LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Hi Lạp Cổ đại - .vn

I. Tổng quan về Hi Lạp cổ đại

1. Điều kiện tự nhiên - dân cư

  1. Điều kiện tự nhiên :
  • Hi Lạp cổ đại bao gồm miền lục địa Hi Lạp (Nam bán đảo Ban Căng), miền đất ven bờ biển Tiểu Á và những đảo thuộc biển Êgiê. Miền lục địa Hi Lạp có tầm quan trọng nhất trong lịch sử Hi Lạp, chia làm 3 miền : Bắc, Trung và Nam Hi Lạp. Miền Bắc gồm vùng rùng núi phía Tây và đồng bằng Tétxali phía Đông, ngăn cách với miền Trung bởi đèo Técmôphin hiểm trở ; miền Trung có nhiều rừng núi chạy dọc ngang, chia cắt lãnh thổ thành nhiều khu vực địa lý nhỏ, tách biệt với nhau, nối với miền Nam – bán đảo Pêlôpône bởi eo Côrinh ; bán đảo Pêlôpône trù phú, với nhiều đồng bằng như Lacôni, Métxêni, Ácgôlít. Vùng đất liền ven bờ Tiểu Á trù phú, là cầu nối thế giới Hi Lạp với các nền văn minh cổ đại phương Đông.
  • Bờ biển Hi lạp : phía Tây gồ ghề, lởm chởm, không tiện cho xây cảng, nhưng phía Đông lại khúc khuỷu, hình răng cưa, có nhiều vịnh, nhiều cảng tự nhiên, an toàn và thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu, di chuyển. Bờ biển Tây Tiểu Á cũng thuận lợi cho tàu thuyền như vậy. Hi Lạp có nhiều đảo trên biển Êgiê, là nơi dừng chân của các tàu thuyền, tạo cầu nối giữa lục địa Hi Lạp với miền Tiểu Á. Khi các tàu thuyền di chuyển trên biển Êgiê, khoảng cách với đất liền và đảo luôn không lớn.
  • Đất đai Hi Lạp nhìn chung kém màu mỡ, chỉ có một số vùng đồng bằng không lớn lắm. Do vậy, hoạt động trồng trọt cây lương thực không có điều kiện như ở phương Đông, song đất đai đó hợp với cây Ôliu lấy dầu và cây nho làm rượu. Đất đai một số vùng lại phù hợp cho việc sản xuất đồ gốm tốt, trong khi khoáng sản phong phú, như đồng, sắt, bạc, vàng…cùng nhiều rừng gỗ quý.

Điều kiện tự nhiên đó tạo nên khuynh hướng phát triển kinh tế thủ công nghiệp và buôn bán bằng đường biển hơn là làm nông nghiệp của cư dân. Khuynh hướng này là cơ sở của nền văn minh có nhiều điểm khác biệt so với phương Đông. Mặt khác, điều kiện đất đai cũng khiến cho việc canh tác gặp khó khăn, nên chỉ tới thời đại đồ sắt, cư dân nơi đây mới tạo được sự chuyển biến mạnh trong sản xuất. Do vậy, nền văn minh xuất hiện muộn so với phương Đông, trừ trường hợp văn minh Cret-Myxen, nền văn minh biển – đảo, có nhiều nét giống với văn minh phương Đông cổ đại.

  1. Dân cư :

Dân cư cổ nhất của thế giới Hi Lạp là cư dân đã sáng tạo nên nền văn minh Cret-Myxen, khoảng thiên niên kỷ III – II TCN, trên đảo Cret, một vài đảo khác và vài vùng đất của lục địa Hi Lạp.

Cuối thiên niên kỷ III, đầu thiên niên kỷ II TCN, các tộc người Hi Lạp thuộc ngữ hệ Ấn – Âu từ phía Bắc – hạ lưu sông Đanuýp xuống bán đảo Ban Căng và các đảo trên biển Êgiê. Quá trình này kéo dài hơn 1000 năm, kết thúc với việc cư dân Hi Lạp chinh phục và định cư ở đây (người Đôrien định cư ở bán đảo Pêlôpône, đảo Cret và vài hòn đảo nhỏ ở nam Êgiê ; người Iônien ở vùng đồng bằng Attich, đảo Ôbê và ven bờ tây Tiểu Á ; người Akêen chủ yếu định cư ở miền Trung Hi Lạp ; người Êôlien ở Bắc Hi Lạp, một số đảo trên biển Êgiê và ven bờ Tiểu Á). Họ xây dựng nên các thành bang trong lịch sử, cùng tự nhận chung nguồn gốc (thần Hêlen - Hellene, gọi quốc gia là Henlát - Hellas), cùng chung tôn giáo, tập quán, tín ngưỡng.

2. Các thời kỳ lớn của lịch sử Hi Lạp cổ đại

*Văn minh Cret - Myxen (Thiên niên kỷ III - thiên niên kỷ II TCN)

+ Cret là tên một hòn đảo phía Nam biển Ê-giê, từng tồn tại một nền văn minh cổ x­ưa, từ khoảng thiên niên kỷ III đến cuối thiên niên kỷ II TCN. Myxen là một tên một vùng đất trên bán đảo Pelopones, Nam Hi Lạp, có nền văn minh tồn tại từ khoảng cuối thiên niên kỷ III đến cuối thiên niên kỷ II TCN. Ngư­ời ta gọi chung là văn minh Cret - Myxen, bởi chúng có những điểm tương đồng cơ bản, là nền văn minh mở đầu trong lịch sử Hi Lạp.

+ Cư­ dân của văn minh Cret - Myxen làm nông nghiệp là chủ yếu, đồng thời cũng phát triển thủ công nghiệp và hoạt động buôn bán.

+ Cret - Myxen là một nền văn minh của xã hội có giai cấp và nhà nước, cũng giống như­ văn minh phư­ơng Đông cổ đại, bị tàn tạ vào thiên niên kỷ II TCN, cùng với những cuộc thiên di của các tộc ng­ời Hi Lạp từ phía Bắc tràn xuống, chinh phục và định c­ư. Văn minh Cret – Myxen là nền văn minh mở đầu của lịch sử Hi Lạp, nh­ưng nền văn minh tiếp theo đó không tiếp nối thành tựu của nó.

* Thời đại Hôme (Homère) trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ XI - IX TCN)

+ Thời đại Hôme (vì giai đoan lịch sử này đ­ược phản ánh chủ yếu trong hai sử thi - anh hùng ca Iliát và Ôđixê tương truyền do Hôme sáng tác) là thời kỳ tan rã của xã hội thị tộc - bộ lạc trong cộng đồng những tộc ngư­ời Hi Lạp (Đôrien và Iônien) thiên di từ phía Bắc xuống.

+ Cư­ dân thời đại Hôme sống định cư­ trên các vùng của lục địa Hi Lạp và các hòn đảo xung quanh, chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, cùng với đó là hoạt động thủ công nghiệp.

+ Chế nộ nô lệ sơ khai đã ra đời song mang nặng tính chất nô lệ gia trư­ởng, có nhiều nét giống với xã hội cổ đại ph­ương Đông.

* Thời kỳ xuất hiện và phát triển lên đến đỉnh cao của xã hội có giai cấp, nhà nước trong lịch sử Hi Lạp (thế kỷ VIII - V TCN)

+ Sau thời đại Hôme, Hi Lạp bư­ớc vào giai đoạn hình thành và phát triển xã hội có giai cấp và nhà nước. Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI TCN, các thành bang Hi Lạp dần hình thành và phát triển, nổi bật là Xpác (Sparte) và Aten (Athen). Sau chiến tranh với đế quốc Ba Tư­ (thế kỷ V TCN), các thành bang Hi Lạp đạt tới sự phát triển đỉnh cao, trong đó Aten trở thành trung tâm của nền văn minh Hi Lạp, thể hiện đầy đủ những đặc tr­ưng và đỉnh cao của xã hội Hi Lạp thời cổ đại.

+ Chế độ chiếm hữu nô lệ hình thành và phát triển, nền kinh tế Hi Lạp cổ đại dựa trên cơ sở của nó, với hoạt động chính là thủ công nghiệp và mậu dịch hàng hải. Các thành bang Hi Lạp trở thành trung tâm văn minh thời cổ đại với những thành tựu rực rỡ chư­a từng có tr­ước đó.

+ Vào cuối thế kỷ V TCN, những cuộc chiến tranh trong nội bộ các thành bang Hi Lạp đã dẫn tới sự suy thoái của họ, dẫn đến sự thống trị của đế quốc Makêđônia (Macédonia) từ cuối thế kỷ IV TCN.

* Hi Lạp trong thời kỳ thống trị của Makêđônia - Thời kỳ Hi Lạp hóa (từ năm 334 đến năm 30 TCN):

+ Cuối thế kỷ IV, quốc gia Makêđônia ở miền Bắc Hi Lạp trở nên c­ường thịnh sau khi tiếp thu văn hóa Hi Lạp, chinh phục hầu hết các thành bang Hi Lạp, đến thời Alếchxanđrơ (Alexandre), trở thành một đế quốc lớn, thống trị nhiều vùng đất ở Đông Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Nh­ưng đế quốc đó mau chóng tan rã sau khi chết (năm 323 TCN)

+ Thời kỳ này, các thành bang Hi Lạp suy thoái, như­ng văn hóa Hi Lạp được truyền bá rộng rãi trong lãnh thổ của đế quốc Makêđônia , vậy nên gọi là thời kỳ “Hi Lạp hóa”.

+ Trong khi đó nhà nước Roma ở bán đảo Italia không ngừng phát triển và đã chinh phục hầu hết lãnh thổ của Hi Lạp.

3. Một vài điểm cần lưu ý về lịch sử Hi Lạp cổ đại :

+ Kinh tế : Nền kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển, nhất là thương mại hàng hải do điều kiện tự nhiên ưu đãi. Trình độ sản xuất khá cao so với xã hội cổ đại phương Đông, sự phân công lao động diễn ra rõ nét. Đây là một cơ sở quan trọng cho sự hưng thịnh của nền văn minh Hi Lạp.

+ Xã hội : xã hội chiếm hữu nô lệ, với hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ

Giai cấp chủ nô dùng quyền sở hữu tư liệu sản xuất và sở hữu chính bản thân người nô lệ để bóc lột thành quả lao động của nô lệ, lực lượng lao động chính nuối sống xã hội những hoàn toàn không có quyền hành gì, chỉ là một thứ công cụ của chủ nô.

+ Chính trị : Nhà nước ra đời từ sự phát triển trong nội bộ xã hội, xóa bỏ tàn dư xã hội nguyên thủy

Nhà nước thành bang : các nhà nước Hi Lạp tồn tại dưới hình thức nhà nước thành bang hay quốc gia thành thị (polis), với một thành thị là hạt nhân, độc lập với nhau và không bao giờ trở thành một quốc gia thống nhất, trừ trường hợp bị thống trị bằng vũ lực từ bên ngoài

Chế độ dân chủ chủ nô : dù mô hình nhà nước có khác biệt nhau (cộng hòa quý tộc như Xpác hay cộng hòa dân chủ như Aten) song xã hội các thành bang đều được tổ chức theo nguyên tắc của chế độ dân chủ chủ nô, chế độ mà quyền lực thuộc về một nhóm, một tập thể người, đại biểu cho quyền lợi của giai cấp chủ nô, áp bức, bóc lột với giai cấp nô lệ.

Phương thức sản xuất chiếm nô điển hình. Nền văn minh Hi Lạp cổ đại là nền văn minh ra đời và phát triển trên cơ cở phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ.

II. Các thành tựu văn minh

  1. Chữ viết và văn học
  1. Chữ viết :

+ Chữ viết của cư dân Cret – Myxen : Cư dân Cret – Myen đã sáng tạo ra chữ viết, gồm có hai loại. Loại 1 : có niên đại khoảng đầu thiên niên kỷ II TCN, là loại chữ tượng hình thuần túy ; Loại 2 : có dạng thức đơn giản hơn, được cấu tạo bởi một số đường nét khá đều đặn, thống nhất về kiểu thức, nó lại chia ra làm hai loại, trong đó loại A – cổ xưa hơn (1700 – 1400 TCN), chưa dịch được, B – muộn hơn (1400 – 1200 TCN), đã dịch được[1]. Tuy vậy đó là hai thứ chữ không được tiếp tục phát triển.

+ Chữ cái Hi Lạp : Qua quan hệ buôn bán (thế kỷ IX – VIII TCN), họ kế thừa và phát triển từ chữ viết của người Phênixi (Phoenician), một tộc người chuyên về buôn bán đường biển trên Địa Trung Hải. Bảng chữ cái của người Hi Lạp ban đầu có 40 chữ cái, rồi có 24 chữ cái (18 phụ âm, và 6 nguyên âm). Ưu điểm : Tính khái quát hóa cao, với cách ghép linh hoạt, có thể thể hiện mọi kết quả của tư duy. Hệ thống chữ cái Slavơ và Latinh bắt nguồn từ đó, được phần lớn các dân tộc trên thế giới sử dụng

  1. Văn học :
  • Thần thoại Hi Lạp :

+ Thuật ngữ thần thoại – Mitologia (tiếng Nga), Mythology (tiếng Anh) , Mythologie (tiếng Pháp) xuất phát từ chữ Hi Lạp Mythologos (Mythos : truyền thuyết ; logos : lời nói, truyện kể, học thuyết).

+ Thần thoại Hi Lạp là thể loại văn học ra đời sớm, hình thành chủ yếu trong thời kỳ tan rã của xã hội thị tộc, bộ lạc (thế kỷ XI - IX) và phát triển thành một hệ thống hoàn chỉnh vào thế kỷ VIII TCN – VII TCN.

Thần thoại ra đời trong điều kiện trình độ phát triển của xã hội còn thấp và được thể hiện dưới hình thức truyền thuyết, những câu chuyện hoang đường về giới tự nhiên, xã hội và con người, song thể phản ánh quá trình nhận thức của con người về thế giới xung quanh, gắn với thực tiễn.

Thần thoại Hi Lạp, cùng với anh hùng ca, thể hiện thời kỳ lịch sử quan trọng của Hi Lạp : chuyển tiếp từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp và nhà nước. Giữa thần thoại và anh hùng ca vừa đan xen, vừa nối tiếp, trong đó thần thoại là khúc dạo đầu, thể hiện tiến trình lịch sử đầu tiên ấy.

+ Thế giới các thần : đông đảo, với nhiều thế hệ, nhiều mối quan hệ phức tạp. Dưới đây chỉ là các vị thần linh tiêu biểu cho hệ thống thần linh đông đảo ấy

Ban đầu vũ trụ chỉ là một khối hỗn mang Kaốt (Chaos), từ đó sinh ra thần đất mẹ Gaia. Thần Gaia sinh thần bầu trời Uranos. Rồi Gaia và Uranos kết hôn, sinh ra 12 thần khổng lồ Tităng (Titan), gồm 6 nam thần và 6 nữ thần. Đây là thế hệ « các thần già ». Trong các thần đó, thần Cronos đã lật đổ cha mình – Uranos để chiếm ngôi vi chúa tể. Các thần Tităng kết hôn với nhau theo cặp, sinh ra nhiều con.

Các thần con của Tităng gọi là thế hệ « các thần trẻ ». Một trong số đó, thần Dớt (Zeus), con trai của Crônốt (Cronos), đã lãnh đạo các thần trẻ đánh bại « các thần già » và cai trị thế giới, ngự trên đỉnh Ôlympơ (Olympe, một ngọn núi ở Bắc Hi Lạp, phân biệt với thành phố Olimpia, nơi tổ chức thế vận hội Olimpic, nằm trên bán đảo Pêlôpône). Trong thế giới thần linh đông đúc ấy có 12 thần tiêu biểu do Dớt đứng đầu (Một số vị thần già tham gia phe Dớt cũng tiếp tục cai quản thế giới, như thần Mặt trời Hêliốt)

Thần Dớt (Zeus) : thần tối cao, « cha của các thần » và của con người và thần sấm sét

Thần Đêmêtê : chị ruột Dớt, nữ thần nông nghiệp, tạo ra sự phì nhiêu

Thần Hađét : anh ruột Dớt, thần cai quản thế giới âm phủ

Thần Hestia : chị ruột Dớt, thần cai quản bếp lửa gia đình

Thần Pôsêiđông : anh ruột Dớt, thần biển và các nguồn nước

Thần Hêra : em gái và vợ Dớt, quản lý việc hôn nhân và bảo vệ các bà mẹ khi sinh nở

Thần Apôlô : con trai Dớt, thần ánh sáng và nghệ thuật

Thần Áctêmít : con gái thần Dớt, nữ thần săn bắn

Thần Aphrôđit : Nữ thần tình yêu và sắc đẹp

Thần Ares : con trai Dớt, thần chiến tranh

Thần Hêphaixtốt: con trai Dớt, thần lửa – thợ rèn

Thần Atêna: con gái Dớt, thần trí tuệ, bảo trợ Aten và sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, nghề thủ công.

Thần Promete: thần đã sáng tạo ra loài người và mang ngọn lửa xuống trần gian. Vì thế, Prômêtê bị xiềng vào núi, hàng ngày có con đại bàng đến xé lồng ngực để ăn gan, khi ngày mới bắt đầu, lá gan lại như cũ và tiếp tục chịu cực hình đó. Về sau, thần được Heraclex, con trai thần Dớt với một người trần đến cứu thoát. Câu chuyện này là đề tài của vở kịch “Promete bị xiềng” của nhà bi kịch Etsin. Qua cơn đại hồng thủy, con trai của thần đã sống sót, sinh ra chàng Hêlen, thủy tổ của người Hi Lạp (Hellas)

Thần thoại Hi Lạp có nét đặc trưng : hình ảnh, cuộc sống, những đặc điểm vê tâm lý, tính cách gần gũi với con người. Đó là sự « thần thánh hóa » con người, hội tụ những nét đẹp của con người (dũng cảm, hảo hiệp, vì nghĩa lớn, yêu chân lý và cái đẹp) cũng như những khiếm khuyết của con người (sự độc ác, tính tị hiềm, ghen tuông,…).

Nhà thơ Hê-đi-ốt, sống khoảng cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ VII TCN đã viết « Gia phả các thần », phân rõ ba triều đại thần linh, sắp xếp nên một hệ thống thần linh hoàn chỉnh.

  • Thơ ca :

Sử thi : Iliad và Odysse

Iliát (Iliad) : 15.693 câu thơ, chia ra 24 khúc ca, kể về 49 ngày cuối cùng trong năm thứ 10 của cuộc chiến tranh thành Tơroa (Troy)[2], cũng gọi là thành Iliông (Ilion), một thành bang ven bờ Tiểu Á, giữa các thành bang Hi Lạp do Agamemnông (Agamemnon, vua của Myxen - Mycenae) thống lĩnh. Nội dung chính là mối bất hòa giữa Asin (Achillse), vị tướng giỏi nhất của quân Hi Lạp và Agamemnông vì nàng Brêdêit (Brideis). Cuối cùng Asin chết trong chiến trận, kết thúc với lễ hỏa táng của Hector, hoàng tử và là tướng chỉ huy của Tơroa.

Ôđixê (Odyssey) : 12.110 câu thơ, gồm 24 khúc ca, kể về cuộc hành trình kéo dài 10 năm của Uylixơ (Uylisses, tức Odysseus), người đã nghĩ ra mưu kế « Con ngựa thành Tơroa », sau chiến tranh Tơroa, trải qua sóng gió mới trở về quê hương Itác (Ithaca) bên người vợ chung thủy Pêlênốp và con trai. Hai vợ chồng nhận ra nhau qua chi tiết chiếc giường trong phòng ngủ có một chân vốn là một gốc cây được đẽo nên không di chuyển được.

Hai bộ sử thi đồ sộ này vừa là những kiệt tác văn học, vừa phản ánh một thời kỳ lịch sử của người Hi Lạp, tức thời kỳ tan rã của xã hội nguyên thủy Hi Lạp – Thời đại Hôme (thế kỷ XI – IX TCN), tương truyền do thi sĩ Hôme, người thi sĩ bị mù chuyên đi kể chuyện tại các thành phố. Hai bộ sử thi ấy còn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa thần thoại và tính chất anh hùng ca trong thần thoại và sử thi Hi Lạp. Đây là niềm tự hào của nền văn minh Hi Lạp và là tác phẩm phổ biến nhất trong di sản văn học Hi Lạp.

Thơ trữ tình :

  • Nhà thơ xác thực đầu tiên là Hêđiốt, khoảng nửa sau thế kỷ VIII TCN, đầu thế kỷ VII TCN, tác giả của « Nguồn gốc các vị thần » và « Lao động và ngày tháng ». “Nguồn gốc các vị thần” là văn bản viết đầu tiên về thế giới thần thoại Hi Lạp, hệ thống hóa những câu chuyện kể dân gian và do đó đôi khi có những khác biệt so với truyền thuyết, sử thi (ví dụ: về nguồn gốc của nữ thần tình yêu Aphrôđit, theo Hôme là do thần Dớt sinh ra, nhưng theo ông là do bọt biển sinh ra)
  • Các thi sĩ khác : Thế kỷ VII – VI TCN xuất hiện nhiều nhà thơ, tiêu biểu như Ackhilốc (Archiloque), Ankây (Alcaeus), Saphô (Sappho)…

Nữ thi sĩ Sa phô (Sappho), được người Hi Lạp xưng tụng là nàng thơ thứ 10 của thơ ca Hi Lạp (theo quan niệm của người Hi Lạp, có 9 nàng tiên bảo trợ cho hoạt động thi ca). Bà để lại 9 tập thơ, thể hiện sâu sắc và tinh tế những sắc thái tình cảm sâu sắc của con người.

Kịch thơ : Bi kịch và hài kịch

Kịch thơ là một trong thể loại văn học rất phát triển ở Hi Lạp cổ đại, vừa là một loại hình nghệ thuật sân khấu, một đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa nhân loại.

Chính kịch ra đời bắt nguồn từ các hoạt động ca hát, kể chuyện trong lễ hội tôn vinh thần rượu nho Dionisos, nhất là khoảng thế kỷ VI TCN, được trình diễn lần đầu tiên năm 534 TCN. Thế kỷ VI – V TCN là thời kỳ hoàng kim của kịch cổ điển Hi Lạp. Các chủ nô tài trợ nhiều cho hoạt động sáng tác và trình diễn, chẳng hạn như tổ chức thi và trao giải hàng năm.

* Bi kịch: Ba nhà sáng tác bi kịch lớn, Etslin, Xôphôcclơ và Ơripit

Etsin (525 TCN – 456 TCN) : đứng về phía các chủ nô Aten, tham gia chống quân Ba Tư. Ông tin vào vai trò quyết định của các thần linh, đề cao chính nghĩa, ca ngợi tinh thần yêu nước và bất khuất của con người, phản kháng chuyên chế. Hiện còn 7 vở kịch của ông (trong số 70 bi kịch và 20 hài kịch), tiêu biểu là Prômêtê bị xiềng.

Xôphôcclơ (496 TCN – 406 TCN) : có thế giới quan tôn giáo truyền thống. Ông cho rằng bi kịch sinh ra từ sự phản kháng số mệnh của con người. Ông đã sáng tác 123 vở kịch, nay chỉ còn lại 7 vở nguyên vẹn, chẳng hạn như Ơđip làm vua[3].

Ơripit (khoảng 485/480 TCN – 406 TCN) : viết 90 vở kịch, nay còn giữ được 18 vở kịch (17 bi kịch, 1 hài kịch). Quan điểm của ông là không tin vào số mệnh, con người rơi vào bi kịch do không thắng nổi dục vọng của mình. Trong các tác phẩm của ông, cuộc đấu tranh giữa trí tuệ và tình cảm rất mạnh mẽ, nên được xem là người khởi đầu cho thể loại bi kịch tâm lí – xã hội.

* Hài kịch : Arixtôphan (khoảng 445 – 386 TCN)

Ông là nhà sáng tác hài kịch tiêu biểu nhất, với 44 ở kịch, nay còn 11 vở kịch, tiêu biểu như Hòa bình, Kỵ sĩ, Đàn chim…Đề tài của ông xoay quanh các vấn đề thời sự, chính trị, mang tính đả kích, châm biếm xã hội đương thời, như phản đối cuộc chiến tranh Pêlôpônne (431 – 404 TCN), các thói hư, tật xấu của con người… Về quan điểm chính trị, ông thuộc phái bảo thủ, thường chỉ trích các nhà cầm quyền dân chủ của Aten.

  1. Triết học :

+ Triết học (Philosophy - Philosophia bắt nguồn từ chữ Hi Lạp philos - yêu và sophia – sự thông thái, tri thức) là một trong những thành tựu văn minh lớn của người Hi Lạp, là cội nguồn của triết học phương Tây. Triết học Hi Lạp ra đời trong một xã hội có nền kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển, chế độ chiếm nô phát triển cao, trên nền tảng của những thành tựu khoa học tự nhiên, ít bị chi phối bởi tôn giáo.

+ Nét nổi bật trong lịch sử triết học Hi Lạp là sự hình thành, phát triển và đấu tranh giữa các trường phái duy vật và duy tâm.

+ Hai thời kỳ lịch sử của triết học Hi Lạp cổ đại :

Thời kỳ hình thành của các trường phái duy vật và duy tâm đầu tiên – từ thế kỷ VII đến thế kỷ VI TCN :

  • Trường phái duy vật đầu tiên – trường phái Milê : với các nhà triết học lớn là Talet, Anaximandro, Anaximen, đều quê ở Milê, một thành bang Hi Lạp giàu có ven bờ biển Tiểu Á. Họ không thừa nhận sự giải thích về thế giới của tôn giáo, mà tìm câu trả lời trong thế giới vật chất cho câu hỏi « cái gì là cơ sở đầu tiên của mọi sự vật, hiện tượng ? », thừa nhận thế giới là một chỉnh thể thống nhất.

Talét (624 – 526 TCN), người sáng lập trường phái, cho rằng nước là cơ sở đầu tiên của vạn vật, vận động sinh ra mọi sự vật, hiện tượng.

Anaximanđrơ (611 – 546 TCN) cho rằng chất Apâyrôn (không giới hạn – tiếng Hi Lạp) là cơ sở đầu tiên của vạn vật, một chất không đổi, vĩnh cửu và không giới hạn. Vạn vật sinh ra từ đó và khi chết trở về apâyrôn. Các mặt đối lập sinh ra từ apâyrôn, tương tác nhau sinh ra vạn vật.

Anaximen (585 – 525 TCN) cho rằng không khí sinh ra vạn vật, là nguồn gốc của sự sống.

Hêraclit (554 – 483 TCN), người Êphêdơ (Tiểu Á), cho rằng lửa là nguồn gốc vạn vật. Ông là một trong những người sáng lập ra phép biện chứng cổ đại, với câu nói nổi tiếng « Không thể tắm hai lần trên một dòng sông », cho rằng sự vật đều vận động và thay đổi không ngừng, là đặc tính của vật chất, kết quả của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập.

  • Trường phái duy tâm đầu tiên - Trường phái Pytago (Pythagore): Do Pytago (540 – 500 TCN) sáng lập, một nhà toán học, lập ra « Hội tôn giáo – triết học ». Phái này tuyệt đối hóa các con số, con số không chỉ là những biểu thức đơn giản mà còn thể hiện bản chất của sự vật (Ví dụ : số lẻ là hữu hạn, biểu thị điều tốt ; số chẵn là vô hạn, biểu thị điều xấu). Thành tựu của họ chủ yếu ở lĩnh vực toán học, thiên văn học và lý thuyết âm nhạc.
  • Ngoài ra còn có trường phái Êlê (một thành bang Nam Italia) do Xênôphan (570 – 480 TCN) sáng lập, vừa có yếu tố duy tâm (sự vận động chỉ là hư ảo của cảm giác), vừa có yếu tố duy vật (thế giới vĩnh cửu, không do ai tạo nên, cũng không bị hủy diệt).

Thời kỳ phát triển của triết học Hi Lạp cổ điển – thế kỷ V – IV TCN :

  • Trường phái duy vật : kế thừa và phát triển lên tầm cao mới những quan điểm duy vật đầu tiên, trong điều kiện xã hội mới. Aten trở thành trung tâm của nền triết học phương Tây cổ đại.

Anaxago (500 – 428 TCN) : Nhà triết học duy vật nổi tiếng đầu tiên của giai đoạn này, cho rằng thế giới không do ai tạo ra, không bị hủy diệt, không có sự thay đổi chất lượng, là sự thống nhất và phân chia của các dạng vật chất. Ban đầu chỉ có các « hạt giống » vô cùng nhỏ, hỗn độn, lắm hình vẻ, rồi chuyển động, liên kết theo loại tạo ra vạn vật. Động lực của sự chia tách và liên kết là chất nhẹ nhất, sạch nhất – trí tuệ.

Empêđốc (khoảng 495 – 435 TCN), cho rằng cội nguồn của vạn vật là lửa, nước, không khí và đất, không chuyển hóa mà hỗn hợp với nhau một cách cơ học tạo ra vạn vật. Các sự vật, hiện tượng tồn tại nhờ sự thống nhất (do yêu) và chia tách (do lòng căm thù) của các nguyên tố tạo nên. Ông sáng lập ra lí thuyết cổ điển về các nguyên tố.

Đêmôcrit (460 – 371 TCN), nhà triết học duy vật nổi tiếng nhất. Ông sáng lập ra thuyết nguyên tử cổ đại. Theo đó, toàn bộ thế giới, gồm cả con người, đều được cấu thành từ những hạt nhỏ nhất – các nguyên tử, không phân chia, chuyển động giữa các khoảng chân không, tạo nên vạn vật. Ông là người đầu tiên nêu ra quan điểm vận động là thuộc tính của vật chất. Ông chống tôn giáo, cho rằng thần linh chỉ là hiện thân của tự nhiên và bản tính con người. Thuyết nguyên tử của ông ảnh hưởng tới toàn bộ triết học và khoa học châu Âu về sau.

  • Trường phái duy tâm :

Phát triển mạnh một hệ thống quan điểm duy tâm về thế giới, về xã hội và bản thân con người.

  • (470 – 399 TCN) : Nhà triết học lớn, không để lại tác phẩm nào mà quan điểm được biết đến qua tác phẩm của các học trò, như Platông, Xênôphôn và Arixtôphan.

Ông cho rằng triết học có tác dụng giáo dục đạo đức cho con người, rất quan tâm đến lí luận nhận thức. Phương pháp nhận thức chân lí của ông là tranh luận. Ông phân biệt con người thành 2 loại : có thể và không thể nhận thức chân lí.

  • (427 – 347 TCN), học trò Sôcơrat, nhà triết học lớn của phái duy tâm, « đối thủ tư tưởng » chủ yếu của Đêmôcrit. Ông sáng lập trường phái Academi, chủ yếu nghiên cứu toán học, xây dựng phép biện chứng độc đáo trên cơ sở toán học.

Thuyết ý niệm : Thừa nhận thế giới khách quan tồn tại, nhưng cho sự tồn tại đó chỉ là sự phản ảnh, sản phẩm của thế giới ý niệm bên kia. Thế giới ý niệm tồn tại thực sự, bất biến và vĩnh cửu. Thế giới ý niệm có trước thế giới vật chất, vật chất chỉ là sự phản ánh của thế giới ý niệm

Học thuyết về nhà nước : Phản đối nhà nước dân chủ chủ nô, đưa ra mô hình nhà nước thành bang lí tưởng theo mẫu nhà nước Xpac, do các nhà triết học thông thái nắm quyền, binh sĩ và bình dân lao động, bảo vệ, nô lệ không phải công dân, phụ nữ bình đảng với nam giới.

  • (384 – 322 TCN ) : nhà triết học, nhà bác học vĩ đại thời cổ đại, thầy dạy học của Alexandre Makedonia.

Ông dung hòa triết học duy vật và duy tâm (triết học nhị nguyên), phê phán thuyết ý niệm của Platông, thừa nhận sự tồn tại của thế giới vật chất, dùng phương pháo duy vật để nghiên cứu các đối tượng, những cho rằng tự nhiên phát triển được là do sự kích thích đầu tiên của « lí trí thế giới »

Ông sáng tạo ra phép quy nạp trong nhận thức, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của triết học và logic học.

Về chính trị, ông nêu ra 3 mô hình nhà nước : nhà nước quân chủ (của 1 người), nhà nước quý tộc (của 1 nhóm người), nhà nước dân chủ (của mọi người), trong đó ủng hộ mô hình nhà nước quý tộc (trong tác phẩm « Nền chính trị Aten »)

Quan điểm triết học và thành tựu khoa học của ông ảnh hưởng sâu rộng tới các khuynh hướng triết học trung cổ và cận đại (nhà thờ Thiên chúa giáo dùng một số quan điểm của ông để giải thích thế giới, coi đó là chân lí, ai chống lại sẽ bị trừng phạt)

Triết học thời kỳ Hi Lạp hóa – 3 thế kỷ trước công nguyên :

Thời kỳ phát triển cuối cùng của triết học Hi Lạp cổ đại, với hai trường phái Êpiquya và Stôisit

* Trường phái Êpiquya:

Trường phái này do Êpiquya (341 – 270 TCN) sáng lập. Ông kế thừa và phát triển thuyết nguyên tử của Đê mô crit, cho rằng sự chệch hướng của các nguyên tử gây ra sự va chạm không ngừng của các nguyên tử, sinh ra kết hợp mới, tạo chất mới. Ông cho rằng con người có thể nhận thức thế giới bằng cảm giác, và cảm giác hoàn toàn đáng tin cậy

* Trường phái Stoisit (khắc kỷ):

Trường phái này do Dênôn (Zénon, khoảng 335 – 264 TCN) sáng lập, vừa có yếu tố duy vật, vừa có yếu tố duy tâm. Trường phái này coi đức hạnh là điều cần có lớn nhất của con người, chủ trương con người phải thanh đạm, kiên cường và bình thản trước nguy nan, chống lại xu hướng hưởng lạc của phái Êpiquya

Triết học Hi Lạp cổ đại là sản phẩm của một xã hội chiếm nô phát triển, trên cơ sở nền kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp khá phát triển, trên cơ sở những thành tựu của khoa học tự nhiên, ít bị tôn giáo chi phối. Sự phát triển ấy diễn ra trong bầu không khí xã hội tương đối tự do, diễn ra cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng duy vật và duy tâm. Nó đã đặt cơ sở cho nền triết học phương Tây về sau.

  1. Sử học : Các nhà sử học tiêu biểu

- Từ thế kỷ V TCN, người Hi Lạp bắt đầu có sử học thành văn và xuất hiện những nhà viết sử chuyên nghiệp. Sử học Hi Lạp là cội nguồn của sử học phương Tây.

- Những nhà sử học tiêu biểu:

+ Hêrôđốt (484 – 425 TCN): một kiều dân Mê-tec ở Aten, được coi là “người cha của sử học phương Tây”. Ông du lịch nhiều nơi, thu thập nhiều cứ liệu, tai nghe mắt thấy nhiều điều, và đã viết bộ sách “Tóm tắt các sự kiên”, sau này được gọi là bộ “Lịch sử”, thế kỷ II TCN được các nhà bác học ở Alexandria chia làm 9 tập, trong đó viết về lịch sử Atxiri, Ai Cập, Ba Tư, Babilon, nhất là “Cuộc chiến tranh Hi Lạp – Ba Tư”, viết xong năm 430 TCN. Trong cuốn “Cuộc hiến tranh HI Lạp Ba – Tư”, Hêrôđốt ca ngợi lòng yêu nước và những chiến thắng lẫy lừng của người Hi Lạp trước quân Ba Tư, đề cao tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu này.

Tác phẩm của ông là nguồn sử liệu quý báu về lịch sử Ai Cập, Babilon, Hi Lạp. Ông còn được coi là nhà dân tộc, nhà tư tưởng, cho rằng nhà sử học không chỉ là người kể chuyện mà còn là nhà triết học, phải trả lời cho các câu hỏi: cuộc sống con người phụ thuộc vào cái gì? Nguyên nhân của chiến tranh, thất bại và thành công?...

+ Tuyxiđit (460 – 396 TCN): ông là nhà quý tộc thuộc phái bảo thủ ở Aten, tác giả của tác phẩm “Lịch sử cuộc chiến tranh Pê lôpône”, viết về giai đoạn 431 – 411 TCN của cuộc chiến tranh do Aten và Xpac cầm đầu mà bản thân ông cũng từng tham gia lãnh đạo hạm đội Aten, sau bị đưa đi đầy và viêt nên tác phẩm này. Tư liệu của ông phong phú và xác thực, được phân tích, xem xét kỹ lưỡng, ông là người đầu tiên trong giới sử học Hi Lạp xem xét, đánh giá các sự kiện lịch sử trong mối quan hệ hữu cơ với nhau.

+ Ngoài ra còn có Xênôphôn (khoảng 430 – sau 355 TCN), tác giả của Anabaxit, Lịch sử Hi Lạp (411 – 362), viết tiếp Tuyxidit nhưng lại quá đề cao vai trò của Xpac. Cuốn Anabaxit của ông có nhiều giá trị về dân tộc học và địa lí vùng Tiểu Á và Capcadơ.

  1. Nghệ thuật : kiến trúc – điêu khắc

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Hi Lạp là một trong những di sản quý báu của nền văn minh Hi Lạp, đặt nền móng và ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc phương Tây. Những tác phẩm của người Hi Lạp cổ đại, về một số mặt vẫn còn là hình mẫu cho nghệ thuật đương đại.

  • Kiến trúc:

+ Ban đầu kiến trúc Hi Lạp còn sơ giản, sử dụng gỗ, gạch và đá, càng về sau chất liệu đá càng được sử dụng nhiều, kiểu cách và hoa văn càng trở nên phong phú và tinh tế.

+ Thế kỷ VII TCN, kiến trúc Hi Lạp có bước thay đổi lớn, xuất hiện các ngôi đền 4 mặt với 4 hàng cột đá. Kiến trúc hình chữ nhật bằng đá với 4 mặt đều có 4 hàng cột tròn là nét đặc trưng, chung nhất của các kiểu thức kiến trúc Hi Lạp. Các kiểu thức nối tiếp nhau ra đời, với nét khác nhau nổi bật là hình thức của các cột trụ.

Kiểu thức Đôrien (thế kỷ VII TCN), ra đời sớm nhất. Đặc trưng: trang nghiêm và giản dị; cột đứng trực tiếp trên mặt công trình, không có bệ đỡ; cột to, nhiều nấc, thu nhỏ lại ở phía trên, các đường xoi dọc thân cột không sâu. Phần đỉnh cột gồm đoạn phình tròn phía trên và một phiến đá vuông nằm trên đó, không trang trí. Tiêu biểu: đền thờ thần Dớt ở Olympia, đền thờ thần Apollo ở Côrinh.

Kiểu thức Iônien (Thế kỷ V TCN), phổ biến rộng rãi ở Hi Lạp. Đặc trưng: thanh thoát, trang nhã hơn kiểu Đô rien; cột có bệ đỡ bằng đá – có trang trí hoa văn; cột thon hơn Đô rien, phần trên ít thu nhỏ, các đường xoi dọc thân cột sâu hơn, tạo hình múi khế, thay phiến đá vuông phía trên cột bằng phiến đá có hai nếp cuộn tròn giống 2 lọn tóc cuốn. Tiêu biểu: đền thờ thần Ac-tê-mit ở Êphedơ (Tiểu Á, 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại), đền thờ nữ thần Hera ở đảo Xamốt, đền Pactenôn (trinh nữ) thờ nữ thần Atena ở Aten (kết hợp Đôrien và Iônien), Lăng mộ vua Môxôlơ (Mausole) ở Halicacnat

Kiểu thức Cô rinh (thế kỷ IV TCN), cơ bản giống kiểu Iônien, song cột cao hơn, bệ dỡ cầu kỳ hơn, đỉnh cột được trang trí thêm các cành, lá dưới các nếp cuộn đứng (phổ biến trong kiến trúc Roma về sau)

Những công trình kiến trúc Hi Lạp nguy nga, đồ sộ xuất hiện chủ yếu trong hai thế kỷ V – IV TCN, với nhiều kiệt tác. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đa phần các công trình không còn nữa hoặc hư hại nặng nề, nhưng những tàn tích còn lại vẫn rất tuyệt mĩ, cùng với những ảnh hưởng của kiến trúc Hi Lạp về sau đã cho thấy sự vĩ đại và trường tồn của các công trình kiến trúcHi Lạp.

Một số kỳ quan của thế giới cổ đại: đền thờ thần Actêmit ở Êphedơ, Lăng mộ vua Môxôlơ (Mausole) ở Halicacnat.

Lăng mộ của Mausole

Lăng mộ Maussollos, hay Lăng Halicarnassus là một lăng mộ được xây dựng giai đoạn 353 TCB–350 TCN tại Halicarnassus (Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay), dành cho Mausolus, vị vương hầu một tỉnh thời Đế chế Ba Tư, và Artemisia, vợ và chị ông. Công trình cao gần 45 mét và mỗi mặt đều được trang trí bởi một trong bốn nhà điêu khắc nổi tiếng Hi Lạp: Bryaxis, Leochares, Scopas và Timotheus. Khi hoàn thành công trình được coi là một thành công lớn về nghệ thuật tới mức được coi là một trong bảy kỳ quan thế giới. Từ lăng (mausoleum) từ đó được sử dụng chung với nghĩa là một ngôi mộ lớn, dù nguyên nghĩa "Mausol–eum" là "để vinh danh Mausole".

Đền Artemis

Đền thờ nữ thần săn bắn Artemis, còn được gọi là đền thờ Diana được xây dựng từ đá cẩm thạch bởi kiến trúc sư Chersiphron và con là Metagenes, dài 115 m, rộng 55 m, bao gồm 127 cột đá, ở thành phố Ephesus (nay thuộc Thổ Nhĩ Kì). Đền được bắt đầu xây dựng năm 550 TCN, trải qua quá trình xây dựng lại và mở rộng qua nhiều thời kỳ, lần cuối là năm 430 TCN sau 120 năm. Năm 356 TCN, ngôi đền bị lửa thiêu hủy vào đêm Alexandros Đại Đế chào đời. Một ngôi đền tương tự được xây lại trên nền ngôi đền cũ. Năm 262, người Goth đã đốt ngôi đền lần thứ hai. Chỉ phần nền và một số phần khác của ngôi đền thứ hai còn tồn tại đến ngày nay. Viện bảo tàng Anh ở Luân Đôn còn lưu một số di tích thuộc ngôi đền thứ hai.

Hải đăng Alexandria là ngọn đèn biển được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên trên hòn đảo Pharos tại Alexandria, Ai Cập làm tín hiệu thông báo của cảng, và sau này là một ngọn hải đăng.

Chiều cao đèn biển được ước tính khá khác biệt từ 115 đến 135 mét, là một trong những công trình nhân tạo cao nhất Trái đất trong nhiều thế kỷ và được các học giả cổ đại coi là một trong bảy kỳ quan thế giới.

Được xây dựng từ những khối đá lớn sáng màu, tháp có ba tầng: phần thấp hình vuông với một lõi trung tâm, phần giữa hình bát giác, và đỉnh hình tròn. Đỉnh của nó có đặt một tấm gương phản chiếu ánh mặt trời vào ban ngày; hay một ngọn lửa vào ban đêm

  • Điêu khắc:

Nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp ra đời từ thế kỷ VIII TCN, ban đầu dùng chất liệu gỗ. Song phải đến thế kỷ V TCN, nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp mới vươn lên đỉnh cao của nó, ới hàng loạt tên tuổi của những nhà điêu khắc danh tiếng. Chất liệu chủ yếu của nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp là đá.

Nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp là sự hoàn mỹ trong mô tả con người, với sự chính xác cao độ về vóc dáng, tỷ lệ các phần trên cơ thể, nét sống động của tượng, thê hiện tâm trạng ưu tư, buồn vui của con người, đồng thời mang đậm nét cá nhân sâu sắc: không chỉ miêu tả thánh thần (rất gần gũi với hìh hài con người), các nhà điêu khắc còn tạc tượng các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí chính nhà điêu khắc. Mỗi nhà điêu khắc ở từng thời kỳ chịu ảnh hưởng của phong cách thời kỳ đó, đồng thời thể hiện cá tính của mình trên các tác phẩm.

+ Mi rông (Myron, thế kỷ V TCN): tác giả bức tượng “Người ném đĩa”, diễn tả chuẩn xác động tác và vẻ đẹp cơ thể.

+ Phiđiat (Phidias, thế kỷ V TCN): ông là nhà điêu khắc nổi tiếng nhất của Hi Lạp. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có tượng nữ thần Atena trong đền Pactênôn (Aten), tượng thần Dớt ở Olimpia (một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại), khảm vàng và ngà voi, tượng “Atena chiến đấu”, cao 17 mét bằng đồng, đặt trên Acrôpôn (Vệ thành) của Aten.

Tượng thần Zeus ở Olympia

Được xây dựng vào năm 470 - 460 trước Công nguyên, cao 40 ft, rộng 22 ft, tạc hình thần Zeus ngồi trên ngai vàng, với làn da được làm từ ngà voi; râu, tóc, áo choàng làm bằng vàng, tay phải cầm tượng thần Victory có cánh biểu tượng cho chiến thắng trong các kỳ Thế vận hội, tay trái cầm vương trượng trang trí hình chim đại bàng bằng kim loại, tượng trưng cho quyền lực tối cao của vị vua trong các vị thần. Đầu thần Zeus trang điểm vòng hoa ôliu. Ngai vàng làm bằng gỗ tuyết tùng và ngà. Chân thần đặt lên một ghế lớn.

+ Praxiten (thế kỷ IV TCN), tác giả của các bức tượng nam, nữ thần, trong hình hài của những thanh niên đẹp đẽ, chẳng hạn tượng thần Hecmet, tượng thần Aphrôđit (Tiểu Á)

Thời kỳ Hi Lạp hóa, nghệ thuật điêu khắc Hi Lạp tiếp tục phát triển, với những tác phẩm lớn, như tượng thần Nikea (chiến thắng), tượng người khổng lồ trên đảo Rôđôs (Rode – một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại), tượng thần vệ nữ Milô (tiêu biểu của nghệ thuật tượng Hi Lạp)

Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes

Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes là tượng đồng khổng lồ thể hiện vị thần mặt trời Helios - vị thần bảo hộ thành Rhodes - đã có công giúp thành phố thoát khỏi cuộc bao vây của Demetrius "Poliorcetes", vua Syria, năm 305 trước Công nguyên. Theo nhiều giả thiết được đặt tại thành phố Rhodes, thủ phủ của đảo Rhodes, Ai Cập, tượng được xây dựng năm 280 TCN và sụp đổ trong một trận động đất vào năm 224 TCN. Tượng cao khoảng 33 mét.

  • Nhìn chung, kiến trúc và điêu khắc Hi Lạp có giá trị lớn, là cơ sở của kiến trúc và điêu khắc Roma cũng như một số nét được kế thừa trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của phương Tây về sau.
  1. Khoa học tự nhiên : Toán học, Vật lý, Thiên văn học, Y học

Hi Lạp cổ đại không chỉ là quê hương của triết học mà còn là cái nôi của nền khoa học châu Âu, đặc biệt là khoa học tự nhiên.

Trong một xã hội có nhiều bước tiến về kinh tế và một bầu không khí tương đối dân chủ - tự do (dân chủ chủ nô), xuất hiện nhiều nhà khoa học, khám phá tự nhiên và đi đến nhiều thành tựu quan trọng, có giá trị cho sự phát triển của khoa học nhân loại. Trên rất nhiều lĩnh vực, các nhà khoa học Hi Lạp cổ đại (thường đồng thời là nhà triết học) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

- Toán học: Vượt qua được những phép tính và bài toán sơ giản, các nhà toán học Hi Lạp cổ đại đã khái quát những kiến thức toán học thành các định lí, định đề, nguyên lí vẫn còn được sử dụng trong toán học hiện đại: Định lý Pitago, định lí Talet, định luật Acsimet, Tiên đề Ơcơlit…Họ đã phát minh và đặt cơ sở cho môn hình học. Chính nhuwgx điều đó đã khiến cho toán học và nền khoa học nói chung của Hi Lạp cổ đại phát triển mạnh, vượt qua những thành tựu của người phương Đông cổ đại về lý thuyết toán học.:

+ Talet: phát biể định lý Talet về tam giác đồng dạng, đo được chiều cao của kim tự tháp, tính được chính xác ngày nhật thực ở Milê (28/5/585 TCN)

+Pitago (580 – 500 TCN), đứng đầu trường phái học thuật Pitago, đã phát biểu định luật Pytago nổi tiếng “Tổng bình phương của hai cạnh góc vuông bằng bình phương của cạnh huyền trong một tam giác”

+Acsimet (285 – 212 TCN), nhà toán học, vật lý, thiên văn, người khám phá ra sức đẩy của nước, phát hiện ra nguyên lí của phép đòn bẩy, tìm ra trị số Pi gần đóng = 3,1324

+ Ơcơlit (nửa đầu thế kỷ III TCN), nhà toán học quê Alếchxanđri, người đầu tiên biên soạn sách giáo khoa hình học, tác giả của các định đề Ơcơlit trong toán học, ngày nay vẫn rất quan trọng trong hìn học.

- Thiên văn học: đạt nhiều thành tựu quan trọng, như dự đoán được ngày nguyệt thực, nhật thực (Talet); thừa nhận quả đất hình cầu và chuyển động theo quỹ đạo nhất định (Pitago); đề ra thuyết hệ thống mặt trời, quả đất quay quanh mặt trời và tự quay quanh nó (Arixtac); tính được chu vi trái đất khá chính xác (37000 km, Eraxtoten)…

- Y học: Híppôcơrát (460 – 377 TCN), “ông tổ của y dược học phương Tây”, đả phá mê tín dị đoan, đề ra phương pháp chữa bệnh khoa học, đề cao trách nhiệm của người thầy thuốc (Lời thề Híppôcơrát)…

Nét độc đáo của các nhà khoa học Hi Lạp, là đã vượt qua được cách nhìn thần bí của tôn giáo về thế giới, dùng con mắt trực quan, phương pháp khoa học để khám phá thế giới, dù còn ở bước đầu, từ đó khái quát thành tri thức khoa học, với những tiên đề, định lí, định luật mà ngày nay một số vẫn còn giá trị khoa học lớn và được giảng dạy trong các trường học (định lí Talét, định lí Pytago, định luật Ácsimét, tiên đề Ơcơlít…). Khoa học tự nhiên ở Hi Lạp cổ đại khác với những tri thức khoa học ở phương Đông, vốn mang tính chất kinh nghiệm và ít khi vươn lên tầm khái quát. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nền triết học Hi Lạp cổ đại nảy nở và phát triển mạnh các học thuyết triết học duy vật.

[1] Lê Phụng Hoàng (chủ biên), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, 1999, tr.108

[2] Thành Troy đã được chứng minh là có thật với những cuộc khai quật khảo cổ thế kỷ XIX, XX

[3] Nêu ra trường hợp về “Mặc cảm Ơđip” mà sau này các nhà tâm lý thuộc trường phái Phân tâm học chú trọng nghiên cứu

Từ khóa » Những Thành Tựu Văn Minh Hy Lạp Cổ đại