Loạt Trở Ngại Ngáng đường Quan Hệ Trung Quốc - EU - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Giờ này năm ngoái, Clint Flores nghĩ rằng một đồng nghiệp đang đùa khi nhắn tin rằng ông đã bị Trung Quốc trừng phạt. Flores từng là đại sứ của Malta tại Ủy ban Chính trị và An ninh thuộc Liên minh châu Âu (EU), một nhóm các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm giúp xây dựng chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của châu lục.
"Khi nhân viên phụ trách báo chí của tôi chuyển tin nhắn, tôi đã phản hồi ngay lập tức rằng: 'Cậu nghiêm túc đấy chứ?'. Nhưng cậu ấy thực sự nghiêm túc và khi suy nghĩ lại, tôi nhận thấy đây không phải bất ngờ lớn, bởi Trung Quốc muốn gửi đi một thông điệp. Họ trước đó đã áp lệnh trừng phạt ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng các quan chức Mỹ khác", Flores nói.
Toàn bộ Ủy ban Chính trị và An ninh EU, cùng với các thành viên nghị viện châu Âu, quốc hội các quốc gia thành viên EU và nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn, đã bị Bắc Kinh áp lệnh cấm đi lại và kinh doanh.
Quyết định này được Bắc Kinh đưa ra sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Mỹ, Anh và Canada sau đó cũng tham gia vào đòn trừng phạt, đánh dấu một bước ngoặt mới về chính sách ngoại giao của phương Tây với Trung Quốc.
Theo giới phân tích, những động thái "ăn miếng trả miếng" trong năm ngoái đã tác động mạnh nhất tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu, vốn ổn định hơn nhiều so với quan hệ Trung - Mỹ.
Trong những tháng sau đó, Bắc Kinh không hồi đáp những cuộc gọi từ các lãnh đạo châu Âu, một hiệp ước đầu tư đã được thương thảo suốt thời gian dài bị hủy và thái độ của nhiều quốc gia EU đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn.
Thực tế trên được minh chứng bởi căng thẳng đang bùng phát giữa Trung Quốc và Litva, trong đó Bắc Kinh đã chặn hàng xuất khẩu của quốc gia Baltic nhỏ bé sau khi nước này củng cố quan hệ với đảo Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy trong tháng một và tháng hai, xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc đã giảm 88,4% so với một năm trước đó.
Sau một năm nhiều trắc trở, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ còn trải qua một bài kiểm tra căng thẳng hơn nữa vào tuần này, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều hoài nghi về quan điểm của Bắc Kinh liên quan tới chiến dịch quân sự Nga đang triển khai ở Ukraine.
Các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của EU hôm qua gặp nhau tại Brussels, Bỉ, thảo luận về các biện pháp mới để đối phó với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, cân nhắc về lệnh cấm dầu Nga và bàn thảo kế hoạch chi tiết về chiến lược an ninh - quốc phòng mới của khối. Quan điểm của Trung Quốc đối với Nga cũng được cho là một đề tài được thảo luận.
Tiếp theo đó là cuộc họp của Hội đồng châu Âu và hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 24/3, sự kiện có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng góp mặt.
Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào cáo buộc rằng Trung Quốc đã ra dấu hiệu sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Nga trong chiến dịch tại Ukraine, điều Bắc Kinh đã phủ nhận.
Một số quan chức, bộ trưởng và nhà ngoại giao châu Âu cho biết dù đã thông báo vắn tắt cho EU về những thông tin tình báo liên quan đến cáo buộc, Mỹ vẫn chưa chia sẻ các bằng chứng cụ thể với họ cho thấy Trung Quốc muốn hỗ trợ quân sự cho Nga.
"Chúng tôi chưa có bằng chứng nào", một quan chức cấp cao EU nói. "Nhưng nếu có, chúng tôi sẽ xem xét chúng và phản ứng một cách thích hợp".
"Chúng tôi đang giữ liên lạc thường xuyên với các đồng minh trong khối G7 cũng như trong Hội đồng châu Âu để đánh giá tình hình, đồng thời dựa vào bằng chứng để xác định liệu có nên thay đổi lập trường không, nếu có thì theo chiều hướng nào", quan chức này cho hay.
Trong trường hợp có những bằng chứng như vậy, châu Âu đã sẵn sàng hành động, giới quan sát đánh giá.
"Nếu Trung Quốc thực sự hỗ trợ quân sự cho Nga, khi đấy, chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ khả năng coi Trung Quốc như một bên trung gian hòa giải cho xung đột", một quan chức cấp cao EU cho biết.
Tại Brussels hồi tuần trước, các nhà ngoại giao đã thảo luận về chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc vào ngày 1/4, hội nghị đầu tiên kể từ sau khi các lệnh trừng phạt được tung ra. Nội dung thảo luận chính của hội nghị là chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cùng với tranh cãi về việc EU nên thúc đẩy Trung Quốc đi xa đến đâu trong vấn đề này, vì nó có thể đẩy Bắc Kinh xích lại gần hơn nữa với Moskva.
Một số thành viên EU cho rằng Trung Quốc đã rõ ràng đứng về phía Nga và muốn tập trung thảo luận về những hệ quả mà Bắc Kinh phải đối mặt.
Số khác, trong đó có Đức, nói rằng EU cần phải "tìm ra giọng điệu phù hợp và không sử dụng những lời đe dọa theo cách của Mỹ", một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ.
Nhưng ngay cả Đức cũng cương quyết rằng Trung Quốc phải nhận thức được rằng đây là "thời điểm định đoạt" tương lai quan hệ EU - Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.
Theo Bjorn Jerden, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc của Thụy Điển, xung đột ở Ukraine đã gây thêm những thách thức không thể lường trước đối với mối quan hệ EU - Trung Quốc vốn đã đi xuống rất nhiều thời gian qua.
"Tôi không nhìn thấy khả năng hai bên sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên nhau", ông nói thêm.
Từ Stockholm, Jerden nhận thấy một bước biến chuyển lớn trong thái độ của châu Âu đối với các vấn đề như an ninh quốc gia hay bảo vệ nền dân chủ kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự và thay đổi này đang tiếp tục được nhân rộng. "Chắc chắn điều đó cũng sẽ tác động tới quan điểm về Trung Quốc cũng như mối quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Âu", ông bình luận.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
- Thế khó của Trung Quốc trong xung đột Ukraine
- Trung Quốc trước cơ hội hòa giải xung đột Ukraine
- Lý do xung đột Ukraine rơi vào bế tắc
Từ khóa » Eu Và Trung Quốc
-
Trung Quốc Và EU: Duy Trì đối Thoại Trong Thế Giới Nhiều Biến động
-
EU Và Trung Quốc Khẳng định Duy Trì Quan Hệ đối Tác Chiến Lược
-
Quan Hệ EU - Trung Quốc: Gân Dưới Da
-
EU Tìm Kiếm Vai Trò Lớn Hơn ở Châu Á, Trung Quốc 'chê Bai' Hội Nghị ...
-
Hợp Tác Kinh Tế Và Thương Mại Giữa Trung Quốc Và EU Có Lợi Cho ...
-
EU Phụ Thuộc Vào Các Kim Loại Quan Trọng Của Trung Quốc
-
Sự Phân Hóa Trong Quan Hệ Trung Quốc-EU Sau Xung đột Ukraine
-
Kỳ Vọng Gì ở đối Thoại Thương Mại Cấp Cao EU - Trung Quốc?
-
EU Nỗ Lực định Hình Quan Hệ Chiến Lược Mới Với Trung Quốc | VOV.VN
-
Quan Hệ Với Nga Phủ Bóng Thượng đỉnh EU - Trung Quốc | VOV.VN
-
Trung Quốc đề Nghị Các Lãnh đạo Châu Âu Gặp ông Tập Ngay Sau ...
-
Trung Quốc, EU Cam Kết Cùng Giải Quyết Những Thách Thức Kinh Tế ...
-
EU - Trung Quốc: Mong Muốn đảm Bảo Hòa Bình Và ổn định Thế Giới
-
Sự Kiện Lớn Không Thành Công - Báo Lao động