Lặp Ngữ âm | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

2.3 Những đặc trưng của văn bản Văn bản tiếng Việt hiện nay cũng được xem xét trên các bình diện đã nói ở trên. Tuy nhiên, trong thực tế nghiên cứu và miêu tả, các bình diện của văn bản không phải bao giờ cũng được xem xét một cách riêng rẽ mà có thể được xem xét kết hợp dưới góc độ một đặc trưng nào đó của nó. Chẳng hạn, tính liên kết của văn bản không chỉ được miêu tả trên bình diện cấu tạo hình thức mà còn cả trên bình diện nội dung của nó, nghĩa là có thể nói tới ‘sự liên kết hình thức’ và ‘sự liên kết nội dung’ của văn bản. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về ngữ pháp văn bản, người ta thường tiếp cận văn bản từ phía các đặc trưng của chúng. Đó là những đặc trưng giúp ta nhận biết văn bản trong số những đơn vị ngôn ngữ khác không phải là văn bản (gọi chung là ‘tính văn bản’ hay ‘các phạm trù của tính văn bản’). Trong ngữ pháp văn bản, người ta thường nêu lên những đặc trưng chủ yếu sau đây [dựa theo đề xuất của Beaugrande i Dressler(1990)]: – tính liên kết (kohezja), – tính mạch lạc (koherencja), – tính chủ định (intencjonalność), – tính chấp nhận được (akceptowalność), – tính thông tin (informacyjność), – tính tình huống (sytuacyjność) , – tính liên văn bản (intertekstualność) Cũng chính vì vậy, văn bản được định nghĩa là ‘một sự kiện giao tiếp đáp ứng được bảy tiêu chuẩn về tính văn bản” nói trên. Nếu thiếu bất kỳ một tiêu chuẩn nào trong số đó thì „văn bản” cũng không mang tính giao tiếp, mà không có tính giao tiếp thì ngôn phẩm sẽ không phải là văn bản.

2.4 Phân loại văn bản Nói chung, cho đến nay, việc phân loại văn bản trong giới ngôn ngữ học thường không nhất quán, đó là vì văn bản có thể được phân loại theo những cách khác nhau, tùy theo góc độ quan sát văn bản. Chẳng hạn, có thể phân biệt những cặp văn bản đối lập như ‘văn bản nói’/ văn bản viết’; ‘văn bản ngẫu sinh’/ ‘văn bản tái sinh’ (‘sao chép’); ‘văn bản công khai’/ ‘văn bản riêng tư’; ‘văn bản thông dụng’/ ‘văn bản nghệ thuật’; ‘văn bản tự sự’/ văn bản mô tả’… Trong tiếng Việt, văn bản cũng có thể phân loại theo những cách khác nhau, cụ thể như sau: (i) Xét về dạng thức tồn tại: ‘văn bản nói’ và ‘văn bản viết’. Tuy nhiên, ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, sự phân biệt hai loại văn bản như trên không chỉ căn cứ vào dạng thức tồn tại mà trước hết là căn cứ vào những đặc điểm của những phương tiện dùng để cấu tạo nên văn bản (ví dụ: đặc điểm của từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp). (ii) Xét về kiểu cấu tạo: ‘văn bản ổn định’, được xây dựng theo những mô hình đã trở thành khuôn mẫu (ví dụ: đơn từ, tờ khai, hợp đồng), ‘văn bản thông dụng, được xây dựng theo một mô hình thông dụng, có tính đến những yếu tố như thói quen truyền thống, trình tự trình bày các phần (ví dụ: tiểu luận, luận văn khoa học, tờ trình), và ‘văn bản tự do’, được xây dựng không theo một mô hình hay bố cục nhất định nào mà do người viết tự ý sáng tạo ra (ví dụ: tác phẩm văn học, sách khoa học thường thức) (iii) Xét về phong cách chức năng: ‘văn bản hành chính’, ‘văn bản báo chí-chính luận’, ‘văn bản khoa học’ và ‘văn bản văn chương’.

Ngoài ra, có thể phân biệt các văn bản về mặt quy mô. Xét về mặt này, có thể phân biệt: ‘văn bản một phần’ (chỉ bao gồm phần tin), ‘văn bản hai phần’ (phần mở đầu và phần tin) và ‘văn bản ba phần’ (mở đầu, phần tin và phần kết).

3. Sự liên kết hình thức giữa các câu trong văn bản tiếng Việt

Để liên kết hình thức các câu/ phát ngôn (từ đây sẽ gọi chung là phát ngôn) trong văn bản, tiếng Việt sử dụng một số ‘yếu tố ngữ âm’ (âm tiết, vần, phụ âm đầu, thanh điệu) và ‘yếu tố ngữ pháp’ (hư từ, cấu trúc ngữ pháp). Phương thức sử dụng các yếu tố liên kết này là ‘lặp lại’ chúng trong những phát ngôn khác nhau và nhờ đó tạo ra sự liên kết giữa các phát ngôn đó.

3.1. Lặp ngữ âm Phép ‘lặp ngữ âm’ thường được dùng trong các tác phẩm thi ca, (hay chung hơn: ‘văn vần’). Trong các loại văn bản khác, gọi chung là ‘văn xuôi’, phương thức này ít khi được sử dụng. Trong văn vần, trước tiên phải nói đến phương thức ‘lặp số lượng âm tiết’. Phương thức này cho phép tạo ra các thể thơ khác nhau. Chẳng hạn, nếu số lượng các âm tiết được lặp đi lặp lại đều đặn giữa các câu kế tiếp nhau thì ta sẽ có các thể thơ bốn chữ, thơ năm chữ hay thơ bảy chữ… So sánh:

1) Khăn thương nhớ ai Khăn chùi nước mắt Đèn thương nhớ ai Mà đèn không tắt (ca dao)

2) Đường lúc hoàng hôn xuống, Là lúc viễn khách đi. Nước đượm màu li biệt, Trời vương hương biệt li (Xuân Diệu – Viễn khách)

3) Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son. (Hồ Xuân Hương – Bánh trôi nước)

Còn nếu số lượng âm tiết được lặp lại ở những câu đứng cách nhau hoặc kết hợp cả hai cách lặp nói trên thì ta có các thể thơ lục bát hay song thất lục bát. So sánh:

4) Bao giờ anh lấy được nàng, Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang, Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. (ca dao)

(5) Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ Chàng há từng học lũ vương tôn. Cớ sao cách trở nước non, Khiến người thôi sớm, thôi hôm, những sầu. (Đoàn Thị Điểm – Chinh phụ ngâm)

Phương thức ‘lặp vần’ cũng là một phương thức lặp ngữ âm phổ biến để tạo ra sự liên kết giữa các câu thơ. Tuy nhiên, các vần không phải bao giờ cũng được lặp lại hoàn toàn mà có thể chỉ là lặp một phần nhưng phải tuân theo những nguyên tắc về luật hài âm. Ví dụ:

(i) Lặp hoàn toàn:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non. (Chinh phụ ngâm)

(ii) Lặp bộ phận: Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường?

Ngoài ra, còn có ‘lặp âm tiết’, nhưng theo kết quả nghiên cứu (ví dụ: Trần Ngọc Thêm), phương thức này ít khi được sử dụng. Trái lại, trong văn xuôi, phương thức lặp vần tuy cũng được sử dụng nhưng rất ít gặp. Phương thức lặp ngữ âm phổ biến ở đây là lặp số lượng âm tiết và thường đi kèm với ‘lặp ngữ pháp’. (xem bên dưới). Đó là do phương thức lặp ngữ âm trong văn xuôi chỉ tạo ra một độ liên kết không đáng kể, chủ yếu là tạo cho văn bản văn xuôi tính nhạc điệu hay âm hưởng thơ.

3.2 Lặp ngữ pháp Phương thức ‘lặp ngữ pháp’ thể hiện ở việc lặp lại một hay một số yếu tố ngữ pháp của một phát ngôn ở một phát ngôn khác để tạo ra sự liên kết giữa chúng. Như vậy, lặp ngữ pháp bao gồm ‘lặp từ ngữ pháp’ (còn gọi là ‘lặp hư từ’) và ‘lặp cấu trúc ngữ pháp’ (còn gọi là ‘lặp cú pháp’) của các phát ngôn. Thông thường, để tăng thêm độ liên kết của hai phát ngôn, người ta kết hợp sử dụng cả hai phương thức này, nghĩa là lặp cả cấu trúc ngữ pháp và hư từ. Có thể quan sát thấy những trường hợp sau:

(i) Chỉ lặp cấu trúc ngữ pháp, ví dụ: “Từng ngày, mẹ thầm đoán con đã đi đến đâu. Từng giờ, mẹ thầm hỏi con đang làm gì.” (Nguyễn Thị Như Trang. Tiếng mưa).

(ii) Chỉ lặp từ ngữ pháp, ví dụ: “Nước Việt Nam muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng qúy, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa.” (Thép Mới – Cây tre)

(iii) Lặp cấu trúc và từ ngữ pháp, ví dụ: “Nếu không có nhân dân thì không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ thì không ai dẫn đường.” (Hồ Chí Minh).

Kiểu lặp này rất phổ biến trong các văn bản tiếng Việt, nhất là các văn bản cổ. Nói chung, trong trường hợp này, lặp cú pháp là phương thức cơ bản. Và, như đã nói ở trên, lặp cấu trúc có thể được kết hợp với lặp ngữ âm. [trường hợp (iii)]. Cũng giống như ở phương thức lặp ngữ âm, ở đây cũng có thể có ‘lặp hoàn toàn’ và ‘lặp một phần’.

(còn nữa)

Từ khóa » Ví Dụ Phép Lặp Ngữ âm