Lễ Hội đền Vua Mai - Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật
Có thể bạn quan tâm
Lễ hội đền Vua Mai (Mai Thúc Loan) tại Khu di tích lịch sử quốc gia Vua Mai Hắc Đế tại thị trấn Nam Đàn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là lễ hội mang dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, thể hiện lòng tự tôn dân tộc hàng trăm năm sau trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Lễ hội đền Vua Mai góp phần gắn kết các thành viên cộng đồng, là môi trường cộng cảm sâu sắc có tác động đến đời sống tình cảm, góp phần xây dựng tính cách và tâm hồn người dân xứ Nghệ, tâm hồn người Việt Nam “trọng nghĩa trọng tình” và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
1. Đôi nét về Vua Mai
Vua Mai tên thật là Mai Thúc Loan hoặc Mai Huyền Thành, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở nước ta vào đầu TK VIII. Ông quê ở làng Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay nhưng sinh ra, trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã phải đi ở, nhưng nhờ sức vóc khỏe mạnh, thông minh tài trí hơn người lại rất giỏi võ nghệ nên Mai Thúc Loan đã sớm nổi tiếng trong vùng. Năm 713, khi đất nước ta đang bị nhà Đường đô hộ, Mai Thúc Loan đã kêu gọi và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Đường. Ông xưng đế và lập nên nước Vạn An. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế tức ông Vua Đen họ Mai. Nhưng nhà Đường quyết chiếm lại bằng được nước ta, Đường đế sai Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp. Sau nhiều trận giao chiến khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan rã. Mai Hắc Đế, rút quân và băng hà tại căn cứ Hùng Sơn. Quốc gia Vạn An rơi vào tay nhà Đường. Để tưởng nhớ đến công ơn Mai Hắc Đế, nhân dân lập đền thờ ông trên núi Vệ và trong thung lũng Hùng Sơn (nay thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
2. Lễ hội đền Vua Mai
Lịch lễ tiết hằng năm
Lịch lễ tiết hằng năm chủ yếu là cử hành vào ngày 15 tháng Giêng (còn gọi là Xuân tế). Đây là ngày lễ hội đền Vua Mai tổ chức long trọng, quy mô lớn và chuẩn bị cầu kỳ nhất. Để tiến hành phần lễ, trong lễ hội trước kia có ban phụng sự tế lễ. Theo các bậc cao niên kể lại, đền Vua Mai xưa kia là đền Quốc tế (Nhà nước tế lễ), nhưng việc phụng sự tổ chức tế lễ lại do tổng Nam Liễu, phủ Anh Sơn đảm nhiệm. Ban phụng sự tế lễ gồm 31 người do các làng Diên Lãm và Khả Lãm (nay là làng Nam Diên và Nam Thượng) cử ra phân nhiệm vụ như sau: 3 chủ tế (trong đó có một người là phụ trách điều hành mọi công việc trong ban); 10 từ đường luân phiên nhau lo việc hương khói; 4 từ đồ dỡ đồ đạc của đền; 4 từ nom điện và lăng mộ; 10 người chăm nom lăng mộ. Ngày nay, Trung tâm Văn hóa Nam Đàn giao cho 3 người trông coi đền, 4 người túc trực hằng ngày để quản lý và bảo vệ khu miếu mộ Vua Mai. Ngoài ra còn có Ban chức sự gồm 18 người phục vụ vào những ngày rằm, mồng một và vào dịp lễ hội.
Trong những kỳ đại tế, Ban phụng sự phải đảm nhiệm mọi việc, điều hành các trai tráng và những người khác ở các làng cử về phục vụ. Trải qua thời gian, do điều kiện chiến tranh phá hoại và sự hiểu biết của con người còn hạn chế, cơ sở vật chất của di tích đã mất đi nhiều và những người có hiểu biết về di tích để tổ chức nghi thức và gìn giữ di tích dần mất đi. Sau 50 năm bị đứt đoạn, lễ hội và di tích đền Vua Mai mới có điều kiện khôi phục lại. Ban tế lễ ngày nay chỉ có ba người do Trung tâm Văn hóa Nam Đàn cử ra, khi cần thiết trong những ngày lễ hội thì cử thêm người ở các làng, xã khác tham gia.
Về quy mô của lễ hội
Lễ hội đền Vua Mai xưa không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổng Nam Liễu (còn gọi là Xuân Liễu) và các làng phụ cận Diên Lãm, Khả Lãm... mà còn mở rộng ra toàn phủ Anh Sơn, bao gồm (Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên ngày nay). Đền thờ Vua Mai vốn là Quốc tế nên ngoài các quan sở tại như tri huyện, đề lại còn có các quan chức sắc cấp tỉnh về dự lễ hội. Thời gian lễ hội diễn ra từ ngày 13-17 tháng Giêng, nhưng chính lễ trong 3 ngày 13, 14, 15, bởi sau các cuộc tế lễ, ngày 16, 17 là đến phần hội với nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống được tổ chức. Lễ hội đền Vua Mai là niềm tự hào của dân làng Hương Lãm nói riêng và nhân dân trong vùng Phủ Anh Sơn xưa kia nói chung.
Về nghị trình lễ hội đền Vua Mai
Để chuẩn bị cho việc tế lễ và mở hội, Hội đồng kỳ mục của các làng Diên Lãm, Khả Lãm, Ngọc Trừng (Nam Thái)... cùng với các họ, các bô lão trong làng họp tại đình làng để bàn bạc, phân công việc tế lễ ở đền Vua Mai. Việc tế lễ của đình làng nào thì do Ban phụng sự của làng đó lo liệu. Tại đền Vua Mai, Ban phụng sự tiến hành làm các lễ vào các ngày sau:
Ngày 13 tháng Giêng tiến hành các lễ:
Lễ rước nước: Trước khi vào hội một ngày, các làng cử người ra sông lấy nước, việc rước nước được tiến hành cẩn thận.
Lễ mộc dục: Ngay sau lễ rước nước từ sông về làng cử hành lễ mộc dục, tức là lễ tắm rửa tượng thần để tế khí long ngai... Theo lời các bậc cao niên, xưa kia, trước khi tổ chức lễ hội nhà đền cấm dân làng ba ngày không được dùng nước giếng đền Vua Mai.
Lễ tế gia quan: Sau khi lau rửa, làm lễ khoác áo đội mũ cho tượng thần (đốt vàng mã), xong việc khoác áo, bắt đầu tuần tế trước long kiệu gọi là tế gia quan. Cùng với các nghi lễ tẩy rửa cho di tượng Vua Mai, ban phụng sự làm lễ khai quang, tẩy uế mang ý nghĩa dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài khu di tích và lau chùi đồ tế khí sạch sẽ để đền chuẩn bị cho vào đám. Nước làm lễ khai quang tẩy uế xưa và nay đều dùng nước ngũ vị.
Ngày 14 tháng Giêng: Buổi tối ban tế do Ban phụng sự tiến hành làm lễ yết cáo, xin thần Mai Hắc Đế cho mở hội và mời các chư vị thần linh về dự hội.
Ngày 15 tháng Giêng: Đại tế (lễ tế thần) ý nghĩa mục đích là thỉnh mời và đón rước thần linh về dự hội để dân làng chúc tụng tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong hệ thống lễ. Kỳ đại tế làng tổng rất long trọng, khu đền rợp trời cờ, lọng, tán, một lá cờ đại to phấp phới trên đỉnh cổng tam quan, trống, chiêng vang dậy cả khu rừng, người về dự lễ, người đi xem hội đủ mọi lứa tuổi nườm nượp khắp đường. Các quan sở tại như tri huyện, đề lại năm nào cũng có mặt, thỉnh thoảng các chức sắc cấp tỉnh cũng về dự hội, nhất là vào kỳ đại lễ” (cụ Nguyễn Trọng Lịch 88 tuổi xã Nam Thượng nhớ lại). Nghi lễ tế thần (Đại tế) được tiến hành qua 37 bước kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ, qua 40 lần xướng và thực hiện kể từ khi “khởi chinh cổ” đến “lễ tất” (dâng hương 11 bước, đón thần 5 bước, dâng rượu 8 bước, đọc chúc và hóa vàng 10 bước, lễ tạ 3 bước). Những người tham dự lần lượt vào chiếu lạy. Cuối cùng là phần thụ lộc, mọi người có mặt đều được hưởng một ít lộc của thánh thần.
Theo nghi thức, chủ tế phải đọc bài văn tế. Nội dung bài văn tế vừa nói lên công tích của Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông, vừa nói lên nguyện vọng cầu xin, những điều tốt đẹp của dân làng. Theo như lời các cụ kể lại, một buổi đại tế như thế vừa mang giá trị văn chương (ví như văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) lại có ý nghĩa về mặt nghệ thuật (giọng xướng, âm nhạc, đội hình...). Bài văn tế gốc ở lễ hội đền Vua Mai không còn nữa, bài văn tế hiện nay tuy ngắn gọn song cũng đủ các phần giúp chúng ta biết được ngày, tháng, năm, địa điểm, chủ đền, chủ tế, mẹ Vua Mai, Vua Mai, vợ Vua Mai, con trai kế nghiệp Vua Mai và những người con còn lại, quan tướng Vua Mai, các vị thần ở các đền xung quanh, Trần Hưng Đạo, Bác Hồ, lý do buổi tế và nguyện cầu của nhân dân. Trong một cuộc tế, hai bên tả hữu mỗi bên có từ 3-6 người làm nhiệm vụ hầu tế (giúp việc cho buổi tế lễ). Phẩm vật là thủ lợn, xôi gà, hương hoa quả, trầu rượu... Từ các đình làng trong vùng, lễ rước các thần thành hoàng về để hợp tế là đám rước linh đình nhất.
Có thể nói, rước kiệu thần Vua Mai rất quy mô và sinh động. Sau khi tế thần xong, kiệu Vua Mai mới rước ra gọi là lễ vi hành. Rước từ đền Vua Mai đi một vòng qua các làng để vua xem hội, hưởng lễ vật dâng cúng và ban phúc cho dân. Nếu đúng vào chu kỳ hai năm như đã trình bày ở trên thì rước về đền Vua Mai ở Diên Lãm, gọi là rước hoàn cung trong ba ngày kể từ ngày 15-17 tháng Giêng. Nay, lễ rước kiệu Vua Mai hằng năm vẫn còn duy trì và đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong lễ tưởng niệm Vua Mai (nguồn gốc của lễ rước sắc từ đền Diên Lãm về Khả Lãm). Hiện nay, kết cấu phần lễ trong lễ hội đền Vua Mai vẫn không thay đổi. Tuy nhiên để đỡ rườm rà về nghi lễ, ban tổ chức lễ hội đền Vua Mai đã lồng ghép lễ tạ vào trong lễ đại tế. Khi đại tế xong, đông xướng hô lễ thành, nghĩa là buổi lễ đã xong, thu dọn thì chủ tế, bồi tế, thượng hương độc chúc, đông xướng, tây xướng và những người dự lễ lần lượt vào chiếu lễ thần.
Phần hội trong lễ hội đền Vua Mai
Ngay sau khi rước kiệu Vua Mai vi hành đồng thời hội cũng diễn ra. Khu vực xung quanh đền Vua Mai người đi trẩy hội đông khắp cả một vùng, các phe, giáp, phường hội náo nức đua chen thi tài. Theo truyền thống, ban ngày diễn ra các hoạt động: đua thuyền, đấu vật, đi cầu kiều... Ban đêm có các phường chèo, phường tuồng, hát ví phường vải, hát giặm, hò...
Hiện nay, ngoài các trò chơi dân gian trên còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác như: múa, hát, chiếu phim, triển lãm các chuyên đề lưu động, bóng đá, bóng chuyền, tổ chức tham quan các di tích phụ trợ và các di tích lịch sử - danh thắng ở xung quanh khu vực lễ hội như khu di tích Kim Liên, di tích tưởng niệm Phan Bội Châu, khe Bò Đái, bến Sa Nam.
Trong phần hội của lễ hội đền Vua Mai, nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa dân gian tiềm ẩn nguồn gốc sâu xa của nó, dần dần trở thành một phong tục đẹp từ ngàn đời nay của nhân dân trong vùng Sa Nam. Trong đó đua thuyền là hoạt động độc đáo nhất và thu hút đông đảo nhân dân trong làng tham gia, các trò chơi khác như đấu vật, hát đối, đánh đu được tổ chức trong nhiều ngày.
Ngày nay, trong lễ hội đền Vua Mai, nhân dân phấn khởi, háo hức chờ đợi các vở diễn về danh nhân Mai Thúc Loan qua nghệ thuật dân gian: ví, giặm, chèo và cải lương... Cũng qua hình tượng người anh hùng Mai Thúc Loan, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đình Bảo đã sáng tạo ra làn điệu tứ hoa độc đáo. Đó là sự kết hợp của 4 tứ làn điệu ví, giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo. Ông chia sẻ: Năm 1984, khi Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh dựng vở Mai Thúc Loan, đến trích đoạn Mai Thúc Loan bị tống giam để tìm ra một làn điệu có thể chuyển tải tâm trạng đau đớn chốn tù đày với nỗi nhớ nhung khắc khoải dồn nén trong giờ phút gặp mặt là câu hỏi khiến tôi quyết tìm bằng được. Vào một đêm, nằm nghĩ mãi, tôi bỗng ngồi dậy cầm lấy cây đàn ghi ta và rồi tự sáng tác nên lời hát... Đó là sự kết hợp của 4 tứ làn điệu ví, giặm, thơ trung và quân tử phu dịch trong chèo”. Làn điệu tứ hoa vừa có chất trữ tình của ví, giàu chất tự sự, kể lể, phân trần của giặm, thiết tha của thơ trung kết hợp với quân tử phu dịch dùng dằng, nhớ thương tạo nên những biến tấu trong dòng cảm xúc, diễn tả được từng cung bậc cảm xúc. Từ vở diễn dân ca ví, giặm về danh nhân Mai Thúc Loan, điệu tứ hoa ra đời đã diễn tả được nhiều trạng thái tình cảm và cũng từ đó được sử dụng rộng rãi vào các lớp kịch cao trào, có tình huống gay cấn hay yêu thương, giận hờn và tình cảm vợ chồng... Đến nay, làn điệu tứ hoa được xuất hiện hầu hết trong các vở kịch dân ca Nghệ - Tĩnh và được các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng nhiều người dân say mê.
Kết luận
Lễ hội đền Vua Mai diễn ra theo nghị trình chặt chẽ trong một không gian linh thiêng, là sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và tinh thần thượng võ được lưu truyền từ xưa đến nay. Nếu như phần lễ mang tính chất tín ngưỡng dân gian sâu sắc thì phần hội là các trò chơi dân gian và biểu diễn nghệ thuật vui nhộn, hấp dẫn, thu hút nhân dân khắp nơi về dự. Các hoạt động vui chơi giải trí, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được tổ chức trong lễ hội đền Vua Mai đều có lịch sử phát sinh, phát triển lâu đời cùng gắn với lễ hội đền Vua Mai nhằm suy tôn Mai Thúc Loan - người anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường lập nên quốc gia Vạn An độc lập cho nhân dân ta thời bấy giờ. Lễ hội đền Vua Mai cũng là dịp để các ngành nghề truyền thống của Nam Đàn có cơ hội quảng bá với du khách gần xa. Qua lễ hội đền Vua Mai, chúng ta được biết đến đời sống tinh thần phong phú của người dân vùng quê Nam Đàn, Nghệ An.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đổng Chi, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 1995.
2. Nhiều tác giả, Danh nhân Nghệ An, tập I, Nxb Nghệ An, 1998.
Ths NGUYỄN THANH HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022
Từ khóa » đền Mai Hắc đế
-
Khu Di Tích Lịch Sử, Nơi Thờ Phụng Vua Mai Hắc Đế, Thân Mẫu Và Vua ...
-
Du Lịch Lăng Mộ Mai Hắc Đế
-
Khám Phá Quần Thể Di Tích Vua Mai ở Huyện Nam Đàn - Báo Nghệ An
-
Đền Thờ Vua Mai Hắc Đế
-
Lễ Hội Mai Hắc Đế | Du Lịch Nam Đàn - Dulich24
-
Đền Thờ Vua Mai Hắc Đế - Wikimapia
-
Mai Hắc Đế – Wikipedia Tiếng Việt
-
Top 14 đền Mai Hắc đế
-
Top 15 đền Mai Hắc đế ở đâu
-
Đền Thờ Vua Mai Hắc Đế - Du Lịch Nghệ An
-
Lễ Hội Mai Hắc Đế - Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam
-
Nam Đàn (Nghệ An): Tổ Chức Lễ Đại Tế Vua Mai Hắc Đế | Văn Hóa
-
Đền Thờ Mai Hắc Đế
-
Khánh Thành đền Thờ Mai Hắc Đế | Tạp Chí điện Tử Thế Giới Di Sản
-
Đền Thờ Vua Mai Hắc Đế | Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Hà Tĩnh
-
Văn Hóa Đền Thờ, Quảng Trường Và Tượng đài Mai Hắc Đế