Tục ở Rể, Xưa Và Nay - Báo Nghệ An

Tục ở rể, xưa và nay 09/04/2015 15:57

(Baonghean) - Trước khi đưa vợ về nhà mình, chàng trai có nghĩa vụ về nhà bố mẹ vợ ở rể một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình, nhằm trả công ơn nuôi dưỡng cô dâu nên người. Đó là nét khá đặc biệt trong tục cưới của người Thái và Khơ mú...

Cũng như nhiều địa bàn khác, người Thái và người Khơ mú ở Yên Na (Tương Dương) sống khá gần gũi nhau. Chính vì điều này mà về phong tục, lối sống có những nét tương đồng, trong đó phải kể đến tục ở rể vẫn còn khá phổ biến ở xã vùng sâu này.

Thật tình cờ, chúng tôi đến nhà bà Lữ Thị Xuyên bản Xốp Pu vào một buổi chiều đầu mùa hè. Đây là 1 trong 3 bản người Khơ mú ở xã Yên Na. Mọi người trong gia đình đều tất bật, người chất củi vào góc nhà, kẻ chuẩn bị đi bắt lợn. Một nhóm khác lo quét tước trong nhà ngoài ngõ. Hỏi ra, mới biết gia đình chuẩn bị cưới vợ cho con trai là Moong Văn Búa vào ngày hôm sau. Hai vợ chồng trẻ thì vắng nhà. Hai người đang ở nhà gái cũng là một hộ Khơ mú ở Thị trấn Hòa Bình, huyện lỵ Tương Dương. Chúng tôi khá ngạc nhiên vì lẽ ra giờ này chú rể phải ở nhà cùng gia đình, ngày mai đi đón dâu. Bà Xuyên giải thích rằng con trai bà đang phải ở rể bên nhà gái. Trong đám cưới khi đón dâu dẫn luôn cả cô dâu cùng với chú rể về nhà một thể.

Bữa cơm trong đám cưới người Khơ mú.
Bữa cơm trong đám cưới người Khơ mú.

Đã từng dự những đám cưới khu vực các xã Đôn Phục nên người viết bài báo này không còn mấy xa lạ với tục ở rể. Những địa bàn người Thái này và người Khơ mú ở Keng Đu (Kỳ Sơn) cũng có phong tục đó và cũng là một điều khá thú vị trong tục cưới của cộng đồng người Thái và Khơ mú. Người vùng cao quan niệm, khi một người con gái sinh ra và lớn lên cha mẹ đã phải bao phen vất vả dưỡng dục. Công lao ấy không đánh đổi được bằng bạc nén, trâu, bò hay tiền giấy mà người con rể dù ít hay nhiều cũng phải đến ở rể một thời gian giúp gia đình vợ việc nương rẫy, lợn gà; khi làng bản có việc dựng nhà, dựng cửa chú rể mới cũng phải tham gia. Ngoài ra, khi về ở rể, cha mẹ vợ sẽ đánh giá được con người của chàng rể trước khi trao gửi con gái cho anh ta. Bà Lữ Thị Xuyên cho biết, bất kỳ người đàn ông nào ở bản Xốp Pu khi lấy vợ đều phải đi ở rể ít nhất là 1 năm, nhiều thì 3 năm. Điều này đã thành lệ rồi và bà con gọi là ở rể để trả công ơn cho bố mẹ vợ.

Một người khác cũng ở bản Xốp Pu là ông Ốc Đình Tân, lại có những kỷ niệm khó quên về quãng thời gian ở rể. Cựu chiến binh 58 tuổi này cho biết, năm 1979 ông gia nhập bộ đội. Trước khi lên đường ra biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc, ông đã kịp hỏi vợ và chuẩn bị làm “nghĩa vụ” ở rể. Thế nhưng ông phải lên đường theo yêu cầu của tình hình đất nước lúc ấy. Sau 3 năm trong quân ngũ ông Tân trở về bản và bắt đầu đi ở rể cũng bằng quãng thời gian ông đi bộ đội.

Ông Tân cho biết, trong 3 năm ấy mình thành người nhà bên vợ. Chỉ khi nhà vợ rỗi việc mới được về giúp cha mẹ. Khi ấy, người ở rể phải làm bất cứ việc gì theo yêu cầu cũng như những công việc ngày thường của cha mẹ vợ. Không những thế, để làm đẹp lòng họ ngoại, chú rể còn phải cố gắng hơn ngày thường. Ngoài ra, còn đi giúp những nhà trong dòng họ các công việc như dựng nhà, phát rẫy hay khi có đám cưới, lợp nhà, tang ma...

Gia đình đôi vợ chồng trẻ  ở Keng Đu - Kỳ Sơn.
Gia đình đôi vợ chồng trẻ ở Keng Đu - Kỳ Sơn.

“Để cha mẹ vợ vừa lòng, buổi sáng mình phải dậy trước cả nhà đồ xôi, cho gà, lợn ăn. Ăn sáng xong rồi, mình phải cầm con dao đi phát rẫy trước cả nhà.” - ông Tân nhớ lại. Ngày ấy, già đình vợ của ông Tân cũng rất đông con. Bà là con cả, khi về làm vợ ông chỉ mới 17 tuổi. Sau bà còn một đàn em 8 đứa nữa lóc nhóc, lít nhít. Thấy nhà có anh rể ai cũng tranh đến ngủ cùng, đòi anh rể xới cơm, nhõng nhẽo đủ thứ. Đứa đòi đan cho cái gùi, đứa đòi gọt con quay, có đứa còn ẵm ngửa, bởi khi ông về làm rể mẹ vợ còn sinh thêm 3 người con nữa. Thế là ông Tân vừa phải lo cho đàn em vừa phải chăm mẹ vợ sinh con. Trong quãng thời gian 3 năm ấy, ông giúp được bố vợ đốn gỗ và dựng một nếp nhà sàn, đó là điều bình thường của những chàng rể ở bản vào thập niên 80 thế kỷ trước.

Bản thân ông Tân phải ở rể lâu như vậy là bởi gia đình không có trâu và bạc nén để trả cho nhà gái. Ngày trước việc thách cưới rất nặng nề, thường phải có trâu và bạc nén mới lấy được vợ. Điều này khiến nhiều trai bản khó khăn phải đánh đổi bằng việc đi ở rể lâu năm. Có người gia cảnh khó khăn hơn phải ở rể đến 5 năm và gia đình vợ sẽ làm nhà cho ở riêng luôn. Còn những nhà đủ tiền trả các khoản thách cưới và hai bên gia đình thông cảm cho nhau thì các chàng rể thường chỉ phải làm “nghĩa vụ” bên nhà vợ từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó một đám cưới chính thức được tổ chức và chàng rể đón vợ về nhà mình.

Một cư dân bản Xôp Pu khác là anh Ốc Văn Lợi (31 tuổi) cho biết ngày nay ở bản chuyện ở rể 3 năm hầu như không còn nữa. Lâu nhất cũng chỉ 1 năm thôi. Theo anh Lợi, tục ở rể như vậy cũng hợp lẽ bởi “mình lấy đi con gái nhà người ta mà không đến trả ơn thì thiệt thòi cho họ quá.” Còn những cộng đồng người Khơ mú ở dọc Quốc lộ 7A như bản Pà, Na Lượng, Huồi Thợ (Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) thì tục ở rể để trả ơn cha mẹ vợ gần như không còn. Ông Kha Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Bây giờ trong bản người Khơ mú không thấy ai đi ở rể nữa, người ta đã theo xu thế hiện đại rồi.

Tuy nhiên, cộng đồng người Thái ở vùng Cam Lâm, Đôn Phục vẫn duy trì tập tục này. Anh Lô Văn Hùng, trú bản Bạch Sơn (Cam Lâm - Con Cuông) cưới vợ cách đây 2 năm. Trước khi đám cưới chính thức, anh Hùng phải về bản Hồng Điện, xã Đôn Phục ở rể 9 tháng. Anh Hùng cho biết, việc ở rể cũng thật nhẹ nhàng, cốt để gia đình nhà gái và chú rể tìm hiểu về nhau. Bây giờ không còn ai chấp nhặt chuyện con rể siêng hay nhác làm nữa.

Bản Xiềng Nứa cũng là một cộng đồng người Thái ở xã Yên Na (Tương Dương) vẫn còn duy trì tục ở rể. Chỉ khoảng 2 tuần nữa là anh Lương Thiên Định tổ chức đám cưới cùng một cô gái bản Văng Cuộm (xã Yên Tĩnh - Tương Dương). Anh Định chỉ phải đi ở rể lấy lệ trong vòng 3 tháng. “Gọi là cho đúng phong tục thôi”, anh thanh niên 21 tuổi cho biết. Còn anh Lô Văn Pắn, bản Na Pu (Yên Na) lập gia đình năm 2013 cho biết, bản thân chẳng phải đi ở rể một ngày nào vì gia đình nhà gái không yêu cầu. Bây giờ con trai trong bản lập gia đình thường ít khi phải đi ở rể vì ngay nay người ta không còn mang nặng những quan niệm cũ nữa. “Ngày nay, thanh niên trong bản khi lấy vợ người thì đang đi làm công ty, đi học ngành hay làm cán bộ, lấy thời gia đâu mà ở rể.” anh Pắn cho biết. Có lẽ chính vì những thay đổi như vậy trong xã hội cộng đồng người vùng cao nên tục ở rể ngày càng có chiều hướng mai một?

Hữu Vi

Từ khóa » đi ở Rể Là Gì