Lễ Hội đền Hoàng Công Chất - Cục Di Sản Văn Hóa

Lễ hội đền Hoàng Công Chất

Lễ hội đền Hoàng Công Chất có nguồn gốc từ tục thờ cúng Hoàng Công Chất cùng các vị tướng lĩnh đã có công đánh giặc giải phóng Mường Thanh, bảo vệ bản mường. Hoàng Công Chất, tên thật là Hoàng Công Thư, sinh năm 1706 tại làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì, Sơn Nam Hạ (nay là Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nông dân và lớn lên cùng với những cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở khắp nơi, chống lại triều đình Lê - Trịnh.

Năm 1739, Hoàng Công Chất phất cờ khởi nghĩa tại vùng Sơn Nam (Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên). Nghĩa quân ngày một lớn mạnh đã liên kết chặt chẽ với các cuộc khởi nghĩa khác của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu… gây không ít khó khăn cho triều đình Lê - Trịnh. Năm 1748, khi quân Trịnh tấn công, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Hoàng Công Chất lui tạm vào vùng thượng du Thanh Hoá, rồi tiến sang vùng thượng Lào hoạt động.

Cùng thời điểm đó, ở Mường Thanh có hai người Thái là Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đứng lên tập hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc chống lại giặc Phẻ (một tộc người trong nhóm Tày - Thái ở Thượng Lào và Vân Nam, Trung Quốc). Vì lực yếu, nghĩa quân của hai ông đã liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất. Cuối năm 1751, nghĩa quân của Hoàng Công Chất tiến vào Tây Bắc. Đến năm 1754, ông cùng các tướng người Thái lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Phẻ, đem lại cuộc sống ấm no cho dân Mường Thanh.

Sau chiến thắng giặc Phẻ, Hoàng Công Chất chiêu dụ dân chúng ổn định sản xuất, củng cố lực lượng, xây dựng thành Bản Phủ vào năm 1758. Nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất đai vùng Tây Bắc. Mường Thanh trở thành trung tâm văn hóa, chính trị của đất Tây Bắc. Hoàng Công Chất là người có công trong việc truyền bá những kiến thức, kỹ thuật trồng trọt của người miền xuôi cho đồng bào các dân tộc nơi đây, là nhân tố chính đoàn kết cộng đồng các dân tộc, trở thành đức Thánh của lòng dân.

Ngày 25 tháng Hai năm 1767, Hoàng Công Chất qua đời, người dân Mường Thanh đã lập đền thờ ông và 6 vị tướng lĩnh (đến nay người dân chỉ còn nhớ tên 2 tướng Ngải và tướng Khanh) trong khu vực thành Bản Phủ. Ban chính điện đền Hoàng Công Chất thờ 10 pho tượng sơn son thếp vàng gồm: tượng đức vua cha, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Hoàng Công Chất và 6 vị tướng lĩnh; Ban công đồng đặt 7 bài vị của tướng quân Hoàng Công Chất và 6 vị tướng.

Hàng năm, vào ngày 5 tháng Năm (ngày chiến thắng giặc Phẻ), đồng bào các dân tộc cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền, cúng “Then Chất” và 6 vị tướng lĩnh. Hoàng Công Chất được người Thái tôn thờ như một trong những người sáng lập ra bản Mường cùng với Lạng Chượng, Khun Mứn… Sau này, để phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Thái, lễ hội được tổ chức từ ngày 24 – 28 tháng Hai, chính hội là ngày 25, cùng thời điểm tổ chức lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Thanh. Người Thái có câu “cắm mướng, ỉn phủ” (nghĩa là kiêng mường, chơi phủ). Hiện nay, lễ hội đền Hoàng Công Chất được tổ chức thường niên với hai quy mô: năm chẵn tổ chức quy mô cấp huyện, là một trong những hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên; năm lẻ tổ chức quy mô cấp xã.

Trước lễ hội, người dân chuẩn bị lễ vật dâng cúng, đội nữ tế quan, đội trống tập luyện cúng tế, bà con dọn dẹp khu vực tổ chức lễ hội, người trông coi đền làm lễ bao sái (tắm tượng).

Lễ hội diễn ra trong không gian của thành Bản Phủ và đền Hoàng Công Chất, bắt đầu bằng nghi lễ báo cáo do người trông coi đền thực hiện, mời các vị thần linh, ông Hoàng Công Chất cùng các vị tướng lĩnh, nghĩa quân về hưởng lễ, cầu xin các ngài phù hộ để tổ chức lễ hội thành công.

Sáng ngày 24, bà con tổ chức lễ rước kiệu, bắt đầu từ cổng trường THPT xã Noong Hẹt, qua chợ Bản Phủ, các khu dân cư và tập kết tại thành Bản Phủ. Dẫn đầu đoàn rước là một phụ nữ Thái rước cờ hội, sau đó là người đánh trống hội, đội múa rồng, 16 thanh niên biểu tượng cho nghĩa quân với trang phục nón lá, áo nâu, thắt lưng vàng, gươm giáo chỉnh tề, 02 phụ nữ mặc áo dài truyền thống đội mâm lễ mặn và mâm lễ hoa quả, cuối cùng là kiệu rước linh vị và đông đảo nhân dân các dân tộc trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội.

Tại đền Hoàng Công Chất, 16 thanh niên tái hiện hình ảnh nghĩa quân múa gươm, giáo dẹp giặc, rồi đến màn múa rồng, sau đó nghi lễ đọc chúc giỗ được diễn ra trang nghiêm, nêu sự tích, truyền thuyết về Hoàng Công Chất và nhắc nhở con cháu ngày nay phải chủ trọng việc xây dựng, bảo vệ quê hương.

Lễ tế Hoàng Công Chất giống như tế thành hoàng làng ở miền xuôi nhưng do đội nữ tế quan gồm 27 thành viên người Thái, người Kinh thực hiện. Đặc biệt, trong lễ tế có 4 phụ nữ Thái đại diện cho người bản địa dâng hoa, lễ vật lên kiệu của tướng Hoàng Công Chất. Thông qua lễ tế, người dân cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Kết thúc lễ tế, nhân dân vào đền thắp hương tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng và cầu mong những điều may mắn cho gia đình.

Song song với nghi lễ là các hoạt động vui chơi thu hút đông đảo người tham gia như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, hát dân ca, múa xòe.

Lễ hội đền Hoàng Công Chất thể hiện sự đoàn kết các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất Tây Bắc, là nơi nhân dân các dân tộc cùng nhau ôn lại truyền thống đánh giặc của cha ông, hun đúc lòng yêu nước, đồng thời, gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh vượng. Lễ hội còn biểu hiện đậm nét tín ngưỡng thờ cúng Ông theo phong tục Thái (cúng chẩu mường trong xên Mường Thanh) và nghi lễ thờ thần thành hoàng làng.

Với những giá trị đặc biệt đó, Lễ hội đền Hoàng Công Chất đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015./.

Từ khóa » đền Thờ Hoàng Công Chất