Làng Nghề Truyền Thống Với Phát Triển Du Lịch: Nhìn Từ Làng Cổ Bát ...

Trước đây mươi năm, mấy ai nghĩ tới việc khai thác tiềm năng du lịch làng gốm cổ Bát Tràng. Đó hẳn là một khiếm khuyết lớn, không chỉ của ngành du lịch. Theo tôi mọi du khách tới Bát Tràng phải được thỏa mãn việc tìm hiểu về lịch sử làng gốm, có ấn tượng về qui trình sản xuất đồ gốm, hiểu được những nét đẹp, độc đáo và những điều hay của gốm Bát Tràng cả xưa và nay.

Đi tham quan quanh làng với cỗ xe trâu đặc biệt (nguồn ảnh Internet).

Hãy thỏa sức sáng tạo với đất sét để tạo ra sản phẩm gốm (nguồn ảnh Internet).

Chợ gốm Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).

Đến thăm quan làng gốm cổ Bát Tràng, du khách phải được thăm quan góc làng cổ còn bảo lưu gần như nguyên vẹn ở thế kỷ 19 gần đình làng Bát Tràng với lối đi chật hẹp giữa những ngôi nhà gạch san sát...Đây là một đặc trưng rất riêng của làng nghề..Thăm quan các di tích lịch sử văn hóa của làng như Đình, Văn chỉ, Chùa, Đền…du khách sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh của con người làng gốm cổ Bát Tràng.

Di tích Văn Chỉ tại Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).

Khách du lịch có thể trải nghiệm công đoạn tạo hình sản phẩm gốm để có kỷ niệm về chuyến thăm làng gốm. Khách du lịch được tham quan các chủng loại sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ cao cấp đặc sắc do các nghệ nhân thể hiện, các loại đồ gốm trang trí nội thất, các chủng loại đồ gốm gia dụng (đồ dùng ăn uống), đồ sứ công nghiệp do các lò tư nhân sản xuất với chất lượng ngày càng cao.

Du khách nhí nước ngoài thích thú trải nghiệm làm gốm (nguồn ảnh Internet).

Khách du lịch có nhu cầu mua sắm sản phẩm gốm Bát Tràng cần phải được phục vụ theo tinh thần văn hóa mới, đảm bảo chữ tín để mọi khách hàng hài lòng về chất lượng sản phẩm, về gía thành sản phẩm. Khách du lịch còn có nhu cầu thưởng ngoạn ẩm thực độc đáo như một bữa ăn bình dân, một món canh măng mực nấu theo cách riêng của người làng Bát Tràng. Uống trà nụ theo phong tục cổ truyền, phổ biến trong các gia đình ở Bát Tràng. Nhưng để làm được những điều mong muốn trên đây ai sẽ là người tổ chức và thực hiện. Đặc biệt là xây dựng một bảo tàng làng nghề gốm. Cho đến nay, việc xây dựng bảo tàng làng nghề ở Việt Nam đúng là còn lắm gian nan và lận đận. (Phạm Quốc Quân,2011, tr 446). Mấy năm trước đây tôi có nghe nói về dự án: Hành trình về làng nghề truyền thống nhưng hiệu quả chưa thấy rõ, chắc còn vướng mắc nhiều nguyên nhân. Vào đầu năm 2000 tại làng Bát Tràng xuất hiện một phòng trưng bày giới thiệu một số sưu tập gốm Bát Tràng, thế kỷ 18-20, nhưng chưa thật điển hình và hấp dẫn.Tôi đã có dịp thăm quan phòng trưng bày này và cảm thấy còn thiếu rất nhiều các loại hình hiện vật, đặc biệt là những dụng cụ làm gốm của các đời đã được dùng trước đây. Thực hiện theo tinh thần Luật Di sản văn hóa, gần đây Bảo tàng Hồn gốm Việt của Nghệ nhân Vũ Thắng đã được cấp phép hoạt động tại Bát Tràng nhưng tới nay vẫn còn ở giai đoạn chuẩn bị. Nhưng theo tôi, Bảo tàng làng gốm cổ Bát Tràng, tương xứng với tầm vóc lịch sử của làng, dù sớm muộn gì cũng cần phải có và đó phài là một điểm quan trọng trong Tour du lịch đến thăm quan làng nghề gốm Bát Tràng.

Nghệ nhân sản vẽ hoa văn trên gốm (nguồn ảnh Internet).

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống còn thể hiện ở sự bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống. Tôi đã có dịp tới thăm quan Cảnh Đức Trấn, một làng nghề làm gốm nổi tiếng , có thương hiệu cả nghìn năm ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Điều ấn tượng nhất là giữa một đô thị hiện đại với những tòa cao ốc chọc trời, ánh đèn màu đủ sắc, tôi vẫn nhận ra biểu tượng của Cảnh Đức với tượng đài là ngọn lửa rực cháy và những hàng cột điện được bao bọc bằng các ống sứ sản xuất của Cảnh Đức Trấn suốt hai bên đường vào thành phố. Bảo tàng Cảnh Đức Trấn, vốn là những khu lò gốm của làng nghề xưa được bảo tồn, một bên trưng bày đồ gốm sứ các thời Tống- Nguyên, còn bên kia là những lò gốm cổ đã được bảo tàng hóa với một số nghệ nhân đang chuốt gốm và bán sản phẩm. Khu vực lò cổ rộng chừng hàng chục héc-ta, nay không còn sản xuất nằm giữa một đại ngàn cây lá, khiến cho mọi du khách đắm chìm trong không khí tĩnh lặng và mát mẻ, để hồi tưởng về những lò gốm đang tỏa khói hơn nghìn năm trước. Khách du lịch đến thăm quan và mua sản phẩm rất đông, theo nhu cầu thị hiếu. Nhưng các loại sản phẩm ấy dường như được cung cấp từ một nơi khác mà khi hỏi ra tôi được biết , đó là Tân Cảnh Đức, nằm ở ngoại ô để tránh ô nhiễm cho đô thị hiện nay. Làng gốm cổ Bát Tràng có thể tham khảo hướng tôn tạo này nhưng phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng thực tế của mình.

Sản phẩm gốm tiêu biểu của Bát Tràng (nguồn ảnh Internet).

Để phát triển du lịch làng gốm cổ Bát Tràng, thực sự có hiệu quả, tôi cho rằng cần thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cần nắm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch làng nghề. Giá trị truyền thống của làng nghề gốm Bát Tràng còn vô cùng nhiều, ẩn chứa ở di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần nhận diện những giá trị, cần đổi mới ,cách tân cho phù hợp với xu thế mở cửa hội nhập. Cộng đồng làng nghề cần nhìn nhận vấn đề này chủ động hơn, nhằm phát huy thương hiệu của làng nghề thủ công, để những sản phẩm của mình ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế đất nước.

Để làng gốm cổ Bát Tràng giữ vững thương hiệu, việc tăng cường sức cạnh tranh là bài toán khó.Việc đào tạo nâng cao đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi sẽ giúp cho sản phẩm ngày một đa dạng, kiểu dáng màu men phong phú, chất lượng mỹ thuật, sức hấp dẫn cao hơn. Có người đã so sánh hiệu quả sản xuất giữa lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) với lò gốm Bát tràng qua thí dụ sau: Để có một sản phẩm mới, người Bát Tràng phải thuê họa sỹ vẽ mẫu. Cách làm này không duy trì được tính truyền thống, khó tạo ra được sản phẩm đặc trưng và chi phí sản xuất cũng cao hơn. Một đôi lọ lục bình cao 2,2m chi phí sản xuất tại Giang Tây khoảng 1 triệu VND, trong khi đó nếu Bát Tràng sản xuất thì riêng tiền thuê họa sỹ đã là 1 triệu VND.

Để thu hút khách du lịch, làng cổ Bát Tràng còn phải giải quyết thật tốt vấn đề môi trường sinh thái, tạo cảnh quan trong lành, tránh ô nhiễm không khí độc hại. Đồng thời tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách và mọi người lao động. Tổ chức, sắp xếp các hoạt động dịch vụ có quy củ và thực hành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị mọi lúc,mọi nơi.

Các Hiệp hội làng nghề, Câu lạc bộ làng nghề, Tổ chức bảo tồn di sản làng gốm cổ truyền cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, trao đổi nâng cao nhận thức, hiểu biết về lịch sử làng nghề của mình, tự hào và tự giác , chủ động góp phần vào phát triển các giá trị vật thể và phi vật thể. Mỗi người thợ gốm, mỗi gia đình làm gốm phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, không ngừng ham mê sáng tạo, noi gương những điển hình nghệ nhân thợ giỏi, để ngày càng có nhiều sản phẩm mới mang đặc trưng truyền thống gốm Bát Tràng. Mỗi người làm dịch vụ, mỗi cửa hàng phải giữ vững chữ tín trong kinh doanh, để giữ mãi uy tín sản phẩm gốm Bát tràng, để khách du lịch hôm nay đến lại mong ngày trở lại./.

TS. Nguyễn Đình Chiến

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Làng Nghề Truyền Thống Bát Tràng