Lão Mai - PLO

“Hồi đó tuy cực nhưng mà sướng…” - ông Năm buông lửng câu nói kèm theo tiếng thở dài. Và rồi thế nào ông cũng nhắc tới gốc mai trăm tuổi của ông bằng giọng trịnh trọng: “Đó là lão mai già độc nhứt vô nhị trên thế gian”. Ông kết thúc câu chuyện khiến tôi không khỏi tò mò háo hức. Thế nên không cần suy nghĩ, chỉ vài giây tôi đã đồng ý cùng ông về quê để mục sở thị cụ mai hàng trăm tuổi.

Lão Mai ảnh 1

Tác giả Nguyễn Toàn

- Tốt nghiệp K7 - Trường Viết văn Nguyễn Du, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kontum.

- Sách đã xuất bản: Gieo hạt (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2002); Mưa trên Ngọc Linh sơn (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn 2010).

Tôi biết Minh từ chục năm trước nhưng chưa bao giờ thấy Minh kể về quê và cha mình. Bởi vậy tôi không có dấu ấn gì một làng quê như ông Năm kể, cũng không hề biết cha Minh là một người chơi cây nổi tiếng trong làng. Ngày trước, khi tôi làm đại đội phó chính trị thì Minh là lính mới tò te. Minh vẫn hay tâm sự với tôi nhưng chỉ nói về mơ ước làm giàu của mình. Thời ấy, ngoài bản tính nhẫn nhịn chịu khó ra, còn lại ở Minh không có gì đặc biệt. Nên khi nghe Minh kể về khao khát trở thành triệu phú tôi không mấy quan tâm.

Ra quân, chúng tôi mất liên lạc với nhau. Bỗng một ngày Minh mua đất, xây tòa nhà cao tầng sừng sững trước mặt nhà tôi. Công ty TNHH Ánh Minh do Minh làm giám đốc khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Từ ngày xuất ngũ, tôi chuyển sang chơi cây cảnh. Khoảnh sân trước biến thành nơi tập kết đủ loại chậu sanh, đề, mai, tùng. Ngoài yếu tố kinh tế, điều khiến tôi yêu thích bonsai là nghệ thuật thể hiện dấu ấn chủ nhân. Công việc giữa tôi và Minh giờ cũng khác nhau nên dù hai nhà chỉ cách nhau dải phân cách nhưng cũng hiếm khi tụ bạn.

Tình cờ hôm ấy, khi có việc đi bộ ngang qua cổng, ông Năm gọi tôi vào hỏi chuyện mấy cây trong vườn. Lúc này tôi mới hết sức ngỡ ngàng về kiến thức thâm sâu về nghề chơi cây của ông. Cũng từ buổi đó, ông Năm thường qua bên tôi tán gẫu về cây và đủ mọi thứ trên đời. Nhưng tôi chỉ khoái nghe ông kể chuyện quê. Vì khi đó ông vụt biến thành một con người khác, mẫn cảm và khoái hoạt. Từng lời nói, cử chỉ của ông toát lên tình yêu vô bờ với hương lúa ngọt ngào buổi sớm, khói bếp lan tỏa mỗi chiều và thanh âm bầy vịt đạp nước náo động khúc sông trưa. Qua lời ông kể, tất cả hiển hiện trước mắt tôi, tươi tắn, tinh khôi như một giấc mơ đẹp. Giấc mơ của thì quá khứ. Khi con đập thủy điện chưa chắn ngang dưới hạ lưu làm nước ngời lên nhấn chìm mọi thứ.

Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính khiến ông lìa quê. Một lần khác, nơi bàn nhậu, Minh đã bảo tôi: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Làng xóm đã thành hồ mà ông già em vẫn muốn bám quê. Nói hoài không được nên em phải lập mưu. Vừa cậy nhờ ông đi giữ kho vừa rẹt rẹt bán sạch đất đai. Vậy là xong. Muốn về cũng không được”. Giọng Minh trơn trụi như nước làm tôi khó chịu. Thấy tôi im lặng, Minh tiếp: “Thật ra, ban đầu xuống đây em cũng định mua cây về cho ông chăm. Nhưng sau nghĩ mới thấy làm vậy là dại. Không khéo mình làm cho chúng nó xơi. Bởi nghề của em thuộc dạng đầu chày đít thớt, phải chiều lụy đủ các cửa. Đôi lúc kiếm được đồng tiền chua xót lắm. May mà gốc mai của ông già ở xa, không thì…” - Minh bỏ lửng câu nói.

Lão Mai ảnh 2

Tác giả Nguyễn Toàn

Chiếc xe khách vừa chầm chậm tấp vào lề, ông Năm đã xăng xái kéo tay tôi chỉ: “Đó, chú coi. Làng xóm giờ trắng băng vậy đó”. Trước mắt tôi một biển nước mênh mông với tuyến đường quốc lộ băng ngang như một con đập dài. Những nhánh cây khẳng khiu rải rác nhô trên mặt nước như vẫn muốn khẳng định sự tồn tại của ngôi làng cũ. Dòng sông hoàn toàn biến mất và chỉ có thể biết vị trí của nó nhờ vào cây cầu, nơi xe chúng tôi vừa đi qua.

Rẽ xuống con đường đất ven hồ, chúng tôi băng qua khu vườn rợp bóng cây ăn trái. Ông Năm cười hỉ hả: “Về quê phải lội bộ mới đã chú à. Đi xe là mất hứng. Có xe con hay xe của con cũng vậy”. Tôi mỉm cười, thấy vui lây niềm hứng khởi của ông.

Tiếp giáp với vườn cây là rừng cao su bạt ngàn trải rộng đến tận đỉnh đồi, phía dưới chạy dài một thẻo đất hẹp trồng mì nương theo mé nước. Đưa tay chỉ những nếp nhà nhỏ rải rác, ông Năm nói: “Đây là nhà vườn của các hộ dân. Chỗ này nguyên là làng tui trước đây, sau nước lên buộc phải dời đi. May mà nước không ngập tới lão mai nên giờ chú mới được chiêm ngưỡng. Nhưng từ từ, để tui hú ông bạn này đã”. Chụm tay làm loa, ông Năm hướng xuống hồ, nơi người đàn ông đội nón lá đứng cầm sào bên bầy vịt. Người đàn ông quay lại, che mắt nhìn rồi bật lên mừng rỡ: “Năm đó hả?”. Ông Năm quay sang giới thiệu: “Đây là ông Sáu, lão tướng nuôi vịt ở vùng này”. Ông Sáu bắt tay tôi, niềm nở: “Hôm qua nghe ông Năm điện thoại, tôi đã chuẩn bị sẵn đâu vô đó. Vô nhà làm vài chén luôn, tụi tui ở xó núi nên thấy khách là mừng lắm”. Ông Năm khoát tay: “Thôi, tụi này còn ở đến đêm, giờ phải thăm cụ mai cái đã”.

Theo cánh tay ông Năm, từ xa tôi đã nhận ra gốc mai độc chiếc đứng trên một dốc thoải sát mé nước. Càng tới gần tôi thêm ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của gốc mai già với những bạnh rễ kinh khiếp nổi trên mặt đất tạo tác thành bộ đế mang nét đẹp gân guốc dị thường. Trên bệ đỡ ấy thấn cây vặn mình đứng tấn như gồng gánh chống đỡ một sức mạnh siêu nhiên nào đó trong tư thế lẫm liệt, bi tráng. Còn tán cây là một quần thể cành nhánh phân khai gãy gọn tự sắp đặt bố trí những khối hình riêng. Tất cả quyện vào nhau để tạo ra một kiệt tác đẹp mê hồn khiến tôi sững sờ.

Ông Năm mới kể cây mai này do chính ông nội ông mang dưới quê lên trồng, tới nay cụ mai này cũng đã đến ba trăm tuổi. Điều đặc biệt nữa là hình dáng cây hoàn toàn tự nhiên không hề có bàn tay người uốn sửa. Có nghĩa nó đúng là một báu vật vô giá, không dễ có dị bản thứ hai cùng loài.

Về lại nhà ông Sáu, tôi ngạc nhiên thấy thấp thoáng một cô gái xinh đẹp dưới bếp. Chưa kịp hỏi, ông Năm đã lớn tiếng: “Con My về rồi hả bây?”. Sau tiếng dạ khẽ của My, ông Năm thừ người ra thở dài.

Sau vài tua rượu, ông Năm rỉ rả: “Ban nãy thấy ba héc ta cao su của ông mà tôi thèm nhểu nước miếng. Ít năm nữa thành tỉ phú đừng quên thằng này nghe”. “Cho chết. Ai biểu tiền đền bù cứ đưa hết cho thằng Minh. Không ông muốn mấy héc chẳng được”. “Thì trước sau gì nhà của cha mẹ cũng là nhà của con mà”. “Nhưng nhà của con đâu phải nhà của cha mẹ”. Ông Năm gật gù: “Đúng đúng, sinh con ai dễ sinh lòng, không thì mình đã thành sui rồi”. Ông Sáu chép miệng: “Họa phước khó lường, biết đâu là may, là rủi”. My đột ngột xen vào: “Thôi ba, chuyện cũ qua rồi”. Ông Năm ngửa mặt dốc ngược ly rượu rồi quay sang tôi: “Chơi với thằng Minh mấy năm rồi, chú thấy con vợ nó sao?”. Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng. Vụt nhớ một gương mặt đàn bà bèn bẹt với tia nhìn nhọn như kim, giọng nói rin rít như cọ vào cật nứa. Ông Năm cười lạt: “Làm sao mà chú hiểu hết tụi nó”.

Ông Sáu đặt ly xuống mâm: “Ông nói tui mới nhớ, tháng trước thằng Minh về có nói với tôi một chuyện động trời”. Ông Năm khủng khỉnh: “Chuyện nó muốn đào cây mai chứ gì?”. Ông Sáu tròn mắt: “Sao anh biết?”. “Thì lâu nay nó cứ cù cưa với tui chuyện này mà. Nó nói, để cây mai trên này chẳng ích lợi gì, chi bằng đào phứt cho xong”. “Nó muốn bán à?”. “Không. Nó làm quà cung tiến. Nhưng tôi nói thẳng với nó, một khi tôi còn sống trên đời, đừng hòng mong chuyện ấy xảy ra”. Ông Năm nhấn mạnh từng chữ ở câu cuối bằng giọng lạnh băng mà tôi chưa từng nghe.

Từ lúc đó tôi thấy mình rơi vào trạng thái không trọng lực. Có thể vì rượu. Hoặc cũng có thể tôi đã bị mắc chứng rối loạn tiền đình. Tôi thấy cây mai đang ra hoa. Hàng triệu búp kết thành một vương miện dát vàng lộng lẫy. Sắc vàng tinh tươm tỏa lan trong không gian ngập nắng. Từ đỉnh dốc, bỗng xuất hiện những đàn kiến khổng lồ quây tròn lấy gốc cây. Những cánh hoa bắt đầu rụng xuống, mỗi lúc một dày và phút chốc tuôn rơi như mưa tạo thành một thảm vàng dưới đất. Nụ hoa cuối cùng vừa rụng. Vương miện biến mất. Thân cây vặn mình rùng rùng như bị bão.

- “Dậy, dậy đi anh, mơ gì mà kêu la khiếp thế?”. Tôi mở choàng mắt một lúc lâu mới nhận ra mình đang nằm trên giường, bên cạnh là vợ tôi. Ngoài trời vẫn tối đen. Có nghĩa sau buổi tiệc nhà ông Sáu, về đến nhà tôi đã say ngủ một mạch mấy tiếng đồng hồ.

Nhưng đó là tại tôi, yếu mà ra gió. Vì bên kia đường, trong Công ty Ánh Minh điện vẫn rừng rực sáng, tiếng nhạc, tiếng gào rú từ giàn karaoke vẫn dội lên từng chập.

Cuộc vui chưa kết thúc.

Bình luận của nhà văn CHU LAI

Lão Mai ảnh 3

Chuyện thoáng qua tưởng như không có gì: Một cây mai già ba trăm tuổi đang bị đe dọa chặt đi để cung tiến cho quan trên. Thế thôi, bỏ lửng, không kết luận, không lên án nhưng đọc xong vẫn thấy xa xót về tình người, tình làng nghĩa xóm sao hôm nay cứ khuyết mẻ đi thật nhiều.

Hóa ra cây mai mà tác giả âu yếm, thành kính gọi là Lão Mai không hẳn chỉ là cỏ cây vạn vật vô tri mà nó đứng đó giữa mênh mông biển nước của một ngôi làng đã chìm sâu xuống lòng hồ thủy điện như một nhân chứng, một nét chấm phá của hồn quê, của lịch sử và của cả số phận con người. Nó sống động, bền dai, thủy chung đến nỗi nếu mất nó đi thì dường như cái giá trị nhân văn lâu nay của người dân cần lao, tần tảo cũng biến mất theo.

Chuyện không gay cấn, không đối địch, không ồn ào cãi vã mà nó chìm xuống tầng sâu giằng xé. Loại truyện không có cốt, không cần cốt, chỉ lấy mạch ngầm tâm lý làm điểm tựa. Vì thế mà khó, mà đòi hỏi câu chữ, bút pháp phải vạm vỡ, phải dậy mùi.

Tất nhiên, trong khi triển khai, tác giả vẫn còn rơi vào sự sơ sài, sơ sài trong bố cục, trong ý tưởng và cả trong ngữ nghĩa mà chính vì thế mà truyện trở nên nhẹ, hẫng, chưa tung lên hết được những điều muốn nói.

Truyện ngắn của NGUYỄN TOÀN

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cây Bèn Bẹt