Lăng-nghiêm Kinh – Wikipedia Tiếng Việt

Đừng nhầm lẫn với Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh.

Đại Phật đỉnh thủ-lăng-nghiêm kinh (sa. Śūraṃgama-samādhi-sūtra; zh. 大佛頂首楞嚴經 Đại Phật đỉnh thủ-lăng-nghiêm kinh), hoặc Lăng-nghiêm kinh (楞嚴經), hay còn được gọi là Trung Ấn Độ Na-lan-đà Đại Đạo tràng Kinh[1] (中印度那爛陀大道場經), đã được tất cả các trường phái Phật giáo Trung Hoa tụng niệm và nghiên cứu từ đời nhà Đường và thường được luận giải ở các thế kỷ tiếp theo sau. Kinh Lăng Nghiêm rất được những người "hợp nhất tam giáo" (三教一源 Tam Giáo Nhất Nguyên) đời nhà Tống và đời nhà Minh ưa chuộng.

Kinh Lăng Nghiêm dần dần được các tổ Thiền Tông đặc biệt quan tâm, trong đó có các ngài Trường Thủy Tử Duệ (長水子鋭 - đời Tống), Hám Sơn Đức Thanh (憨山德清 - đời Minh) và Tuyên Hoá (宣化; 1918-1995) đã góp nhiều công sức phổ biến và giảng giải.

Thường hay có sự nhầm lẫn giữa kinh này với một bộ kinh khác, gồm 2 quyển, là Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh. Thủ Lăng Nghiêm Kinh triển khai giáo lý về bản Tâm và các cảnh giới tu chứng trong Thiền định cùng với phần tuyên thuyết Bạch Tản Cái Đà La Ni. Trong khi đó Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội kinh nói về nền tảng giáo lý cơ bản của Đại Thừa, với sức Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Đại định kiên cố) mà Bồ Tát trong Đại định ấy có thể thị hiện đi khắp nơi giáo hóa hàng phục Ma Vương một cách tự tại, tuy thị hiện nhập Niết Bàn ở nơi này nhưng lại bày thân đi giáo hóa chúng sinh ở cảnh giới khác.

Tên đầy đủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên trọn vẹn của kinh là Đại Phật đỉnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ Tát vạn hạnh thủ-lăng-nghiêm kinh (大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經), tạm dịch:

"Kinh của đỉnh Đại Phật, chứng ngộ trọn vẹn do tu hành nguyên nhân bí mật của các Như Lai, nền móng của vạn hạnh của tất cả các Bồ Tát"

Bộ Kinh gồm 10 quyển. (Taisho Tripitaka Nº 945)

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo truyền thống, Kinh Lăng Nghiêm được sư người Ấn Độ tên Bát Lạt Mật Đế (般羅蜜帝) và 2 vị phụ tá dịch năm 705 tại chùa Chế Chỉ (制止寺) ở Quảng Đông, dưới sự bảo trợ của Phòng Dung (房融), một quan gián đại phu của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên vừa bị giáng chức xuống hàng quan địa phương tại quê mình. Có người cho là kinh do Phòng Dung viết lại với một lối hành văn cổ điển lưu loát khác hẳn các bản dịch khác. Phẩm chất văn chương, sự thiếu nổi danh của những người dịch, những bình luận về các bực thầy giả hiệu, và sự ưa chuộng trong những người "hợp nhất tam giáo" là nguyên nhân của nhiều sự cáo buộc kinh là ngụy tác.

Vì lý do này, kinh suýt bị thiêu hủy ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và luôn luôn được giữ như của riêng tư ở Nhật. Mặc dầu thế, cộng đồng Phật giáo Trung Hoa và nhiều chuyên gia thời hiện đại như Ron Epsein của Đại học San Francisco và La Hương Lâm (羅香林) của Đại học Hồng Kông, xem Kinh Lăng Nghiêm là một bản dịch tốt đẹp từ tài liệu tiếng Phạn và không phải là một sáng tác của Trung Hoa.

Truyền thuyết

[sửa | sửa mã nguồn]

Truyền thuyết cho là Kinh Lăng Nghiêm do ngài Long Thọ tìm được, từ đó được các vua chúa Ấn Độ xem như quốc bảo, và việc đem kinh này ra khỏi Ấn Độ là phạm pháp.

Từ triều đại nhà Tùy, vị sáng lập Thiên Thai tông, Trí Nghĩ (智顗), đã có nghe đến Kinh Lăng Nghiêm và mỗi ngày quay về hướng Tây tụng niệm cầu cho Kinh đến được Trung Hoa.

Sau một lần thử đem ra khỏi Ấn Độ không kết quả, Bát Lạt Mật Đế quyết định giấu Kinh trong cánh tay của mình, Kinh được bao bọc trong lụa và sáp. Khi đến Quảng Đông, ngài lấy Kinh ra từ chỗ giấu, do đó Kinh còn có biệt danh là Kinh Tẩm Máu, (血漬經 Huyết Tí Kinh).

Sau khi hướng dẫn dịch xong, Bát Lạt Mật Đế trở về xứ nhận trách nhiệm tội lén đem Kinh ra ngoài và giải tội cho người canh phòng biên giới bị bắt giữ vì trách nhiệm lây.

Khi được Phòng Dung dâng lên Võ Tắc Thiên, Kinh không được phổ biến ngay vì mới đó có một vụ tai tiếng về giả mạo kinh.

Thiền sư Thần Tú (神秀) tìm thấy Kinh khi cư ngụ trong hoàng cung.

Truyền thống Phật giáo Trung Hoa theo "thiên niên" cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là kinh cuối cùng được tìm ra và sẽ bị phá hủy trước tiên khi gần đến thời kỳ Phật pháp bị hủy diệt.

Chú Lăng Nghiêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú Lăng Nghiêm là Chú quan trọng nhất, hơn hết thảy trong các Chú, bao gồm hết thảy thể chất và diệu dụng của Phật pháp. Chú này chia làm 5 bộ: Kim Cang bộ, Bảo Sinh bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ, và Nghiệp bộ. Năm bộ kinh này thuộc về 5 phương:

1. Kim Cang bộ: thuộc về phương Đông, Đức Phật A Súc là chủ

2. Bảo Sinh bộ: thuộc về phương Nam, Phật Bảo Sinh là chủ

3. Phật bộ: thuộc về chính giữa, Phật Thích Ca Mâu Ni là chủ

4. Liên Hoa bộ: thuộc về phương Tây, Phật A Di Đà là chủ

5. Nghiệp bộ: thuộc về phương bắc, Phật Thành Tựu là chủ (có vô số Phật nhưng ở chính giữa Phật Thích Ca đại diện trong thời gian này, ban đầu là Phật Tỳ Lô)

Nếu trên thế gian này không còn người nào tụng Chú Lăng Nghiêm, thì Ma Vương sẽ xuất hiện, chúng ma chưa thể dụng phép thần thông phá hoại nhân gian một cách tự do được chính là vì điều này. Nếu còn một người trì tụng, thì thiên ma Ba Tuần không dám xuất hiện. Vì chúng sợ nhất là Chú Lăng Nghiêm. Chúng muốn tiêu diệt nhất là Chú Lăng Nghiêm. Khi Phật pháp bắt đầu hoại diệt, thì Chú Lăng Nghiêm sẽ mất trước nhất, kể cả kinh Lăng Nghiêm. Lúc đó thiên ma Ba Tuần sẽ có thể xuất hiện hoành hành đầy rẫy khắp nơi như trong kinh đã nói. Lúc ấy sẽ không còn trời đất, không có Phật, chúng tuyệt đối chẳng sợ gì. Mỗi người Phật tử, (tại gia, và xuất gia) học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm và trì tụng mỗi ngày, mở nhạc tụng, hoặc in ấn tống lưu hành rộng lớn để không bị thất truyền, đây chính là hộ pháp, và khiến cho Phật pháp tồn tại lâu dài, đừng xem thường không có ý nghĩa và quan hệ gì. Hiện tại ở đây chỉ có mấy chục người nghe giảng Chú Lăng Nghiêm, nhưng chính mấy chục người này đã giữ chân bọn thiên ma, khiến chúng hoảng sợ khi đề cập đến Chú này.

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Ron Epstein, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Mật tông và Du-già hành tông (瑜伽行宗), một tên khác của Duy thức tông (唯識宗), trong Kinh Lăng Nghiêm. Một trong những chủ đề được khai triển là tính vô hiệu của Pháp (sự giảng dạy) riêng lẻ mà không có "định tam muội" đạt được nhờ thiền định. Sự quan trọng của việc giữ giới cũng được nhấn mạnh không kém. Hai chủ đề nầy được đề cập trong đoạn mở đầu qua các điều không may của A-nan-đà.

A-nan-đà đã biết nằm lòng giáo lý của đức Phật nhưng không hành thiền. Là nạn nhân của một nghiệp xấu dẫn đưa A-nan-đà gặp một kỹ nữ, A-nan-đà được cứu thoát nhờ một thần chú do đức Phật đọc.

Kinh cũng khai triển sự phân biệt giữa ý thức phân biệt và chân tâm phổ cập (chứng ngộ trọn vẹn như trong tựa) hiện diện không phân biệt trong tất cả các pháp.

Kinh có những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến thiền định, miêu tả 57 giai đoạn đến cảnh giới Bồ Tát, giải thích rõ ràng về nghiệp và tái sinh, cũng như sự trình bày 50 "tâm giới" ma quỷ mà người tu tập có thể gặp phải trên con đường tâm linh.

Theo Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh (triều đại nhà Minh), Kinh Lăng Nghiêm chỉ có thể được thông hiểu gián tiếp qua tri giác trung thực nhờ tu tập "Du già hiện sự", bằng cách loại trừ mọi dấu vết của sự phân biệt có ý thức.

Ở Trung Hoa, Kinh Lăng Nghiêm có một vị trí cũng quan trọng như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Người ta sẵn lòng nhấn mạnh đến sự tương ứng của nội dung Kinh với nhiều văn bản khác trong Kinh tạng. Trên một bình diện thiết thực, đoạn cuối của Kinh mô tả 50 (10 cho mỗi uẩn) "tâm giới" ma quỷ cản trở tiến bộ tâm linh. Đoạn này cũng như những chú giải liên quan đến Chú Lăng Nghiêm rất được nhiều người ưa đọc.

Thiền sư Tuyên Hoá (1918-1995), một trong những vị đại sư đề xướng Kinh Lăng Nghiêm, cũng nêu ra trước giá trị của Kinh giúp báo động về các vị thầy không chân chính.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra sūtra)

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ https://thuvienhoasen.org/a27903/bien-pha-lang-nghiem-bach-nguy-cua-phap-su-thich-man-sanh

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bài tạm dịch của Ban Việt Dịch Vạn Phật Thánh Thành dịch từ Wikipedia tiếng Pháp: Sūtra Shurangama
  • Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
  • Một số bài viết bằng Anh ngữ và Hoa ngữ về Kinh Lăng Nghiêm Lưu trữ 2010-10-09 tại Wayback Machine
  • Khai Thị Về Kinh và Chú Lăng Nghiêm
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán

Từ khóa » Chú Lăng Nghiêm Chú Hán