Lịch Sử Thú Vị Của Phong Cách Thời Trang Punk | So Awkward, Rose

Nếu đã xem qua phim Cruella (2021) thì hẳn bạn sẽ ít nhiều ấn tượng về phong cách thời trang punk rock đầy cá tính nổi loạn. Vậy bạn có hứng thú để tìm hiểu về lịch sử của punk rock chứ?

Punk rock là một trong những cảm hứng nghệ thuật chủ đạo trong ngành thời trang vào thập niên 70s, với khởi điểm là tại thành phố London (Anh Quốc). Punk không chỉ ảnh hưởng tới thời trang đơn thuần, mà còn lan rộng sức ảnh hưởng của mình tới các trường phái, loại hình nghệ thuật khác.

Tiền tố hậu thuẫn cho sự phát triển của phong cách thời trang Punk là phong cách thời trang Teddy Boys

Trước Punk, lịch sử thời trang thế giới có các “cậu bé Teddy”. Phong cách Teddy Boys có từ cuối những năm 40s, sau chiến tranh. Đây là một thế hệ thanh niên có nhiều tiền để đốt đã mua quần áo là trang phục hoàng gia của vương triều Edwardian* (Teddy).

*Edwardian Era là giai đoạn cuối những năm 1890-1914, hay còn được gọi là La Belle Époque (Thời kỳ tươi đẹp), dưới sự trị vì của vua Edward VII tại Anh. Kể từ sau cái chết của Nữ hoàng Victoria vào tháng Mộ, 1901, người thừa kế ngôi vương của bà là con trai bà Edward VII. Cái chết của Nữ hoàng là sự kết thúc của vương triều Victorian, và Vua Edward đã thiết lập nên vương triều Edwardian. Trước khi trở thành Vua, ông đã là nhà lãnh đạo của giới thượng lưu chuộng thời trang, và thiết lập nên một phong cách chịu ảnh hưởng của nghệ thuật và thời trang của Châu Âu lúc bấy giờ.

Ban đầu phong cách Teddy Boys chỉ có trang phục rũ và quần ống suông, sau đó kiểu dáng đó đã được điều chỉnh lại, thêm thắt chi tiết cổ áo, cổ tay áo và phần trang trí ở túi. Những chiếc quần dài thậm chí còn trở nên ôm hơn và những đôi giày đế crepe (cao su) hay những đôi giày beetle crushers (một loại boots đế dày như đế bánh mì của Anh) đã trở thành một trào lưu thịnh hành. Nam giới để kiểu tóc được tạo kiểu vào nếp bằng sáp và được tạo hình thành DA (duck arse) – kiểu tóc này được đặt tên như vậy vì nó gợi tưởng giống ‘đít vịt’.

Thanh niên đi theo phong cách teddy boys là những thanh thiếu niên có tiền nhưng thích chơi “trội” và bộc lộ tính cách ngông nghênh, nổi loạn. Họ là những người thích phô trương trang phục và thái độ của họ như một thứ bắt buộc đi kèm khi tuân theo phong cách này. Có thể nói, phong cách teddy boys là tiền đề của phong cách punk nổi loạn.

Các phương tiện truyền thông đã nhanh chóng gán phong cách này là một mối đe dọa, bạo lực trong xã hội, kể từ sau một vụ án mạng xảy ra. Vụ án này là khi cậu thiếu niên John Beckley bị sát hại (tháng 7 năm 1953) bởi một hung thủ theo đuổi phong cách Teddy Boys. Dòng tiêu đề của tờ báo Daily Mirrors liên kết tội ác này với quần áo của hung thủ “Dao găm, nhạc khiêu vũ và trang phục thời Edwardian (Flick knives, dance music and Edwardian suits.)

Rạp chiếu phim, vũ trường và các địa điểm vui chơi giải trí khác ở Đông Nam Luân Đôn đã đóng cửa không cho thanh niên mặc bộ đồ “Edwardian” vì hành vi thách thức của nhóm này. Lệnh cấm ban ra được thực thi từng tuần và ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn. Đó cũng là lý do mà cảnh sát dự đoán trước lệnh cấm khiến cho các băng nhóm mở rộng khu vực giao tranh. Những nhóm thiếu niên ngông cuồng này sẽ tập kết tại những nơi này và tham gia vào vụ đánh nhau bằng gậy gộc và các loại vũ khí tương tự. Trong rạp chiếu phim, ghế ngồi bị rạch bằng dao lam và có hàng chục cây xiên thịt cắm vào ”. – trích từ một bài viết của Daily Mail (27/4/1954)

Tại sao lứa thanh niên lắm tiền lại đi đánh nhau kiểu chợ búa lưu manh như thế? Bạo lực giúp mang tới nhiều “danh tiếng” hơn và khiến cho độ máu mặt của nhóm Teddy Boys đó cao hơn, khiến nhiều thanh thiếu niên bị thu hút để trở thành Teddy Boys hơn. Thực chất, rất nhiều vụ đánh nhau được “dàn xếp”, bàn tính lên kế hoạch để được báo chí chú ý tới nhiều hơn. Tuy vậy, cũng có nhiều vụ ẩu đả, bạo lực thực sự với những người bị thương mà không vì một lý do chính đáng nào hơn việc các băng nhóm tranh chấp quyền lực, danh tiếng lẫn nhau.

Sau đó là sự xuất hiện của những Punk Rocker là những kẻ nổi loạn, một thế lực mới đang trỗi dậy và cạnh tranh sức ảnh hưởng với Teddy Boys. Hai nhóm này kình cựa với nhau suốt vào những năm cuối 70s. Trong giai đoạn cao trào, năm 1977, các cuộc giao tranh nổ ra trên đường phố, mặc cho dù có là các ngày trong tuần hay không. Các cuộc đụng độ là giữa các băng đảng đối thủ của Teddy Boys và Punk Rockers khiến cho việc ùn tắc và phong tỏa giao thông nghiêm trọng.

Ca sĩ Johnny Rotten (của nhóm nhạc Sex Pistols) đã có từng gặp phải một tình huống “nhọ” nổi tiếng lúc bấy giờ, khi đến Roxy club (một club nổi tiếng tại London) và ăn diện trang phục mang phong cách Teddy Boys, và bị đánh nhừ tử bởi một Punk Rocker – người đã không nhận ra mặt và độ nổi tiếng của Rotten. Lý do của nam ca sĩ là muốn đến tham dự một buổi biểu diễn nhỏ của hội Teddy Boys mà không bị quấy rầy.

Tuy kình cựa nhau là vậy, nhưng tình yêu thì chẳng buông tha hay phân định hơn thua. Đó là lý do vì sao vào năm 1978, xu hướng (ngắn ngủi) là kết giao giữa các thành viên trẻ của hai nhóm. Lúc bấy giờ, Teddy Boys thì hẹn hò với Punkette và Punk Rocker thì lại cưa cẩm Teddy Girl.

Phong cách thời trang Punk: khởi điểm, hưng thịnh và thoái trào

Lịch sử thú vị của phong cách thời trang Punk | So awkward, Rose

Sau kỷ nguyên “Swinging London” của những năm 1960, một nhóm biểu tượng văn hóa mới đã xuất hiện. Trong những năm 1970s sự xuất hiện của phong trào punk rock, đáng chú ý nhất là những nghệ sĩ như Siouxsie Sioux và các nhóm như The Clash. Âm nhạc cũng truyền cảm hứng cho thời trang, đặc biệt là nhà thiết kế Vivienne Westwood, người đã thiết kế trang phục mang tinh thần đậm chất punk cho nhóm nhạc Sex Pistols và giúp định hình phong cách thời trang tại London của nguyên thập kỷ này.

Quần áo lúc này là hình ảnh phản chiếu cho âm nhạc. Một trong những ban nhạc Punk đình đám lúc bấy giờ là The Ramones đã đồng điệu thứ âm nhạc sắc nét của họ với một diện mạo sắc nét tương ứng. Họ xé toạc quần jean, giày thể thao và phối cùng trang phục da để hoàn thiện vẻ ngoài bụi phủi, cá tính. Chiếc áo thun ban nhạc có logo của nhóm là vật phẩm mang tính biểu tượng của họ. Chiếc áo như ấn chứng đồng nghĩa cho sự nổi loạn của tuổi teen và vẫn còn được mặc bởi những sinh viên đại học ngày nay.

Chủ nghĩa vô chính phủ (Anarchy) cũng bắt đầu manh nha du nhập vào Anh Quốc vào đầu thập niên 70s. Không ai khác đã truyền thụ tư tưởng này là Malcolm McLaren (quản lý của nhóm nhạc Sex Pistols) và NTK Vivienne Westwood, thông qua thời trang. Một năm trước khi McLaren phối nguyên cây da đỏ cho nhóm nhạc nổi tiếng The New York Dolls, ông đã cùng Westwood xây dựng lại cửa hàng của họ vào năm 1974. Tên gọi của nó là “Sex”, tọa lạc tại số 430 đường King’s Road tại thành phố Chelsea (London). Thật khó để một ai đó có thể không nhìn thấy cửa hiệu quần áo này của họ, khi biển hiệu to tướng bằng chất liệu da hồng. Châm ngôn của họ được dán ngay trên cửa :”Craft must have clothes but Truth loves to go naked” (Gian trá thì mới cần phải có quần áo – chứ sự thật thì luôn thích trần trụi).

Lịch sử thú vị của phong cách thời trang Punk | So awkward, Rose

Nội thất bên trong gồm rất nhiều hình vẽ graffiti và dây kẽm hàng rào sắt. Cửa hàng định vị là “anti fashion” (tinh thần phản thời trang) đã giúp định hình nên trào lưu Punk. Họ bán trang phục bondage, cùng với những thiết kế của riêng họ. Nhóm nhạc The Sex Pistols, Adam Ant hay cả Siouxsie Sioux cũng đều là khách hàng mua sắm tại đây. Thậm chí thành viên của The Sex Pistol là tay ghita bass Glen Matlock hay Chrissie Hynde, nữ ca sĩ hát chính của nhóm nhạc The Pretenders đều từng là nhân viên bán hàng tại “Sex”.

Cửa hàng được đổi tên một lần nữa vào năm 1976, lần này được gọi là “Seditionaries”. Thời trang nổi loạn tiếp tục phát triển và tạo nên sức ảnh hưởng bởi cặp đôi quyền lực của giới punk. McLaren lúc này là quản lý của Sex Pistols, nhưng chính NTK Vivienne Westwood, người hiện vẫn được tụng ngợi là “mẹ đẻ” của punk đã dấn thân vào thế giới thời trang với những thiết kế mang đậm tinh thần nổi loạn và làm nên tên tuổi của bà.

Những chiếc áo phông thời trang dạo phố của Westwood và McLaren cũng gây ra nhiều tranh cãi, với những khẩu hiệu như ‘Cambridge Rapist’ và ‘Pedophilia’. Chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã (phát xít Đức) nhanh chóng thay thế dấu hiệu hòa bình như một hoạt tiết trên áo thun.

Mặc dù có sự khác biệt giữa phong cách punk của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, có hai xu hướng vẫn giống nhau ở cả hai nơi là áo sơ mi xé và kim băng. Tuy nhiên, thành viên Johnny Rotten của The Sex Pistols tại Anh đã nhận định một lý do thực tế hơn cho món phụ kiện kim băng to bản lạ lẫm này, khi cho rằng chúng đã giúp cho mông quần của người mặc không bị tụt ra ngoài.

Xu hướng nhanh chóng được bộ đôi thiết kế Westwood và McLaren tiếp nhận và biến đổi hoàn toàn, trở thành một tuyên bố thời trang (và cả chính trị). Những chiếc áo phông ‘God Save the Queen’ của họ, với hình ảnh Nữ hoàng có một chiếc kim băng xỏ qua mũi, được xem là một trong những hình ảnh tiêu biểu của punk, nhưng cũng đầu thời gây tranh cãi và bất bình không nhỏ.

Lịch sử thú vị của phong cách thời trang Punk | So awkward, Rose
God Save The Queen.

Dẫn đầu bởi NTK Westwood và McLaren, các kiểu biến tấu trang phục “chẳng giống ai” như xé, khóa kéo trang trí, đinh tán, huy hiệu và băng đô đeo tay đã được tiếp nhận như một tuyên bố chính trị trên đường phố. Những bộ quần áo này đều muốn truyền tải một thông điệp cụ thể. Chúng mang khẩu hiệu, chứ không phải logo đơn thuần.

‘Street punk’ cũng đã tạo ra hình ảnh của punk mà chúng ta đều biết ngày nay: kiểu đầu mohawks, choker nạm đinh, hình xăm, giày Dr. Martens và họa tiết tartan. Phụ nữ mặc váy da và quần lưới cá xé lỗ chỗ, cùng với áo thun có nhiều khẩu hiệu kiểu dáng nguệch ngoạc hay biểu tượng của ban nhạc nổi tiếng được vẽ bằng bút dạ.

Khi thời trang punk trở nên phong cách hơn, chủ nghĩa lãng mạn (New Romanticism) bắt đầu xuất hiện nhằm mục đích đem tới luồng ánh sáng tích cực trong bóng tối chính trị. “Chúng tôi muốn thoát ra khỏi cái cảm giác đang ở đường hầm dưới lòng đất của Anh, cảm giác đen tối đó,” NTK Westwood nói về giai đoạn punk trở nên thương mại và ít mang tuyên ngôn chính trị hơn. Phong cách ‘post punk’ sau đó đã ra đời. Đôi giày Martens vẫn còn thịnh hành, nhưng những tín đồ thời trang bắt đầu mặc áo nịt ngực lấy cảm hứng từ thiết kế nguyên bản của NTK Jean-Paul Gaultier.

Buổi trình diễn thời trang trên catwalk đầu tiên của Vivienne Westwood và McLaren (năm 1981) là “Pirate”, mang thiên hướng thời trang nhiều hơn là tuyên ngôn chính trị. Đó có thể xem là lúc mà punk cũng dần nhường chỗ và sức ảnh hưởng cho những trào lưu văn hóa, nghệ thuật, thời trang khác. Dù đã trải qua hơn 4 thập kỷ thì punk vẫn luôn là một trong những mảng văn hóa quan trọng của thế kỷ trước, và sức ảnh hưởng của nó rõ ràng vẫn còn tại diện ở xã hội hiện đại, trong hồi ức của những tín đồ punk rock, cũng như nó vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ sau này.

Được chuyển ngữ từ bài viết này

Chia sẻ:

  • Email
Thích Đang tải…

Từ khóa » Trào Lưu Punk