Lật Tẩy Thủ đoạn Của "nữ Quái” Cầm đầu đường Dây đẻ Thuê - 24H

  Như ANTĐ đã thông tin, nhóm phóng viên ANTĐ phối hợp cùng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 2), Phòng CSHS CATP Hà Nội đã triệt phá một đường dây tổ chức mang thai hộ hoạt động rất tinh vi. Trong quá trình thâm nhập sào huyệt của đường dây này, nhóm phóng viên đã thu thập được nhiều tài liệu chứng cứ, đồng thời bóc trần thủ đoạn của các đối tượng…

Thâm nhập thị trường mang thai hộ

Trong suốt nhiều tháng theo sát, phóng viên đã thâm nhập được vào thị trường ngầm, chuyên môi giới mang thai hộ, mua bán trứng đang diễn ra sôi động.

Chỉ cần một tài khoản facebook, nhóm phóng viên đã tiếp cận được thị trường môi giới mang thai hộ và bán trứng, tinh trùng.

Người khao khát có một mụn con, người thì cần tiền từ mang thai hộ… Từ thực tế này, những đường dây mang thai hộ đã hình thành để kết nối cung cầu... Những cò môi giới nhanh chóng vươn tới đến mọi vùng miền như những vòi bạch tuộc. Bắt đầu từ kết nối mạng xã hội rồi đến đời thực...

Trong vai người muốn mang thai hộ, phóng viên tiếp cận một đường dây môi giới mang thai hộ hoạt động rất tinh vi. Phạm vi hoạt động của đường dây này khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi một đối tượng trong đường dây đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau.

"Nữ quái" cầm đầu đường dây này Đinh Thị Bình, SN 1993, trú tại P414, tòa HH03C, Khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Cùng hỗ trợ Bình chính là chồng của cô ta, Dư Văn Linh, SN 1990.

Đối tượng Đinh Thị Bình

Đối tượng Đinh Thị Bình

Hai vợ chồng Bình không có nghề nghiệp ổn định. Bản thân sau một lần sinh nở bằng phương pháp can thiệp của khoa học, Đinh Thị Bình đã nắm bắt được quy trình mang thai hộ, bán trứng, tinh trùng, từ đó đối tượng sử dụng để hành nghề.

Khi có thông tin của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, không sinh đẻ được, vợ chồng Bình đã tổ chức môi giới mang thai hộ, bán trứng để thu lời bất chính.

Quá trình tiếp cận, phóng viên thu thập được, Bình là người trực tiếp tìm khách trên các trang mạng và nhận khách về. Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng mang thai hộ, Đinh Thị Bình một mặt đứng ra trực tiếp liên lạc với khách, một mặt giấu thông tin giữa 2 bên mang thai hộ và gia đình có nhu cầu nhờ mang thai hộ, nhằm tận thu tiền môi giới trung gian, đồng thời tránh việc đôi bên phá vỡ hợp đồng giữa chừng.

Những căn hộ bí ẩn trong chung cư

Sau những thỏa thuận ban đầu, đối tượng môi giới tổ chức những buổi gặp gỡ cho người muốn mang thai hộ với các gia đình có nhu cầu thuê. Chính xác hơn, đây giống như cuộc lựa chọn - xem mặt, xem tính cách, kiểm tra sức khoẻ để người thuê quyết định "đặt cọc".

Nhằm tạo lòng tin với khách, Bình thuê một căn hộ chung cư tại tòa HH2B Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Căn hộ này Bình chỉ dùng để tiếp đón khách mới đến tham quan.

Tại căn phòng cho khách tham quan, đối tượng "bài binh bố trận" để tạo vỏ bọc, câu nhử khách. Bình trang trí căn hộ như một nhà riêng của mình, treo ảnh gia đình của vợ chồng Bình cùng các con khắp tường. Đối với khách khó tính, chọn lựa kỹ về người mang thai hộ, Bình sắp xếp các cuộc "xem mặt" tại căn phòng này. Không dừng ở đó, Bình còn cắt cử thêm vài người mang thai hộ đang mang bầu để "tiếp" khách cùng mình, nhằm cho khách thấy sự thành công và những hợp đồng mang thai hộ trước đó.

Cơ quan CSĐT đọc lệnh khám xét khẩn cấp một điểm nuôi nhốt phụ nữ mang thai hộ của "nữ quái" Đinh Thị Bình

Cơ quan CSĐT đọc lệnh khám xét khẩn cấp một điểm nuôi nhốt phụ nữ mang thai hộ của "nữ quái" Đinh Thị Bình

Đây chỉ là căn phòng bình phong, đối tượng cố tình tạo vỏ bọc nguỵ trang để lấy niềm tin của "khách hàng". "Ngay sau khi nhóm phóng viên điều tra ra về, 15 phút sau các trinh sát Đội 2, Phòng CSHS cũng bí mật kiểm tra thì căn phòng này đã không còn chút vết tích nào của đường dây mang thai hộ nữa. Tranh ảnh gia đình của Bình hay những người phụ nữ mang thai hộ, bán trứng không còn ở đó. Thay vào đó là một bà cụ già...", Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn, Đội 2, Phòng CSHS CATP Hà Nội, trinh sát trong Ban chuyên án, cho biết. Chính vì lẽ đó, để thâm nhập được chính xác điểm nuôi nhốt của “nữ quái” này là điều không hề dễ dàng.

Vén màn nuôi người lấy trứng, mang thai hộ

Cũng trong Khu đô thị Thanh Hà, Đinh Thị Bình còn có 2 ổ nuôi nhốt phụ nữ mang thai hộ và bán trứng. Mỗi căn phòng được Bình chia thành từng ô nhỏ bằng vách ngăn thạch cao, vừa đúng một chiếc giường để cho những người phụ nữ mang thai hộ ở.

Khu vực giáp ranh giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Oai nên việc hoạt động của đường dây này diễn ra rất kín đáo. "Đối tượng Bình không bao giờ tuyển chọn người lạ mang thai hộ. Đa phần đều quen biết hoặc qua mối lái", Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội 2, Phòng CSHS cho biết khi điều tra về đường dây mang thai hộ này. Tất cả các điểm nuôi nhốt đều không thuê ở quá 3 tháng. Cứ khoảng 3 tháng, Bình lại di chuyển điểm nuôi một lần. Đây cũng là mấu chốt gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét các đối tượng.

"Nữ quái" Đinh Thị Bình tại thời điểm bị bắt giữ ngày 14-4

"Nữ quái" Đinh Thị Bình tại thời điểm bị bắt giữ ngày 14-4

Từ thông tin của phóng viên, 20 mũi trinh sát hoá trang mật phục điều tra 6 tháng mới có thể tiếp cận được sào huyệt của các đối tượng. "Xác định được nơi ở và nơi nuôi nhốt là khó nhất trong chuyên án này. Phải đến khi gần đến thời điểm phá án, chúng tôi mới có thể phát hiện được bởi chúng đi và di chuyển liên tục. Tuy nhiên, bằng nỗ lực hết mình và dày công điều tra, chuyên án đã được khám phá thành công", Thiếu tá Hoàng Văn Hùng chia sẻ.

Các điểm nuôi nhốt của đường dây này đều được trang bị camera giăng kín từ cổng đến khắp các góc, các phòng của nhà. Mỗi điểm nuôi nhốt Bình chỉ cho tối đa 3 người mang thai hộ, đồng thời cắt cử người quản lý, còn Bình quản lý chung qua hệ thống camera. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai hộ, Bình tuyệt đối không cho phép người mang thai hộ ra ngoài, hay tiếp xúc, liên lạc với bất kỳ ai, nhằm tránh trường hợp người mang thai hộ, bán trứng bỏ trốn.

Bên cạnh đó, tại các điểm nuôi nhốt, đối với những phụ nữ đang trong thời gian "chờ khách", Bình thường xuyên cho dùng thuốc kích trứng để bán. Giá mỗi lần bán trứng khoảng 22 triệu đồng. Mỗi lần kích có thể lấy được nhiều trứng, sau đó sẽ được sàng lọc, tạo phôi. Toàn bộ quá trình kích trứng và lấy trứng đều được thực hiện tại các bệnh viện. Trường hợp chưa bán được trứng thì Bình gửi vào ngân hàng tích trữ trứng, tinh trùng của các bệnh viện, đợi khi có khách thì đem bán.

Làm giả toàn bộ giấy tờ mang thai hộ

Ngày 14-4-2022, Ban chuyên án đã tiến hành khám xét nơi ở của Đinh Thị Bình và chồng là Dư Văn Linh tại phòng 1128, toà HH02-2B, khu đô thị Thanh Hà. Tại đây, các trinh sát phát hiện 7 phụ nữ đang ăn ở tập trung tại đây. Trong đó có 5 phụ nữ đang mang thai, cùng nhiều giấy tờ như đăng ký khám, giấy ra viện, giấy chứng nhận kết hôn, các biên lai thu tiền, mẫu hợp đồng mang thai hộ và sổ chi trả tiền cho những phụ nữ mang thai hộ.

Các loại phôi, dấu tìm thấy tại nhà của các đối tượng

Các loại phôi, dấu tìm thấy tại nhà của các đối tượng

Tiếp tục khám xét 2 điểm nuôi nhốt của Bình ở khu đô thị Thanh Hà, tại phòng 1206, toà HH03B, các trinh sát phát hiện thêm 2 phụ nữ mang thai hộ.

Khám xét tại phòng 1416, toà HB02-2B của đường dây này, lực lượng công an phát hiện máy tạo phôi dấu, 55 hình mẫu dấu tròn bằng silicon của nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, Uỷ ban nhân dân và Công an nhân dân các cấp của các tỉnh, thành trên cả nước, nhiều dấu tên, chức danh, mẫu phôi giấy đăng ký kết hôn... Đây là công cụ phục vụ việc làm giả giấy tờ để hợp thức hoá hồ sơ.

Phôi giấy đăng ký kết hôn bị thu giữ tại nhà của đối tượng Đinh Thị Thiện

Phôi giấy đăng ký kết hôn bị thu giữ tại nhà của đối tượng Đinh Thị Thiện

Giữ vai trò sản xuất hồ sơ giả này là Đinh Thị Thiện (SN 1995, em ruột Bình) và Nguyễn Bá Minh (SN 1990, em rể Bình).

Tinh vi hơn, để tránh phát hiện giấy tờ giả, các đối tượng Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh đã tập chép theo chữ ký thật của các lãnh đạo bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo UBND, Công an các tỉnh, thành. Do vậy, giấy tờ giả trong hồ sơ đều có chữ ký tươi. Các loại giấy tờ giả chúng làm chủ yếu là giấy đăng ký kết hôn để hợp thức hoá việc mang thai hộ, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy ra vào viện, giấy chứng sinh...

Ngoài phục vụ cho hoạt động mang thai hộ, quá trình điều tra xác định Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh còn làm giả nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, sau đó rao bán trên mạng với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng để kiếm lời.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Đinh Thị Bình, Dư Văn Linh, Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Riêng hai đối tượng Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh bị bắt thêm về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

(Còn nữa)

Nguồn: [Link nguồn]

Phá đường dây môi giới đẻ thuê hoạt động trong khu đô thị Phá đường dây môi giới đẻ thuê hoạt động trong khu đô thị

Từ nguồn tin của nhóm phóng viên An ninh Thủ đô, sau gần 9 tháng thâm nhập, điều tra, Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 2), Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã...

Bấm xem >>

Từ khóa » Giả Vờ đẻ Con