình nhà vợ một cách đàng hoàng. Đáp lễ và để cầu phúc cho đôi trẻ, bà mẹ người con gái sẽ tặng lại cho con gái và con rể một chiếc địu hoa do chính tay bà mẹ cắt khâu, ngụ ý mong các con sớm có con bồng con bế theo quan niệm "có nuôi có lãi" của đồng bào Tục ở rể của người Kinh Tục "Ở rể" cũng là một trong những tục lệ cưới xin của văn hóa dân gian Việt Nam. Để giải thích nguyên nhân có tục ở rể thì như Nguyễn Bách Khoa trong Kinh thi Việt Nam ở chương V khi nghiên cứu về Gia tộc phụ hệ đã dẫn giải theo công trình khảo cứu của ông Louis Finot (tài liệu lưu trữ trong Trường Viễn đông Bắc Cổ) thì xã hội Việt Nam xưa sống theo chế độ gia đình mẫu hệ. Và để giải thích cho tục "Ở rể" ông đã viện dẫn về chế độ mẫu hệ làm nguồn gốc cho tục lệ này. Tục "Ở rể" là một phong tục có ở nhiều vùng quê Việt Nam, người con trai phải đến sống ở nhà bố mẹ vợ một thời gian ngắn và việc cưới xin sẽ còn tuỳ thuộc vào thái độ của bố mẹ vợ. Người Kinh xưa rất xem trọng câu "môn đăng hộ đối" và "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Trai gái trưởng thành không được tự do yêu đương mà phải thông qua người mai mối hoặc do cha mẹ chỉ định hôn nhân từ trước. Để tiến hành hôn nhân cũng trải qua một số lễ nghi cầu kỳ như: xem mặt, đi chơi, đi nói, đi hỏi, cầu giá và cuối cùng mới đến lễ cưới. Các tục lệ này dần dần đã được giản lược bở:i cuộc sống hiện đại và chỉ còn lưu truyền 3 lễ nghi chính đó là: Lễ dạm, lễ hỏi và lễ cưới. Nếu chàng trai được nhà gái ưng thì người trai sẽ dọn sang ở bên nhà gái để làm những công việc của gia đình nhà gái. Ngày xưa các công việc thường là những công việc trên đồng ruộng như cày, bừa, cuốc đất… nhưng công việc nặng khác như gánh nước, chẻ củi… thậm chí đến những việc nhỏ nhặt nhất cũng phải làm. Nếu chú rể trong thời gian ở rể không chứng minh được khả năng làm việc của mình để đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này và có đạo đức kém thì nhà gái sẽ mang lễ vật trả lại cho nhà trai. Do đó để có được vợ các chàng rể phải siêng năng làm việc hết sức mình để chứng tỏ khả năng và phải biết lễ phép với gia đình nhà gái. Song song với ý nghĩa tốt đẹp của việc ở rể cũng có chuyện tiêu cực là nhà gái lợi dụng việc ở rể của con rể tương lai để không phải thuê mướn thêm dân công, tốn thêm tiền: Trời mưa cho ướt lá khoai Công anh làm rể đã hai năm ròng Nhà em lắm ruộng ngoài đồng Bắt anh tát nước cực lòng anh thay Tháng chín mưa bụi, gió may Cất lấy gàu nước, hai tay rụng rời… Thời gia ở rể từ vài tháng tới vài năm, thường có khi đến ba năm căn cứ vào câu ca dao Công anh làm rể ba năm Chiếu chẳng được nằm, đất lại cắm chông. Hay: Công anh làm rể Chương Đài Một năm ăn hết mười hai vại cà Giếng đâu thì dẫn anh ra Kẻo anh chết khát vì cà nhà em. Tội nghiệp anh chàng này quá, từ sáng sớm đến tối quần quật ngoài đồng, cầy sâu cuốc bẫm để chỉ có vài lưng cơm với cà muối. Cà phải ăn với mắm.Trời ơi, toàn những muối và muối, đến chết khát mất thôi. Làm rể khổ vậy đó nên cưới được vợ rồi thì người xưa thường ở với nhau đến lúc răng long đầu bạc còn ngày nay, các cô cậu cứ hợp nhãn nhau là xáp vào ở chung nên hở một tí là anh đường anh em đường em; ráp dễ nên tháo cũng mau phải không quý vị. Nhưng không phải tất cả cậu trai phải đi làm rể mới cưới được vợ đâu. Anh này bị lừa mà bà mẹ cô gái còn cãi: Công anh làm rể đánh tranh Con mẹ, mẹ gả khoá sanh đã rồi Con mẹ, mẹ gả thời thôi Tôi đánh tranh rồi, tôi tháo tranh ra -Tao đố mày dám tháo tranh ra Cơm ngày ba bữa với ba mươi đồng tiền thuê -Mẹ ơi! Mẹ đừng nói thuê Ba mươi đời chàng rể có nói tiền thuê bao giờ. Hay như anh chàng đần mất vợ nhưng quyết không nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của mẹ cô gái: Công tôi làm rể Chương Đài Con bà gả bán cho ai mất rồi Bà liệu công tôi Không bằng tôi liệu Mấy lời nói khéo Tôi để ngoài sân Bà chê tôi đần Gả cho chú hắn Chú hắn cậy rằng Mười phân có tài Giàu thì mặc ngài Đói tôi không sợ... mà cũng dường như chỉ có những cậu hơi nghèo một tí mới phải lấy công chuộc tội nghèo, è cổ làm việc trả ơn cha mẹ đã nuôi cô gái lớn,mới tàm tạm coi là công bằng cho cái cảnh đẻ con gái: Chu choa sao nắng bể đầu Anh về làm rể ngõ hầu an thân Bùn lê từ chót đến chân Em ngồi vắt vẻo ngoài sân ăn quà Cực lòng anh lắm em à Vợ không ra vợ chồng ra chi chồng ... Hay: Công anh làm rể đã lâu Chỉ ăn cơm hẩm với đầu cá rô Con gái là con mẹ cha nuôi cho chóng lớn về nhà người ta nhưng nhiều bà mẹquá quắt: Muốn lấy con tao Bắc cầu qua bể Làm rể cho lâu Nuôi lợn mười năm Chăn tằm mỏi gối Nhà ngói năm gian Bức bàn cho rộng Ông Cống, ông Nghè Dù che ngựa cưỡi... Khiến cho các ông tức quá trù ẻo: Trăng khuyết rồi trăng lại buồn Mụ già kén rể, con còn hóa lâu (ở giá lâu) Nhưng có các cô lại dụ các chàng ở xa rằng Nhà ta ba bốn chị em Mẹ ta còn thèm một chút rể xa Ta về ta bảo mẹ ta Rể gần cho ruộng, rể xa cho tiền. Cậu nào nghèo phải làm rể vài năm còn cậu nào con nhà khá giả, cứ nộp đủ sính lễ là được quyền đưa nàng về dinh và đôi khi chỉ cần có chút lễ mọn như một mâm quả xôi gà là có vợ Tay anh bưng quả nếp Tay anh xách con gà Công thầy nghĩa mẹ sinh ra Phận anh đây là rể gọi chút là trả ơn. Có cô dụ: Cha tôi già mẹ tôi yếu em tôi còn nhỏ xíu dại khờ Cậy anh vô làm rể thử cha mẹ nhờ đôi năm Hay Phụ mẫu em không có con trai Kiếm nơi rể thảo một mai phượng thờ Anh ở sao mà rể gọi là con Thì bia vàng khắc chữ sơn son để đời! nhưng các anh cũng không ngoan không vừa: Không con trai thời có cháu trai Phận anh là rể đứng ngoài ngó vô… Tuy vậy có anh lại hiền lành chân chất: Mẹ nàng khác thể mẹ ta Phận dù đói rách, thiệt thà anh thương Anh rể này ngoan quá nên bà mẹ vợ thương rể hơn cả con trai khiến: Đêm nằm nước mắt láng lai Mẹ thương con rể hơn trai trong nhà. Bên trời Tây dường như không có ai làm dâu hay ở rể nhưng do hoàn cảnh vẫn có cô dâu mang mẹ về ở chung. Trái với Việt Nam là mẹ chồng với con dâu không ưa nhau thì bên Âu tây mẹ vợ chàng rể cũng chẳng thích gì nhau. Các chàng rể thường ghét các bà mẹ vợ nên có câu chuyện hài hước như sau Có một bà mẹ vợ bị con ngựa của chàng rể đá chết. Ngày đưa đám, tiếng lành đồn xa : - Này! Sao hai hôm trước tôi mới thấy bà ây còn khỏe mạnh phây phây mà nay ... - Úi dào, cũng tại con ngựa nó đá ngay vào ngực đấy. - Anh chàng đi đường tình cờ nghe thấy, vội xếp ngay vào hàng nguời tiễn đưa Thế số lượng các chàng trai tiễn đưa bà mẹ vợ này đến nơi an nghỉ cuối cùng càng lúc càng tăng! Quý vị biết tại sao không ạ, chả là các ông phải ở chung với mẹ vợ, rất ghét bà mẹ vợ. Bà cứ mét mọi chuyện với vợ mình khiến đêm nào cũng bị vợ cằn nhằn nên các ông này chỉ mong cho bà ấy khuất núi sớm. Nay có con ngựa quý đá chết bà mẹ vợ nên các ông phải theo sau đám ma để ghi tên mượn cho được con ngựa quý này. Bởi vậy bà nào lỡ có rể Tây, rể Mỹ thì chớ ở chung kẻo có ngày bị ngựa đá, không chết thì cũng què... Lại có câu chuyện: Trong đám cưới, người cha nói với con rể: "Tôi là người đầu tiên nắm tay cô ấy, không phải cậu Người đầu tiên hôn cô ấy là tôi, không phải là cậu Người đầu tiên bảo vệ cô ấy là tôi, không phải cậu. Nhưng mà Có thể đi cùng cô ấy suốt cuộc đời, Đó là cậu chứ không phải là tôi. Nếu có một ngày cậu không yêu cô ấy nữa Đừng phản bội cô ấy Đừng đánh cô ấy Đừng nói với cô ấy. Hãy nói với tôi, Tôi đưa cô ấy về nhà! Cậu con rể quỳ xuống, lúc đó các khách mời đều rơi nước mắt Nếu bạn là một người đàn ông, Xin hãy tử tế yêu quý người phụ nữ bên cạnh mình Bởi vì họ là những cô con gái quý báu của người khác. Lúc nhỏ tiêu tiền là ở nhà bố mẹ đẻ Lúc khôn lớn đi kiếm được tiền là ở nhà chồng Thế nên bạn nên nhớ, ngoài cha mẹ của họ ra, Họ không nợ bất kỳ ai. Trở lại với giải thích khi Google thì tuỳ theo phong tục của từng dân tộc sống trên dải đất hình chữ S mà có tục ở rể vài ba năm để được mang vợ về ở chung, hoặc ở rể trọn đời bên nhà vợ. Để kết thúc chuyện rắc rối này sk kể lại cho quý vị nghe một chuyện làm rể mà ngày xưa sk bắt bà ngoại kể đi kể lại rồi cười hăng hắc, sk mong quý vị cũng cười thoải mái khi đọc xong câu chuyện nhe. Thưa quý vị, đây là chuyện " Bố để con đỡ" Bố để con đỡ Ngày xửa ngày xưa ở làng nọ có một anh bảnh trai nhưng lại thật là ngốc nghếch. Khi anh lớn, bố mẹ anh có dạm hỏi cho anh một cô gái làng bên. Anh phải sang nhà vợ ở rể đôi ba tuần trước khi cưới vợ. Vì biết con mình dại khờ ngốc nghếch nên trước khi đi, bố anh dặn đi dặn lại: - Con sang bên đó liệu mà ăn nói nghe con. Khi bố mẹ vợ làm việc gì thì phải nhanh nhẩu mà đỡ đần, phải chạy lại mà thưa: Bố để con đỡ nghe không. Anh Ngốc vâng dạ ra đi. Sang tới nhà vợ sắp cưới, anh vừa đẹp trai lại tươi cười nên bố vợ bằng lòng lắm. Sáng sau hai bố con vác cuốc, xẻng ra đồng làm việc. Bố vợ vừa bổ nhát cuốc xuống thì anh chạy vội lại: - Thưa bố, bố để con đỡ! Anh tươi cười lễ phép thưa khiến bố vợ hài lòng vô cùng, gật gù: "Thằng này ngoan và hiếu đễ, thế mà người ta cứ đồn là nó ngốc nghếch". Ông nhường chỗ đó cho anh Ngốc và vác cuốc ra chỗ khác. Nhát cuốc vừa bổ xuống thì anh Ngốc đã chạy lại: - Dạ thưa bố, bố để con đỡ. - Cái thằng này tốt, chắc nó muốn làm thay mình để cho mình nghỉ đây mà. Nhưng công việc đồng áng phải làm cho xong nên ông gật đầu: - Tốt! vậy anh làm chỗ này cho xong, bố đi chỗ khác nhé. Ông vác cuốc đi xa hơn nhưng than ôi sau nhát cuốc thứ hai thì anh Ngốc đã nhanh chóng xuất hiện: - Bố để con đỡ ạ. Ông chán nản gật đầu nhưng đổi nét mặt vui vẻ : - Này, bố giao là anh phải làm cho xong chỗ này, hai bố con ta chia nhau mỗi người một nửa, anh làm từ đầu này đến đầu kia còn bố sang phía cuối nhé, anh đừng chạy theo bố nữa, nghe không! - Dạ, bố để con đỡ! - Cái thằng này, bảo mày làm chỗ này cho xong nghe chưa! - Dạ. Ông đi xuống cuối ruộng nhưng chẳng bao lâu đã thấy anh Ngốc chạy theo mà…" bố để con đỡ", thì thế mới gọi là Ngốc mà…Kết quả là đến chiều hai bố con vẫn chẳng làm được gì. Hai người vác cuốc ra về, anh Ngốc thì hớn hở còn ông bố vợ thì rất ư bực mình. Ra đến cầu ao để rửa chân ông Bố thấy bà vợ đang ngồi vo gạo. - Giờ này mà mới vo gạo thì đến bao giờ mới có cơm mà ăn. Cái con Nghếch biến đâu rồi? Lại đi buôn chuyện chắc. Vợ với con! - Ông này hay nhỉ! Trước mặt con rể mà mắng vợ sơi sơi. - À ! mày còn cãi, ông thì đạp cho một cái mà lộn cổ xuống ao. Chẳng ngờ anh Ngốc đã đứng ngay sau lưng: - Dạ, thưa bố, bố để con đỡ. Nói rồi anh dơ cẳng đạp ngay vào lưng bà mẹ vợ. Bà chỉ kịp kêu : - Ối! rồi lăn ùm xuống ao. SK xin ngưng và xin kính chúc quý vị có dâu hiền rể thảo. Sao Khuê |