Làm Rõ Tính Dân Tộc Trong 8 Câu Thơ đầu Bài Thơ "Việt Bắc" Của Tố Hữu

»» Nội dung bài viết:

  • 1. Tính dân tộc trong thơ ca là gì?
  • 2. Biểu hiện tính dân tộc đậm đà trong 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc.
  • 3. Đánh giá.

Làm rõ tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

  • Mở bài:

– Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

– 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc thể hiện tính dân tộc đậm đà, đã tái hiện niềm thương nỗi nhớ, cũng chính là niềm trăn trở chung của đồng bào ta trong lần chia tay lịch sử.

  • Thân bài:

1. Tính dân tộc trong thơ ca là gì?

– Tính dân tộc là những dấu ấn độc đáo, không lặp lại, biểu hiện những gì là bản sắc, là những nét riêng biệt đặc thù của một dân tộc. Tính dân tộc được hiểu là một đặc tính nhưng đồng thời cũng là thước đo giá trị của một tác phẩm văn học. Những tác phẩm văn chương lớn từ trước cho đến nay. Mà những tác phẩm vừa mang tính nhân loại, vừa mang tính dân tộc sâu sắc.

– Trong văn học, tính dân tộc được thể hiện ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Về nội dung, một tác phẩm mang tính dân tộc phải thể hiện được những vấn đề hiện thực đời sống cách mạng nóng bỏng liên quan đến vận mệnh dân tộc, những tình cảm chính trị có sự gắn bó, hòa nhập với truyền thống tình cảm và đạo lí của dân tộc, khát vọng và ý chí của một dân tộc. Về hình thức nghệ thuật, tác phẩm đó tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa văn hóa của dân tộc (cách so sánh, ẩn dụ, hiện tượng chuyển nghĩa, cách diễn đạt gần với ca dao dân ca). Nếu hiểu như thế thì thơ Tố Hữu mang phong cách nghệ thuật “đậm đà bản sắc dân tộc”.

2. Biểu hiện tính dân tộc đậm đà trong 8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc.

* 4 câu đầu: Nỗi nhớ của người ở lại dành cho người ra đi:

– Bốn câu thơ đầu là lời ướm hỏi dạt dào tình cảm của người ở lại, khơi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội nghĩa tình, thể hiện tâm trạng nhớ thương, tình cảm gắn bó, thủy chung của quê hương Việt Bắc, con người Việt Bắc dành cho người về xuôi. Ở đây, nhà thơ sử dụng thành công những hình ảnh đối đáp kiểu dân gian:

Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Khung cảnh chia tay bịn rịn giữa kẻ ở và người về. Cách xưng hô “mình – ta”: thân mật gần gũi như trong ca dao. Điệp từ “nhớ” thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng. Cách xưng hô “mình – ta” : thân mật gần gũi như trong ca dao. Điệp cấu trúc “mình về mình có nhớ” : lời ướm hỏi, khơi gợi lại những kỉ niệm về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, về thiên nhiên Việt Bắc nghĩa tình.

Người ở lại đặt câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta” để nhắc nhớ người ra đi, gợi trong người ra đi những kỷ niệm về ” mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Mười lăm năm ấy được tính từ năm 1940 sau khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến tháng 10.1954, là mười lăm năm “Mình đây ta có đắng cay ngọt bùi”, là mười lăm năm có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia, mười lăm năm “bát cơm chấm muối mối thù nặng vai”…làm sao kể xiết biết bao ân tình. Bốn từ “thiết tha mặn nồng” cho thấy tình cảm giữa Việt Bắc và cán bộ thật thủy chung sâu nặng, keo sơn bền chặt. Có lẽ vì thế nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Quyền đã cho rằng: ” “Mười lăm năm ấy” không chỉ đo bằng thước đo thời gian mà còn đo bằng thước đo tình cảm con người. Đó chính là thứ thuốc thử làm tăng thêm sự gắn bó keo sơn”.

“Mình về mình có nhớ không? Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Lại một câu hỏi tu từ nữa xuất hiện. Lại là một lời nhắc nhớ, gợi thương. Về Hà Nội rồi, thấy cây hãy nhớ đến núi rừng chiến khu, nhìn sông hãy nhớ đến suối nguồn Việt Bắc. Cách gợi nhắc như lời dặn dò kín đáo mà chân thành: Việt Bắc là cội nguồn cách mạng, “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa”, là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Câu thơ này phải chăng là sự vận dụng linh hoạt và tài tình của nhà thơ Tố Hữu với câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó nhà thơ cũng nhắc nhớ các thế hệ con cháu phải biết hướng về gốc gác, về nơi bén rễ, về cái nôi cho ta hình hài.

⇒ Hai câu hỏi đều hướng về nỗi nhớ, một nỗi nhớ về thời gian “mười lăm năm”, một nỗi nhớ về không gian: sông, núi, nguồn. Đó là khoảng thời gian gắn bó biết bao kỉ niệm của người dân Việt Bắc với người lính.

* 4 câu sau: Tiếng lòng của người về xuôi mang bao nỗi nhớ thương, bịn rịn:

Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Bốn câu thơ là tiếng lòng của người cán bộ cách mạng về xuôi: tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn đầy lưu luyến, bịn rịn của người kháng chiến đối với cảnh và người Việt Bắc.

Từ láy “bâng khuâng” thể hiện sự xao xuyến, “bồn chồn” thể hiện sự không yên tâm trong dạ, không nỡ rời bước. Hình ảnh “áo chàm” chỉ người dân Việt Bắc thân thương giản dị. Cử chỉ “cầm tay nhau” thay lời nói chứa đầy cảm xúc. Không khí buổi chia tay thân tình, gần gũi, bịn rịn không muốn chia xa.

Lời người ở lại nhắn gửi tới người ra đi: Lời nhắn gửi được thể hiện dưới hình thức những câu hỏi: nhớ về Việt Bắc cội nguồn quê hương cách mạng, nhớ thiên nhiên Việt Bắc, nhớ những địa danh lịch sử, nhớ những kỉ niệm ân tình…

Nếu như người Việc Bắc gửi theo bước chân của người miền xuôi với bao nhiêu nỗi nhớ thì trong lời đối đáp của người miền xuôi cũng đầy ắp những bâng khuâng tha thiết. Không sử dụng đại từ xưng hô “mình”, “ta” mà người xưng hô sử dụng đại từ “ai” để khẳng định trước hết là sự gắn bó với người ở lại. Ai có thể là đại từ để hỏi nhưng ở đây đó chính là đại từ phiếm chỉ, rất gần cách nói của ca dao: “Nhớ ai bồi hổi bồi hồi” Tố Hữu sử dụng và khai thác triệt để sự biến hoá hết sức linh diệu trong giá trị biểu cảm của từ “ai”. Một chữ “ai” của người về xuôi đủ làm xao xuyến lòng người đưa tiễn, đủ cho thấy người về xuôi yêu thương Việt Bắc đến chừng nào và hiểu nỗi niềm tha thiết của người Việt Bắc đối với cách mạng, đối với người miền xuôi. Một chữ “ai” làm xao động cả không gian đưa tiễn. Phải chăng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.

Hai từ láy “bâng khuâng” và “bồn chồn” góp phần làm tang thêm tâm trạng người ra đi. Tình thương nỗi nhớ như níu chân người ở lại “Bước đi một bước lâu lâu lại ngừng” để rồi “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Không biết nói gì phải chăng là vì có quá nhiều thứ để nói. Bao nhiêu ân nghĩa, sắt son chẳng thể nào dung ngôn từ để diễn tả, đành phải gửi tâm tình qua cái năm tay thật chặt, thật lâu. “Cầm tay” là biểu tượng của yêu thương đoàn kết. Chỉ cần cầm tay nhau thôi và hãy để hơi ấm nói lên tất cả, yêu thương, nhung nhớ, nghĩa tình sẽ ấm mãi như hơi ấm tay trao tay nhau lúc này. Dấu chấm lửng ở cuối câu như càng làm tang thêm cái tình cảm mặn nồng, dạt dào, vô tận. Nó như nốt lặng trong một khuôn nhạc mà ở đó tình cảm cứ ngân dài sâu lắng. Qua đó con người Việt Nam hiện lên thật đẹp với những phẩm chất tiêu biểu cho phẩm chất dân tộc: ân nghĩa, thủy chung, son sắt.

3. Đánh giá.

Về mặt nghệ thuật, Tố Hữu đã vô cùng khéo léo khi sử dụng thành công thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống của dân tộc để diễn tả tình cảm cách mạng. Từ xưa đến nay lục bát vốn là thể thơ dễ đi vào lòng người bởi âm điệu ngọt ngào vốn có của nó. Nếu dung để diễn đạt tình cảm thì không còn gì hay bằng. Hay hơn nữa nhà thơ đã khéo vận dụng lối đối đáp vốn là hình thức diễn ý quen thuộc trong ca dao dân ca.

Chính điều ấy đã làm cho bài thơ mang đậm âm hưởng ngọt nào và thấm đượm tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó ngôn ngữ là yếu tố góp một phần không nhỏ gợi lên cái hồn dân tộc của tác phẩm nói chung và tám câu thơ đầu nói riêng chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ của Việt Bắc mượt mà, uyển chuyển đặc biệt là cắp đại từ nhân xưng mình-ta vừa ngọt ngào lại vừa sâu lắng mà ta thường bắt gặp trong những câu ca dao về tình yêu đôi lứa.

Tính dân tộc về mặt hình thức còn thể hiện qua hình ảnh. Đó là dáng núi hình song :” Nhìn cây nhớ núi, nhìn song nhớ nguồn”. Đó là hình ảnh chiếc áo chàm trong “buổi phân li”. Áo chàm là hình ản hoán dụ cho người dân Việt Bắc nghĩa tình nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Những con người ấy là đại diện cho một dân tộc Việt Nam vừa hào hùng lại hào hoa: “Lưng mang gươm ta mềm mại bút hoa/Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.

Tính dân tộc không chỉ vô cùng thành công trên bình diện nghệ thuật mà còn đậm nét qua nội dung, tư tưởng. Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu nói riêng phản ánh đậm nét hình ảnh con người Việt Nam trong thời đại cách mạng; đã đưa những tư tưởng tình cảm cách mạng hòa nhịp và tiếp nối truyền thống tinh thần, tình cảm đạo lý dân tộc.

Bằng tài hoa của một người nghệ sĩ và một trái tim luôn sục sôi ý chí cách mạng, Tố Hữu đã viết nên một bản tình ca, anh hùng ca đậm đà bản sắc dân tộc. Nghĩa tình sâu nặng của người kháng chiến đối với chiến khu Việt Bắc, của quần chúng đối với cách mạng trong thơ Tố Hữu là sự kế thừa tình cảm, đạo lý sống của con người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung. Để rồi Việt Bắc đã thực sự trở thành một trong những bài ca không bao giờ quên, không thể nào quên.

  • Kết bài:

8 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc là minh chứng cho sự thành công của thơ Tố Hữu trong việc kết hợp hai yếu tố: Cách mạng và Dân tộc trong hình thức đẹp đẽ của thơ ca. Tính dân tộc là một trong những đặc điểm nổi bật làm nên phong cách thơ Tố Hữu. Thơ Tố Hữu mang vẻ đẹp của thơ ca truyền thống nhưng vẫn mang đậm hồn thơ của thời đại cách mạng.

Bài văn tham khảo:

Trong “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu viết: – Ta với mình, mình với ta […] Chày đêm nện cối đều đều suối xa… (Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 110-111) Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về tính dân tộc được thể hiện trong đoạn trích.

BÀI LÀM

  • Mở bài:

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Trung Ương Đảng và Chính Phủ rời “thủ đô gió ngàn” để trở về thủ đô Hà Nội. Sự kiện ấy đã dẫn đến một cuộc chia ly mang tính chất lịch sử: cuộc chia ly giữa đồng bào Việt Bắc ở lại và cán bộ kháng chiến về xuôi. Mười lăm năm gắn bó, mười lăm năm đồng cam cộng khổ, sâu nặng nghĩa tình, nên tâm trạng của cả người đi lẫn kẻ ở đều vấn vương tha thiết. Với cảm xúc mãnh liệt của người trong cuộc, cộng với tài năng thi ca của mình, Tố Hữu đã hạ bút viết nên những vần thơ xúc động để nói về cuộc chia ly ấy. Bao nhiêu năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, cuộc chia ly ấy đã mãi mãi lùi vào dĩ vãng, nhưng nhờ những vần thơ dạt dào cảm xúc trong “Việt Bắc”, người đọc hôm nay vẫn được sống lại những cảm xúc vui buồn của một thời cách mạng không thể nào quên. Đoạn thơ mà chúng ta sắp đi vào phân tích sau đây, thuộc phần đầu của bài thơ, là lời của người ra đi giãi bày tấm lòng mình, là lời thề hẹn sẽ mãi mãi nhớ về, mãi mãi thủy chung gắn bó với con người Việt Bắc. Đây cũng là đoạn thơ mang tính dân tộc đậm nét:

“Ta với mình, mình với ta (…) Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”.

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó đặc sắc nhất là bài thơ “Việt Bắc”. Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Bài thơ bộc lộ tâm trạng đầy lưu luyến, xúc động của cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc trong buổi chia tay. Chuyện ân tình cách mạng được tác giả khéo léo thể hiện như câu chuyện tình yêu đôi lứa. Nhà thơ hóa thân vào hai nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình, cũng là của người tham gia kháng chiến.

2. Cảm nhận đoạn thơ

Phần một, bốn câu thơ đầu, là lời thề hẹn sắt son của người ra đi đối với người ở lại. Trước những câu hỏi da diết tâm can, nỗi mong mỏi thiết tha của người ở lại, người ra đi đã cất lên lời hứa thủy chung:

“- Ta với mình, mình với ta Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh Mình đi, mình lại nhớ mình Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…”.

+ Hai đại từ xưng hô “ta” và “mình” ở đây được dùng rất độc đáo. Ở câu thơ “Ta với mình, mình với ta”, chỉ có ba chữ nhưng được đảo vị trí, ngắt thành hai vế tiểu đối, tạo cảm giác một cuộc trao đổi thân mật, gần gũi giữa người đi và kẻ ở. Đến câu thứ ba, hai chữ “ta” và “mình” đã xoắn quyện, hoà nhập thành một từ duy nhất: “Mình đi, mình lại nhớ mình”. “Mình” vừa là người đi, nhưng “mình” cũng vừa là kẻ ở, thật đúng là “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai” (Ca dao).

+ Câu thơ “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh” được ngắt nhịp 2/2/2/2, nhịp thơ chắc, khoẻ như một lời thề, quyết không thay lòng đổi dạ.

+ Người ở lại nhắc người ra đi hãy nhớ về cội nguồn cách mạng, thì người ra đi cũng đáp lại rằng: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Câu thơ dùng thủ pháp so sánh, mang phong vị ca dao, thật gần gũi mà cũng thật sâu sắc, đa nghĩa: thứ nhất, nghĩa tình của người về xuôi cũng giống như nước trong nguồn đổ ra, sẽ không bao giờ vơi cạn; mặt khác, nghĩa tình của người Việt Bắc đối với người cách mạng sâu nặng như thế nào thì người cách mạng đối với người Việt Bắc cũng sâu nặng như thế ấy.

Phần hai, sáu câu thơ tiếp, người ra đi bày tỏ nỗi nhớ của mình về khung cảnh bản làng Việt Bắc:

“Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về. Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”.

Câu thơ đầu bày tỏ trạng thái của nỗi nhớ: “Nhớ gì như nhớ người yêu”. Câu thơ đầu dùng phép so sánh, nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đối với đồng bào Việt Bắc ở lại cũng như nỗi nhớ người yêu. Trên đời này, còn thứ tình cảm nào mãnh liệt hơn tình yêu đôi lứa, và do vậy, còn nỗi nhớ nào thiết tha hơn, sâu nặng hơn, da diết hơn, ám ảnh hơn là nỗi nhớ người yêu. Cách so sánh ấy cộng với việc nhắc lại từ “nhớ” hai lần trên cùng một dòng thơ đã cho ta thấy được tình cảm sâu nặng của người ra đi đối với người ở lại.

Năm câu thơ còn lại là hình ảnh bản làng Việt Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của người đi. Bằng phép điệp cấu trúc với cụm từ “nhớ từng” đứng đầu câu cùng với phép liệt kê, đoạn thơ cho ta hình dung về một nỗi nhớ vừa lan toả theo thời gian từ sáng sớm đến đêm khuya, vừa bềnh bồng theo không gian, từ “đầu núi” đến “lưng nương”; từ “rừng nứa, bờ tre” đến “ngòi Thia, sông Đáy”. Gắn với không gian khác nhau là những khung cảnh đầy thi vị, đặc trưng của núi rừng Việt Bắc: ánh trăng trong treo đầu núi, nắng chiều vàng dịu lưng nương, sương khói huyền ảo, bếp lửa ấm áp, những con suối róc rách điệu nhạc rừng.

Nếu sáu câu thơ trên nói về nỗi nhớ khung cảnh bản làng Việt Bắc, thì ở sáu câu tiếp theo, người đi bày tỏ nỗi nhớ về một thời gian khổ:

“Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi… Thương nhau, chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.”

Nếu người ở lại hỏi “Mình đi có nhớ những ngày” thì người ra đi cũng đáp lại: “Ta đi ta nhớ những ngày”. Nếu người ở lại gợi nhắc người đi về một thời gian khổ thì người ra đi cũng bày tỏ rằng mình sẽ không bao giờ quên một thời gian khổ ấy. Cụm từ “mình đây ta đó” như một lời khẳng định chắc chắn: dù gian khổ, dù hạnh phúc, ta và mình luôn kề vai sát cánh bên nhau, không gì chia cách được. Thành ngữ “đắng cay ngọt bùi” cô đúc như một chân lí về nghĩa tình thuỷ chung, cùng nhau nếm trải mọi gian khổ cũng như hạnh phúc của cuộc sống kháng chiến. Hai chữ “thương nhau” nhấn mạnh cội nguồn của nghĩa tình là tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Vì thương nhau cho nên mới “chia”, mới “sẻ”, mới “cùng” nhau trong nơi mọi lúc. Dù cuộc sống vật chất còn thiếu thốn, chỉ là một “củ sắn lùi”, một “bát cơm”, một chiếc “chăn sui” nhưng lại hàm chứa trong đó sự ấm áp của nghĩa tình.

Người ra đi cũng không bao giờ quên sự hy sinh của đồng bào Việt Bắc cho kháng chiến, mà tiêu biểu là hình ảnh người mẹ Việt Bắc chịu bao khó nhọc để sản xuất nuôi quân:

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”.

Hai dòng thơ như thước phim quay chậm cận cảnh người mẹ Việt Bắc lên rẫy. Trời nắng chang chang, đường lên rẫy xa xôi, con còn quá thơ bé, non nớt, người mẹ vẫn cần mẫn lên nương, lên rẫy miệt mài bẻ từng bắp ngô. Trước ngực đứa con thơ, sau lưng gùi ngô nặng, tấm lưng cháy nắng khó nhọc, gian nan không kể xiết nhưng tất cả vì gia đình, vì cách mạng, vì kháng chiến, người mẹ Việt Bắc vẫn băng qua mọi gian khó. Hình ảnh “nắng cháy lưng” thực sự là nhãn tự của câu thơ. Hình ảnh thơ khắc sâu vào tâm trí người đọc sự lam lũ, vất vả, cơ cực cùng sự tần tảo, đức hi sinh cao quý của người mẹ Việt Bắc. Thật xúc động khi Tố Hữu cất lên tiếng gọi mẹ tha thiết, phải chăng với Tố Hữu, Việt Bắc trở thành gia đình mà nơi ấy có người mẹ ta chịu ơn suốt đời.

Ở sáu câu thơ cuối của đoạn thơ, người ra đi giãi bày nỗi nhớ của mình về những ngày hoạt động kháng chiến tuy gian khổ nhưng luôn tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng: (Thực hiện bởi Fanpage: Luyện Thi THPT Quốc Gia – Tài liệu ôn 10, 11, 12)

“Nhớ sao lớp học i tờ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan Nhớ sao ngày tháng cơ quan Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo. Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”.

Đó là nỗi nhớ về những lớp “bình dân học vụ”, xóa mù chữ được mở ra khắp nơi. Cán bộ cách mạng đến vùng cao không chỉ gây dựng kháng chiến mà còn gieo chữ xuống bản, đem ánh sáng văn hóa xuống làng. Đó là nỗi nhớ về những đêm liên hoan văn nghệ bừng sáng ánh đuốc và bừng sáng niềm vui của tình quân dân thân thiết. Câu thơ “Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan” gợi ta nhớ đến cái tươi vui, náo nức, mê say “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Đó là nỗi nhớ về những ngày cùng làm việc bên nhau. Cuộc sống dù còn “gian nan”, còn bộn bề những khó khăn thiếu thốn nhưng luôn ấm áp nghĩa tình, trái tim mỗi người luôn rực sáng niềm lạc quan tin tưởng:

“Nhớ sao ngày tháng cơ quan Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”

Tinh thần trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi, phong trào “Tiếng hát ái tiếng bom” thực sự thấm sâu vào nhận thức của mỗi người. Đó còn là nỗi nhớ về những thanh âm của núi rừng Việt Bắc, một thời đã gắn bó và dường như đã trở nên thân thuộc như âm thanh của quê hương:

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều Chày đêm, nện cối đều đều suối xa”

Đọc hai thơ thấy văng vẳng những khúc nhạc đồng quê, mỗi một âm thanh lại gợi mở một bức họa bình dị mà thơ mộng. Tiếng mõ rừng chiều giục đàn trâu trở về trong niềm vui háo hức của đám trẻ mục đồng. Âm thanh gợi một không gian êm ả, thanh bình. Tiếng giã gạo đêm khuya bình dị mà ghi dấu bao nghĩa tình sâu nặng. Tiếng suối róc rách nơi rừng xa lại gợi cái trong ngần, thơ mộng của cảnh vật.

3. Nghệ thuật.

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ là ở việc sử dụng thể thơ lục bát, cách xưng hô mình ta gần gũi thân thuộc; sử dụng nhuần nhuyễn các phép điệp, so sánh, phép liệt kê; giọng thơ ngọt ngào tha thiết…

4. Nhận xét về tính dân tộc được thể hiện trong đoạn trích.

Tính dân tộc của đoạn trích được thể hiện trước hết ở hình thức nghệ thuật: đó là thể thơ lục bát truyền thống, lối xưng hô mình – ta quen thuộc trong ca dao, giọng thơ mang âm hưởng dân ca đằm thắm ngọt ngào, ở việc vận dụng các thành ngữ dân gian. Tính dân tộc còn được thể hiện ở nội dung: đoạn trích đã nói tới lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam – lối sống giàu tình nặng nghĩa, thủy chung son sắt trước sau như một. Qua đoạn trích, tác giả cũng đã tái hiện cho ta thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc, một vùng đất đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.

  • Kết bài:

Hai mươi hai câu thơ trên là khúc đồng vọng của tâm hồn người đi đối với người ở lại. Nó vừa đáp lại những lời nhắn nhủ của đồng bào Việt Bắc, đồng thời cũng là lời của người về xuôi tự nhắc mình. Dù bây giờ kháng chiến đã thành công, dù người kháng chiến phải rời “thủ đô gió ngàn” để về Hà Nội, nhưng kỉ niệm về một thời gian khổ nghĩa tình ấy sẽ không thể nhạt phai, lòng thủy chung quân dân cá nước sẽ trước sau không hề thay đổi. Việt Bắc sẽ mãi mãi là nơi mà trái tim người đi hướng về, với lòng yêu mến và biết ơn sâu sắc, như ở phần sau Tố Hữu đã khẳng định một lần nữa:

“Mười lăm năm ấy ai quên Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”.

Xem thêm:

  • Cảm nhận 24 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc
  • Phân tích nỗi nhớ Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu)
  • Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình trong bài thơ”Việt Bắc” của Tố Hữu
  • Làm sáng tỏ tính dân tộc đậm đà của bài thơ Việt Bắc qua đoạn thơ: “Ta về, mình có nhớ ta…”
  • Làm rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta…” (Việt Bắc – Tố Hữu)

Từ khóa » Tính Dân Tộc 8 Câu đầu Bài Việt Bắc