LỄ TẾ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT - Bàn Thờ

LỄ TẾ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Tế là nghi thức dâng lễ vật lên thần linh để tỏ lòng cung kính hay tưởng nhớ người đã khuất, thường đi đôi với việc báo tin hay kỷ niệm một sự kiện đặc biệt nào đó liên quan đến cõi vô hình.

Lễ tế thực chất là lễ cúng theo nghi thức long trọng, có cử hành âm nhạc của phường nhạc trong hành lễ.

Lễ tế lớn (đại tế) ở các làng gồm có lễ kì phúc, lễ “hiện hoá” (với các vị nhiên thần); lễ ngày “thần đản” (ngày sinh), “thần kị” (ngày mất - với các vị nhân thần) và hơn cả là ngày lễ tuyên sắc phong của các vị Hoàng đế. Đã có 3 nghi thức trở thành lệ:

Lễ dâng hương:

Dâng hương mở đầu vào cuộc tế thần. Đốt hương thường theo số lẻ từ 1 đến 3 hoặc 5 nén, đều là các số dương sinh.

Lễ dâng rượu.

Sau khi hương được đốt lên, rượu được rót ra, khi ấy khói hương, hơi rượu xông lên, là biểu tượng nối âm với dương, thời điểm âm dương giao hoà, thánh thần xuất hiện. Đây là khi các hoạt động tâm linh bắt đầu và thực sự thiêng liêng.

Lễ hiến sinh

Trong mỗi kỳ cúng tế, không có lễ vật bị coi là không thiêng liêng (vô vật bất linh). Thường trong cuộc tế, các lễ vật thường được tiến lên trước. Vị chủ lễ (ở đây là chủ tế) thường được dẫn lên xem xét gọi là “củ sát tế vật”.

Các tiến trình của cuộc tế

Lễ cáo yết (còn gọi là lễ cáo tế)

Là lễ trình với thần linh về việc dân làng sẽ tổ chức tế lễ sự thần. Thường vào buổi chiều hoặc buổi đêm trước ngày chính tế. Lễ thường chỉ có một tuần hương, một tuần rượu và sau đó là tuyên chúc văn, nói rõ lý do của cuộc đại tế.

Lễ chính tế:

Lễ tế vào ngày chính, ngày của công việc sự thần. Để có một cuộc tế, mỗi năm dân làng phải họp công đồng một ngày để bầu ra một ban tế, nhiệm kỳ là một năm, với các chức danh được bầu chọn.

Thiết chế của một lễ tế

Cổ thư đã có lời bình về lễ tế “Tế đắc chí kì nghiêm”, nghĩa là việc cúng tế phải hết sức nghiêm chỉnh, vì phần cúng tế phải cẩn thận thì hồn khí (phi vật thể) mới trở lên trời, hình phách (vật thể) mới trở về đất. Cho nên cúng tế là cầu ở lẽ âm dương, tức là sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố “lý” và “khí”, là sự kết hợp giữa hai hiện trạng văn hoá ứng xử: vật thể và phi vật thể. Bởi vậy, dù lễ tế được thực hiện ở đâu thì không gian thần điện ở đó cũng trở nên rất thiêng liêng, dù là thần điện có kiến trúc hoặc thần điện phi kiến trúc. Các đồ tự khí (đồ thờ) làm tăng vẻ huyền bí, làm rộn lên vẻ hoành tráng trong không gian thờ thần.

Khi muốn tổ chức một lễ tế, các làng thôn đều theo một mô hình chung đầy đủ để mời thần điện uy nghi như chốn cung đình, đó là sự bày biện đồ tự khí bao gồm:

Những thiết chế hạ tầng: Nghĩa là những cơ sở vật chất cần phải có:

- Các đồ tự khí:

Hai cái đẳng gỗ, đặt hai bên Đông xướng - Tây xướng có lọng che. Trên các đẳng gỗ bên Đông đặt cây đèn, bình hương, bình hoa, cái tam sơn đặt 3 đài rượu gọi là bàn “Đông bình”. Viên Đông xướng đứng xướng tế ở đây. Trống hiệu đặt bên dưới bàn đông bình.

Trên cái đẳng gỗ bên Tây đặt cây đèn, bình hoa, đĩa trầu cau gọi là bàn “Tây quả”. Viên Tây xướng đứng ở đây. Chiêng hiệu đặt bên Tây (bên chiêng, bên trống).

Hai cây đèn dùng để dẫn khi lên hương, lên rượu. Là biểu tượng của hai bầu tinh tú mặt trời, mặt trăng, ý nghĩa là “nhật nguyệt quang minh” - mặt trời, mặt trăng cùng sáng. Có thể làm bằng đồng, nhìn chung đều làm bằng gỗ mít.

Cái tam sơn đựng ba đài rượu dùng hiến tước 3 tuần, là biểu tượng của “tam tài” - thiên, địa, nhân.

Cái nậm rượu lễ đặt ở bàn Đông xướng.

Cây quán tẩy: Là cái giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay sạch sẽ khi vào hành tế. Cây quán tẩy ở một số di tích trong tỉnh đều là một công trình chạm khắc gỗ rất tinh xảo. Cây quán tẩy ở miếu Bà, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh được tạo trên một khúc gỗ tròn, chạm lộng thành hình cây “trúc hoá long”. Trên ngọn của cây trúc là hình một con chim phượng đậu lắt lẻo, đầu mỏ chúc xuống. Một chiếc lá sen xoè ngửa giữa thân cây trúc như một cái chậu nâng, mỏ con phượng chúc vào điểm giữa. Khi “quán tẩy” một viên chấp sự lấy bình rượu còn tinh khiết (chưa qua cúng lễ) hoặc một loại nước thơm đổ vào miệng lỗ thông từ lưng con phượng. Nước chảy qua ống dẫn xuống mỏ phượng, chảy xuống lá sen. Những quan viên tế thực hiện cuộc “quán tẩy” ở đó.

Lỗ bộ: Nói chung ở các di tích thờ tự tín ngưỡng đều có bộ “lỗ bộ”. Ngày có lễ tế thì đem trưng bày hai bên Đông - Tây xướng cho thêm phần uy nghi, hoành tráng.

Bảng chúc: Mộc bảng có dạng hình chữ nhật nằm ngang, đặt đứng nghiêng khoảng 100, trên cái giá đỡ là thân hai con ly đứng hai bên, mặt bảng ngửa về phía sau. Ngày tế lễ, bài văn chúc dán lên bảng chúc, lại có một miếng vải thêu hình hổ phù che lấy bài văn chúc, khi đọc mở ra, thể hiện sự tôn kính thần linh.

Ngoài ra còn một số đồ dùng khác như: Bốn chiếc chiếu cói mới dùng cho hành lễ, trải thành hàng dọc trước điện thần. Chủ tế và bồi tế thực hiện nghi lễ trên đó. Mỗi kỳ tế lại thay mới một lần cho tinh khiết.

Y phục của các quan viên tế:

Thường dùng trong vài hoặc mười năm thay mới một lần cho sang trọng, gồm có:

Chủ tế: Riêng một màu, thường là màu đỏ, vì đỏ thuộc hành hoả, phương vị ở phía Nam nóng ẩm, mọi vật sinh sôi. Tế lễ là cầu mong cho sự sinh sôi nên chủ tế nhiều làng mặc áo màu đỏ, có cân đai, bối tử.

Các viên bồi tế: Dùng chung một màu cho mũ áo, thường là màu tím.

Các viên chấp sự: Dùng chung một màu, thường là màu xanh lam.

Tất cả đều đội mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần màu trắng kiểu ống sớ, chân đi hia.

Thành phần ban tế

Chủ tế: Một người, còn gọi là mạnh bái, thứ bậc xã hội là hàng mệnh quan, thứ bậc tâm linh là vị con trưởng nhà Thánh. Về nhân thân, chủ tế là người được dân làng kén chọn kỹ càng nhất trong thành phần ban tế. Thường là bậc cao niên, khoẻ mạnh, vóc dáng phương phi, có chức sắc phẩm hàm, có học vị ngoài xã hội càng quý, gia đình song toàn, đông đúc, thê vinh, tử vượng. Các tiêu chí làng xã đều xếp bậc cao, gia đình có văn hoá.

Tục lệ làng Đồng Vệ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường (nay thuộc xã Đại Đồng) có điều khoản: “Viên chủ tế nghĩa là thay quyền diện cho cả dân làng, phải chọn cử viên Chánh tổng, Phó tổng, Hương hội. Chánh phó lý đương cựu, xuất đội hưu trí, có phẩm hàm, chồng vợ song toàn, con cháu hưng vượng và không cớ nế (như tang chế, “nhân thân bất túc”, khuyết tật...), biết nghi tự (cách thức cúng tế), trong nhà thanh cát, tỉnh hạnh cẩn khiết (cẩn thận, liêm khiết) thời cử làm chủ tế nhưng tiệc lệ mỗi ngày (tức mỗi năm) lại cử một viên”.

Làng Báo Văn, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc có tục lệ chọn chủ tế rất độc đáo. Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm có lệ “đánh đáo đá” chọn chủ tế. Các hòn đá này thường ngày đặt thờ trên thần điện. Nội dung: Tại sân đền, đào một cái hố dài, dưới đáy hố cắm hai cây cọc, đầu cọc nhô lên miệng hố khoảng 20cm. Có 8 viên đá hình tròn dẹt được mài nhẵn dùng làm hòn đáo. Chọn 6 người trong làng tuổi từ 50 trở lên không kể có chức sắc hay dân thường, miễn là chồng vợ song toàn, thê vinh tử vượng vào ném đá. Mỗi người được ném hai lần. Ai ném đá trúng vào thân cây cọc, hòn đá lăn xuống vào tờ giấy điều trải dưới chân cọc là được. Người được chọn làm chủ tế là người có hòn đá sát chân cọc nhất.

Đó là một nghi thức có gốc gác xa xưa từ tín ngưỡng thờ đá, một tín ngưỡng nguyên thuỷ đi vào cuộc sống.

Nói chung, vị chủ tế là phản ánh cao nhất về nét đẹp văn hoá của cộng đồng làng.

Bồi tế: 4 người

Là người đứng giúp chủ tế, đứng hàng chiếu dưới của chủ tế và trông theo người chủ tế mà làm lễ, lễ theo chủ tế. Thường bầu hai bồi tế, tối đa là bốn bồi tế đều thuộc hàng số chẵn. Các vị tế quan: Giúp việc trong cuộc tế.

Nội tán: Có hai người. Một người đứng đằng Đông, một người đứng đằng Tây để dẫn người chủ tế ra vào khi hành lễ và trợ xướng khi chủ tế vào chiếu trong (chiếu nghinh thần), chuyển chúc.

Đông xướng: 1 người. Người này đứng ở bàn bên Đông, ngang với chiếu phục vị làm phận sự xướng tế, điều hành cuộc tế theo nghi thức có trong bài tế đã định sẵn.

Bàn có lọng che, người Đông xướng đứng dưới lọng. Trên bàn bày đèn hương, bình rượu tế, cái đẳng rượu, trong đài đựng các chén rượu, nên bàn Đông xướng còn gọi là “Đông bình”.

Tây xướng: Người này đứng ở bàn bên Tây đối xứng với bàn Đông xướng cũng làm phận sự xướng tế, phụ giúp cho người Đông xướng.

Bàn có lọng che, trên bàn bày cây đèn, đĩa trầu cau nên còn gọi là “Tây quả”. Người Tây xướng đứng dưới lọng.

Chấp sự: Là người giúp việc ở hai bàn Đông - Tây xướng, chia đứng hai bên, mỗi bên ba người, giúp việc dâng hương, dâng rượu.

Thủ hiệu:

Bên trống: Điều hành cuộc tế bằng trống cái.

Bên chiêng: Điều hành theo lệnh của trống cái.

Đọc chúc: 1 người. Người này được kén là người thông văn tự vì phải đọc bài văn tế bằng nguyên bản chữ Hán Việt theo âm điệu, có giọng đọc sang sảng vang xa, gây truyền cảm và xúc động.

Đoàn tế có các thành phần như thế này được gọi là đoàn tế đủ, đủ thành phần hoặc tế kép, chữ kép với ý nghĩa có cấu tạo một thành phần theo cấu trúc âm dương bên nhau và đối xứng qua một đường giả tưởng - đường thần đạo.

Ngày nay, trong các buổi tế thần (kể cả cuộc rước) ở nhiều làng, ngoài sự hiện diện của các nhạc công cử nhạc lễ còn có đội nữ múa sinh tiền phụ hoạ sau vị chủ tế, đã có vai trò quan trọng trong nghi lễ, tạo thành một lớp diễn xướng rầm rộ, giữ vai trò trung gian giao cảm giữa thế giới trần tục và thế giới thần linh qua chính sự hoá trang y phục sặc sỡ cùng các động tác diễn uốn của mình, qua sức lôi cuốn của âm nhạc hợp vào toàn thể không khí sinh hoạt của hội lễ.

Chiếu tế

Khi vào cuộc tế, trải 4 chiếc chiếu theo hàng dọc trước thần điện:

Chiếu thứ nhất: Gọi là chiếu “nghinh thần”, chiếu giành riêng chỉ khi làm lễ nghinh thần, đọc chúc, vị chủ lễ đứng hiến lễ ở đây.

Chiếu thứ hai: Gọi là chiếu “thụ tộ” tức là nơi chủ tế lên hưởng lộc của thần thánh ban cho (uống rượu tế, ăn miếng trầu cau đã tế lễ).

Chiếu thứ ba: Gọi là chiếu “phục vị”, hay chiếu “tế chủ” là chiếu giành riêng cho chủ tế trở về (điểm xuất phát).

Chiếu thứ tư: Gọi là chiếu “Bồi tế”, chiếu giành riêng cho các vị bồi tế hành lễ.

Các chiếu này chỉ dùng một lần nên đều là đồ mới tinh khiết.

Âm nhạc dùng trong lễ tế

Một cuộc tế nghi thức được coi là hoành tráng thể hiện trong sự trưng bày, bày biện các đồ tự khí như lỗ bộ, cờ lọng,... Ngoài ra nó còn long trọng ở sự hành tế (nghi thức lên xuống, diễn xướng của các thành phần ban tế), trong đó âm nhạc tế được dùng theo một quy chế nhất định, có thể thức với thiết chế “lên âm”, “xuống nhạc”. “Lên” là khi dâng hương, hiến lễ. “Xuống” là trở về vị trí khi công việc hoàn thành.

Các loại âm nhạc dùng có tính chất lễ nghi, thờ cúng trong việc tế lễ nơi đền miếu đều thuộc phạm trù nhạc lễ.

- Bộ gõ: Các loại trống, chiêng, sinh tiền (3 loại nhạc cụ). Sênh tiền dùng trong lễ tế (cả lễ rước kiệu) là để điểm nhịp trong hành lễ, múa theo vị chủ tế hoặc các viên chấp sự lên hương, lên rượu.

- Bộ hơi: Kèn và sáo.

Trong một cuộc tế thường sử dụng 2 bài nhạc:

- Bài “Lưu thuỷ” dùng khi tiến tước, gọi là “lên âm”.

- Bài “Ngũ đối” dùng khi tiến tước hoàn thành, gọi là “xuống nhạc”.

Bài xướng tế và công cuộc hành tế

Là thể thức thực hiện một cuộc tế. Bài này dùng chung cho các cuộc tế ở các di tích miếu, đền, đình, từ đường dòng họ.

Khởi sự là một vị trong ban tế rung lên 3 hồi trống (trống cái), chiêng, trống chiêng cùng rung lên, tiếng trống trước, chiêng sau - cặp đôi). Tiếp sau, người Đông xướng cất giọng xướng lên: “Khởi chinh cổ” (nổi chiêng trống).

Hai viên chấp sự làm phận sự của thủ hiệu (đánh trống - chiêng cầm hiệu lệnh dẫn tế) đứng ở hai bàn Đông - Tây, đi vào chỗ đặt giá trống, giá chiêng. Một người đánh 3 hồi trống, một người đánh 3 hồi chiêng, rồi mỗi bên đánh thêm 3 tiếng nữa, đoạn vái đi ra.

Người Đông xướng lại xướng: “Nhạc sinh tựu vị”: Phường nhạc bát âm nổi lên và đồng văn đánh trống.

Người Đông xướng xướng tiếp: “Củ sát tế vật”: Một vị chấp sự bưng cây đèn dẫn chủ tế từ bàn Đông xướng đi lên theo hướng Đông, đến bên bàn để tế vật, xem xét lại đồ lễ có đầy đủ, tinh khiết hay không rồi trở về theo bên Tây gọi là “thăng Đông”, “giáng Tây”.

Tiếp đó người Đông xướng xướng tiếp: “ế mao huyết”: Một người chấp sự cầm cái đĩa đựng một ít huyết và mấy sợi lông của con vật tế đặt lên bàn Tây xướng đem đổ đi. Việc này là để chứng tỏ việc hiến sinh thực sự tươi sống, tinh khiết.

Đông xướng xướng tiếp: “Chấp sự giả các ti kỳ sự”. Các người chấp sự ai phụ trách việc gì phải chăm chú để giữ việc ấy.

Đông xướng: “Tế chủ dữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở”. Người chủ tế và các chấp sự đều đến cả chỗ cạnh hương án bàn Đông xướng có một cây quán tẩy đặt cái chậu nước và treo một cái khăn sạch.

Đông xướng - xướng: “Quán tẩy”. Người tế chủ đưa tay vào chậu nước rửa, rửa tay trước, các chấp sự làm theo.

Đông xướng - xướng: “Thuế cân”. Người tế chủ lấy khăn lau tay trước, các chấp sự làm theo.

Đông xướng - xướng: “Bồi tế viên tựu vị”: Các vị bồi tế bước vào đứng ở chiếu thứ 4 (chiếu dưới cùng).

Đông xướng - xướng: “Chủ tế viên tựu vị”. Chủ tế bước vào chiếu của mình, chiếu “phục vị” (thứ 3), đi vào từ phương Đông, tiến lên chiếu theo hình chữ “ất” gọi là “nhập ất”.Cùng lúc đó, các chấp sự viên cũng về đúng chỗ của mình. Đến đây, cuộc hành lễ bắt đầu.

Đông xướng - xướng: “Thượng hương”: Hai người chấp sự, một người bưng lư hương, một người bưng hộp trầm (hoặc lấy hương theo số nén lẻ 3 hoặc 5) đem đến trước mặt tế chủ. Tế chủ bỏ trầm vào lư hương đốt rồi cầm lư hương án trước điện vái.

Đông xướng - xướng: “Nghinh thần cúc cùng bái”. Chủ tế theo 2 viên nội tán (theo sau viên bên Đông) dẫn lên chiếu thứ nhất quỳ xuống, các viên bồi tế quỳ theo. (Khi bước đi cũng theo nghi thức riêng gọi là “xuất á” - “nhập ất” . “Xuất á” là khi trong chiếu bước ra thì đi thẳng rồi rẽ sang bên tay trái, quay một góc 90 độ để không lúc nào quay đằng lưng vào chính giữa ban thờ. Sau khi quay rồi mới đi thẳng vào chiếu thứ nhất theo lối “nhập ất”).

Trong khi ấy các viên chấp sự hai bên bàn Đông - Tây cử hành dâng hương vào thượng điện theo nhịp trống khẩu điều hành và bài nhạc lễ “lưu thuỷ” (gọi là “lên âm”).

Khi đoàn chấp sự hoàn thành việc dâng hương trở về bàn của mình thì bên Tây xướng - xướng: “Hưng” - Tế chủ và bồi tế đứng cả dậy; Đông xướng - xướng: “Bái” - Tế chủ và bồi tế quỳ xuống lễ; Tây xướng - xướng: “Hưng” - Tế chủ và bồi lễ lại đứng lên. Cứ như thế cho đến khi lễ xong 4 lễ (4 lễ nghinh thần).

Đông xướng - xướng: “Bình thân” - Tế chủ và bồi tế đứng ngay người cho nghiêm.

Đông xướng - xướng: “Phục vị” - Tế chủ quay về chiếu của mình (chiếu thứ 3).

Cuộc dâng hương kết thúc. Sang tuần dâng rượu. Đông xướng - xướng: “Hành sơ hiến lễ” (lễ dâng rượu lần đầu). Người nội tán xướng: “Nghệ tửu tôn sở tử tôn gia cử mịch”. Tế chủ đi ra án để rượu, người chấp sự mở miếng vải đỏ phủ trên mâm đài ra.

Đông xướng - xướng: “Chước tửu” - Rượu được vị chủ tế rót ra các đài. Lại xướng tiếp: “Nghệ đại vương thần vị tiền” - Hai người nội tán dẫn tế chủ lên chiếu nhất.

Nội tán xướng: “Quỵ” - Tế chủ và bồi tế quỳ cả xuống.

Đông xướng - xướng: “Tiến tước” - Một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ - Tế chủ bưng đài rượu vái một vái rồi giao trả người chấp sự.

Đông xướng - xướng: “Hiến tước” - Các người chấp sự dâng rượu đi hai bên, hai tay nâng đài rượu đi vào nội điện xong trở ra.

Đông xướng - xướng: “Hưng” - Chủ tế và bồi tế cùng phục xuống lễ một lễ rồi đứng dậy.

Lại xướng: “Bình thân” - Chủ tế và bồi tế sửa mình cho ngay ngắn.

Đông xướng - xướng: “Phục vị” - Chủ tế đi về chiếu của mình (chiếu thứ 3). Lại xướng: “Đọc chúc” - Hai người chấp sự vào trong nội điện kính cẩn bưng bài văn tế dán trên bảng chúc ra.

Người nội tán xướng: “Nghệ đọc chúc vị” - Hai người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất.

Đông xướng - xướng: “Quỵ” - Chủ tế, bồi tế, hai người bưng chúc đọc chúc, đều quỳ xuống.

Đông xướng - xướng: “Chuyển chúc” - Người bưng chúc trao bảng văn cho tế chủ. Tế chủ cầm lấy vái một vái rồi trao cho người đọc chúc. Lại xướng: “Đọc chúc” - Người đọc chúc lần này cất cao giọng đọc bài văn tế.

Tuỳ mỗi làng thờ vị thần nào hoặc tế lễ về nội dung nào thì nội dung lời chúc tuyên về vị thần đó và ngày lễ đó.

Đọc xong văn tế, chủ tế lạy hai lạy rồi lui ra chiếu của mình theo trình tự: hưng, bái, bình thân, phục vị do người Đông xướng điều hành.

Sau đó lại xướng lễ trở lại để dâng hai tuần rượu nữa. Tuần thứ nhất gọi là “á hiến lễ” Tuần thứ hai gọi là “chung hiến lễ”. Sau 3 tuần “hiến tước” (dâng rượu), phần chính yếu của lễ hiến tế đã xong.

Đến phần thụ hưởng của chủ tế. Đông xướng - xướng: “ẩm phúc” - Hai người nội tán vào nội điện bưng ra một chén rượu và một khay trầu cau cúng tế.

Đông xướng - xướng: “Nghệ ẩm phúc vị” - Người chủ tế đi ra bước lên chiếu thứ 2 (chiếu “thụ tộ”).

Lại xướng: “Quỵ” - Tế chủ quỳ xuống, hai người nội tán đưa hai chén rượu, khay trầu cho tế chủ.

Lại xướng: “ẩm phúc” - Tế chủ bưng lấy chén rượu vái một vái, rồi lấy tay áo thụng che miệng uống một hơi hết ngay.

Lại xướng: “Thụ tộ” - Tế chủ bưng khay trầu vái một vái rồi ăn một miếng.

Rượu và trầu là thần linh ban cho tế chủ, tế chủ phải hưởng ngay trước thần điện mới là cung kính. Cũng từ đó lễ vật hiến tế mới trở nên rất thiêng liêng, gọi là “lộc thánh”. Phần lộc này sau tế dân làng được “quân huệ” (chia nhau hưởng) gọi là “thừa thần chi dư” (lấy phần thừa của thần thánh). Sau đó tế chủ lễ rồi lui ra chiếu của mình.

Đông xướng - xướng: “Tạ lễ cúc cung bái” - Tế chủ cùng bồi tế cùng lạy tạ 4 lạy theo điều hành của các vị Đông xướng - Tây xướng: Hưng, bái, bình thân. Đến đây kết thúc phần lễ tế của chủ tế, bồi tế.

Đông xướng - xướng: “Phần chúc” - Viên nội tán đem tờ văn chúc đốt đi. Lại xướng: “Lễ tất” - Mọi người trong ban tri lễ vào làm lễ 4 lễ, lễ xong đến phường nhạc.

Đến nhân dân vào làm lễ theo thứ tự tuổi tác, giới tính. Xưa kia chỉ có nam giới, nay nam nữ đều bình đẳng.

Bài văn tế

Trong lễ tế, bài văn tế là hồn của nội dung tế lễ. Xét về văn bản các bài đều được soạn theo một thể nhất định gọi là văn thức. Thường làng nào có di tích thờ cúng thần thánh đều có tập văn thức dùng cho các ngày tứ quý sự thần của làng mình. Tác giả của các bài văn này đều do các vị túc Nho trong làng biên soạn và được thông qua tập thể các chức sắc và hội Tư văn trong làng, dùng làm tư liệu không thay đổi. Cao hơn nữa, có làng đã mời các bậc đỗ đại khoa (tiến sỹ Nho học) hoặc các vị có chức danh quan trường biên soạn cho sang trọng như: Bài văn tế Tiên hiền làng Tiên Lữ, huyện Lập Thạch do quan Thượng Bồ Tỉnh soạn. Bài văn hoàng trùng (sâu cắn lúa) làng Lý Hải, huyện Bình Xuyên do tiến sỹ Nguyễn Duy Tường soạn. Tập văn tế làng Can Bi, huyện Bình Xuyên do tiến sĩ Ngô Văn Độ soạn...

Về lễ thức, một bài văn tế có 4 phần:

Phần một: Xưng hoàng hiệu nhà vua (quốc hiệu của nước). Ngày... tháng... năm... tế lễ theo kiển sóc can chi (ngày, tháng, năm âm lịch). Địa danh tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, làng, thôn sở tại.

Phần hai: Xưng chức danh của chủ tế, thành phần dự tế. Liệt kê các lễ vật dâng tế.

Phần ba: Khấn đến danh hiệu, huý hiệu các vị tôn thần được mời về dự lễ tế.

Phần bốn: Phần tuyên chúc văn là phần tôn vinh các vị thần gồm chỉ có 4 câu gọi là câu chúc, dùng theo thể phú. Đặt sau hai chữ “cung duy” nghĩa là “kính nhớ”.

Câu 1: Nêu xuất xứ, đức độ của thần.

Câu 2: Nêu công ơn sâu rộng của thần với nước, với dân.

Câu 3: Nêu rõ lòng ngưỡng mộ của làng với thần.

Câu 4: Kính cẩn cầu mong thần chứng giám lễ vật và ngầm giúp đỡ dân làng yên lành, thịnh vượng.

Cuối cùng là chữ “cẩn cáo”. Nghĩa là cung kính xin phép (cho hết). Đọc xong là “phần chúc” (đốt bài văn tế).

Bởi thế mỗi kỳ tế tiệc lại phải viết bài văn mới cho hợp với thời gian, lễ vật, họ tên, chủ tế và các thành phần tế. Trong đó, phần chúc văn là cốt lõi, biền ngẫu và đối nhau.

Các ngày lễ có tế trong năm

Thông thường các di tích thờ cúng có các ngày lễ tế sau đây:

Lễ thần đản: Tế ngày sinh của thần.

Lễ thần kỵ: Tế ngày giỗ (ngày mất) của thần (với các vị là nhân thần).

Lễ ngày thần hiện.

Lễ ngày thần giáng

Lễ ngày hiển thần: Thần ứng trong mộng (với các vị là nhiên thần).

Đây đều là các lễ chính. Ngoài ra, còn có các ngày lễ khác nữa./.

Từ khóa » Sơ Hiến Lễ