Làm Thế Nào để Ngăn Ngừa Mảng Bám Và Vôi Răng? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thế nào là mảng bám răng?
  • Từ mảng bám răng đến sự hình thành vôi răng
  • Nguyên nhân gây ra mảng bám và vôi răng
  • Các dấu hiệu sớm giúp phát hiện mảng bám răng
  • Các tình trạng liên quan đến mảng bám, vôi răng
  • Các biện pháp ngăn ngừa mảng bám và vôi răng

Hơn 80% dân số mắc các vấn đề về nướu và sâu răng. Đây quả thật là một con số không hề nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mảng bám. Sự tích tụ mảng bám và vôi răng làm trầm trọng hơn những bệnh lý hiện có. Để giải quyết tình trạng này, tất cả chúng ta phải hiểu và thực hành tốt các biện pháp ngăn ngừa mảng bám và vôi răng.

Thế nào là mảng bám răng?

Mảng bám răng, hay còn là mảng bám vi khuẩn, được gọi với cái tên khoa học là mảng bám sinh học. Đây là một lớp màng dính, mềm, được hình thành trên bề mặt răng. Mảng bám là màng sinh học có tính dính cao, màu sắc thay đổi từ không màu cho đến vàng nhạt. Chúng được hình thành thường xuyên trên bề mặt răng. Khi nước bọt, thức ăn và dịch miệng kết hợp với nhau, chúng tạo ra môi trường để cho vi khuẩn từ khắp bề mặt miệng tập trung tạo nên một hệ thống sinh học.

Vị trí thường gặp mảng bám nhiều nhất là vùng cổ răng – nơi tiếp giáp giữa nướu và răng. Mảng bám răng chứa vi khuẩn có khả năng sản sinh ra axit. Đây chính là yếu tố tấn công men răng và phá hủy nướu. Nếu không được điều trị, việc phá hủy sẽ xảy ra liên tục và trở thành vĩnh viễn. Vi khuẩn trong mảng bám hoạt động và phát triển là nhờ nguồn chất từ thức ăn hằng ngày. Nếu vi khuẩn trong mảng bám không được loại bỏ bằng việc chải răng, chúng có thể tích tụ tạo nên vôi răng, gây sâu răng và các bệnh về nướu.

Mảng bám gây mất thẩm mỹ
Mảng bám gây mất thẩm mỹ

Từ mảng bám răng đến sự hình thành vôi răng

Theo thời gian, nếu mảng bám không được loại bỏ thường xuyên, các khoáng chất từ nước bọt tích tụ trong mảng bám sinh học khiến chúng cứng dần trong 24 – 72 giờ. Lúc này, mảng bám sinh học đã chuyển thành vôi răng. Trong khi chúng ta có thể tự loại bỏ mảng bám tại nhà, thì vôi răng chỉ loại bỏ được nhờ các nha sĩ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Răng - Hàm - Mặt, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bạn có biết đến 68% người lớn đều có vôi răng? Vôi răng, hay còn gọi là cao răng, có màu sắc từ vàng đến nâu được hình thành trên bề mặt răng từ mảng bám sinh học. Vì vôi răng bám rất chắc với bề mặt men răng, nên nó chỉ có thể được loại bỏ nhờ các dụng cụ nha khoa. Nguy cơ tích tụ vôi răng càng cao khi: mang mắc cài, răng chen chúc, khô miệng, hút thuốc hay tuổi cao. Khả năng tích tụ vôi răng cũng thay đổi ở mỗi người. Đối với nhiều người, tốc độ tích tụ vôi răng tăng dần theo tuổi.

Nguyên nhân gây ra mảng bám và vôi răng

Khi nước bọt, thức ăn, dịch miệng kết hợp sẽ tạo ra môi trường cho vi khuẩn tích tụ và phát triển. Chúng thường tập trung ở vùng cổ răng, sát đường viền nướu. Các loại thức ăn phổ biến giúp hình thành và phát triển mảng bám gồm: thức ăn có chứa carbohydrate, các loại đường đơn như sucrose và tinh bột. Các thành phần này được tìm thấy nhiều trong nước ngọt và kẹo.

Sử dụng các thực phẩm có lượng đường cao như bánh ngọt, các loại đồ ngọt và trái cây cũng làm gia tăng lượng vi khuẩn trong mảng bám. Vi khuẩn trong mảng bám sẽ dẫn đến viêm nướu, sâu răng và các bệnh nha chu trầm trọng hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách điều trị và phòng ngừa mảng bám để ngăn các bệnh lý này.

Ăn các thực phẩm nhiều đường làm gia tăng sự xuất hiện của vi khuẩn trong mảng bám
Ăn các thực phẩm nhiều đường làm gia tăng sự xuất hiện của vi khuẩn trong mảng bám

Vì mảng bám có thể bám trên bề mặt răng vùng dưới nướu, do đó, không có cách nào khác để phòng tránh hoàn toàn. Cách duy nhất là duy trì vệ sinh răng miệng hằng ngày thật tốt để ngăn sự tích lũy của nó. Các loại thực phẩm chứa nhiều đường chính là tác nhân góp phần cho sự phát triển của mảng bám vi khuẩn.

Các dấu hiệu sớm giúp phát hiện mảng bám răng

Mảng bám răng có thể có màu vàng nhạt hoặc không màu khiến chúng ta rất khó phát hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta cần duy trì chăm sóc răng miệng và thăm khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra. Với mắt thường, chúng ta sẽ rất khó để phát hiện. Nha sĩ sẽ dùng gương nha khoa nhỏ để phát hiện mảng bám ở những vùng khó thấy và rà soát bằng thám trâm nha khoa. Mỗi bộ răng sẽ có những đặc điểm riêng cần lưu ý. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến nha sĩ về cách chăm sóc phù hợp giúp ngăn được sự tích tụ mảng bám

Nếu bạn muốn biết chính xác chúng ta đã làm sạch được mảng bám tại nhà chưa, thì có thể sử dụng các chất giúp nhuộm màu mảng bám. Các chất này làm mảng bám đổi màu, khiến bạn dễ quan sát hơn. Từ đó, bạn có thể đánh giá việc vệ sinh răng miệng có hiệu quả không. Các chất nhuộm màu này cũng rất dễ để chải rửa sạch.

Các tình trạng liên quan đến mảng bám, vôi răng

Nhiều bạn tự hỏi: Việc ngăn ngừa mảng bám răng tại sao lại quan trọng như vậy? Thật sự là nó vô cùng quan trọng. Vì nếu như không loại bỏ nó, bạn có thể gặp phải những tình trạng sau đây:

1. Sâu răng

Axit tạo ra bởi vi khuẩn trong mảng bám làm giảm độ pH trên bề mặt men răng. Điều này dẫn đến sự mất khoáng và hòa tan lớp men, hình thành nên các lỗ sâu.

Nếu không ngừa mảng bám, bạn có thể bị sâu răng
Nếu không ngừa mảng bám, bạn có thể bị sâu răng

2. Viêm nướu, viêm nha chu

Sự tích tụ mảng bám vi khuẩn sẽ dẫn đến tích tụ các sản phẩm của vi khuẩn. Các sản phẩm này là độc tố góp phần gây viêm nướu. Nếu viêm kéo dài không được điều trị sẽ dẫn đến phá hủy mô nha chu trong bệnh viêm nha chu.

3. Hôi miệng

Mảng bám hình thành nhiều ở những người vệ sinh răng miệng kém thường gây ra hôi miệng. Đó là do vi khuẩn trong mảng bám hoạt động phân hủy các thức ăn còn sót tạo nên mùi khó chịu.

Các biện pháp ngăn ngừa mảng bám và vôi răng

1. Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với phương pháp chải răng đúng

Có bao giờ bạn tự hỏi: Việc chải răng của mình có thật sự hiệu quả không? Và nên chải bao nhiêu lần, khi nào là tốt nhất?

Các chuyên gia răng miệng khuyên rằng: bạn nên chải răng tối thiểu 2 lần/ngày. Mỗi lần ít nhất 2 phút. Tốt nhất là nên chải ngay sau khi ăn 30 phút để loại bỏ mảng bám sớm nhất có thể. Việc chải răng trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy cũng quan trọng không kém. Vì nếu không có nó, thời gian ngủ cả đêm sẽ giúp mảng bám tích tụ trên bề mặt răng kéo dài.

Đánh răng để giúp ngừa mảng bám
Đánh răng để giúp ngừa mảng bám

Cách chải răng cũng là một yếu tố góp phần loại bỏ mảng bám hiệu quả nhất. Bạn nên lựa chọn các bàn chải mềm. Những bàn chải cứng sẽ làm tổn thương vùng nướu nơi mà bạn cố gắng loại bỏ mảng bám. Thay bàn chải mỗi 3 – 4 tháng/lần hoặc khi nó đã quá mòn.

Hãy đảm bảo rằng mỗi lần chải răng thật sự hiệu quả. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp chải răng khác nhau, miễn sao nó phù hợp với mình. Nếu việc chải răng gặp khó khăn, bạn có thể sử dụng bàn chải điện kết hợp với sóng siêu âm cũng làm gia tăng việc loại bỏ mảng bám.

Nên nhớ, khi chải răng phải sử dụng kết hợp với các kem đánh răng có chứa fluor giúp ngăn ngừa sâu răng và sự hình thành mảng bám.

2. Làm sạch vùng kẽ răng

Bề mặt răng phía ngoài và trong không phải là vùng duy nhất có mảng bám. Mảng bám cũng có thể tích tụ ở vùng tiếp xúc giữa các răng với nhau. Do đó, dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ là cách giúp loại bỏ mảng bám.

Việc chải răng chỉ loại bỏ được các mảng bám phía ngoài và trong. Lông bàn chải không thể len hết vào vùng kẽ. Việc kết hợp chải răng cùng các dụng cụ làm sạch vùng kẽ khác là vô cùng cần thiết.

Bạn nên làm sạch vùng kẽ ít nhất 1 lần mỗi ngày. Nếu việc sử dụng chỉ nha khoa của bạn không khéo, bạn có thể dùng các dụng cụ khác như:

  • Cây giữ chỉ nha khoa.
  • Tăm nước.
  • Bàn chải kẽ.
  • Tăm nha khoa.
Dùng các dụng cụ thích hợp để vệ sinh răng miệng
Dùng các dụng cụ thích hợp để vệ sinh răng miệng

Việc làm sạch vùng kẽ có thể thực hiện bất cứ lúc nào, trước hoặc sau chải răng. Miễn rằng bạn phải đảm bảo thực hiện nó mỗi ngày.

3. Sử dụng nước súc miệng

Với nhiều người, sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn là lựa chọn để ngăn ngừa mảng bám. Nước súc miệng giúp mảng bám mềm và dễ loại bỏ hơn. Tuy nhiên, không phải loại nước súc miệng nào cũng thích hợp với mọi người. Tùy nhu cầu sử dụng, bạn nên lựa chọn các loại nước súc miệng thích hợp. Nếu muốn ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu hay khô miệng, nước súc miệng là cách giúp bạn khắc phục những vấn đề này.

Đối với những người khô miệng, nên tránh sử dụng các nước súc miệng chứa cồn. Loại nước súc miệng này không giúp ngăn ngừa mảng bám. Nước bọt chính là cách giúp bạn làm sạch được bề mặt răng. Khi khô miệng, một loại mảng bám có độ dính cao sẽ được hình thành. Chúng bám chắc vào bề mặt răng và rất khó để loại bỏ.

Do vậy, tốt nhất là bạn nên tham khảo nha sĩ loại nước súc miệng nào phù hợp với tình trạng của mình.

4. Hạn chế việc sử dụng đường và tinh bột

Sau khi ăn, vi khuẩn sẽ sử dụng đường còn sót trong miệng để lên men. Lượng đường bạn ăn càng nhiều thì vi khuẩn sẽ càng nhiều. Do vậy, các loại thức ăn chứa đường và axit sẽ góp phần gây sâu răng. Hạn chế việc sử dụng thực phẩm chứa đường, bạn sẽ tránh được nhiều vấn đề.

Các loại thực phẩm nên tránh:

  • Thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên, bánh mì.
  • Kẹo dẻo, tính dính cao.
  • Nước ngọt có ga.
  • Rượu, thức uống chứa cồn.
Cố gắng hạn chế thực phẩm có tính dính
Cố gắng hạn chế thực phẩm có tính dính

5. Thăm khám nha sĩ thường xuyên 6 tháng/lần

Việc phòng ngừa mảng bám phải được thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên bạn vẫn nên đi kiểm tra ở nha sĩ mỗi 6 tháng/lần. Nha sĩ sẽ giúp bạn phát hiện những vùng còn sót khi chải răng để bạn có thể cải thiện. Đồng thời, đối với mảng bám tích tụ lâu thành vôi răng, bạn không thể tự loại bỏ được. Nha sĩ sẽ thực hiện việc lấy vôi răng để làm sạch giúp bạn.

Việc thăm khám nha sĩ cũng giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý để có phương thức điều trị kịp thời.

Mảng bám và vôi răng là những yếu tố gây ra nhiều bệnh lý nướu và răng. Do đó, bạn cần ngăn ngừa sự hình thành của chúng. Cách tốt nhất là phải có chế độ chăm sóc răng miệng hằng ngày đúng cách. Hãy chải răng thường xuyên 2 lần/ngày kết hợp cùng việc kiểm soát mảng bám vùng kẽ và sử dụng nước súc miệng. Việc thăm khám nha sĩ thường xuyên sẽ giúp bạn đánh giá được tình trạng và cách kiểm soát mảng bám của mình. Hãy dành thời gian chăm sóc răng miệng nhiều hơn để có thể phòng ngừa được các bệnh lý răng miệng nhé! 

Từ khóa » Cách Tránh Bị Vôi Răng