Liên Bang Nga (Russian Federation) | Hồ Sơ - Sự Kiện - Nhân Chứng

Liên bang Nga (Russian Federation)

Mã vùng điện thoại: +7 Tên miền Internet: .ru

Quốc kỳ Liên bang Nga

Vị trí địa lý: Nằm ở phía Bắc lục địa Á - Âu; phía Đông tiếp giáp Bắc Thái Bình Dương; phía Tây tiếp giáp với Đông và Bắc Âu; phía Bắc tiếp giáp với Bắc Băng Dương; phía Nam tiếp giáp với các nước Cáp-ca-dơ, Trung Á và Đông Bắc Á.

Diện tích: 17.075.400 km2 (rộng nhất trên thế giới).

Thủ đô: Mát-xcơ-va (Moscow).

Lịch sử: Từ thế kỷ thứ IX – giữa thế kỷ XIII, Nhà nước Nga – Ki-ép cổ đại hình thành ở khu vực Tây-Bắc nước Nga, một phần Bê-la-rút và U-crai-na ngày nay. Từ giữa thế kỷ XIII – cuối thế kỷ XV, Nga chịu ách thống trị Mông Cổ - Tác-ta; Công quốc Mát-xcơ-va tiến hành công cuộc thống nhất nước Nga.

Vào thế kỷ XVI, nhà nước Nga phong kiến, tập quyền được hình thành; mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam và phía Đông…, trước khi rơi vào “Thời kỳ đen tối”. Thế kỷ XVII, năm 1612, triều đại Rô-ma-nốp ra đời, bắt đầu công cuộc chấn hưng nước Nga, sáp nhập Đông U-crai-na, Xi-bê-ri, Viễn Đông…

Thế kỷ XVIII, Sa Hoàng Pie Đại đế tiến hành cải cách theo mô hình Châu Âu, dời thủ đô về Xanh Pê-téc-bua vào năm 1712. Sau khi chiến thắng Thụy Điển trong Chiến tranh phương Bắc năm 1721, Nga trở thành cường quốc ở Châu Âu; trong thể kỷ XVIII đã sáp nhập các vùng Ban-tích, Crưm, Tây U-crai-na, Bê-la-rút…

Nửa đầu thế kỷ XIX, sau khi chiến thắng Na-pô-lê-ông năm 1812-1814, vị thế của Nga được tăng cường; sáp nhập Ba-lan, Phần Lan… Tuy nhiên, sau đó dần tụt hậu và thất bại trong chiến tranh Crưm năm 1853-1856. Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Sa hoàng A-lếch-xan-đơ II tiến hành cải cách, xoá bỏ chế độ nông nô; Nga sáp nhập Trung Á, Môn-đô-va… Kinh tế Nga phát triển nhanh chóng, tuy nhiên tình hình chính trị - xã hội dần bất ổn. 1905 - 1907, Cách mạng Nga lần thứ nhất nổ ra. 1914-1917, Nga tham gia Đại chiến thế giới lần thứ I. Tháng 11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công.

Thời kỳ Liên Xô: Liên bang Xô Viết (Liên Xô) được thành lập năm 1922. 1941-1945, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Tháng 6/1942, Hồng quân Liên Xô phản công. Tháng 5/1945 chiếm Béc-lin (Đức) giành thắng lợi trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã góp phần quyết định kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ II, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít.

Cuối thập niên 1980 - đầu 1990, Liên Xô rơi vào khủng hoảng kinh tế - chính trị sâu sắc, xu thế ly khai phát triển; ngày 12/6/1990, Nga tuyên bố chủ quyền; ngày 8/12/1991, Liên Xô chính thức bị tuyên bố giải thể; Liên bang Nga được công nhận là quốc gia kế tục Liên Xô.

Quốc khánh: 12/6/1990 (Ngày Tuyên bố chủ quyền).

Tổ chức Nhà nước:

Theo Hiến pháp năm 1993, Nga là Nhà nước Pháp quyền Dân chủ liên bang, gồm 83 chủ thể (nước cộng hòa, tỉnh, tỉnh tự trị…). Bộ máy nhà nước được tổ chức theo hình thức Cộng hòa Tổng thống, Tổng thống được trao nhiều quyền hạn.

Tổng thống Nga là người đứng đầu Nhà nước, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 6 năm (áp dụng từ bầu cử Tổng thống năm 2012; từ bầu cử 2008 trở về trước nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm). Quyền hạn: là Tổng tư lệnh tối cao; lãnh đạo đối ngoại đất nước; bổ nhiệm Thủ tướng với sự đồng ý của Đu-ma Quốc gia; giới thiệu Hội đồng Liên bang bổ nhiệm các chức danh Chánh án các tòa án cấp cao, Chánh công tố; có quyền giải tán Chính phủ và Đu-ma Quốc gia; có quyền giới thiệu và cách chức người đứng đầu các chủ thể Liên bang…

Cơ quan lập pháp: Quốc hội là cơ quan dân biểu và lập pháp tối cao, được tổ chức theo hình thức lưỡng viện gồm Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Đu-ma Quốc gia (Hạ viện):

+ Hội đồng Liên bang gồm 166 đại biểu, đại diện 83 chủ thể liên bang (mỗi chủ thể có 2 đại biểu). Quyền hạn: phê duyệt thay đổi địa giới các chủ thể; phê duyệt sắc lệnh Tổng thống về ban bố tình trạng chiến tranh và khẩn cấp; bổ nhiệm Chánh án các tòa án cấp cao, Chánh công tố theo giới thiệu của Tổng thống; thông qua luật liên bang…

+ Đu-ma Quốc gia có 450 đại biểu được bầu theo danh sách đảng (số ghế đại biểu được phân chia theo tỷ lệ phiếu bầu cho từng đảng), nhiệm kỳ 5 năm. Quyền hạn: phê duyệt sắc lệnh của Tổng thống về bổ nhiệm Thủ tướng; bổ nhiệm và bãi nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương; bổ nhiệm và bãi nhiệm Tổng kiểm toán; thông qua ngân sách liên bang; thông qua luật liên bang… Bốn đảng có đại biểu tại Đu-ma Quốc gia (theo kết quả bầu cử năm 2011) gồm:

- Đảng Nước Nga thống nhất (đảng hiện đang cầm quyền) có 238 ghế tại Đu-ma. Lãnh đạo Đảng là Thủ tướng Mikhail Mishustin từ ngày 16/1/2020.

- Ngoài ra, nước Nga còn có các đảng khác: Đảng Cộng sản Liên bang, Đảng Nước Nga công bằng, Đảng Dân chủ Tự do…

Cơ quan hành pháp: Chính phủ là cơ quan hành pháp liên bang tối cao, gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng. Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Đu-ma Quốc gia. Quyền hạn: dự thảo và trình Đu-ma Quốc gia ngân sách liên bang và thực hiện ngân sách; thực hiện chính sách nhất quán về tài chính, tín dụng và tiền tệ; quản lý tài sản liên bang…

Khí hậu:Bắc cực, cận nhiệt đới, ôn đới. Nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực -40 °C. Ở phía nam, khí nhiệt độ trung bình -8 °C vào mùa đông. Mùa hè với nhiệt độ trung bình là 25 °C

Địa hình: cao ở phía đông, thấp về phía tây. Dòng sông Ê-nít-xây chia Liên bang Nga thành 2 phần rõ rệt:phần phía Tây đại bộ phận là đồng bằng và vùng trũng; phần phía Đông phần lớn là núi và cao nguyên.Diện tích rừng của Liên bang Nga đứng đầu thế giới.

Ở Nga có nhiều sông lớn, có giá trị về nhiều mặt. Von-ga là sông lớn nhất trên đồng bằng Đông Âu và được coi là biểu tượng của nước Nga. Ngoài ra, đất nước này còn có nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, trong đó Bai-can là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.

Tài nguyên thiên nhiên: than, dầu mỏ, khí đốt, quặng sắt, kẽm, thiếc, vônfram…

Dân số: 145 975 300 người (cập nhật đến năm 2021)

Các dân tộc: Trên 180 dân tộc, trong đó người Nga chiếm 77,7%, người Tác-ta - 3,7%, người U-crai-na - 1,35%... (theo Tổng điều tra dân số 2010)

Ngôn ngữ: Tiếng Nga.

Tôn giáo: Cơ đốc giáo Chính thống (75% dân số), Hồi giáo (5% dân số) và các tôn giáo khác như Phật giáo, Do thái giáo, Tin lành… (số liệu thăm dò dư luận do VSIOM công bố tháng 3/2010)

Kinh tế: Hơn một thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Nga vẫn đang cố gắng để thiết lập một nền kinh tế thị trường và để thu hút sự phát triển kinh tế bền vững. Bắt đầu từ năm 1990, các nước tư bản bắt đầu đầu tư vào Nga. Năm 1996, Nga bắt đầu thời kỳ tư nhân hoá. Các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, khai thác than đá, kim cương và nhôm rất phát triển. Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã ảnh hưởng trực tiếp đến Nga bằng việc phá giá của đồng Rúp làm cho tình hình kinh tế của Nga bị suy thoái.

Giai đoạn 1999 - 2004, kinh tế Nga ở trong giai đoạn phát triển, GDP tăng trưởng trung bình 6,8%/năm, các ngành dịch vụ và công nghiệp cũng tăng trưởng mạnh. Trong giai đoạn này nhiều tỷ phú ở Nga cũng bắt đầu hình thành chủ yếu là ở Mát-xcơ-va. Năm 2004, GDP của Nga đạt 1.500 tỷ USD, làm cho Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới và thứ 5 ở Châu Âu.

Giai đoạn từ 2004 đến nay, nền kinh tế Nga vẫn phát triển và tăng trưởng không ngừng chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên đặc biệt là dầu mỏ và các tổ hợp công nghệ chuyên sâu về các lĩnh vực như vũ trụ, điện hạt nhân, các ngành khoa học cơ bản. Sự thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng phát triển các ngành dịch vụ và du lịch cũng là tiềm lực để kinh tế Nga phát triển hơn nữa. Nga hiện vẫn là nước xuất khẩu dầu khí lớn thứ hai thế giới.

Năm 2020, GDP của Nga đạt 1.483,50 tỷ USD (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới), trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Hàn Quốc)

Đơn vị tiền tệ: Đồng Rúp (Rouble). Tỷ giá: 76 Rúp = 1 USD (tháng 1/2021)

Văn hóa: Với diện tích lớn nhất trên thế giới, nước Nga mang trong mình những nét văn hóa độc đáo trải rộng khắp lãnh thổ của mình. Văn hóa Nga chịu ảnh hưởng của nền tư tưởng tôn giáo chính thống là Slav. Kiến trúc Nga gắn liền với nền văn hóa với những ngôi nhà gỗ ở miền đồng quê Nga. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng mang đậm văn hóa Nga. Đồ thủ công mỹ nghệ Nga có tiếng trên toàn thế giới với nét chạm trổ tinh xảo, hình vẽ và nét vẽ sắc nét…

Văn hoá Nga cũng được thể hiện khá rõ qua những nét đặc trưng trong trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của phụ nữ Nga gồm 4 loại cơ bản là váy poneva, váy sarafan, váy andarak và váy kubelek. Trang phục truyền thống của nam là những trang phục của người Slavơ bao gồm có áo dài thắt ngang lưng, quần không quá rộng, giày da hoặc bện bằng vỏ cây, mũ có hoặc không có vành. Như một nguyên tắc, áo buông đến cạp quần thì thắt lại.

Nước Nga làm phong phú nền văn hóa của dân tộc mình bằng những lễ hội đậm màu sắc như: Lễ chào đón Năm mới; Lễ phục sinh; Hội băng; Lễ tiễn mùa đông;… Nga rất nổi tiếng với những điệu múa dân gian được biểu diễn trong các dịp lễ hội cùng với tiếng đàn balalaika - một nhạc cụ truyền thống. Đàn balalaika không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà còn mang trong mình cả tâm hồn Nga và trở thành một trong biểu tượng của văn hoá Nga.

Nga còn nổi tiếng với lĩnh vực nghệ thuật sân khấu bale và opera. Được xem là cái nôi đào tạo và phát triển cho bộ môn nghệ thuật này cho nên hàng năm ở Nga thu hút lượng lớn sinh viên đến học tập. Đất nước này cũng thường xuyên diễn ra những buổi biểu diễn có quy mô lớn cho hai loại hình nghệ thuật mang tình hàn lâm cao cấp này.

Người Nga nổi tiếng trên thế giới bởi lòng hiếu khách. Họ thường dùng bánh mì và muối để tiếp đón những vị khách mới đến với gia đình mình. Bánh mỳ thể hiện mong muốn giàu có và sung túc, còn muối là sự bảo vệ con người khỏi những ảnh hưởng và sức mạnh của kẻ thù. Tiếp đãi khách bằng bánh mỳ và muối tức là mối quan hệ giữa khách và chủ nhà là thân thiện và đầy tin cậy.

Búp bê Nga (còn có tên gọi là Matrioshka) là biểu tượng mà bất cứ ở đâu và khi nào nhìn thấy đều có thể nhanh chóng liên tưởng về nước Nga. Không những là đồ chơi cho những em bé nước Nga, Matrioshka còn là biểu tượng hay món quà không thể thiếu của khách du lịch khi đến với đất nước Nga xinh đẹp. Matrioshka có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nhưng khi có mặt tại nước Nga thì Matrioshka được biến hóa thành đồ chơi mang đậm phong cách Nga. Búp bê Nga mang hình ảnh của cô gái Nga với khăn trùm đầu, áo xaraphan. Với mỗi Matrioshka thường có khoảng 8 búp bê trở lên. Ngày nay búp bê Matrioshka trở thành nét văn hóa đặc trưng cho người Nga.

Giáo dục: Nga có một hệ thống giáo dục miễn phí đảm bảo cho mọi công dân theo hiến pháp, và có tỷ lệ biết chữ 99,4%. Trước năm 1990, quá trình học tập ở Liên Xô dài 10 năm. Nhưng vào cuối năm 1990, thời gian học 11 năm đã được chính thức áp dụng. Giáo dục tại các trường cấp 2 của nhà nước là miễn phí. Năm 2020, chi tiêu quốc gia dành cho giáo dục chiếm 4,0% GDP. Chính phủ bố trí các khoản tiền để trả học phí theo một hạn mức được lập sẵn, hay số lượng sinh viên cho mỗi trường của nhà nước. Điều này được coi là cơ bản bởi nó cung cấp cơ hội tiếp cận cao học cho các sinh viên có khả năng, chứ không phải chỉ cho những người có tiền. Ngoài ra, các sinh viên được trả một khoản học bổng nhỏ và được cung cấp nơi ở miễn phí. Ngoài các cơ sở giáo dục cao học của nhà nước, nhiều cơ sở tư nhân cũng đã xuất hiện và cung cấp lực lượng nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, kinh tế.

Các thành phố lớn: Moskva; Saint Peteburg; Novosibirsk; Vladivostok; Ekaterinburg…

Danh lam thắng cảnh: Điện Kremli; Cung điện Mùa Đông; Quảng trường Đỏ; Golden Ring; tháp Ostankino; bảo tàng Puskin; bảo tàng Hermitage; nhà hát Bolshoi; nhà thờ Saint Isaac;…

Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam:

- Ngày 30/01/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

- Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

- Ngày 01/03/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.

Địa chỉ Đại sứ quán:

Đại sứ quán Liên Bang Nga tại Việt Nam:

Địa chỉ: Số 191 Đường La Thành, Hà Nội, mã bưu chính 10298

Điện thoại: (+84 24) 383-369-91, (+84 24) 383-369-92

E-mail: rusemb.vietnam@mid.ru

Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh

40 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (84-28) 3930 3936

Fax: (84-28) 3930 3937

Email: cgrushcm@yandex.ru

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga:

Địa chỉ: Matxcova; Phố Bolshaya Pirogovskaya, 13

Điện thoại: +7-499-2451092/ 2450925

Fax: +7-499-2463121

Email: vnemb.ru@mofa.gov.vn

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Ê-ca-tê-rin-bua (Nga):

Địa chỉ: 620075, City Ekateringburg, Str. Karla Libknhesta, 22. Office 411

Điện thoại: +7-343-2530283

Fax: +7-343-2530282

Email: vnconsul_eka@yahoo.com hoặc consul.ekateringburg@mofa.gov.vn

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vla-đi-vố-xtốc (Nga):

Địa chỉ: 107/1 Pushkinskaya str., Vladivostok, Russia

Điện thoại: +7-423-222-69-48

Fax: +7-423-226-14-96

Email: consul.vladivostok@mofa.gov.vn

Từ khóa » Diện Tích Nước Mỹ So Với Việt Nam