LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN (09/6 ...

“BẤT CỨ AI PHẪN NỘ VỚI ANH EM MÌNH, THÌ SẼ BỊ TOÀ ÁN LUẬN PHẠT”.

BÀI ĐỌC I:1 V 18, 41-46 “Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa” (Gc 5, 18). Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: “Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to”. Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông nói với người đầy tớ rằng: “Hãy lên đây nhìn về phía biển”. Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: “Không có gì hết.” Êlia lại nói với y: “Cứ xem lại bảy lần”. Đến lần thứ bảy (nó báo:) “Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên”. Êlia liền bảo: “Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa”. Đang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13 Đáp: Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion (c. 2a).

Xướng: 1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội, Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. – Đáp. 2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất, Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa, Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. – Đáp. 3) Chúa đã ban cho năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Người khơi nguồn phong phú. Đống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi bận xiêm y hoan hỉ. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 29 Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

BÀI TIN MỪNG: Mt 5, 20-26 “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt”. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!”

Đó là lời Chúa. _____________________ SUY NIỆM & CHIA SẺ:

LƯỚT QUA CÁC BÀI ĐỌC:

Các bài đọc hôm nay đưa ra những bài học cụ thể để làm gương cho các tín hữu.

TRONG BÀI ĐỌC I Trích sách Các Vua quyển thứ nhất, ngôn sứ Elia sau khi đã chứng minh cho con cái Israel biết đâu là Chúa thật bằng phép lạ Đức Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, ông ra lệnh cho vua Ahab và toàn dân phải ăn chay để tỏ lòng ăn năn thống hối trước khi cầu khẩn Thiên Chúa cho mưa rơi để chấm dứt những năm hạn hán.

TRONG BÀI TIN MỪNG theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu kết tội mọi hình thức tức giận, khinh thường và kết tội tha nhân. Thay vào đó, các môn đệ phải luôn có lòng tha thứ và sống hòa thuận với mọi người. ___________________________ ĐI VÀO BÀI TIN MỪNG:

“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU PHÁN CÙNG CÁC MÔN ĐỆ RẰNG: “NẾU CÁC CON KHÔNG CÔNG CHÍNH HƠN CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI, THÌ CÁC CON CHẲNG ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI ĐÂU”

Chúng ta vẫn đang ở trong các bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, nó bao gồm 3 chương: Chương 5, chương 6 và 7. Các chương này bao gồm các giáo huấn rất cơ bản cho bất kỳ ai muốn được vào Nước Trời.

Bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 20-26), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Muốn vào được Nước Trời thì các ông phải công chính hơn các Luật sĩ và Biệt phái.

Như vậy theo Chúa Giêsu: các Luật sĩ và Biệt phái cũng là người công chính và Ngài đòi hỏi các môn đệ: Phải công chính hơn họ. Tại sao lại phải công chính hơn? Trong khi đó: Kinh thánh thường xác quyết rằng: Trước mặt Thiên Chúa không có ai là người công chính. Ta phải hiểu lời Chúa như thế nào?

Đúng là trong tương quan với Thiên Chúa thì trong con cái loài người không ai là người công chính, vì tất cả chúng ta đều là các tội nhân, không ai dám vỗ ngực tự hào mình là người thánh thiện, không tội lỗi.

Nhưng trong tương quan giữa con người với nhau, sẽ có những chuẩn mực để đánh giá: ai là người tốt, ai là người xấu, ai công chính,…

CÔNG CHÍNH HƠN CÁC LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI:

Sống “công chính hơn” không hệ tại ở một số việc làm hình thức bên ngoài mà ở cả tấm lòng yêu mến: không phải cứ dâng nhiều lễ vật lên Chúa là đủ mà trước hết phải sống hòa bình với nhau;

Sự công chính của người biệt phái hệ tại ở chỗ giữ luật cách tỉ mỉ, nhưng giữ luật một cách máy móc, hình thức, không chút tâm tình. Nếu nhìn bề ngoài, thì họ là những con người đạo đức vì đã chu toàn lề luật, nhưng chính vì giữ luật một cách máy móc nên luật lệ không làm biến đổi con người họ trở nên tốt hơn, trái lại bên trong con người đó toàn sự mục nát.

Đức Giêsu đã chẳng có lần ví họ như ngôi mộ đó sao? Bên ngoài thì tô vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong thì toàn hôi thối. Ngài còn tố cáo họ là những con người giả hình, may tua áo cho dài, đọc kinh kệ cho nhiều nhưng lại đi cướp gia tài của các bà góa. Bà góa, đó là thành phần nghèo, bị xã hội bỏ rơi lúc bấy giờ.

Như vậy, Đức Giêsu cũng muốn nhắn nhủ với chúng ta ngày nay, phải sống chân thật với Thiên Chúa và với anh em, đừng đóng kịch, đừng giả hình, nhưng phải sống chân thật: cái vẻ bên ngoài của chúng ta phải phản ánh đúng cái tâm hồn bên trong.

Như vậy Đức Giêsu đã khằng định với các môn đệ: phải công chính hơn Luật sĩ và Biệt phái thì mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu đã đặt ra một cái mốc, một khởi điểm mà các môn đệ phải vượt qua cái mốc đó thì mới được vào Nước Trời, nhưng trong Bài Tin mừng này, Ngài không giải thích các luật sĩ và biệt phái đã sống thế nào mà các môn đệ bây giờ phải sống công chính hơn họ. Qua một vài cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với nhóm người này, ta cũng có thể hiểu câu nói của Đức Giêsu.

Phần sau của Bài Tin mừng Chúa Giêsu sẽ đưa ra một trường hợp cụ thể để minh hoạ cho câu nói: Phải công chính hơn Luật sĩ và Biệt phái, đó cũng là trường hợp đầu tiên CHÚA GIÊSU KIỆN TOÀN LUẬT MÔSÊ.

“CÁC CON ĐÃ NGHE DẠY NGƯỜI XƯA RẰNG: ‘KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. AI GIẾT NGƯỜI, SẼ BỊ LUẬN PHẠT NƠI TOÀ ÁN’.

CÒN THẦY, THẦY SẼ BẢO CÁC CON: BẤT CỨ AI PHẪN NỘ VỚI ANH EM MÌNH, THÌ SẼ BỊ TOÀ ÁN LUẬN PHẠT.

AI BẢO ANH EM LÀ “NGỐC”, THÌ BỊ PHẠT TRƯỚC CÔNG NGHỊ. AI RỦA ANH EM LÀ “KHÙNG”, THÌ SẼ BỊ VẠ LỬA ĐỊA NGỤC”

Trong nỗ lực kiện toàn Luật Môsê, chúng ta bắt gặp cụm từ thường được lặp đi lặp lại: “CÁC CON ĐÃ NGHE DẠY NGƯỜI XƯA RẰNG……. CÒN THẦY, THẦY SẼ BẢO”

Vế đầu ý ám chỉ Luật Môsê (“Các con đã nghe người xưa dạy rằng”), còn vế sau là sự kiện toàn luật đó của Chúa Giêsu (“Còn Thầy, Thầy sẽ bảo”).

Trong văn chương, cũng như trong các lời dạy dỗ của người trên dành cho kẻ dưới, chúng ta cũng thường bắt gặp cụm từ: “Các cụ ngày xưa đã dạy….”. Như vậy tất cả lời ông bà dạy đều nằm trong tiềm thức và ký ức của một dân tộc, đó là tài sản phong phú được cụ thể thể hoá bằng những câu ca dao tục ngữ, được lưu truyền từ đời này đến đời kia, hình thành nền văn hoá, nếp sống của cả dân tộc, mà chúng ta thường dùng nó để dạy dỗ con cháu mình..

Củng vậy, khi Chúa Giêsu kiện toàn Luật Môsê, Ngài rất thích dùng cụm từ: “Các con đã nghe người xưa dạy rằng….”. Chứng tỏ Luật Môsê đã hình thành nếp sống và nền văn hoá của dân Chúa chọn.

“KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI. AI GIẾT NGƯỜI, SẼ BỊ LUẬN PHẠT NƠI TOÀ ÁN”.

Người Do Thái, các Luật sĩ và Biệt phái tuân giữ nghiêm ngặt luật này, và họ cho đó là sống công chính.

Nhưng Chúa Giêsu lại khuyên các môn đệ phải sống công chính hơn họ. Không phải cứ không giết người là đủ. Chúa Giêsu dạy: Ngay cả việc phẫn nộ, chửi, rủa anh em đã là điều không được chấp nhận. Như vậy đòi hỏi của Chúa Giêsu đã vượt xa Luật Môsê rất nhiều, đây mới là công chính đích thực và phải đạt đến mức đó mới được vào Nước Trời.

LUẬT GIẾT NGƯỜI:

LUẬT GIẾT NGƯỜI trong thời Tân Ước do Chúa Giêsu đưa ra sẽ siêu việt hơn hẳn. Giết người không chỉ giết về phần xác:

Nhiều người khi xét tới điều răn thứ Năm, thứ Chín, và thứ Mười, họ thấy mình không có tội, vì chưa bao giờ giết người, chưa bao giờ ngọai tình, và lấy của người khác. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta phải xét mình cẩn thận hơn. Có những kẻ muốn giết người, ngoại tình trong tư tưởng, và ham muốn của người; những tư tưởng như thế đã đủ làm con người phạm tội rồi. Về việc giết người, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 3 điểm sau:

– Ai GIẬN anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.

– Ai MẮNG anh em mình là đồ ngu ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. – Còn ai CHỦI anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

Lề Luật, không những xưa và nay, không thể kết tội những gì xảy ra bên trong con người vì không ai nhìn thấy những điều đó. Lề Luật cũng không kết tội khi con người chửi mắng người khác, vì đó là những cảm xúc nhất thời của con người. Lề Luật chỉ kết tội con người khi có bằng chứng rõ ràng như giết người, gây thương tích thân xác hay tài sản … Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài thấu hiểu bên trong tâm hồn mỗi người và biết rõ những thiệt hại cho cả người làm lẫn người bị xúc phạm; nên Ngài đòi hỏi các môn đệ phải đi xa hơn trong tiến trình nên trọn lành.

Câu nói của Chúa Giêsu khi giải thích luật “chớ giết người” cho ta thấy rằng: giận, mắng và chửi người anh em cũng là một cách giết người.

Giết chết người anh em bởi vì ta không coi người đó là anh em nữa nên mới nặng lời như thế. Trong lòng tôi “người anh em” kể như đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù. Trong khi luật không xét những trường hợp này thì Đức Giêsu lại nói: “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.”

NHƯ VẬY, CHÚA GIÊSU ĐÃ KIỆN TOÀN LUẬT GIẾT NGƯỜI TRÊN CẢ HAI BÌNH DIỆN: TRÊN THỂ XÁC VÀ TRONG TÂM HỒN, TRONG KHI LỀ LUẬT CHỈ XÉT TỘI GIẾT NGƯỜI TRÊN BÌNH DIỆN THỂ XÁC MÀ THÔI.

“NẾU CON ĐANG DÂNG CỦA LỄ NƠI BÀN THỜ MÀ SỰC NHỚ NGƯỜI ANH EM ĐANG CÓ ĐIỀU BẤT BÌNH VỚI CON, THÌ CON HÃY ĐỂ CỦA LỄ LẠI TRƯỚC BÀN THỜ, ĐI LÀM HOÀ VỚI NGƯỜI ANH EM CON TRƯỚC ĐÃ, RỒI HÃY TRỞ LẠI DÂNG CỦA LỄ”

Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn nữa mối tương quan giữa con người với nhau và tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Hình như Ngài muốn đặt mối tương quan giữa con người với nhau còn hơn cả mối tương quan với Thiên Chúa. Bằng chứng:

Khi ta đang dâng của Lễ nơi bàn thờ (ám chỉ đến tương quan với Thiên Chúa), mà sự nhớ có điều bất hoà với anh em (tương quan giữa con người với nhau), thì hãy để của lễ lại đó mà đi làm hoà với anh em, rồi mới đến dâng của lễ.

Khi ta làm hoà với anh em xong, lúc ấy của lễ ta dâng cho Chúa mới trọn vẹn và hoàn hảo và là của lễ đẹp lòng Chúa nhất.

“SỰC NHỚ NGƯỜI ANH EM ĐANG CÓ ĐIỀU BẤT BÌNH VỚI CON”.

Nếu để ý hơn nữa, ta sẽ thấy trong câu Chúa Giêsu nói thật sâu sắc. Tại sao Ngài không nói: “Con có điều bất bình với anh em”. Nếu ta có điều bất bình với anh em, có nghĩa ta là người gây ra lỗi, thì việc đi làm hoà thật hợp lý và rõ ràng. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Anh em đang có điều bất bình với con”, có nghĩa người anh em có lỗi với ta, thì việc mình đi làm hoà thật cao thượng và phi thường, vì nó vượt qua được tất cả cảm tính của con người, vượt qua được sự căm ghét bình thường, đó mới là người quân tử đích thực.

“HÃY LIỆU LÀM HOÀ VỚI KẺ THÙ NGAY LÚC CÒN ĐI DỌC ĐƯỜNG VỚI NÓ, KẺO KẺ THÙ SẼ ĐƯA CON RA TRƯỚC MẶT QUAN TOÀ, QUAN TOÀ LẠI TRAO CON CHO TÊN LÍNH CANH VÀ CON SẼ BỊ TỐNG NGỤC.

TA BẢO THẬT CHO CON BIẾT: CON SẼ KHÔNG THOÁT KHỎI NƠI ẤY CHO ĐẾN KHI TRẢ HẾT ĐỒNG XU CUỐI CÙNG”

“CÒN ĐI DỌC ĐƯỜNG……… RA TRƯỚC MẶT QUAN TOÀ”.

Để minh hoạ cho lời giáo huấn của Chúa Giêsu, Ngài đã đưa ra một kinh nghiệm khôn ngoan mà ai cũng hiểu, đó là: LÀM HOÀ VỚI KẺ THÙ”.

Viễn cảnh mà Chúa Giêsu đưa ra không những ở đời này mà còn ở đời sau:

Cụm từ: “Còn đi dọc đường”, ý ám chỉ ta đang còn sống trên dương thế, đó là thời gian mà ta còn có cơ hội, còn có điều kiện để làm hoà với anh em.

Cụm từ: “Ra trước mặt quan toà”, ý ám chỉ ta đã chết và bước vào cuộc sống mai sau, Lúc ấy mọi người sẽ phải ra trước toà án phán xét của Thiên Chúa. Lúc ấy, ta sẽ không còn cơ hội nào để làm hoà nữa.

Chúa Giêsu cảnh báo tất cả chúng ta: “CON SẼ KHÔNG THOÁT KHỎI NƠI ẤY CHO ĐẾN KHI TRẢ HẾT ĐỒNG XU CUỐI CÙNG”.

Vâng, trong cuộc sống mai sau, ta phải trả lẽ tất cả việc mình đã làm, và nếu ta có làm thiệt hại cho ai, ta sẽ phải đền bù cho hết, không sót một điều nào, ý ám chỉ “đồng xu cuối cùng”.

Tất cả những người khi còn sống đời này, chỉ vì tối mắt trước đồng tiền mà can tâm làm hàng gian, hàng độc hại, hại người khác, gây ra biết bao bệnh tật, hãy coi chừng. Đừng bao giờ nghĩ rằng việc làm của mình không ai biết, trời không biết, đất không biết, cứ thoả mãn trong cái tài sản kếch sù đã kiếm được, cho con cái du học nước ngoài, tạo cơ nghiệp bền vững. Nên nhớ: Họ phải trả đến “đồng xu cuối cùng” có nghĩa phải đền bù cho bằng hết.

Tất cả những ai trực tiếp hay gián tiếp, quanh co lừa dối, gây ra thảm hoạ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, đã đẩy biết bao con người lâm vào cảnh khốn cùng, hãy nhớ lấy lời cảnh báo này. Đừng nghĩ rằng mình có quyền lực, có vũ khí, có dùi cui, không ai làm gì được mình. Họ sẽ không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa ở đời sau, phải trả cho đủ, đến “đồng xu cuối cùng”

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CÔNG BẰNG VÔ CÙNG.

Amen. __________________________ Giuse Nguyễn Viết Tâm.

Từ khóa » Chú Giải Tin Mừng Mt 5 20-26