Làm Sao để Nhận Biết Bánh Mì Chứa Chất KBrO3 Gây Ung Thư?

Theo thông tin trên Báo Phụ nữ Việt Nam, mới đây Cơ quan tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) cũng đã ban bố trên toàn quốc lệnh cấm sử dụng chất phụ gia potassium bromate (kali bromate hay KBrO3) trong các sản phẩm bánh mì.

Làm sao để nhận biết bánh mì chứa chất KBrO3 gây ung thư? - Ảnh 1
Nhìn vào đường xẻ rãnh của bánh mì để nhận biết bánh mì chứa chất phụ gia KBrO3 

Trước đó, Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ cho biết, họ đã chọn 38 mẫu bánh mì bất kỳ trên thị trường để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy 84% trong số đó dương tính với Kali Bromat và Kali Iodat. 

Được biết, Kali bromat được sử dụng như một chất làm oxy hóa trong bột bánh mì để các phân tử gluten trong bánh mì gắn kết lại với nhau, làm bánh mềm và linh hoạt. Nếu quá trình thực hiện theo đúng quy cách, sản phẩm bánh mì cuối cùng sẽ không còn kali bromat. 

Tuy nhiên, khi các chất phụ gia được thêm vào bánh ngày một nhiều hoặc bánh được nướng ở nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, lượng kali bromate còn đọng lại sẽ gây hại cho sức khỏe bởi kali bromat (KBrO3) là một hóa chất và bản thân nó là chất gây ung thư 2B.

Tại Việt Nam, chất phụ gia bánh mì Kali bromate cũng đã bị cấm sử dụng theo công văn mới đây nhất số 62 ban hành ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Tại thời điểm đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh mì, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng Kali bromate trong sản xuất bánh mì thì yêu cầu cơ sở sản xuất ngưng hoạt động, báo cáo Cục ATTP để có hướng xử lý.

Tháng 5/2015, Chi cục ATVSTP TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thần Tài (phường 11, quận 6, TP.HCM), nơi sản xuất phụ gia bánh mì hiệu FIL CO có chất Kali bromate. Hiện đơn vị này đã ngừng sản xuất.

Từ đó tới nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện thêm cơ sở sản xuất bánh mì nào có chứa chất Kali bromate.

Anh Trần Đình Chiến (chủ cửa hàng bánh mì trên phố Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, hiện làm bánh mì không thể thiếu phụ gia nhưng nếu sử dụng phụ gia an toàn, ở mức cho phép thì bánh mì sẽ thơm ngon và không hề độc hại. Và để tránh tình trạng mua phải bánh mì có chứa chất Kali bromate, anh Chiến khuyên người tiêu dùng cần quan sát điểm sau: Bánh mì chứa Kali bromate có đường xẻ rãnh rất cao và cứng. Ngoài ra, nếu ruột bánh không đặc thì khả năng bánh mì chứa Kali Bromate là rất cao.

Hoài Anh (T/h)

In bài viết

Từ khóa » Chất Kali Bromat Là Gì