Làm Thế Nào để Giảm đau Lưng Khi Có Kinh Nguyệt? - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Đau thắt lưng là một triệu chứng tiền kinh nguyệt rất phổ biến và có thể kéo dài trong suốt những ngày bị hành kinh.
  • Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, đó là: hội chứng tiền kinh nguyệt; rối loạn tiền kinh nguyệt; đau bụng kinh; lạc nội mạc tử cung.
  • Các phương pháp điều trị đau thắt lưng khi đến kỳ gồm có thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm không steroid, liệu pháp TENS và phẫu thuật.
  • Ngoài ra bạn có thể chườm ấm, nghỉ ngơi và tập thể dục nhẹ nhàng tại nhà để giúp làm giảm các cơn đau nhức thắt lưng trong kỳ kinh nguyệt.

Đa số phụ nữ đều gặp phải một hoặc một vài triệu chứng đau đớn, khó chịu trước và trong những ngày đèn đỏ, trong đó có đau mỏi vùng thắt lưng. Đau thắt lưng là một triệu chứng tiền kinh nguyệt rất phổ biến và có thể kéo dài trong suốt những ngày bị hành kinh. Tuy nhiên, nếu bị đau thắt lưng nghiêm trọng thì đây có thể là triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe như rối loạn tiền kinh nguyệt hay lạc nội mạc tử cung.

Nguyên nhân

Có một số nguyên nhân khác nhau gây đau mỏi thắt lưng mỗi khi đến kỳ. Nhiều nguyên nhân trong số này có liên quan đến các bệnh phụ khoa.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome) là những thay đổi về thể chất và tinh thần mà hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều gặp phải trước khi có kinh nguyệt. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường xảy ra trong khoảng một tuần trước khi hành kinh và chấm dứt khi bắt đầu hiện tượng ra máu.

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến gồm có:

  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Đau bụng
  • Đau mỏi thắt lưng
  • Bầu ngực căng, đau, nhạy cảm
  • Các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Thay đổi cảm xúc thất thường
  • Chán nản, buồn bã hay nhạy cảm quá mức
  • Da dầu, nổi mụn trứng cá

Đau mỏi thắt lưng là một triệu chứng rất phổ biến. Nguyên nhân là do tình trạng tăng viêm trong thời gian sắp có kinh nguyệt.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ có nhiều marker viêm trong cơ thể sẽ dễ bị đau bụng và đau lưng khi đến kỳ hơn.

Rối loạn tiền kinh nguyệt

Rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder) là dạng nặng hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt. Rối loạn tiền kinh nguyệt cũng gồm có các triệu chứng kể trên nhưng mức độ nghiêm trọng hơn và can thiệp nhiều vào cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả công việc, học tập và các hoạt động sinh hoạt bình thường.

Các biểu hiện phổ biến của rối loạn tiền kinh nguyệt gồm có:

  • Những vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như buồn rầu, lo lắng và thay đổi tâm trạng thất thường một cách nghiêm trọng
  • Dị ứng, nổi mụn trứng cá và các vấn đề do viêm khác
  • Các triệu chứng về hệ tiêu hóa, chẳng hạn như nôn ói và tiêu chảy
  • Các triệu chứng hệ thần kinh, chẳng hạn như chóng mặt và tim đập nhanh

Giống như hội chứng tiền kinh nguyệt, sự gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể cũng là nguyên nhân gây đau thắt lưng dữ dội ở những người bị rối loạn tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây cũng có thể là vấn đề thứ phát của các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác, chẳng hạn như:

  • Bệnh tiêu chảy
  • Nôn ói
  • Tăng áp lực ở vùng chậu

Đau bụng kinh

Đau bụng kinh (thống kinh) cũng là một trong những triệu chứng phổ biến mà phụ nữ gặp phải trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do vào thời gian này, cơ tử cung co thắt nhiều hơn bình thường, dẫn đến các cơn đau với mức độ khác nhau, từ đau âm ỉ cho đến đau đớn dữ dội.

Đau bụng kinh có thể đi kèm các triệu chứng khác như:

  • Đau thắt lưng
  • Đau lan xuống chân
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu hoặc chóng mặt

Đôi khi, cơn đau có thể lan xuống toàn bộ phần thân dưới và lưng trên.

Trong một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 300 phụ nữ từ 18 đến 25 tuổi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 84% trong số đó bị đau bụng kinh nguyên phát. Trong số 80% này thì có 16% còn bị đau mỏi thắt lưng khi đến kỳ.

Lạc nội mạc tử cung

Mặc dù đa phần thì hiện tượng đau nhức thắt lưng là điều bình thường trong thời gian hành kinh nhưng nếu cơn đau dữ dội và không thuyên giảm thì đó có thể dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà mô niêm mạc tử cung lại phát triển ở bên ngoài cơ quan này. Mô niêm mạc tử cung thường hình thành ở các khu vực khác trong khoang chậu và gây ra:

  • Đau đớn dữ dội
  • Hình thành mô sẹo trong khoang chậu
  • Rối loạn chức năng nội tạng

Các triệu chứng thường gặp của lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Đau vùng chậu mãn tính, đặc biệt là trong và sau khi quan hệ
  • Đau vùng chậu ngoài thời gian có kinh nguyệt
  • Ra nhiều máu và lâu hết khi có kinh nguyệt
  • Đau đớn dữ dội khi đến kỳ, bao gồm cả vùng thắt lưng

Cơn đau lưng do lạc nội mạc tử cung thường hơi khác so với đau lưng do hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tiền kinh nguyệt hay cơn đau đi kèm đau bụng kinh.

Khi mô nội mạc tử cung hình thành ở các vị trí khác thì thường gây ra cảm giác đau sâu bên trong và không dễ khắc phục bằng các phương pháp thông thường, chẳng hạn như mát-xa hay chườm ấm.

Lạc nội mạc tử cung là một vấn đề nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh xảy ra những biến chứng như vô sinh.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho tình trạng đau thắt lưng mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt là dùng thuốc, trị liệu và phẫu thuật, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Thuốc tránh thai nội tiết

Thuốc tránh thai nội tiết thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng đau đớn trong kỳ kinh. Các loại thuốc này thường kết hợp cả hormone estrogen và progesterone nhưng cũng có những loại chỉ chứa progesterone.

Thuốc tránh thai nội tiết có thể làm giảm bớt lượng máu kinh và cảm giác khó chịu nên có thể dùng cho những trường hợp:

  • Hội chứng tiền kinh nguyệt
  • Rối loạn tiền kinh nguyệt
  • Đau bụng kinh
  • Lạc nội mạc tử cung

Thuốc kháng viêm không steroid

Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen và naproxen là những giải pháp đơn giản để giảm đau và viêm. Bạn có thể dễ dàng mua các thuốc này tại hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

Nghiên cứu đã chứng minh các thuốc kháng viêm không steroid như naproxen và ibuprofen cho hiệu quả giảm đau bụng kinh vô cùng hiệu quả, thậm chí còn cao hơn cả aspirin.

Liệu pháp TENS

TENS là viết tắt của transcutaneous electric nerve stimulation, có nghĩa là kích thích thần kinh bằng xung điện qua da. Đây là một quy trình sử dụng các điện cực để đưa các xung điện qua da và giải phóng endorphin tự nhiên của cơ thể nhằm mục đích làm dịu các cơn đau.

Trong một nghiên cứu trên một bệnh nhân nữ 27 tuổi, liệu pháp điều trị cột sống (spinal manipulation), liệu pháp TENS và điều trị bằng nhiệt được sử dụng kết hợp để giảm đau bụng kinh. Sau 3 đến 4 lần điều trị hàng tháng, triệu chứng đau thắt lưng khi đến kỳ của bệnh nhân đã thuyên giảm đáng kể.

Châm cứu và bấm huyệt

Châm cứu và bấm huyệt là hai liệu pháp bổ sung với cơ chế là gây áp lực lên các khu vực khác nhau của cơ thể để giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên.

Trong một thử nghiệm nhỏ, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy 12 buổi châm cứu có thể cải thiện đáng kể triệu chứng đau đớn, khó chịu mỗi khi đến kỳ kinh trong thời gian lên tới 1 năm.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng bấm huyệt cũng có hiệu quả giảm các cơn đau do hành kinh.

Phẫu thuật

Nếu tình trạng đau bụng và đau thắt lưng dữ dội là do lạc nội mạc tử cung thì sẽ cần phải phẫu thuật để loại bỏ mô niêm mạc tử cung “đi lạc” gây ra các triệu chứng. Trong một số trường hợp thì chỉ cần loại bỏ đi một phần nhỏ của vùng mô niêm mạc hình thành bên ngoài tử cung.

Nhưng nếu bị sẹo và tổn thương trên phạm vi rộng thì sẽ cần cắt tử cung hoàn toàn.

Nếu như quyết định phẫu thuật cắt tử cung để điều trị các triệu chứng lạc nội mạc tử cung thì có thể sẽ cần loại bỏ cả buồng trứng hay cổ tử cung.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu nguyên nhân gây đau thắt lưng trong thời gian có kinh nguyệt không phải do vấn đề nghiêm trọng thì có thể chỉ cần đến các biện pháp khắc phục tại nhà là đủ để giảm đau. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể thử:

  • Chườm ấm: Áp túi chườm hoặc một chai nước nóng lên vùng thắt lưng. Đây là cách rất hữu hiệu để giảm đau. Cố gắng thả lỏng cơ lưng, điều này cũng sẽ giúp làm dịu cảm giác đau.
  • Thuốc không kê đơn: Các thuốc giảm đau đường uống như ibuprofen, aspirin hoặc kem bôi giảm đau đều là những giải pháp cho hiệu quả giảm đau tức thì. Hầu hết các loại kem bôi giảm đau đều có chứa capsaicin - một hợp chất chống viêm mạnh mẽ. Những loại kem này được mát-xa vào vùng bị đau và giúp thả lỏng cơ.
  • Nghỉ ngơi và thư giãn: Đau thắt lưng và các triệu chứng khó chịu khác khi đến kỳ sẽ gây khó khăn cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Vì thế nên vào những ngày đèn đỏ thì hãy nghỉ ngơi, thư giãn. Có thể dành thời gian xem phim, nghe nhạc, tập vài động tác yoga nhẹ nhàng hoặc tắm nước nóng để kích thích cơ thể tăng sản sinh hormone endorphin – một chất giảm đau tự nhiên.

Thay đổi lối sống

Một số thói quen xấu, chẳng hạn như hút thuốc và uống rượu, sẽ làm cho tình trạng viêm trong cơ thể thêm nặng hơn và gây đau đớn dữ dội khi đến kỳ. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều caffeine, thức ăn mặn và chất béo cũng sẽ khiến các triệu chứng khó chịu càng tồi tệ hơn.

Uống nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh và các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm khác sẽ giúp giảm mức độ viêm và cải thiện các triệu chứng trong kỳ kinh như đau bụng hay đau thắt lưng.

Ngoài ra, nên cố gắng tập thể dục thường xuyên để cơ thể giải phóng endorphin. Nếu như cảm thấy không thể tập được các bài tập thường ngày do đau thắt lưng thì có thể thử các bài tập nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như yoga.

Cuối cùng, quan hệ tình dục hay “tự sướng” cũng là những cách để cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày ấy. Cực khoái sẽ làm giảm chứng đau bụng và đau mỏi thắt lưng.

Khi nào cần đi khám?

Nếu các cơn đau thắt lưng nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày thì cần phải đi khám. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây đau đớn có phải do lạc nội mạc tử cung hoặc một vấn đề nghiêm trọng nào khác hay không.

Nếu không có vấn đề tiềm ẩn nào thì bác sĩ sẽ hướng dẫn một số phương pháp để giảm đau.

Từ khóa » đến Tháng đau Lưng Phải Làm Sao