Lăng Ông Bà Chiểu: Chốn Tâm Linh - PLO
Có thể bạn quan tâm
Lăng Ông, tức khu lăng mộ thờ đức Tả quân - Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt (1764-1832), rộng 18.500 m2, tọa lạc giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Khu lăng mộ được xây dựng năm 1948. Hình ảnh cổng tam quan lăng Ông in trên các tấm thiệp bưu chính (card postale) trước năm 1975 được coi như biểu tượng của vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.
Bà Chiểu - một tên gọi gây nhiều hiểu lầm
Khu vực chợ Bà Chiểu hiện nay ngày xưa là một cái ao tự nhiên trong một vùng đất cao, um tùm cây cao bóng cả. Dân cư bấy giờ còn thưa thớt. Họ tin nơi này rất linh thiêng nên đã dựng lên một cái miếu thờ Bà (theo tín ngưỡng dân gian) bên cạnh ao nước. Vì vậy từ “chiểu” không phải là tên bà nào cả, mà nghĩa chữ Hán là “cái ao” nên dân gian gọi nơi này là Bà Chiểu. Theo nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam, Bà Chiểu nghĩa là “Nữ thần thờ nơi ao nước”. Bà Chiểu trở thành tên vùng đất, giống như địa danh Linh Chiểu ở Thủ Đức vậy. Lại càng không phải “bà Chiểu” là một trong năm bà vợ của ông Lãnh binh Thăng, mỗi người cai quản một ngôi chợ gồm: bà Chiểu, bà Hạt, bà Điểm, bà Quẹo và bà Hom như một bài viết đăng trên một trang báo mạng gần đây. Cả các địa danh Bà Hom, Bà Quẹo cũng chẳng phải là tên người mà là do đọc chệch các địa danh Bàu Hom (tức là cái bàu ngâm hom tre), Bàu Quẹo (cái bàu nơi khúc quẹo một cung đường) - như địa danh Bàu Cát gần đó, một cái bàu nhiều cát đã bị lấp, nay là một khu dân cư sầm uất, hiện đại.
Cũng theo nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam thì địa danh Bà Chiểu mới có từ thời Tự Đức. Còn chợ Bà Chiểu mãi đến năm 1942 mới chính thức được xây dựng. Năm 1987, chợ Bà Chiểu được trùng tu, nâng cấp với gần 800 gian hàng, nổi tiếng là chợ bán lẻ trong khu vực với hơn 40 ngành hàng. Chợ Bà Chiểu hiện nay có khu vực trước chợ và một khoảng độ vài trăm mét là đường Hồng Bàng, cùng khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa bên hông chợ khi đêm xuống trở thành khu chợ đêm buôn bán rất náo nhiệt. Mặt hàng chính của chợ đêm Bà Chiểu là quần áo, giày dép, giá cả rất mềm. Nhân đây cũng xin nhắc tới chuyện đặt tên đường cực kỳ bất hợp lý ở khu vực quanh chợ Bà Chiểu. Đó là chỉ một dãy phố dài mấy chục mét nằm một bên đường gần chợ Bà Chiểu lại mang tên đường Hồng Bàng (phía nửa bên kia là đường Phan Đăng Lưu). Không chỉ bất hợp lý mà còn xúc phạm tới tổ tiên họ Hồng Bàng của dân tộc Việt!
Khu vực Bà Chiểu không có tên trên bản đồ hành chính nhưng từ lâu đời đã nằm trong tâm thức bà con cư dân ở đây. Vùng Bà Chiểu được mặc định khoanh vùng từ đầu đường Nơ Trang Long chạy tới ngã năm Bình Hòa, xuống đường Chu Văn An, qua đường Đinh Bộ Lĩnh tới Điện Biên Phủ, chạy tới cầu Điện Biên Phủ quẹo bờ kè đường Trường Sa, bọc qua khu Miếu Nổi tới cầu Hoàng Hoa Thám, rồi qua đường Vạn Kiếp trở về tới BV Nhân dân Gia Định đầu đường Nơ Trang Long…
Đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt.
Lăng Ông - lịch sử và sự kính ngưỡng
Sau khi Lê Văn Duyệt mất năm 1932, vua Minh Mạng cho đổi trấn Gia Định thành tỉnh Phiên An và cử Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chánh. Cả hai theo mật lệnh của vua Minh Mạng vào truy tội Lê Văn Duyệt và hạch tội con nuôi của ông là Lê Văn Khôi. Họ bắt giam nhiều người thân cận với vị tổng trấn quá cố, trong đó có Lê Văn Khôi. Nên nhớ Minh Mạng rất thù Lê Văn Duyệt, người đã từng dám chặt đầu cha vợ của vua là Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý vì tội tham ô, bởi Lê Văn Duyệt có thượng phương bảo kiếm do vua Gia Long trao cho, có quyền tiền trảm hậu tấu. Lê Văn Duyệt cũng đã đuổi Bạch Xuân Nguyên, một thân tín của Minh Mạng, về kinh. Lê Văn Khôi bị bắt giam vào ngục nhưng ông đã móc nối được các quan quản cơ và binh lính nội ứng, phá ngục, giết cả Tổng đốc Nguyễn Văn Quế và Bố chánh Bạch Xuân Nguyên, chiếm giữ thành Gia Định trong gần ba năm trong sự bất lực của quân triều đình đã nhiều lần vào đánh tái chiếm. Trận chiến đẫm máu giữa quân triều đình và quân nổi dậy kéo dài mấy năm trời. Khi Lê Văn Khôi chết vì bệnh năm 1835, quân nổi dậy của ông do phó tướng, cũng là em kết nghĩa, là Tần La Hiệp thay ông chỉ huy bị quân triều đình dẹp tan. Vua Minh Mạng kết tội Lê Văn Duyệt gián tiếp gây ra biến loạn, đã ra chỉ dụ san bằng mộ, đánh 100 trượng lên mộ và xích một sợi dây xích sắt vào cột đá dựng trên mộ có khắc tám chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội), theo Đại Nam thực lục chính biên. Sau khi chiếm lại thành, năm 1836 vua Minh Mạng cho đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi cho dẹp bỏ trụ đá hài tội và đắp lại mộ Ông. Bảy năm sau, vua Tự Đức lên ngôi lại phục hồi quan tước cho Lê Văn Duyệt và con cháu nhưng vì ông không có con cháu ruột, chỉ có người cháu họ là cháu nội của người em Lê Văn Phong, tên Lê Văn Thi, từ lâu nay trốn tránh vì sợ tội liên lụy, đã được phép đến chăm sóc hương khói lăng Ông. Hiện nay ở trong lăng có thờ ông Thi làm tiền hiền.
Lăng Ông là khu đền và ngôi mộ đôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Lê Văn Duyệt vốn là người không có khả năng làm chồng nhưng vì muốn chứng tỏ mình là đàn ông nên ngoài người vợ là Đỗ Thị Phận, vốn là một cung nhân do vua Gia Long gả cho, ông còn cưới thêm hai cô hầu nữa. Tương truyền, khi Tả quân - Tổng trấn mất, dân Gia Định đi theo quan tài rồng rắn hàng mấy dặm. Tiễn biệt ông, ngoài người Việt, đông đảo người Hoa còn có giới Phật giáo, tín đồ Thiên Chúa giáo và cả các nhà truyền giáo Việt và Tây dương cũng đưa tiễn ông. Lúc đầu ngôi mộ được xây bằng đá ong. Cạnh cây đa lớn trong khuôn viên, người dân dựng lên một ngôi miếu có tên là “Thượng Công linh miếu”, không ngày nào là không có người đến dâng hoa trái, đốt hương cầu nguyện. Năm 1914, đốc phủ Gia Định Đỗ Hữu Vị đã thành lập Hội Thượng Công quý tế, tổ chức việc cúng tế và lo việc trùng tu lăng miếu. Giỗ ông hằng năm được tổ chức vào các ngày 29 hoặc 30-7 và mùng 1, mùng 2 tháng 8 âm lịch. Dân gian từ xưa nay coi ông như thần và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần, tế thần. Ngoài người địa phương còn có khách các tỉnh xa. Đặc biệt người Hoa chiếm một nửa đi tế lễ ông, họ coi ông như Phúc thần vì lúc sinh tiền, Tổng trấn Gia Định thành đã có những chính sách, chủ trương nâng đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa làm ăn, an cư lạc nghiệp.
Sau khi Lê Văn Duyệt chết, bà Phận đi tu tại một ngôi chùa ở gần chợ Rẫy - khu BV Chợ Rẫy hiện nay. Khi bà chết được chôn cạnh ông. Trước sân lăng là ngôi mộ song đôi của ông bà. Còn mộ hai cô hầu nằm cách xa bên tả trong một khuôn viên ở góc đường Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Trong lăng, nơi chính điện hiện có bức tượng đức Tả quân bằng đồng nguyên chất, cao 2,7 m, nặng ba tấn do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện nằm trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” do tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức quyên góp. Tôi nhớ đến cuộc tọa đàm do tạp chí Xưa và Nay tổ chức năm 2000 nhằm trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt, người có hơn 20 năm, hai lần làm tổng trấn Gia Định thành. Đặc biệt, cuộc tọa đàm có sự tham dự của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bấy giờ là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Ông đã có bài phát biểu rất tâm huyết: “… Qua những gì được nghe hôm nay kết hợp với những gì được đọc trước đây, tôi thấy tư duy và ứng xử của Lê Văn Duyệt có nhiều điều ở tầm quốc sách và có những mặt khá gần với một số chủ trương của chúng ta trong thời kỳ đổi mới…” (Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ - NXB Văn hóa Sài Gòn). |
Từ khóa » Cảm Nhận Về Lăng ông Bà Chiểu
-
Lăng Ông Bà Chiểu - Khám Phá Ngôi đền CỔ NHẤT Sài Thành
-
Lăng Ông Bà Chiểu - Cảm Nhận Việt Nam
-
THUYẾT MINH VỀ LĂNG ÔNG (BÀ CHIỂU) | BLOG CHUYÊN VĂN
-
Hướng Dẫn Tham Quan Lăng Ông Bà Chiểu, Sài Gòn
-
Lăng Lê Văn Duyệt | Lăng Ông Bà Chiểu - Nhiều Thứ Hay Ho Cho Bạn ...
-
Lăng Ông Bà Chiểu: Một Biểu Tượng Văn Hóa đất Sài Gòn - Gia Định ...
-
Lăng Ông Bà Chiểu - Lăng Miếu Thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt
-
Lăng Ông Bà Chiểu: Giá Trị Tâm Linh độc đáo Của Người Sài Gòn
-
Lăng Ông Bà Chiểu: Ngôi đền Cổ Xưa Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Lăng Ông Bà Chiểu - Ngôi đền Cổ Xưa Tại Sài Gòn
-
Lăng Ông Bà Chiểu – Tìm Về Chốn Cung đình Thời Nhà Nguyễn
-
Ngắm Lăng Ông Bà Chiểu để Vơi Nỗi Nhớ Sài Gòn Ngày Giãn Cách
-
Bên Lăng Ông Bà Chiểu - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Lăng Ông (Bà Chiểu) – Wikipedia Tiếng Việt