Lão Nông Phố Mách Cách Trồng đu đủ Trong Chậu Và Thùng Xốp Sai Quả
Khi trồng cây tại nhà, chủ yếu mọi người thường hay trồng rau, củ trong thùng xốp. Chăm chỉ hơn nữa là trồng một số loại cây ăn quả cỡ nhỏ như dưa lưới, dưa vàng, khế,...
Thế nhưng, bác Bùi Tiến Huynh, sinh năm 1946, lại trồng được cả loại cây ăn quả cỡ trung như đu đủ trong thùng xốp và trong chậu. Trên vườn sân thượng của gia đình ở quận Đống Đa, Hà Nội luôn có vài cây đu đủ phát triển khỏe mạnh và cho quả trĩu trịt.
Năm 2010, bác bắt đầu trồng 2 cây đu đủ vào hộp xốp cỡ trung (49x36x31cm) nhưng lúc này bác chưa có kinh nghiệm nên không lót nilon dày khiến rễ xuyên thủng hộp. Cây phát triển bình thường, đậu nhiều quả nhưng khá tốn nước tưới và phân bón.
Đợt sau, bác trồng hai cây giống ban đầu cao 20 cm, trong đó có một cây trong hộp xốp cỡ đại (59x44x36 cm), ngoài quấn băng dính, trong lót nilon dày. Sau 4,5 tháng, cây trong hộp xốp đậu quả đầu tiên. Cây còn lại trồng trong chậu sứ cỡ trung, sau phải quây thêm để đổ đất, phân bón cho cây đủ dinh dưỡng.
Mới đây, bác Tiến Huynh đã có những chia sẻ khá chi tiết về cách trồng đu đủ mát tay trong thùng xốp của mình. Theo bác, đu đủ là loại cây dễ trồng và được trồng phổ biến ở khắp nước ta, nhưng trồng trong chậu/thùng xốp trên sân thượng nhà thành phố để có thu hoạch thì không hề dễ.
Đặc tính của cây đu đủ
Đu đủ cần nhiều ánh nắng ở nhiệt độ thích hợp từ 20-30oC. Đất trồng ẩm vừa phải do đu đủ cần nước nhưng rất sợ bị đọng nước/úng nước. Rễ đu đủ đâm nhánh ngang nhiều, đâm sâu kém nên gặp gió to sẽ bị long gốc, hút chất dinh dưỡng kém.
Vì vậy tránh đặt chậu ở chỗ có gió to, cần tạo lớp đất mặt tơi xốp, giàu dinh dưỡng dễ thoát nước để giúp rễ phát triển tốt. Lá gặp gió to dễ bị gẫy, rách nát. Số lá thường tỉ lệ thuận với số phát hoa mọc ra ở nách lá, khả năng đậu quả chính là ở đây.
Thời vụ trồng của cây đu đủ
Đu đủ có thể trồng quanh năm nhưng nên tập trung vào các thời điểm: trồng tháng 3-4 để thu hoạch vào dịp tết, trồng tháng 9-10 để thu hoạch vào tháng 7-8 năm sau. Chăm bón tốt, cây có thể cho 3 đợt quả/năm.
Chậu trồng/Thùng xốp
Chậu trồng đu đủ phải có lỗ thoát nước tốt, không được để đọng nước mưa, nước tưới lâu. Nếu không rễ sẽ bị thối hoặc sinh nấm làm cây chết. Bạn có thể kê cao chậu để lùa tay nút lỗ giữ nước khi trời nắng nóng, hanh khô và tháo nước khi trời mưa ngập úng.
Chậu/thùng càng to càng tốt để bộ rễ phát triển thoải mái, cây hút được nhiều chất dinh dưỡng sẽ to khỏe ra nhiều hoa đậu nhiều quả. Nếu muốn trồng, nên chọn thùng xốp cỡ đại, xử lý trong, ngoài thành hộp, nếu trồng chậu phải chọn loại thật to (đường kính trên 60 cm, cao 40-45 cm) để bộ rễ đủ không gian phát triển. Bác Tiến Huynh thường dùng chậu/hộp có dung tích lớn hơn 90 lít, sau đó còn quây thêm để chứa vài chục lít nữa.
Cây giống
Bác Tiến Huynh thường hay mua cây giống bên Đại học Nông Nghiệp hoặc cửa hàng bán giống cây ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Để chọn cây giống đu đủ tốt, cần chọn cây rễ chùm, lá xanh đậm có 4 rãnh nhìn thành 5 mảnh, dáng cây tháp bút (gốc to hơn ngọn) mọc hơi nghiêng. Đây là dáng của cây cái.
Những cây rễ thẳng đuột, thân mảnh, gốc cũng to như ngọn là cây đực. Trót mua phải loại này, mọi người cũng đừng bi quan, khi có thể tự ‘chuyển giới’ bằng cách cắt bớt phần rễ từ phía dưới lên chỉ để chừng 2-3 cm tùy cây to nhỏ. Sau này sẽ thành cây lưỡng tính ra quả rất hăng.
Mọi người nên mua cây giống cao khoảng 15-20 cm thì tỉ lệ sống cao và phát triền nhanh. Cây cái cho quả tròn hoặc bầu dục. Cây lưỡng tính khỏe hơn cho quả dài và nhiều quả. Cây đực chủ yếu cho hoa, có rất ít quả và nhỏ.
Đất trồng
Đất trồng đu đủ nên lấy đất ải từ ruộng lúa hoặc đất phù sa phơi khô trộn với xỉ than đã qua xử lý sàng nhỏ theo tỉ lệ 4:1. 50% còn lại là phân đã ủ hoai mục (phân gà, phân bò, cá, bã thuốc Đông Y, phân trùn quế) mỗi loại chừng 10%.
Mọi người chú ý không lấy đất từ những chậu trồng trước để tranh nhiễm nấm bệnh. Dưới đáy chậu/thùng rải 1 lớp xỉ than đập vụn pha lẫn vỏ trấu dày khoảng 5 cm để dễ thoát nước và không khí có thể lên được vùng đất trồng qua lỗ thoát nước.
Chăm sóc
Khi mua cây giống về không trồng ngay vào chậu mà trồng dặm vào túi hoặc hộp nhỏ để dễ di chuyển khi gặp thời tiết xấu (quá nóng, quá lạnh, mưa to) và dễ chăm bón. Khi cây cao chừng 50-60 cm mới trồng chính thức vào chậu. Lúc này đất và các loại phân được chuẩn bị sẵn trong chậu đã hoàn toàn ngấu, khi cây bén rễ sẽ hút ngay được nhiều chất dinh dưỡng và phát triển rất nhanh.
Giai đoạn này trở đi ngừng hẳn bón hoặc tưới đạm để tránh bị lốp lá. Hàng ngày, luôn bảo đảm đủ độ ẩm trong đất, không được để đất khô quá, ướt quá.
Bón phân lân và kali cách 7-10 ngày 1 lần. Bón tăng lượng phân vi sinh và phân hữu cơ theo sự phát triển của cây.
Tùy giống cây, thời tiết và cách chăm sóc, sau khoảng 5-6 tháng cây sẽ ra hoa. Giai đoạn này cần bón thêm kali để đậu nhiều quả và khi chín quả sẽ chắc, ngọt.
Vì rễ đu đủ ăn nông, rất sợ bị chạm rễ nên khi bón tốt nhất là rắc phân lên mặt đất rồi phủ rác hoặc ít đất tơi vụn, tuyệt đối không được đào bới sâu làm cây bị đứt rễ dễ sinh bệnh, ảnh hưởng rất lớn đến 'sinh đẻ'.
Với cách trồng và chăm sóc này, đu đủ nhà bác Tiến Huynh trồng những năm qua không hề bị nhiễm bệnh và rất sai quả. Chúc các bạn thành công!
Cùng ngắm nhìn những cây đu đủ trồng trong thùng xốp trên sân thượng của bác Tiến Huynh:
Từ khóa » đu đủ Lùn Trồng Chậu
-
Bí Kíp Trồng Cây đu đủ Trong Chậu Mùa Nào Cũng Có Trái ăn
-
Cách Trồng Đu Đủ Trong Chậu Vừa Làm Cảnh Lại Có Quả ăn - .vn
-
Cách Trồng Đu Đu Lùn Cao Sản Trong Chậu Làm Cảnh Ngay Tại Nhà
-
Trồng Đu Đủ Trong Chậu Mau Ra Hoa, Kết Trái Chẳng Khó Như Bạn Nghĩ
-
Cách Trồng Cây đu đủ Lùn Trong Chậu Chơi Xuân - Nông Nghiệp Phố
-
3 Bước Trồng đủ đủ Trong Thùng Xốp Sai Trĩu Quả Bạn đã Thử?
-
Kỹ Thuật Trồng đu đủ Trong Chậu - Hội Nông Dân Tỉnh Khánh Hòa
-
Bỏ Túi Cách Trồng đu đủ Trong Chậu Dáng đẹp, Trĩu Quả - Sanvuonaz
-
Hướng Dẫn Trồng đu đủ Trên Chậu
-
Hướng Dẫn Trồng đu đủ Trong Chậu
-
Đu Đủ Lùn Trong Chậu DD1148 - Nhà Vườn Thiên Minh Sơn
-
Hướng Dẫn Trồng đu đủ Trong Chậu đúng Kỹ Thuật Cho Sai Quả
-
Học Lỏm Bí Kíp Trồng Đu Đủ Vàng Lùn Vô Chậu Siêu Độc Lạ