Lễ Hội Chùa Bái Đính. Ảnh: Xuân Lâm - Sở Du Lịch Ninh Bình

Không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên phong phú, trong đó có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ở Ninh Bình còn có hàng trăm lễ hội mang bản sắc riêng có, diễn ra tưng bừng, sôi động ngay từ những ngày đầu mùa xuân, tạo thêm điểm nhấn quyến luyến lòng người, gợi nhớ về nguồn cội của người dân đất Việt.

Lễ hội chùa Bái Đính. Ảnh: Xuân Lâm

Tưng bừng lễ hội xuân

Hằng năm, Lễ hội chùa Bái Đính khai mạc đúng ngày mùng 6 Tết Nguyên đán. Đây là lễ hội mở đầu cho hàng trăm lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân.

Bái Đính là ngôi chùa lớn được du khách trong nước, quốc tế biết đến là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, gắn với huyền thoại kỳ bí về vùng đất "sinh vua - sinh thánh" và nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Hướng tới thiện lành và tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân có công với dân với nước là nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng ở Lễ hội chùa Bái Đính với nghi thức chính là: Thờ Phật; lễ tế thần Cao Sơn - là vị thần trong "tứ trấn Hoa Lư"; lễ tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, chầu Mẫu Thượng Ngàn...

Trong không gian thanh tịnh, đông đảo phật tử, nhân dân, khách du lịch thập phương đến chùa Bái Đính những ngày đầu xuân chiêm bái cảnh Phật giữa tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ khoan thai. Họ cùng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; cầu nguyện năm mới gia đình luôn được an khang, thịnh vượng, cát tường, như ý.

Không chỉ nổi tiếng bởi Lễ hội Bái Đính, du khách có thể du xuân ở Ninh Bình với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tràng An diễn ra ở vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; lễ hội đền Thái Vi ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn, ở huyện Gia Viễn.

Lễ hội Tràng An. Ảnh: Xuân Lâm

Nhiều lễ hội quy mô nhỏ cũng hút khách thập phương như: Lễ hội đền Dâu ở thành phố Tam Điệp, mở hội vào Rằm tháng Giêng. Đền Dâu thờ Mẫu Liễu Hạnh, được suy tôn là vị thánh trong "tứ bất tử", đã hóa thân truyền dạy người dân địa phương trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Nghi thức chủ yếu ở lễ hội đền Dâu là những hoạt động tín ngưỡng dân gian như: hầu đồng, hầu bóng.

Phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư

Mang bản sắc riêng có vùng đất "Đại Cồ Việt" khi xưa và gợi nhớ về Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta; dấu ấn của ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý trị vì đất nước cách đây hơn 1000 năm được khắc họa rõ nét trong Lễ hội Trường Yên, nay gọi là Lễ hội Hoa Lư (huyện Hoa Lư).

Đây là lễ hội cổ truyền nhằm tưởng nhớ công đức Vua Đinh Tiên Hoàng đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là "Đại Cồ Việt", cho xây dựng kinh đô ở Hoa Lư với thành nội, thành ngoại, được bảo vệ bằng nhiều lớp núi đá vòng cung lô xô, cao thấp, rất thuận lợi cho việc phòng thủ, tấn công.

Truyền miệng, Lễ hội Hoa Lư trước đây tổ chức vào ngày rằm, tháng hai âm lịch, bởi câu ca: Dù ai buôn đâu bán đâu/Tháng hai mở hội rủ nhau mà về/ Dù ai bận rộn trăm nghề/ Tháng hai mở hội thì về Trường Yên.

Ngày nay, Lễ hội Hoa Lư mở từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Tưng bừng nhất trong ngày khai hội là lễ rước nước trên sông Hoàng Long với đoàn người mang cờ ngũ sắc, dẫn kiệu bát cống. Đi trước kiệu là phường bát âm tấu các làn điệu nhạc: Kim tiền, Lưu thủy, Bình bán.

Khi thủy triều sông Hoàng Long dâng lên, tiếng trống, nhạc rộn vang làm nền múa rồng, múa sư tử, phục vụ việc lấy nước để rước về đền Vua Đinh. Lúc đó, vị chủ tế đọc văn sớ tấu trình trăm họ, muôn dân nhớ ơn "Rồng vàng" giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dựng nước "Đại Cồ Việt".

Lễ rước nước tại lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Xuân Lâm

Trong tâm thức người Việt, rồng là linh vật đứng đầu tứ linh: Long - Ly - Quy - Phượng. Thực tế rồng được tạo tác thành hình tượng nghệ thuật, biểu trưng cho quyền uy các vương triều phong kiến, quyền uy của các bậc đế vương.

Do vậy, trong phần hội, người dân và khách du lịch thập phương sẽ được thưởng thức một nghi lễ khá độc đáo: Lễ Thượng Long (thả rồng vàng) biểu trưng cho Đế Long - Thần Long bay cao trên trời xanh, khẳng định sơn hà "Đại Việt" xưa và nước Việt Nam nay một dải hùng cường, văn hiến; Hoa Lư ngàn xuân truyền tụng.

Nhìn chung, Lễ hội ở Ninh Bình về cơ bản đáp ứng được nhu cầu tinh thần, tâm linh của nhân dân, với mục đích là suy tôn một chủ thể linh thiêng nào đó, có thể đó là một trong các vị "tứ bất tử" tồn tại trong tâm thức người Việt; hoặc là những anh hùng, các bậc tiền bối có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp trừ cái ác, bảo vệ chính nghĩa, như trong "Tứ trấn Hoa Lư" là các vị thần, thánh trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của Cố đô Hoa Lư, gồm: Thần Cao Sơn, thần Thiên Tôn, thần Không Lộ, thánh Quý Minh Đại Vương.

Các lễ hội diễn ra tưng bừng, sôi động, tái hiện chân thật điển tích, sự kiện lịch sử, văn hóa, phù hợp với phong tục, tập quán ở từng địa phương. Phần hội tùy theo quy mô của lễ hội được tổ chức các trò chơi dân gian: Thi vật, múa kiếm, chơi cờ tướng, chọi gà, chơi đu quay, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày xuân ấm áp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Điều đó cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phải gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của cả vùng đất Cố đô Hoa Lư mà cha ông ta đã dày công xây dựng, truyền lại cho đời sau. Chính giá trị nhân văn đó đã làm nên sức sống của lễ hội ở Ninh Bình. Hãy về Ninh Bình trẩy hội mùa xuân.

Từ khóa » đền Cao Sơn Ninh Bình