Trung Quốc đề Nghị Các Lãnh đạo Châu Âu Gặp ông Tập Ngay Sau ...

Tờ South China Morning Post ngày 18-7 dẫn một nguồn tin thân cận cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã được mời gặp Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm nay, tuy nhiên chưa rõ các lãnh đạo này có nhận lời hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Jason Lee/REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Jason Lee/REUTERS

Theo nguồn tin, lời đề nghị đã được gửi tới Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez.

Thời điểm tổ chức hội nghị dự kiến có thể là ngay sau đại hội đảng Cộng sản TQ lần thứ 20 vào tháng 10 năm nay.

Chuyến thăm sẽ trùng với hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 và sẽ đánh dấu sự trở lại TQ của các nhà lãnh đạo Tây Âu sau gần ba năm do Bắc Kinh áp dụng chính sách "zero-COVID” khiến các lãnh đạo không thể gặp nhau trực tiếp.

Một "cuộc tranh luận sôi nổi" đang diễn ra ở Paris liên quan việc phản hồi lời mời từ Bắc Kinh, dù vậy các nhà lãnh đạo châu Âu thường được cho là có quan điểm ủng hộ đối thoại với TQ về các vấn đề như khủng hoảng Ukraine, an ninh lương thực và quan hệ kinh tế.

“Rất khó để nói không với TQ, đặc biệt là với ông Tập” - một quan chức ngoại giao cho hay.

Cũng theo quan chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị dự kiến sẽ có chuyến công du châu Âu vào tháng 9 nhằm “chuẩn bị các chuyến thăm cấp cao tới TQ”.

Chính phủ Pháp, Ý và Tây Ban Nha không đưa ra bình luận về thông tin trên, còn chính phủ TQ từ chối bình luận, theo South China Morning Post.

“Xin hiểu rằng chúng tôi luôn thông báo về các chuyến công du của Thủ tướng vào thời điểm thích hợp, thường là một tuần trước đó” - một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức cho biết khi được hỏi về lời mời trên.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, quan hệ song phương giữa các nước châu Âu và TQ đã trở nên xấu đi liên quan các vấn đề về nhân quyền ở Tân Cương, biểu tình ở Hong Kong và căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Trước đó vào ngày 17-7, South China Morning Post đưa tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức đối thoại thương mại cấp cao với TQ theo hình thức trực tuyến vào ngày 19-7.

Theo một đại diện của Ủy ban châu Âu, một số thách thức kinh tế toàn cầu sẽ được thảo luận, bao gồm an ninh lương thực và giá năng lượng, chuỗi cung ứng, dịch vụ tài chính và các mối quan tâm về thương mại và đầu tư song phương.

EU và TQ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến vào đầu tháng 4, tuy nhiên hội nghị đã kết thúc không thành công sau khi EU không đạt được bất kỳ đảm bảo nào từ TQ rằng nước này sẽ không hỗ trợ chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine về mặt tài chính hoặc quân sự.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, đã mô tả hội nghị này là “cuộc đối thoại của những người khiếm thính”.

EU cảnh báo 'nỗ lực can thiệp ngày càng tăng' của Trung Quốc vào khối này

EU cảnh báo 'nỗ lực can thiệp ngày càng tăng' của Trung Quốc vào khối này

VĨNH KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Eu Và Trung Quốc