|
Anh Sắt dùng đuốc hơ dầu rái để gốc cây chảy nhựa ra |
Nhựa dầu rái khi quét lên tàu thuyền thì lớp gỗ bên ngoài gần như chịu đựng rất tốt với nước mặn và nắng mưa. Dầu rái được khai thác từ một loài cây hoang dã rất giống với cây cao su mọc ở các cánh rừng tự nhiên thượng nguồn sông Thu Bồn (Quảng Nam).
Cây dầu rái (hay dầu con rái, một loài thực vật thuộc họ dầu, cây gỗ lớn, cao 40-50m) cho nhựa sống mỗi năm hai lần và được khai thác nhiều nhất khi vụ lúa hè thu kết thúc. Khi đó, những người đàn ông khăn gói tìm vào các cánh rừng sâu.
Họ đẽo thân cây thành từng máng dưới gốc rồi dùng lửa đốt đuốc hơ vào gốc để nhựa chảy ra ngoài, chờ đến ngày hôm sau quay lại múc lấy dầu. Phải hơ lửa gần 200 cội cây mới thu được một gánh dầu (tương đương 40 lít), với giá mỗi gánh dầu hiện nay khoảng 1 triệu đồng.
Anh Cao Hữu Sắt (40 tuổi, người thôn Mậu Long, xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) cho biết cánh rừng gần 4ha của gia đình anh với gần 200 cội dầu rái đã được cai quản hơn năm đời. Không ai giàu có từ nhựa dầu rái, nhưng cũng không ai bỏ hẳn cánh rừng bởi đó là gia sản của cha ông để lại. Và ở xã Quế Ninh có gần 200 gia đình có các rừng dầu rái như vậy.
“Chúng tôi vẫn khai thác nó lúc rảnh rỗi và chăm sóc cánh rừng xanh tốt, dù Nhà nước chẳng trả đồng nào tiền quản lý rừng. Ở đây không chỉ cây dầu rái mà tất cả các cây rừng khác được gia tộc tôi bảo vệ gần như nguyên sơ” - anh cho biết.
|
Công việc đầu tiên trong ngày là phải chọn những cành củi khô bó thành những cây đuốc chuẩn bị đi hơ các cội cây dầu rái |
|
Việc hơ lửa không đơn giản, vì nhựa dầu nóng có thể bắn tung tóe ra ngoài gây bị thương |
|
chuẩn bị công việc cho buổi chiều |
|
Những dòng nhựa đầu tiên được múc ra từ thân cây dầu rái |
|
Anh Sắt mang thành quả lao động của mình đến đầu nậu để cân và bán về xuôi cho ngư dân, kết thúc một chu kỳ lấy dầu rái |
|
Mang thành phẩm trở về |
|
Bữa cơm tối giữa rừng |