Lịch Sử Hình Thành Và Phát Triển Của Một Ngôi Trường | Xứ Nẫu
Có thể bạn quan tâm
Ngày 4/9/2011 tại thành phố Quy Nhơn sẽ diễn ra lể kỷ niệm 90 năm thành lập trường Cường Để-Quốc Học,nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu chuyên luận khảo cứu công phu của bạn Võ Xuân Đào cựu học sinh Cường Để niên khóa 68/75 về Lịch sử hình thành và phát triển của trường.
Ở miền Nam trước đây, khi đề cập đến chuyện học, dù cho người ấy không biết hay chưa đặt chân đến địa phương đó cũng có thể nói ngay tên trường; hoặc ngược lại, chỉ cần nói là học trò trường nào, người đối diện sẽ nói rõ địa phương mà trường đó trú đóng, không cần phải cụ thể là học sinh trường nào, ở đâu; chẳng hạn chỉ cần nói là nữ sinh Gia Long hay nam sinh Pétrus Ký, người ta biết đó là Sài Gòn; Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân họ liên tưởng đến Đà Lạt; nói đến Huế, người ta biết Quốc Học hoặc Đồng Khánh; đề cập đến Quãng Ngãi, người ta nghĩ đến trường Trần Quốc Tuấn; nói trường Phan Chu Trinh, họ sẽ bảo đó là Đà Nẵng; nói trường Tăng Bạt Hổ, họ sẽ nghĩ ngay đến Bồng Sơn (Hoài Nhơn – Bình Định); nói đến Qui Nhơn họ đề cập đến trường Cường Để hoặc Nữ trung học Ngô Chi Lan … không một chút nhầm lẫn về tên trường hay địa phương. Vì sao vậy? Có sự liên tưởng lô – gíc như vậy, theo chúng tôi, đó là vì:
1) Địa phương đó có những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng hoặc gắn với phong trào lịch sử mà ai cũng biết (chẳng hạn Đà Lạt có thác Prenn, Huế là cố đô triều Nguyễn, Quãng Ngãi có Thiên bút phê vân (bút vẽ trời mây), Thiên ấn niêm hà (Ấn trời đóng trên sông), Cổ Lũy cô thôn…, Qui Nhơn có những tháp Chàm cổ kính, là nơi có những nhà thơ tiền chiến nổi tiếng v.v…),
2) Tên trường là tên các danh nhân lịch sử của các triều đại hoặc tên của những chí sĩ cách mạng, và nó không trùng lắp với tên trường ở một địa phương khác,
3) Trong quá trình làm nhiệm vụ giáo dục của mình, trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh ưu tú (trong các kỳ thi trung học đệ nhất cấp, Tú tài 1, Tú tài 2… luôn có tỷ lệ và thứ hạng cao), những người không chỉ làm rạng danh ngôi trường mình theo học, địa phương mình sinh sống mà làm sáng ngời cả non song đất nước
khắp nơi trên thế giới,
4) Trường có nhiều thầy, cô giỏi, dạy hay bằng cả tâm huyết của mình, không chỉ truyền dạy cho học sinh kiến thức mà cả kỹ năng sống ở đời.
Để giúp các bạn có được những nét cơ bản nhất trong quá trình hình thành và phát triển của mái trường mình đã theo học trong những năm tháng ấu thơ, một ngôi trường mà chỉ cần nói hai tiếng Cường Để, người ta nghĩ đến Qui Nhơn hoặc ngược lại nói đến Qui Nhơn, người ta nghĩ ngay đến trường Cường Để
Võ Xuân Đào
Bài viết này không phải là một chuyên đề tìm hiểu, nghiên cứu về giáo dục của miền Nam trước 30/4/1975 nói chung hay triết lý giáo dục nói riêng nhằm tụng ca hay chê trách một định chế giáo dục nào, mà chỉ là sự tổng hợp lại những tư liệu, bài viết về quá trình hình thành và phát triển của trường Trung học Cường Để đã được đăng rải rác trong một số báo chí, đặc san. Song, để chúng ta có một cái nhìn khái quát về nền giáo dục của miền Nam trước đây mà mỗi một người trong chúng ta đã “gọt giũa” trong định hướng giáo dục đó suốt 12 năm (từ lớp 1 đến lớp 12) và tự hào hơn nữa được là học sinh của ngôi trường thân yêu “Cường Để – Quy Nhơn”, xin được khái quát về triết lý và mục tiêu giáo dục của miền Nam trước 30/4/1975 trước khi đi vào nội dung chính.
Triết lý giáo dục
Trên thế giới, mỗi một quốc gia, một chế độ sau khi hoàn thành việc lập quốc đều xây dựng triết lý giáo dục để làm kim chỉ nam cho những hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo con người, kiến tạo và phát triển đất nước mình; Việt Nam ta cũng không ra ngoài quy luật ấy. Và nếu thời phong kiến, giáo dục của Việt Nam lấy: NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN làm kim chỉ nam cho nền giáo dục của quốc gia để đào tạo con người sống và hành xử mọi việc theo nền tảng “Quân, Sư, Phụ” của Khổng tử, Lão tử và Nho gia; thời Hoàng đế Bảo Đại tại vị, với chương trình giáo dục do Phạm Quỳnh đưa ra định hướng ĐỨC DỤC – THỂ DỤC – TRÍ DỤC, mục tiêu để đào tạo con người có nhân cách trong một thân xác khỏe mạnh và một trí tuệ minh mẫn sống hài hòa trong tình tự dân tộc; thì, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam – còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời thủ tướng Trần Trọng Kim) – được đem ra áp dụng ở miền Bắc và miền Trung, nền giáo dục Việt Nam chuyển hướng rộng rãi và phổ quát trong toàn xã hội với triết lý DÂN TỘC – KHOA HỌC – ĐẠI CHÚNG. Định hướng giáo dục này nhằm phổ cập đến toàn dân lòng ái quốc, tình yêu quê hương đất nước với phương châm: “Học sinh trường ta ngày nay là dân Việt Nam ngày mai”, theo đó tính Dân tộc là một giá trị trường tồn và nó phải được bảo vệ bằng mọi giá để chống lại ảnh hưởng ngoại lai hầu bảo tồn nên Văn Hóa Dân Tộc và đồng thời duy trì bản sắc Việt tộc của mình (1). Riêng miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950 (2). Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt làm hai, từ vĩ tuyến 17 trở ra thuộc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, triết lý giáo dục của chính quyền miền Nam được hình thành tại đại hội giáo dục toàn quốc năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, dựa trên ba nguyên tắc: NHÂN BẢN – DÂN TỘC – KHAI PHÓNG (tại đại hội quốc gia giáo dục lần thứ II năm 1964 dưới thời đệ nhị cộng hòa, triết lý giáo dục này được tái xác nhận) làm kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động giáo dục của mình cho đến 30/4/1975.
- Nhân bản (humanistic): giáo dục coi con người là cứu cánh, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản.
- Dân tộc (nationalistic): giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia, phù hợp với văn hóa, phong tục, đạo đức Việt Nam.
- Khai phóng (liberal): giáo dục theo phương pháp khoa học, nội dung khoa học, theo đà tiến bộ của nhân loại và tôn trọng giá trị các quốc gia khác (3),(4).
Từ những nguyên tắc căn bản trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề ra những mục tiêu chính cho nền giáo dục của mình, đó là:
- Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cáchvà giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.
- Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực và tự lập.
- Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.(5)
Những mục tiêu ấy được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại?
Sự hình thành và phát triển của một ngôi trường.
Từ chuyện học hành
BUỔI BAN ĐẦU: trường Pháp – Việt
Kể từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã thiết lập một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc Việt Nam cũng như cả Lào và Cao Miên (Campuchia). Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một vài sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, trong đó tiếng Pháp là ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ (6). Và nhằm mục đích “truyền bá, mở mang và phát triển văn hóa mẫu quốc đến các nước thuộc địa” (thực chất chủ tâm của người Pháp là muốn cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Trung Quốc vì họ nhìn thấy quá khứ Việt Nam nặng về Hán học; mục đích chính là hướng tinh thần người Việt về với Pháp, chữ Hán cũng như chữ Nôm cần phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, và cũng để đào tạo lớp công chức làm việc cho bộ máy cai trị của chính phủ Pháp cùng chính phủ bảo hộ Nam triều) chính phủ Pháp đã cho thành lập các trường học trên khắp ba miền Nam – Trung – Bắc của đất nước ta. Cụ thể, ở Nam kỳ có trường Collège Indigène (trung học bản xứ), sau đổi thành Collège Chasseloup Laubat là tiền thân của Trường Trung học Lê Quí Đôn được chính phủ Pháp cho thành lập vào năm 1874, Collège de Mỹ Tho (sau này đổi thành Trung học Nguyễn Đình Chiểu) thành lập vào năm 1879, trường Nữ sinh Gia Long, nay là phổ thông trung học Nguyễn Thị Minh Khai được thành lập vào năm 1913, trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong) được đưa vào hoạt động năm 1927; ở Bắc kỳ có trường Bưởi (nay là phổ thông trung học Chu Văn An) được thành lập vào năm 1908; thì ở Trung kỳ, có trường Quốc học Huế được thành lập vào năm 1896, trường Nữ sinh Đồng Khánh (Huế) được thành lập vào năm 1917, đến năm 1920 chính phủ Pháp cho thành lập trường Collège de Vinh (sau này đổi thành Quốc học Vinh) và năm 1921 thì Ecole Elémentaire Franco – Annamite Cours Complémentaire tiền thân của trường Trung học Cường Để sau này và trường Quốc học Qui Nhơn hiện nay được hình thành. Còn các trường khác như trường Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng mãi đến năm 1952 mới được thành lập, Trung học Võ Tánh tại Nha Trang được ra đời vào năm 1953.
Tháng 9 năm 1921, trường Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire (trường tiểu học Pháp – Việt) tại Qui Nhơn được thành lập và đóng tại khu vực trường nữ học, sau này là Trường tiểu học Ấu Triệu (nay là trường tiểu học Lê Lợi) ở đầu đường Tăng Bạt Hổ, khi thành lập trường có từ lớp năm đến lớp nhất và một lớp đệ nhất niên (Cours de Première Année) hệ cao đẳng tiểu học (Primaire supérieur) với 30 học sinh. Song song với lớp đệ nhất niên, có một lớp sư phạm sơ cấp để đào tạo giáo viên sơ học, do ông Guyaume Henri Rivière người Pháp làm Hiệu trưởng.
Niên khóa 1922 – 1923 trường dời về khu vực ngã ba Công Quán – Collège – Ga Qui Nhơn (khu vực trường tiểu học Lê Hồng Phong đường Nguyễn Công Trứ, trung học cơ sở Lê Hồng Phong đường Lê Hồng Phong – Mai Xuân Thưởng (đường Henry Russier) và khách sạn Thanh Bình hiện nay), mặt chính của trường hướng ra đại lộ Odend’hal (Lê Hồng Phong) lấy tên là “Collège de Quy Nhon” và mở lớp đệ nhị niên bậc trung học (Cours de 2ère année). Khuôn viên trường khá rộng nằm ở ngã ba Công quán – Collège – Ga xe lửa Quy Nhơn, nay là phía nam đường Lý Thường Kiệt – bắc đường Nguyễn Công Trứ; trước mặt trường là đại lộ Odend’hal, phía tây là đường lên ga xe lửa Quy Nhơn thẳng vào xóm Bàu đến thôn Xuân Quang, phía đông là xóm Động và biển, phía sau là động cát và rừng phi lao. Riêng sân vận động của trường kéo dài hơn một nửa sân qua phía tây đường Trần Phú hiện nay (Cường Để cũ) mà thời ấy đường này chưa có. Trường có nhà ở nội trú thu nhận học sinh ở xa, học sinh người dân tộc, học sinh giỏi được học bổng; có nhà bếp, nhà ăn, nhà chơi có mái che, nhà vệ sinh, xưởng mộc, phòng thí nghiệm, bệnh xá, văn phòng, thư viện, nhà ở đốc Tây, nhà ở Tổng Giám thị v.v… Sân trường khá rộng có đủ xà đơn, xà kép, sân bóng chuyền, bóng rổ … Hiệu trưởng là ông Daydé, trong thời gian làm Hiệu trưởng, Daydé xây dựng Phòng khoa học mang tên ông (Salle Daydé) với đầy đủ trang thiết bị trực quan và thí nghiệm khoa học. Phòng thí nghiệm là một ngôi nhà xây, nền đá đúc kiên cố, đứng riêng một mình để thực hiện các thí nghiệm vật lý, hóa học và sinh vật. Phòng gồm 2 phần: phía nam là phòng chính rộng rãi hơn, nhiều cửa sổ thoáng mát. Bàn thầy giáo dài được đúc bằng xi măng, trên mặt lát gạch men trắng bóng đủ chỗ bố trí các dụng cụ, vật liệu, mô hình… khi lên lớp, nằm ở đầu phía bắc phòng; bên tay trái có một vòi nước trên bàn. Đối diện với bàn giáo viên là những bậc tam cấp cũng được đúc bằng xi măng theo hình cánh cung đi dần từ thấp lên cao (7). Đến năm 1923 trường không mở tiếp lớp đệ tam niên, nên học sinh, sau khi học xong năm học nhị niên phải ra Huế vào trường Collège Khải Định (sau đổi là trường Quốc Học Huế) học tiếp.
Niên khóa 1926 – 1927 trường hoàn chỉnh cấp cao đẳng tiểu học (trung học đệ nhất cấp), có đủ 10 lớp từ lớp 5 (Cours Enfantin – lớp 1) đến đệ tứ niên (Cours Quatrième Année – lớp 9) và được đổi tên thành “Collège De Plein Exercice de Quy Nhon”. Bộ phận đồng ấu (tiểu học) được tách riêng thành một trường khác đặt tại khu vực nay là Sở Giáo dục và Đào tạo (trước 30/4/1975 lần lượt là Ty Tiểu học, Sở Học chánh, Ty Văn hóa Giáo dục và Thanh niên). Năm 1931, ông Salle Daydé nghỉ hưu, về Pháp, ông Bourguignon được cử về làm Hiệu trưởng.
Khu vực trường Collège de Qui Nhon thời Pháp thuộc (ngã ba công quán).
Thời gian này có hai sự kiện lớn đến với trường:
1) Vua Bảo Đại sau 10 năm học tập ở Pháp trở về nước đi tuần du các tỉnh phía Bắc và phía Nam Trung bộ, ghé thăm trường,
2) Năm 1932 một cơn bão rất mạnh đã tàn phá Quy Nhơn rất nặng (nhiều nhà đổ, nhiều người chết), trường bị hư hại nặng (nhà ăn của ký túc xá, trạm xá sập, mái ngói tốc hết), học sinh phải nghỉ học một thời gian để sửa chữa.
Năm 1934 giáo sư Casimir Michel, cử nhân toán học Đại học Paris được điều động về làm Hiệu trưởng. Năm 1936 thầy Huỳnh Văn Gi là Tổng Giám thị và dạy môn Lý – Hóa. Năm 1937 thầy Lebrist được cử thay thầy Casimir Michel làm Hiệu trưởng và dạy môn Văn. Niên khóa 1939 – 1940 thầy Grégorie được cử về làm Hiệu trưởng. Các thầy cô giáo của trường có cả người Pháp lẫn người Việt.
Pháp chia nền giáo dục Tiểu học thành 7 năm học: muốn vào lớp Năm (lớp 1) phải theo học từ một đến hai năm Dự Bị, tương đương với Mẫu giáo (École Maternelle). Trường Collège de Quy Nhơn là trường duy nhất ở Nam Trung bộ chia thành 3 cấp, học bằng tiếng Pháp:
a) Sơ học yếu lược gồm 3 lớp: lớp năm (Cours Enfantin) còn gọi là lớp đồng ấu, lớp tư (Cours Préparatoire) còn gọi lớp dự bị, lớp ba (Cours Élémentaire) còn gọi là lớp sơ đẳng.
b) Tiểu học gồm 3 lớp: lớp nhì đệ nhất (Cours Moyen Première Année), nhì đệ nhị (Cours Moyen Deuxiemè Année) và lớp nhất (Cours Supérieu). Cao đẳng tiểu học (Primaire Supérieu) gồm 4 lớp: đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên và đệ tứ niên.
Rồi Collège Võ Tánh.
Đến năm 1944 trường mới đủ tám lớp (2 nhất, 2 nhị, 2 tam và 2 tứ niên) với sĩ số là 320 học sinh. Học sinh chủ yếu là người từ các tỉnh từ Đà Nẵng vào đến Phan Thiết và khu vực Tây Nguyên, học sinh có cả người kinh và một số ít là người thiểu số. Cũng trong năm này trường được đổi tên thành “Collège Võ Tánh” do thầy Boularand làm Hiệu trưởng, thầy Huỳnh Văn Gi làm Tổng Giám thị cho đến ngày 09/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Sau ngày này, Nhật thay Pháp nắm chính quyền ở Đông Dương, Hiệu trưởng và các giáo sư người Pháp đều bị bắt, thầy Huỳnh Văn Gi, Tổng Giám thị được chỉ định giữ chức Hiệu trưởng thay thế thầy Boularand cùng với một số giáo sư người Việt tiếp tục hoạt động cho đến tháng 8 – 1945. Sau cách mạng tháng 8 – 1945, dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chính quyền ban hành lệnh đầu phiếu và ra lệnh cho giáo sư, nhân viên của trường bầu Hiệu trưởng, thầy Huỳnh Văn Gi đắc cử. Đầu tháng 10 nhà trường khai giảng và thu nhận tất cả học sinh công, tư các nơi vào, nhưng sau vài tuần thì chiến tranh Việt – Pháp mở màn, thành phố Qui Nhơn bị oanh tạc, trường phải dời ra An Lương (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) và được thiết lập trong một ngôi trường tiểu học, mở đủ 4 lớp bậc trung học nhưng sĩ số chỉ vỏn vẹn 41 học sinh. Thành phần giáo sư rất dồi dào năng lực.
Năm 1946, theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, triệt để tản cư, cơ sở của trường ở Quy Nhơn đã bị phá thành đất bằng.
Năm 1947 Pháp đổ bộ lên An Lương, đốt phá trường sở, trường Collège Võ Tánh phải dời vào Hòa Bình xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn và được thiết lập trong một đình làng với vài ba tư gia ẩm thấp, thầy Huỳnh Văn Gi vẫn tiếp tục làm Hiệu trưởng.
Đến Trung học Nguyễn Huệ.
Để tránh bị máy bay của Pháp oanh tạc, năm học 1948 – 1949, trường “Collège Võ Tánh” được đổi tên thành “Trung học Nguyễn Huệ” và chuyển một phần ra thôn Vạn Thắng (xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn) gọi là “Trung học Nguyễn Huệ Bắc” do thầy Huỳnh Văn Gi làm Hiệu trưởng, bộ phận còn lại ở Nhơn Phong, An Nhơn gọi là “Trung học Nguyễn Huệ Nam” do thầy Ngô Chanh, Hiệu phó kiêm Hiệu đoàn trưởng, huynh trưởng hướng đạo sinh phụ trách. Cơ sở của trường phân tán ở Hòa Bình, Gò Ngựa, Đa Tài, Kiến Hàng, Trung Lý, Cộng Đồng v.v…
Năm học 1949 – 1950 trung học Nguyễn Huệ có 15 lớp từ đệ thất (lớp 6) đến đệ tứ (lớp 9), cũng năm này trường mở bậc chuyên khoa (ban tú tài) gồm 3 lớp đệ nhất và đệ nhị chuyên khoa, nâng tổng số lớp của trường lên thành 18 lớp với 730 học sinh.
Niên học 1950 – 1951 theo chủ trương cải tổ giáo dục,
trường giải tán các lớp bậc trung học chuyên khoa và mở hai lớp sư phạm đặc biệt (một văn khoa, một khoa học) để đào tạo giáo sư cấp 2 và các lớp trung học phổ thông; các lớp nhất, nhị, tam, tứ niên được rút ngắn thời hạn niên học và chuyển thành ba lớp năm, sáu, bảy; đồng thời trường được đổi tên thành “Trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Huệ”, thầy Đinh Thành Chương được chỉ định thay thế thầy Huỳnh Văn Gi làm Hiệu trưởng, phòng ốc được thiết lập trong những dãy nhà lụp xụp quanh vườn đình thôn Phụ Đức xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Thời kỳ này tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, máy bay Pháp tăng cường oanh tạc, nên mặc dù ẩn mình dưới bóng dừa xanh, trường không khỏi bị hăm dọa khủng bố, do đó một chủ trương mới được đề ra: đi học ban đêm. Học sinh lâm vào cảnh vô cùng khó khăn; những ngọn đèn dầu dừa leo lét như bóng hình được dùng làm nguồn sáng độc nhất để học tập. Đầu năm 1951 trường lại dời xuống xã Hoài Xuân (cũng thuộc huyện Hoài Nhơn), cách thôn Phụ Đức, xã Bồng Sơn 6 cây số, chia làm hai khu vực: một đặt tại thôn Hòa Trung và một đặt tại thôn Vĩnh Nhơn, cách nhau 3 cây số, lấy lều lá làm phòng học, ván dừa làm bàn, bầu và bẹ dừa làm bảng; giáo sư chia bè phái chống nhau, việc dạy dỗ chỉ qua loa, miễn cưỡng và cũng chỉ hoạt động được đến cuối năm 1951 thì Nguyễn Huệ “Bắc” bị giải tán. Trường Nguyễn Huệ “Nam” vẫn ở Nhơn Phong và do thầy Ngô Chanh làm Hiệu trưởng. Cũng trong thời gian này, trường Nguyễn Huệ “Nam” thành trường cấp 3 có lớp 8, 9.
Niên học 1951 – 1952, thực hiện cải cách giáo dục, trường Trung học Nguyễn Huệ chuyển qua hệ phổ thông 9 năm thành trường “phổ thông cấp II – III” của tỉnh – hệ phổ thông bấy giờ gồm:
- Cấp I: lớp 1, 2, 3, 4
- Cấp II: lớp 5, 6, 7
- Cấp III: lớp 8, 9
Tháng 8 – 1953 thầy Huỳnh Văn Gi được cử làm Hiệu
trưởng trường Trung học Nguyễn Huệ “Nam” (Nhơn Phong, An Nhơn).
Niên khóa 1953 – 1954, trường Nguyễn Huệ “Nam” phải ngược lên vùng bán sơn địa thuộc thôn Đại Khoan xã Cát Sơn, huyện Phù Cát để tránh bom đạn. Năm học 1954 – 1955, sau hiệp định Genève trường Nguyễn Huệ “Nam” chuyển về Cát Hanh, huyện Phù Cát, đến tháng 3 – 1955, sau khi một số giáo viên và đông đảo học sinh được đưa ra miền Bắc tiếp tục công tác và học tập, trường Nguyễn Huệ “Nam” chính thức giải thể.
34 năm kể từ ngày được thành lập (1921 – 3/1955), Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire với những thăng trầm cùng lịch sử tỉnh nhà qua các lần thay tên đổi họ: Collège de Quy Nhơn, Collège De Plein Exercice de Quy Nhơn, Collège Võ Tánh thời Pháp thuộc đến Trung học Nguyễn Huệ, Nguyễn Huệ “Bắc”, Nguyễn Huệ “Nam” thời Việt Minh đã không còn hiện diện trên mảnh đất được mệnh danh là “đất võ, trời văn” Bình Định nữa!
NGÔI TRƯỜNG MỚI: TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ.
Khoảng tháng 9 năm 1955, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã cho thành lập các trường trung học công lập ở Trung nguyên Trung phần như trường Trần Quốc Tuấn ở Quảng Ngãi, trường Nguyễn Huệ ở Phú Yên; riêng Bình Định được xây dựng hai trường: một ở phía Bắc tỉnh là trường Trung học Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn (tiếp nhận học sinh các quận Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Ân, An Lão, các xã phía Bắc quận Phù Mỹ và vài xã phía Nam huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi) và một ở phía Nam tỉnh là trường Trung học Cường Để Quy Nhơn (tiếp nhận học sinh các xã phía Nam quận Phù Mỹ trở vào). Trường Trung học Cường Để – Qui Nhơn được xây dựng trên nền cũ của trường Collège de Quy Nhơn (nhưng đã bị lấn chiếm và thu hẹp đến hơn một nửa) tại khu vực của trường cấp I và trường cấp II Lê Hồng Phong hiện nay (phạm vi khu vực các đường Nguyễn Công Trứ, Mai Xuân Thưởng, Lê Hồng Phong, Bùi Thị Xuân – cuối trường tiểu học Lê Hồng Phong bây giờ) và do thầy Thái Vĩnh Thung tạm thời quyền Hiệu trưởng, phòng ốc tạm đặt ở dãy nhà lụp xụp, lớp học chưa có bàn ghế, học sinh ngồi học trên những trái dừa chẻ đôi, kê tập vở lên đùi mà ghi chép bài học; giáo sư chỉ độ vài ba người, học sinh ít ỏi lại là những người đã lớn, đã nghỉ học từ lâu; tổ chức lượm thượm vì thiếu phương tiện. Đến tháng 11 năm 1955 thầy Đinh Thành Chương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trong những ngày đầu toàn trường chỉ có một dãy nhà lợp tranh lá dừa, vách đất và bên kia sân trường là một dãy nhà tường gạch lợp tole cũ kỹ, tất cả chỉ có 5 phòng học.
Niên khóa đầu tiên 1955 – 1956 số học sinh nộp đơn xin nhập học quá đông, trong lúc trường sở và giáo sư chưa đủ đáp ứng, nên một khóa thi đặc biệt được tổ chức để tuyển chọn, số lớp đầu tiên được mở gồm 8 lớp: 3 đệ thất, 2 đệ lục, 2 đệ ngũ và 1 đệ tứ với số học sinh là 401 người (riêng lớp đệ tứ có hơn 120 đơn xin nhập học, trường chỉ tuyển lấy 43 học sinh – trong số đó có những học sinh sau này là giáo sư trở về dạy tại trường như thầy Huỳnh Hữu Dụng, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Ngọc Bích, Phan Quán…), khoảng 10 giáo sư phụ trách.
Tháng 6 năm 1956, kỳ thi tốt nghiệp Trung học đệ nhất
cấp (trung học cơ sở hiện nay) đầu tiên của học sinh các trường từ Quảng Ngãi đến Phú Yên được tổ chức ngay tại thị trấn Bồng Sơn (quận Hoài Nhơn). Hội đồng Giám thị được chia làm hai bộ phận: một ở Qui Nhơn dành cho thí sinh Qui Nhơn và Phú Yên, một ở Bồng Sơn dành cho thí sinh Hoài Nhơn và Quảng Ngãi. Hội đồng Giám khảo đặt tại Bồng Sơn và Chánh chủ khảo là thầy Trần Văn Việt (hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An – Sài Gòn), giám khảo là giáo sư của các trường: Phan Bội Châu (Phan Thiết), Duy Tân (Phan Rang), Võ Tánh (Nha Trang). Thí sinh thi viết các môn: Văn, Anh văn, Pháp văn, Toán, Lý – Hóa, Sử – Địa; sau khi đậu thi viết, thí sinh phải trải qua kỳ thi vấn đáp các môn: Văn, Pháp văn, Vạn vật (Sinh vật bây giờ). Đậu kỳ thi vấn đáp mới được công nhận là tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp. Đây là kỳ thi được tổ chức lần đầu tiên và duy nhất tại Bồng Sơn vào lúc ấy, vì kể từ kỳ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp lần thứ 2 (tháng 8/1956) trở đi đều được tổ chức tại Qui Nhơn, thủ khoa kỳ thi này là một nữ sinh Trung học Cường Để: Lâm Thị Ngưu (8). Sau khi đậu trung học đệ nhất cấp, ai muốn tiếp tục học lên đệ tam (lớp 10) thì phải vào Nha Trang (trường Võ Tánh) hoặc ra Huế (trường Quốc Học hoặc trường Đồng Khánh).
Đến niên khóa 1956 – 1957, trường có thêm một dãy nhà ngói trệt gồm 5 phòng và phát triển thành 11 lớp gồm 4 đệ thất, 3 đệ lục, 2 đệ ngũ và 2 đệ tứ. Thời gian này nam sinh thì mặc quần dài, quần cụt, áo ngắn tay đủ màu đủ kiểu; nữ sinh thì mặc bà ba, quần dài, áo dài đủ màu, nhưng nhiều nhất là màu đen. Năm 1958 trường được xây dựng ở khu vực đường Cường Để (Trần Phú), Hai Bà Trưng, Tăng Bạt Hổ và sân bay Qui Nhơn (số 9 Trần Phú hiện nay) một dãy lầu đúc hình chữ L gồm 6 phòng trệt, 6 phòng trên lầu và phát triển
thành 13 lớp: 4 đệ thất, 4 đệ lục, 3 đệ ngũ, 2 đệ tứ.
Niên khóa 1958 – 1959 trường có 17 lớp và bắt đầu có lớp hai lớp đệ tam (lớp 10) ban Trung học Đệ nhị cấp đầu tiên: một ban A và một ban B (theo phân ban A, B, C và D). Lúc này trường có hai khu vực, khu vực cũ (trường THCS Lê Hồng Phong và trường tiểu học Lê Hồng Phong hiện nay) dành cho các liên lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ (lớp 6, 7 và 8), khu vực mới dành cho các liên lớp đệ tứ, đệ tam (lớp 9 và 10), và sau đó, mỗi năm trường mở thêm liên lớp lớn hơn là đệ nhị và đệ nhất (lớp 11 và 12). Mỗi liên lớp hay còn gọi là cấp lớp gồm 4 lớp, mang số thứ tự từ 1 đến 4. Trong mỗi liên lớp thường hai lớp mang thứ tự 1, 2 Pháp văn là sinh ngữ chính; hai lớp 3, 4 sinh ngữ chính là Anh văn, những môn học khác như Toán, Lý, Hóa, Việt văn, Vạn vật (Sinh vật), Sử Địa, Công dân … thì học giống nhau.
Đặc biệt trong các niên khóa 1956 – 1957 và 1957 – 1958 các lớp đệ thất (lớp 6) có thêm giờ Hán văn và từ năm học 1959 trở đi các lớp đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) đều có giờ Hán văn. Tháng 3 – 1959 thầy Tôn Thất Ngạc được cử về nhậm chức Hiệu trưởng thay thế thầy Đinh Thành Chương (được cử sang làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Quy Nhơn), thầy bắt tay vào việc chấn chỉnh phần hình thức. Học sinh Cường Để phải mặc đồng phục khi đến trường. Thứ hai và ngày lễ, tất cả nam sinh phải mặc quần áo màu trắng, giày bata trắng; nữ sinh áo dài màu xanh da trời, quần trắng. Những ngày khác trong tuần, nam sinh áo trắng quần xanh nước biển, nữ sinh áo dài trắng, quần trắng, guốc, dép hay giày màu trắng. Trên ngực áo (bên trái) của cả nam và nữ sinh đều có thêu phù hiệu cá nhân, gồm hai hàng: hàng trên cùng là tên học sinh bằng chỉ màu xanh (có lẽ do lúc bấy giờ là trường duy nhất tại Quy Nhơn nên không cần thêu tên trường (?) NV), dưới tên thêu từ 1 đến 4 hoa thị xanh cho các lớp đệ nhất cấp (cấp 2) theo thứ tự thất, lục, ngũ, tứ và từ 1 đến 2 ngôi sao đỏ cho các lớp đệ nhị cấp (cấp 3) theo thứ tự đệ tam, đệ nhị – theo thầy Tôn Thất Ngạc –. Nhạc phẩm “Hướng về chân trời sáng” do thầy Dương Minh Ninh – Giáo sư Âm nhạc sáng tác trong năm học này trở thành bài Hiệu đoàn ca mà học sinh toàn trường hát sau khi hát quốc ca trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai hàng tuần; cũng trong niên khóa này phác thảo về mẫu huy hiệu của trường do Giáo sư họa sĩ Phùng Văn Viễn được chính thức chọn làm cờ Hiệu đoàn của trường trên phông vải màu xanh nhạt (xem trang 8, 9).
Niên khóa 1959 – 1960 số lớp tăng lên đến 22 và cũng là niên khóa đầu tiên trường có Tổng Giám thị (thầy Lương Thành Danh) chịu trách nhiệm điều hành văn phòng và học sinh tại khu vực cũ (khu THCS và tiểu học Lê Hồng Phong như đã nêu trên) gồm 12 lớp (4 thất, 4 lục và 4 ngũ). Khu vực mới (cơ sở hiện nay) dành cho các lớp từ đệ tứ trở lên học. Ngoài việc dạy và học, nhà trường còn tổ chức thi đua tranh giải thể thao ở các lớp, liên lớp và lựa chọn những học sinh xuất sắc ở từng bộ môn để thành lập các đội bóng tròn, bóng chuyển, vũ cầu (cầu lông) cho trường. Thỉnh thoảng lại có tổ chức cắm trại trong tỉnh, ngoài tỉnh. Các buổi lễ lớn trong năm có thi đua diễu hành, văn nghệ, thể thao toàn tỉnh.
Niên khóa 1960 – 1961 trường có vị Giám học đầu tiên là giáo sư Pháp văn đệ nhị cấp, thầy Trương Ân và phát triển thành 23 lớp nhưng vẫn chưa có lớp đệ nhất, các học sinh sau khi đậu Tú tài phần I phải vào Nha Trang hoặc ra Huế tiếp tục việc học. Năm học này phù hiệu cá nhân của học sinh được quy định lại thành 3 hàng, hàng trên cùng là tên trường với dòng chữ T.H. CƯỜNG ĐỂ bằng chỉ thêu màu đỏ, dòng thứ hai là hình hoa thị (màu xanh cho các lớp đệ nhất cấp, màu đỏ cho các lớp đệ nhị cấp), hàng cuối cùng thêu họ tên học sinh chữ in bằng chỉ thêu màu xanh (không phân biệt đệ nhất cấp hay đệ nhị cấp).
Niên khóa 1961 – 1962 theo chỉ thị của Bộ Giáo dục, một kỳ trại được tổ chức cho học sinh các trường trung học công và tư toàn tỉnh trong thời gian 5 ngày tại Sân vận động Qui Nhơn, các trường thi đua về lều trại, diễu hành, văn nghệ, thể thao… Hôm khai mạc có Bộ trưởng và phái đoàn của Bộ Giáo dục dự khán cùng các quan chức trong tỉnh; hầu hết trong các cuộc tranh tài trường đều đạt giải nhất. Và cũng từ năm học này trở đi hàng năm trường tổ chức tuần lễ sinh hoạt học đường trong nội bộ trường vào dịp tết Nguyên đán hoặc dịp hè để giữa các lớp, liên lớp thi đua nhau diễu hành, văn nghệ, thể thao, làm bích báo (báo tường).
Niên khóa 1962 – 1963 trường mở 4 lớp đệ nhất (lớp 12), gồm 2 lớp ban A, 2 lớp ban B. Kể từ đây, Trung học Cường Để trở thành một trường trung học lớn của tỉnh có đủ các lớp từ đệ thất đến đệ nhất, học sinh của trường không phải ra Huế hoặc vào Nha Trang, Sài Gòn để học lớp đệ nhất sau khi thi đậu Tú tài 1 như trước đây nữa.
Niên khóa 1963 – 1964 trường có 1.700 học sinh, chia thành 29 lớp: 13 lớp (5 thất, 4 lục và 4 ngũ) học tại khu vực cũ (lúc này đã là một dãy nhà (1 ngói, 2 tranh) hình chữ U có 13 phòng học, cạnh cổng có ngôi nhà ngói nhỏ dùng làm phòng Giám thị và phòng Giáo sư); 16 lớp còn lại (4 đệ tứ, 4 đệ tam, 4 đệ nhị và 4 đệ nhất) học tại khu vực mới (số 9 Trần Phú) là một nhà hình chữ L (dãy A) 17 phòng: 13 phòng dành cho 16 lớp học, 1 phòng Hiệu trưởng, 1 phòng Giáo sư và Thư viện, 1 phòng dành cho Văn phòng và nơi làm việc của Giám học, 1 phòng làm nhà vệ sinh và kho chứa vật liệu.
Sau ngày 01/11/1963 theo chỉ đạo của Bộ, trường tổ
chức bầu Hội đồng Giáo sư hướng dẫn đầu tiên do thầy Nguyễn
Đình Nhàn làm Chủ tịch, phó chủ tịch thứ nhất là ông Lê Phước Thạnh (phụ huynh học sinh), phó chủ tịch thứ hai là thầy Trần Quốc Sủng, Tổng thư ký là thầy Lê Nhữ Tri; Ban đại diện học sinh đầu tiên cũng được bầu chọn trong dịp này, Chủ tịch là anh Phạm Văn Nộ, phó chủ tịch là anh Lê Hùng và Tổng thư ký là anh Lê Cẩm Lăng. Cứ vào đầu mỗi năm học, tại lớp trong giờ của giáo sư hướng dẫn các lớp bầu chọn trưởng lớp, phó trưởng lớp, các trưởng ban: báo chí, văn nghệ, trật tự, xã hội, thể thao của lớp mình bằng cách đề cử hoặc tự ứng cử, mỗi lớp có thể chia thành 4 hoặc 5 toán – tùy thuộc vào sĩ số của lớp, mỗi toán do một trưởng toán quản lý; riêng Ban Đại diện học sinh toàn trường sẽ do toàn bộ học sinh trong trường bỏ phiếu bầu trong số 2 hoặc 3 liên danh ứng cử sau ngày khai giảng. Trước ngày bầu cử, các liên danh được thuyết trình khái quát chương trình hoạt động của mình trong năm học, sau đó nhà trường dành một ngày để học sinh toàn trường tham gia bầu cử. Đây cũng là một hình thức giáo dục học sinh hiểu rõ hơn về quyền ứng cử, bầu cử và hình thức “phổ thông đầu phiếu”. Ban Đại diện học sinh sau này có Tổng thư ký phụ trách chung, đệ nhất phó tổng thư ký (là học sinh đệ nhị cấp), đệ nhị phó tổng thư ký (là học sinh đệ nhất cấp) và các khối: Trật tự (lo việc giữ gìn trật tự trong các dịp sinh hoạt học đường của trường), Văn nghệ (chuyên trách các chương trình văn nghệ thi đua giữa các liên lớp, toàn trường và với các trường bạn), Thể thao (thực hiện các chương trình thi đấu thể thao trong trường và với các trường khác trong các kỳ sinh hoạt học đường), Xã hội (đảm nhận phần việc tìm kiếm nguồn tài trợ của các mạnh thường quân hoặc tổ chức xổ số “Tombola” để gây quỹ học bỗng, khen thưởng cuối năm), Báo chí (chịu trách nhiệm trong việc tổ chức
thi đua làm bích báo – báo tường – hoặc đặc san).
Những ngày nghe thuyết trình, bầu cử, ngày ra mắt Ban Đại diện học sinh trúng cử hàng năm trở thành ngày hội của học sinh toàn trường; cũng có những vận động chính thức (do nhà trường tổ chức thuyết trình) hoặc vận động hành lang, rỉ tai không khác hoạt động bầu cử của xã hội ngoài nhà trường là mấy.
Niên khóa 1964 – 1965, khu vực trường cũ ở đường Võ Tánh (nay là Lê Hồng Phong) được bàn giao cho trường tiểu học Nguyễn Huệ – nay là trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong – , dời tất cả các lớp về khu vực mới (số 9 Trần Phú hiện nay), nhưng vì không đủ phòng học nên tạm giữ các lớp đệ thất học tại trường Nữ Trung học và kể từ niên khóa này, Trung học Cường Để là trường nam, chỉ những lớp nào trường Nữ Trung học chưa mở thì trường Cường Để mới thu nhận nữ sinh (chủ yếu là các lớp ban B hoặc ban C). Trong năm này, thầy Trương Ân – lúc này là Giám học – đã vận động Sư đoàn Mãnh Hổ của quân đội Đại Hàn xây tặng trường ngôi Đại Thính đường có sức chứa cả ngàn người ở cuối sân trường, sát với hàng rào khuôn viên sân bay Qui Nhơn (đến tháng 2 năm 1967 mới xây dựng xong, khánh thành và bàn giao cho trường sử dụng – NV).
Cuối năm 1965 thầy Trương Ân được cử nhận chức Hiệu trưởng thay cho thầy Tôn Thất Ngạc vào làm việc tại Bộ Quốc gia Giáo dục, thầy Nguyễn Đình Nhàn làm Giám học, thầy Võ Ái Ngự làm Tổng Giám thị thay cho thầy Lương Thanh Danh đã về hưu.
Niên khóa 1966 – 1967 trường mở một lớp đệ tam ban C đầu tiên. Các lớp đệ nhất và đệ tam ban C thu nhận nữ sinh từ trường Nữ Trung học chuyển qua. Nhà trường tiếp tục xây dựng cơ sở phòng ốc (dãy B) là một nhà hình chữ I, hai tầng
12 phòng học, phòng y tế học đường (nằm giữa dãy B và Đại thính đường), phòng thí nghiệm (phía trái – nhìn từ cổng vào, nằm sát tường rào phía đường Cường Để – Trần Phú hiện nay), nhà để xe học sinh lợp tole (bên phải cổng vào và cũng nằm dọc theo tường rào đường Cường Để), giữa dãy A và tường rào đường Tăng Bạt Hổ, nhà trường xây dựng sân bóng chung cho cả bóng rỗ và bóng chuyền, câu lạc bộ (canteen) bằng gỗ lợp tole (có đặt hai bàn bóng bàn), làm nơi bán dụng cụ học tập và ăn uống, giải khát cho học sinh do người bên ngoài đấu thầu thực hiện (câu lạc bộ hoạt động đến khoảng tháng 10 năm 1970 thì đóng cửa).
Niên khóa 1967 – 1968 là năm đầu tiên trường có học sinh thi Tú tài bán phần (Tú tài I) ban C. Niên khóa 1968 – 1969 thầy Nguyễn Mộng Giác được cử làm Giám học thay cho thầy Nguyễn Đình Nhàn thuyên chuyển về Sài Gòn, thầy Nguyễn Phúc được cử làm Phụ tá Giám học, Tổng Giám thị là thầy Trần Trọng Duy (từ 1968 – 1970) và thầy Phạm Ngọc Bích (từ 1970 trở đi), phụ tá Tổng giám thị là thầy Nguyễn Văn Sở.
Năm học 1969 – 1970 trường tiếp tục xây dựng dãy C (giữa 2 dãy A và B – nằm trước phòng thí nghiệm ở đường Cường Để), bên dưới làm văn phòng, gồm: phòng Hiệu trưởng, phòng Giám học, phòng Hội đồng Giáo sư, thư viện, Văn phòng; bên trên làm phòng học cho các lớp. Từ năm học này, hoạt động sinh hoạt học đường không chỉ tổ chức trong phạm vi từng trường riêng lẻ mà được tổ chức với quy mô toàn tỉnh, có sự tham dự của hầu hết các trường trung học công lập và tư thục trong tỉnh; mỗi một “lục cá nguyệt” – học kỳ – có một tuần lễ sinh hoạt học đường; trong tuần lễ này các trường thi đua lẫn nhau các chương trình từ phong trào thi đua của các liên lớp từng trường từ trước đó như: văn nghệ (có năm tổ chức tại Đại thính đường, năm tổ chức tại trường Nữ trung học Ngô Chi Lan hoặc tại Trung tâm văn hóa (cũng do chính phủ Hàn quốc xây tặng – nay là Nhà Bảo tàng tỉnh), năm tổ chức tại Hội trường Qui Nhơn), thể thao (thường tổ chức tại Sân vận động với các môn bóng chuyền, bóng bàn, bóng rỗ, bóng đá, vũ cầu), diễu hành (tập trung tại Sân vận động sau đó di chuyển đến các đường lớn như Võ Tánh, Nguyễn Huệ, Gia Long) và kết thúc tuần lễ sinh hoạt học đường bằng “đêm không ngủ” tại Sân vận động với lửa trại, những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất của tất cả các trường trong tỉnh; thường trong đêm lửa trại này có sự dự khán của các quan chức chính quyền tỉnh và thị xã Quy Nhơn như tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng, phó thị trưởng, một số các trưởng ty. Trong những tuần lễ sinh hoạt học đường ấy trường thường giành được những thành tích xuất sắc trong các môn thi đấu thể thao như bóng bàn, bóng đá, diễu hành, văn nghệ. Để tham dự các hoạt động tuần lễ sinh hoạt học đường nhà trường thường chọn học sinh từ lớp 8 đến lớp 11 (các lớp 6, 7 còn nhỏ vả lại mới vào trường, lớp 12 phải tập trung cho việc học thi Tú tài vào cuối năm)
Năm học 1970 – 1971 nhà trường cho trồng me tây và phượng vĩ trong sân trường theo họa đồ do thầy Phùng Văn Viễn vẽ; việc đào hố, trồng, chăm sóc cây được giao cho các lớp đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) chịu trách nhiệm; ngoài ra, nhà trường có kế hoạch sẽ xây dựng hành lang nối giữa các dãy lầu (nhưng chưa thực hiện được). Thực hiện chủ trương chuyển đổi tên gọi các lớp của Bộ Giáo dục, kể từ niên khóa này (1970 -1971), các lớp từ tiểu học (đã được chuyển đổi trước từ năm học 1969 – 1970) đến trung học không gọi lớp năm, tư, ba, nhì, nhất, hay đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam, đệ nhị, đệ nhất nữa mà tính liên tục theo số từ lớp 1 đến lớp 12. Năm học này, học sinh đi học phải mang phù hiệu, phù hiệu của học sinh được nhà trường thêu sẵn tên trường ở dòng trên cùng, ô vuông bên phải là hình ngôi sao màu xanh (dành cho học sinh đệ nhất cấp – một sao là lớp 6, 2 sao lớp 7, 3 sao lớp 8, 4 sao là lớp 9) hay màu đỏ (dành cho học sinh đệ nhị cấp – một sao là lớp 10, hai sao lớp 11 và ba sao là lớp 12), học sinh phải thêu họ tên của mình cũng bằng chỉ thêu màu xanh. Đây là lần thứ ba trường quy định thay đổi phù hiệu của học sinh.
Niên khóa 1971 – 1972 thầy Nguyễn Mộng Giác được cử giữ chức Hiệu trưởng thay cho thầy Trương Ân chuyển vào Sài Gòn làm thanh tra ở Bộ Giáo dục, thầy Nguyễn Phụ Chính được đề cử làm Giám học, thầy Nguyễn Minh Đức làm phụ tá Giám học, Tổng Giám thị và phụ tá Tổng Giám thị vẫn là các thầy Phạm Ngọc Bích và Nguyễn Văn Sở.
Niên khóa 1972 – 1973 là năm của “mùa hè đỏ lửa”,
theo lệnh của chính quyền tỉnh, cùng các trường khác trong tỉnh, trường cho học sinh tham gia vào “chiến đoàn Quang Trung” là lực lượng sinh viên học sinh bảo vệ học đường và tổ chức huấn luyện cho học sinh những bài học cơ bản về quân sự (như quay phải, trái, dậm chân tại chỗ, đội hình diễu hành, cách sử dụng, tháo ráp vũ khí, canh gác …); người hướng dẫn, huấn luyện là các Giáo sư biệt phái của trường. Năm học này trường Nữ Trung học Ngô Chi Lan đã mở lớp 10 ban C nên trường không nhận nữ sinh. Cũng trong năm học, trường được đơn vị không quân của Mỹ đóng ở phi trường Phù Cát trao tặng toàn bộ số sách trong thư viện của đơn vị cho trường và người quản thủ là thầy Châu Văn Thuận.
Năm học này, một lần nữa phù hiệu của trường được thay đổi – lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng – , dài khoảng 4cm, phía trên bên trái trong ô vuông thêu hai chữ CĐ màu đỏ, bên dưới là lớp (ghi bằng số – phân biệt đệ nhất cấp và đệ nhị cấp bằng màu xanh hoặc màu đỏ), bên phải học sinh chỉ thêu tên mình (màu xanh) thật to.
Phù hiệu (bảng tên) học sinh qua các thời kỳ
Năm 1959 Từ 1960 đến 1970
|
|
1970 – 1972 1972 – 1975
Niên khóa 1973 – 1974, thầy Nguyễn Mộng Giác được cử làm Chánh Sự vụ Sở Học chánh tỉnh Bình Định (văn phòng đóng tại Ty Tiểu học cũ, đối diện với trường), thầy Nguyễn Phụ Chính được cử làm Hiệu trưởng thay cho thầy Giác, thầy Nguyễn Minh Đức giữ chức Giám học, phụ tá Giám học là thầy Võ Thăng, Tổng Giám thị vẫn là thầy Phạm Ngọc Bích, phụ tá Tổng Giám thị là thầy Nguyễn Hữu Vui. Đầu năm học trường mở lớp 10 ban C và nhận học sinh từ Nữ Trung học Ngô Chi Lan và tổ chức thi tuyển lấy nữ sinh từ các trường bên ngoài vào.
Niên khóa 1974 – 1975, là năm học cuối cùng của thầy, trò trường Cường Để với 65 lớp học từ đệ nhất cấp đến đệ nhị cấp (trong đó riêng khối 12 có 8 lớp – 4 lớp ban A (A1 – A4) và 4 lớp ban B (B1 – B4), trước đó từ năm lớp 10 khối này có 5 lớp ban B, 3 lớp ban A; đến năm học 1974 – 1975 do một số học sinh các lớp ban B chuyển sang ban A nên ban A tăng thêm 1 lớp, còn ban B giảm đi 1 lớp – đó là lớp B5, số học sinh vẫn theo học ban B lớp B5 được phân bổ sang các lớp ban B khác) với khoảng 3.300 học sinh và đội ngữ giáo sư hùng hậu trên 100 người (bao gồm cả chính ngạch, thỉnh giảng, hợp đồng dạy giờ), trong đó có nhiều giáo sư được Ban Giáo sư Trường Thi (Sài Gòn) mời tham gia biên soạn sách dạy và học như thầy Nguyễn Phụ Chính (môn Triết); thầy Vương Quốc Tấn, thầy Phạm Ngọc Quang (môn Lý – Hóa); thầy Nguyễn Phụ Tài, thầy Lê Đức Bé (môn Toán)…. Năm học này có những sự kiện đáng nhớ như:
- Chương trình học của lớp 12 ngoài những môn quy định gồm: Triết (Tâm lý học, Đạo đức học, Luận lý học), Toán, Sử – Địa, Công dân, Lý – Hóa, Sinh ngữ 1, Sinh ngữ 2, Vạn vật còn được bổ sung thêm môn Quốc văn (những năm học trước học sinh lớp 12 chỉ học môn Triết mà không học môn văn nữa),
- Hoạt động báo chí của Ban đại diện học sinh các niên khóa trước (từ năm học 1963 – 1964 đến năm học 1973 – 1974) chỉ vào dịp tết năm Giáp Thìn (1964) và Ất Tỵ (1965) trường có 2 Đặc san Xuân toàn trường in typo phát hành rộng rãi trong học sinh và các trường bạn, các niên khóa sau đó thỉnh thoảng vào dịp tết nguyên đán hoặc hè chỉ lác đác dăm ba lớp thực hiện đặc san của lớp mình quay ronéo và phổ biến trong phạm vi lớp mà thôi. Năm học 1974 – 1975, ngay sau lễ ra mắt Ban Đại diện học sinh, được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phụ Chính, Hội đồng Giáo sư hướng dẫn (thầy Lê Đại Đồng – Tổng Thư ký và thầy Phan Lục Tú, Giáo sư hướng dẫn khối) chấp thuận, khuyến khích và phân công thầy Nguyễn Văn Tân – Giáo sư Việt văn chịu trách nhiệm về nội dung, Khối Báo chí đã có cuộc họp bàn và phân công chuẩn bị cho Đặc san toàn trường kỷ niệm 55 năm thành lập trường:
– Về hình thức – nhất là hình bìa Đặc san phải đẹp, trang nhã, thể hiện ý chí vươn lên và không được trùng lắp với các đặc san trước đây hoặc của trường khác và giao Nguyễn Văn
Thịnh chịu trách nhiệm,
– Về nội dung, có một số bài viết của thầy cô và học sinh, đặc biệt là bài của học sinh chọn những bài viết (thơ, văn, đoản văn) liên quan đến trường, lớp, tuổi học trò; trong đó ưu tiên cho bài của học sinh khối 12 vì họ là những con chim sắp rời tổ bay vào những phương trời khác nhau và có bài về lịch sử trường.
– Về hình ảnh, sẽ chụp hình Ban Giám đốc, khối văn phòng, Hội đồng Giáo sư hướng dẫn, tất cả các thầy cô giáo của trường, học sinh các lớp từ lớp 6 đến lớp 12. Hình học sinh các lớp – ý tưởng của Ban Biên tập đặc san là không phải lớp nào cũng chụp hình học sinh đứng thành một khối ba hay bốn hàng, mà có lớp xếp học sinh theo số (chẳng hạn lớp sáu một sẽ xếp thành 61, lớp bảy hai xếp học sinh thành 72), hình hoa xen lẫn với lớp xếp thành ba, bốn hay năm hàng và giao cho trưởng khối chịu trách nhiệm.
– Số lượng trang in được ấn định là 55 trang (không kể hình bìa, hình ảnh thầy cô và học sinh) tượng trưng cho 55 năm ngày thành lập trường.
Được thầy Lê Văn Hòa (người đã có bài viết về lịch sử
của trường trong đặc san năm 1964) giới thiệu và cho địa chỉ của thầy cựu Hiệu trưởng Đinh Thành Chương để liên lạc, Khối Báo chí viết thư liên lạc với thầy và chỉ sau hai tuần lễ, thầy Chương đã tự tay viết gửi về những điểm chính trong quá trình hình thành và phát triển của trường đến trước ngày thầy rời trường nhận nhiệm vụ mới. Sau một thời gian chuẩn bị, toàn bộ nội dung bài vở đã được tập hợp xong, hình bìa cũng đã hoàn chỉnh, nét độc đáo của hình bìa được anh Nguyễn Văn Thịnh chọn từ bộ tem sưu tập cá nhân là một con chim bồ câu lớn được ghép lại từ những chú bồ câu nhỏ tượng trưng cho những học sinh của trường đang chắp cánh bay cao lên bầu trời mang theo những hoài bão, ước mơ nhưng vẫn tuân theo quy luật “bầy đàn” và dù có bay xa đến phương trời nào rồi cũng hướng về cái “tổ” chung là mái trường Cường Để thân yêu. Đặc san sẽ được in offset – một kỹ thuật in ấn hiện đại thời bấy giờ – cũng đã được thỏa thuận với nhà in Văn Phong (Quách Bùi Thạnh, cháu của chủ nhà in là thành viên trong Ban Đại diện học sinh), việc chụp hình cho từng lớp từ 6 đến 12 được anh Quang (một cựu học sinh của trường, chủ tiệm chụp hình Việt Nam đường Gia Long (nay là Trần Hưng Đạo) – đối diện trường Trung học Tư thục Tây Sơn) đồng ý và sẽ thực hiện vào ngày 1 tháng 3 để đến ngày 10 tháng 3 đưa cho nhà in đi Sài Gòn làm bản kẽm, vào khoảng 20 tháng 3 nhà in đưa bản in thử kiểm tra morasse, đến cuối tháng 3 nhận. Nhưng rồi chẳng bao giờ Đặc san ấy chào đời được!
- Trong lúc chờ thực hiện Đặc san toàn trường vào dịp hè, lần đầu tiên và cũng là năm học duy nhất kể từ khi có tổ chức Ban Đại diện học sinh, khối Báo chí của trường được sự khuyến khích của Hội đồng Giáo sư hướng dẫn, thầy Hiệu trưởng với lời dặn “hết sức tiết kiệm, để dành tiền cho việc in ấn Đặc san thật đẹp”, đã thực hiện “bản tin Cường Để” hàng tháng với nội dung chính là các tin tức liên quan đến việc dạy và học của trường, một vài sáng tác thơ, văn, đoản văn của học sinh do Ban Báo chí các lớp tuyển chọn chuyển đến, quay ronéo (tại tiệm Ronéo Tơ Vàng của ông Thân Trọng Thầm – đường Hai Bà Trưng) dày 10 – 12 trang (khổ giấy A4 gấp đôi) phát hành đến từng lớp, kinh phí thực hiện hết sức khiêm tốn, chỉ vào khoảng 50 – 70 đồng một kỳ (chủ tiệm Ronéo chỉ lấy tiền mực in, công đóng xén, còn stencil, giấy in thì thông qua quan hệ cá nhân xin của người nhà trong các cơ quan như Tỉnh đoàn Xây dựng và Phát triển nông thôn, Ty Y tế …; việc đánh máy stencil, quay ronéo do chính trưởng và phó trưởng khối Báo chí tranh thủ thời gian thực hiện ngoài giờ học tại văn phòng trường hoặc Ronéo Tơ Vàng) và cũng chỉ thực hiện được đến tháng 2/1975 thì kết thúc.
- Nhân dịp sắp đến tết nguyên đán Ất Mão (1975), ngày 01/02/1975 (tức ngày 21 tháng chạp năm Giáp Dần – 1974), trường tổ chức cho học sinh toàn trường cắm trại ngay trong khuôn viên trường lấy tên “Trại Sư Đệ” trong 2 ngày, 1 đêm để họp mặt giáo sư và học sinh trước khi nghỉ tết. Cổng trại được các học sinh cũ và hiện hữu của trường là những hướng đạo sinh thực hiện bằng tre, nứa, lá dừa thật đẹp; đêm lửa trại thật hoành tráng bằng những tiết mục văn nghệ của chính học sinh trường sau khi công bố kết quả thi làm bích báo (báo tường), trò chơi lớn của các khối lớp. Đây là lần họp mặt cuối cùng của thầy, trò trường Trung học Cường Để Qui Nhơn.
Không ai nhớ chính xác thời điểm áp dụng, nhưng khi chúng tôi vào học lớp đệ thất (niên khóa 1968 – 1969) đã thực hiện rồi, đó là tất cả các môn học tuy vẫn tính điểm số theo 20, và dù môn chính hay môn phụ, ban A, B hay ban C, kiểm tra miệng hay làm bài chạy (nhanh) hoặc 1 tiết, 2 tiết đều có chung hệ số: 1. Mỗi tháng trên cơ sở điểm số có trong sổ điểm, Giáo sư hướng dẫn cộng và chia đều cho số cột để xác định vị thứ trong tháng; chỉ đến các kỳ thi đệ nhất hay đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ 1, học kỳ 2) mới tính nhân hệ số và môn chính, phụ theo quy định. Kết quả học tập hàng tháng của toàn trường được thể hiện qua “BẢNG TUYÊN DƯƠNG” rộng 1,2m dài 2,4m hàng dọc ghi từ trên xuống dưới “ưu hạng (người đứng nhất lớp), xuất sắc (người đứng nhì lớp), hạng nhất (người đứng thứ ba), hạng nhì (người đứng thứ tư), hạng ba (người đứng thứ năm trong lớp)”, hàng ngang từ trái qua phải ghi lớp học; tên của học sinh được tuyên dương viết chữ in to gắn vào theo hạng, theo lớp. Bảng tuyên dương được treo ngay mái nhô của dãy A trong cả tháng, ai đi ngang qua cũng nhìn thấy. Đây chính là nét độc đáo của trường trong nhiệm vụ giáo dục của mình, giúp cho học sinh đầu tư vào việc học tất cả các môn học như nhau, không xem thường môn học nào.
Điểm đặc biệt thứ hai là lễ chào cờ hàng tuần vào mỗi sáng thứ hai và hạ cờ vào chiều thứ bảy ngoại trừ những hôm trời mưa với đồng phục áo sơ mi trắng, quần tây trắng, giày ba ta trắng. Học sinh đệ nhị cấp (cấp 3) được học buổi sáng, giờ chào cờ sáng thứ hai do lớp trực thực hiện, lớp cử 2 người lên kéo cờ, sau hiệu lệnh “Nghiêm. Chào …cờ, chào!” quốc kỳ được từ từ kéo lên cùng lúc với tiếng hát quốc ca của cả trường vang lên hùng tráng, vang động cả một khoảng trời (không dùng banc cassette thu sẵn thay cho tiếng hát), tiếng hát quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc quốc kỳ được kéo đến đỉnh và sân trường vang lên tiếng ca bài ca hiệu đoàn. Đến chiều thứ bảy, giờ học cuối cùng của trường là giờ hạ cờ (do học sinh khối lớp 9 điều khiển và hát đoạn 2 của bài quốc ca), lá cờ được xếp lại cẩn thận cất trong tủ để thứ hai tuần sau lại được kéo lên, tung bay trên bầu trời.
Sau ngày giải phóng Quy Nhơn (31/3/1975), trường tái hoạt động với tên mới là Trường cấp 3 Quang Trung và anh Nguyễn Tổng (cựu học sinh của trường) tạm thời được cử phụ trách trường. Ngày 06/6/1977 trường đổi tên là Trường phổ thông cấp III Quang Trung do ông Hồ Trọng Mai làm Hiệu trưởng. Sau cải cách giáo dục, một lần nữa trường được mang tên mới là Trường phổ thông trung học Quang Trung do ông Hà Ngữ làm Hiệu trưởng. Đến năm 1991, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời để đáp ứng sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ cho quê hương đất nước, ngày 13/9/1991 UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định số 1191/QĐ – UB đổi thành trường Quốc Học Qui Nhơn trên cơ sở sát nhập trường PTTH Quang Trung, trường PHTH Chuyên Bình Định và trường chuyên cấp II thành phố Qui Nhơn, ông Trần Đình Vượng, Hiệu trưởng trường PTTH Chuyên Bình Định được cử làm Hiệu trưởng của trường cho đến năm 1999 về hưu, bà Nguyễn Thị Kim Lan được cử làm Hiệu trưởng thay cho ông Trần Đình Vượng, đến năm 2004 nghỉ hưu, từ đó đến nay ông Trần Xuân Bình được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng.
Đến việc thi cử
Trên đây là toàn bộ quá trình hình thành, phát triển cũng như việc dạy và học của trường từ thuở ban đầu đến ngày 31/3/1975; còn việc thi cử của học sinh thì sao?
Thi theo “từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học – Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam – nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội 1988, trang 967 là: dự những hình thức kiểm tra theo quy định về kiến thức, kĩ năng để xét chính thức công nhận có đầy đủ một tư cách nào đó; còn thi cử là: thi ra trường, vào trường, hay để nhận nhận bằng cấp, học vị. Vì thế, tự ngàn xưa, khi con người phát minh ra chữ viết, có tổ chức quốc gia, có học hành tất nhiên có thi và cử.
Thời thuộc Pháp
Học sinh của trường học hết lớp 3 – Cours Élémentaire, còn gọi là lớp sơ đẳng – thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Certificat d’Études Élémentaires), đậu mới được thi lên lớp Nhì (Cours Moyen), nếu rớt không được tiếp tục học nữa. Học xong lớp nhất (Cours Supérieu) thi bằng tiếng Pháp các môn: Chính tả (Dictée), Luận văn (Composition), Toán (Mathématiques), Khoa học (Sciences) và Sử – Địa (Histoire – Géographie) để lấy bằng Tiểu học (Primaire). Học hết lớp đệ tứ niên (bậc cao đẳng tiểu học), phải thi lấy bằng Cao đẳng tiểu học (còn gọi là bằng Thành chung hay Diplôme). Bước đầu, học sinh chỉ thi viết hai môn bằng tiếng Pháp: chính tả và luận văn, bài thi được gửi ra Hội đồng ở Huế chấm, đánh điện báo kết quả về Quy Nhơn, ai đậu được ra Huế thi viết tiếp các môn: Toán, Khoa học, Sử, Địa, Hán văn. Đủ điểm đậu phần thi viết, thí sinh được dự thi vấn đáp. Đủ điểm thi vấn đáp là chính thức nhận bằng Diplôme. Nếu rớt phần vấn đáp thì sau kỳ nghỉ hè liền đó được thi lại vấn đáp, thường gọi là kỳ thi lần thứ 2, nếu có môn bị điểm liệt thì không được dự thi kỳ 2 (deuxième session). Nếu hỏng thi kỳ 2, năm sau phải thi lại từ đầu (cả viết và vấn đáp). Lúc đầu, bằng Diploma là cái mốc phải đạt để được thi vào cấp Tú tài hoặc dự thi tuyển chọn vào làm việc tại các công sở. Về sau, quy chế trên được mở rộng, cho phép học sinh lớp tứ niên chưa đậu Thành chung vẫn được tự học để thi Tú tài (gọi là autodidacte: thí sinh tự do). Muốn thi vào làm công chức phải đậu Thành chung; riêng học sinh người dân tộc, học xong lớp đệ tam niên (troisième année) coi như được tốt nghiệp diplôme và được tuyển vào công sở. Học sinh là Pháp lai, Pháp gốc Việt (dân Tây) thì miễn thi Diplôme và được vào thẳng các trường Lycée (trung học cấp 3).
Từ ngày mang tên Trung học Cường Để
Từ khi được thành lập (1955) đến niên khóa 1958 – 1959, những học sinh của trường học xong lớp đệ nhị (lớp 11) muốn dự thi Tú tài I (còn gọi Tú tài bán phần) hoặc ra Huế hoặc vào Nha Trang để thi và học tiếp lớp đệ nhất (lớp 12), đến niên khóa 1959 – 1960 là năm đầu tiên trường có học sinh thi Tú tài
I sau khi học xong lớp đệ nhị,
Niên khóa 1962 – 1963 trường có học sinh thi Tú tài II sau khi học xong lớp đệ nhất (lớp 12) mà không ra phải ra Huế dự thi như trước.
Theo quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục, từ năm học 1965 – 1966 các môn học Công dân, Sử – Địa trong các kỳ thi trung học đệ nhất cấp, tú tài I, tú tài II được tổ chức thi trắc nghiệm thay cho bài thi viết.
Mùa hè năm 1972 Bộ tổ chức kỳ thi Tú tài I cuối cùng và sau đó bỏ hẳn kỳ thi này, như vậy học sinh năm học 1972 – 1973 học sinh học xong lớp 11 được xét chuyển lên lớp 12 và cuối năm 12 thi lấy bằng Tú tài (trước đó học sinh phải đậu Tú tài I mới được vào học lớp 12).
Năm 1974 là năm đầu tiên (và cũng là năm cuối cùng của kỳ thi Tú tài ở miền Nam) được tổ chức thi trắc nghiệm tất cả các môn và do máy IBM của Bộ Tổng Tham mưu quân đội chế độ cũ chấm.
Trải qua những thăng trầm theo dòng lịch sử của đất nước, với những định hướng, mục tiêu giáo dục khác nhau của thời thuộc Pháp, chính quyền Việt Minh, Việt Nam Cộng Hòa và nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 90 năm qua kể từ năm 1921 với những lần đổi thay tên gọi từ Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire của những năm đầu mới thành lập đến Collège de Quy Nhơn, Collège Võ Tánh rồi Nguyễn Huệ với Nguyễn Huệ Bắc, Nguyễn Huệ Nam, có lúc trở thành bãi đất bằng trong những năm kháng chiến chống Pháp, Trung học Cường Để trong thời các chính quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa và trường PTTH Quang Trung sau ngày thống nhất đất nước, trường đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh trong sự nghiệp kiến tạo đất nước, trong đó có không ít những tên tuổi làm rạng danh không chỉ cho trường, địa phương mà cả nước Việt mến yêu của chúng ta như: Lê Văn Thiêm (Giáo sư tiến sĩ Khoa học toán học, Chủ tịch Hội toán học Việt Nam – khóa 1932 – 1936), Nguyễn Thương (Tiến sĩ Luật khoa – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp quốc – khóa 1932 – 1936), Nguyễn Cang (Giáo sư tiến sĩ Habil Khoa học toán, nhà giáo ưu tú – khóa 1936 – 1946), Nguyễn Hữu (Viện trưởng Viện Đại học Y Khoa Sài Gòn), Huỳnh Văn Thiệt (Tiến sĩ nguyên tử, Giáo sư Đại học Canada), Trần Trí Năng (Tiến sĩ ở Nhật hiện giảng dạy tại Đại học California), Trần Đình Sơn (Tiến sĩ – Giáo sư Đại học Sorbone), Dương Ái Phương (Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh – Khóa 1965 – 1972), Bùi Bá Bỗng (Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bùi Văn Gà (Bùi Văn Ga – Giáo sư, TSKH, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – khóa 1968 – 1975), Nguyễn Văn Phúc (Tiến sĩ Toán – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương) – khóa 1968 – 1975), Đinh Phi Hổ (Phó Giáo sư Tiến sĩ – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – khóa 1968 – 1975), Huỳnh Ngọc Tín (Tiến sĩ ở Nga – Khóa 1968 – 1975), Hà Quang Phúc (Tiến sĩ, giảng dạy tại Đại học Sydney, Úc – Khóa 1968 – 1975), Mang Ngọc Lý (Tiến sĩ – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội – Khóa 1969 – 1976) v.v… hoặc những nhà ngoại giao lỗi lạc như Võ Đông Giang (Phan Bá), Bùi Tấn Linh (Đại sứ Roumanie), Trần Văn Tư (Trần Thức – Đại sứ Ba Lan), Trần Hoài Nam (Đại sứ CHDC Đức); các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan, Vương Linh, Phan Tứ, Nguyễn Viết Lãm, Phạm Hổ, Nguyễn Xuân Sanh, Giang Nam, Lam Giang, Đặng Quý Địch, Bùi Tiên Khôi, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Tuấn, Đặng Tấn Tới, Đào Chí Hiếu, Võ Chân Cửu, Mang Viên Long; nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, La Hữu Vang (Trần Văn Giác)… hay các chính khách tầm cỡ như: Nguyễn Minh Vỹ (Phó Trưởng ban Tuyên huấn trung ương), Trần Quang Huy (Võ Đức Huề – Bộ trưởng, Trưởng ban khoa giáo trung ương), Nguyễn Đình Tứ (Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Viện trưởng Viện Nguyên tử quốc gia), Đặng Hữu (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật); tướng lĩnh quân đội như: Nguyễn Chánh (Trung tướng, Chủ nhiệm Hậu cần), Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn – thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng thiết giáp), v.v… và v.v… không thể nào kể hết được.
Người tập hợp: Võ Xuân Đào (khóa 1968 – 1975)
Trong bài đã tham khảo, sử dụng các bài viết, hình ảnh, tư liệu của:
– Sự giáo dục và thi cử qua các thời đại ở Việt Nam của
Nguyễn Văn Thành
– Đặc san Cường Để – Nữ Trung học các năm 1988, 1999, 2001,
2004 và 2005 với những bài:
- Nhớ về Cường Để thương về kỷ niệm xa xưa của thầy Tôn Thất Ngạc.
- Trường Cường Để Quy Nhơn: chuyện cũ nhắc lại của thầy Lê Văn Hòa, thầy Nguyễn Đình Nhàn
- Trường Trung học Cường Để Qui Nhơn của Đào Đức Chương.
- Quốc học Quy – Nhơn (đặc san kỷ niệm 75 năm thành lập trường – 15/9/1921 – 15/9/1996) các bài:
- Trường Quốc học Quy Nhơn niên sử của Quách Tạo, Tô
Văn Liễu, Phạm Dư, Hà Quang Tự,
- Trung học Nguyễn Huệ Bình Định của Lê Đức Kế,
- Giáo sư tiến sĩ khoa học toán học Lê Văn Thiêm của
Nguyễn Cang,
- Các thầy hiệu trưởng Pháp của Phan Nhĩ,
- Biết bao điều mới lạ – GS. Lâm Công Định.
Chú thích:
(1 (2) (3) (4) (5) (6) Theo “Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa” Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và Đông Hải với bài “Nền giáo dục miền Nam trước 1975” trong Vnisone.com
(7) Theo Nguyễn Đức Toàn
(8) Theo GS. Phạm Thành, cựu Hiệu trưởng trường Trung học Tăng Bạt Hổ – Bồng Sơn.
Chia sẻ:
- X
Có liên quan
Từ khóa » Trường Trung Học Cường để Qui Nhơn
-
Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn - Trang Thông Tin Liên Lạc ...
-
Trang Nhà - Trang Thông Tin Liên Lạc Của Cựu Học Sinh Trường Trung ...
-
Trung Học Cường Để Qui Nhơn - Trang Chủ | Facebook
-
Trường Trung Học Cường Để Quy Nhơn - Helpmecovid
-
KỶ NIỆM TRUNG HỌC CƯỜNG ĐỂ QUY-NHƠN
-
Trường Quốc Học Quy Nhơn Kỷ Niệm 95 Năm Ngày Thành Lập
-
Quy Nhơn : Trường PTTH Quốc Học (Cấp 2&3 Quang Trung Và ...
-
Trường Quốc Học Quy Nhơn Là Gì? Chi Tiết Về ... - LADIGI Academy
-
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH
-
Trường Quốc Học Quy Nhơn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lịch Sử Trường Cường Để Qua Các Thời Kỳ
-
Hoài Niệm Về Những Tháng Năm Rực Rỡ Tại Quy Nhơn - HiQuyNhon