Lẹo Mắt: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • Lẹo mắt là bệnh gì?
  • Nguyên nhân bị lẹo mắt
  • Có những phương pháp nào điều trị lẹo mắt?
  • Lẹo mắt có lây không?
  • Lẹo mắt có ảnh hưởng đến thị lực của bạn không?
  • Phòng ngừa lẹo mắt như thế nào?

Lẹo mắt là một trong những bệnh lí mắt thường gặp. Nó thường trông giống như một đốm nhỏ giống mủ màu vàng trên mép mí mắt. Tuy lẹo mắt có thể làm bạn đau đớn và khó chịu, nhưng hầu hết bệnh đều tự khỏi và không cần điều trị thêm thuốc.

Lẹo mắt là bệnh gì?

Đây là một tình trạng nhiễm trùng nhỏ của khu vực mà lông mi được gắn vào mắt. Lẹo mắt trông giống như một vết sưng đỏ ở gốc lông mi, ấn mềm.

Lẹo mắt thường tiến triển khá nhanh trong vài ngày. Thông thường chỉ có một mắt bị ảnh hưởng. Đôi khi bạn có thể mọc nhiều lẹo ở một bên mắt cùng một lúc. Có hai vị trí mọc lẹo mắt: lẹo mắt ở bên ngoài mi mắt (loại phổ biến) và lẹo mắt ở bên trong mi mắt.

Lẹo mắt ở ngoài mi mắt

Là tình trạng lẹo mắt xuất hiện dọc theo mép của mi mắt, do nhiễm trùng ở gốc của lông mi. Có thể ban đầu bạn chỉ thấy mi mắt có một mụn nhỏ sưng đỏ nhẹ. Sau vài ngày, khi hình thành mủ màu vàng, vùng mi mắt xung quanh sẽ đỏ, sưng và đau.

Lẹo mắt ở ngoài mi mắt
Lẹo mắt ở ngoài mi mắt

Lẹo mắt ở trong mi mắt

Khi tuyến meibomian là thành phần cấu tạo của mi mắt bị nhiễm trùng, bạn sẽ thấy lẹo mắt ở trong mi mắt. Từ bên ngoài, nó chỉ nhìn thấy như một khối sưng. Nhiễm trùng bên trong mi mắt có thể gây đau và khiến bạn cảm thấy như có dị vật trong mắt.

lẹo mắt 2
Lẹo mắt ở trong mi mắt

Nguyên nhân bị lẹo mắt

Hầu hết trường hợp lẹo mắt thường xảy ra mà không có lý do rõ ràng.

Ngoài ra, có thể do loại vi khuẩn thường gây nhiễm trùng là Staphylococcus aureus. Đó là vi khuẩn phổ biến thường được tìm thấy trên làn da khỏe mạnh. Ở điều kiện bình thường, nó không có hại cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể xâm nhập vào da và gây ra các bệnh nhiễm trùng mụn mủ, ổ áp xe.

Nếu bạn có dấu hiệu viêm mí mắt như mi mắt bị sưng, khô và ngứa, tình trạng này có thể tiến triển thành lẹo mắt sau đó.

Có những phương pháp nào điều trị lẹo mắt?

Lẹo mắt thường không cần điều trị mà có thể tự lành. Lẹo mắt với mụn mủ thường vỡ trong vòng 3-4 ngày.

1. Chườm nóng

Chườm nóng có thể giúp giảm đau nhức và đẩy nhanh tốc độ tống mủ ra ngoài. Bạn có thể lấy một khăn sạch nhúng vào nước nóng và vắt khô. Sau đó, nhẹ nhàng đặt lên mắt trong 5-10 phút, 3-4 lần một ngày. Trong lúc chườm nóng, lẹo mắt có thể đột ngột vỡ ra. Tuy nhiên bạn đừng cố gắng tự nặn vỡ nó. Hành động này khiến mắt tồi tệ hơn vì làm tổn thương mí mắt mỏng manh và lây nhiễm nhiều.

2. Nhổ lông mi

Nếu bạn bị lẹo mắt ở bên ngoài mi mắt, có thể bác sĩ cần phải nhổ lông mi. Mặc dù việc này gây khó chịu cho bạn trong một thời gian ngắn, nhưng có thể giúp cải thiện nhiễm trùng vì mủ được thoát ra ngoài.

3. Rạch thoát mủ ở lẹo mắt bên ngoài

Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm vô trùng (hoặc dao mổ) để rạch thoát mủ ở lẹo mắt ở ngoài mi mắt. Bạn không nên tự mình điều này ở nhà, vì có thể lây nhiễm sang mắt còn lại hay làm nặng hơn ở mắt đang bệnh.

4. Rạch thoát mủ ở lẹo mắt bên trong

Nếu có lẹo mắt bên trong mi mắt, bạn sẽ cần thuốc gây tê mí mắt. Mắt phải được lật từ trong ra ngoài để bộc lộ vị trí lẹo mắt trước khi rạch thoát mủ. Sau thủ thuật này, bạn cần phải dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt để điều trị nhiễm trùng.

Lẹo mắt có lây không?

Lẹo mắt rất dễ lây lan nếu như bạn không có những biện pháp điều trị an toàn. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, bạn nên:

  • Không dùng khăn với bất cứ ai.
  • Luôn rửa tay sau khi chạm vào mí mắt.
  • Tránh trang điểm mắt hoặc đeo kính áp tròng cho đến khi nhiễm trùng đã ổn định.

Lẹo mắt có ảnh hưởng đến thị lực của bạn không?

Lẹo mắt thường tự lành và không ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Đôi khi, lẹo mắt không biến mất và có thể hình thành một nang nhỏ do tuyến meibomian bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, bạn sẽ mắt không đỏ và không đau.

Rất hiếm khi nhiễm trùng có thể lan rộng hết bề mặt của mắt gây viêm kết mạc. Đó là tình trạng mắt đỏ, sưng đau, ngứa rát và tiết nhiều dịch vàng. Lúc này, thuốc nhỏ mắt kháng sinh là cần thiết để tránh lan rộng nhiễm trùng và hạn chế tái phát.

Phòng ngừa lẹo mắt như thế nào?

Để phòng ngừa lẹo mắt, cần giữ vệ sinh mắt và bờ mi, nhất là khi tiếp xúc vơi môi trường ô nhiễm. Bạn nên rửa mi mắt với nước muối sinh lý. Ngoài ra, cần kết hợp chườm ấm và massage mắt hằng ngày.

Không tự ý chữa lẹo mắt bằng cách nặn mủ, đắp lá, nhỏ thuốc mà chưa có chỉ định của Bác sĩ vì dễ làm tổn thương lan rộng, kéo dài và tái phát nhiều lần.

Bảo vệ mắt khỏi khói bụi bằng cách đeo kính mỗi khi ra ngoài hay trong môi trường ô nhiễm.

Hạn chế dùng mỹ phẩm và phấn trang điểm mắt.

Rửa tay thường xuyên và luôn để tay xa khỏi tầm mắt của bạn. Đặc biệt khi chăm sóc một người bị lẹo mắt hay đang có bệnh lí nhiễm trùng khác.

Các biện pháp điều trị lẹo mắt
Các biện pháp điều trị lẹo mắt

Lẹo mắt không phải là một bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, lẹo mắt nếu không phát hiện sớm, có thể cần phải can thiệp bằng cách rạch thoát mủ. Vì vậy, bạn nên đến khám Bác sĩ chuyên khoa mắt ngay từ khi có dấu hiệu bất thường ở mắt để được chẩn đoán và tư vấn về cách chăm sóc mắt an toàn.

Từ khóa » Cách Phòng Tránh Bệnh Lẹo