LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN LỄ ...
Có thể bạn quan tâm
BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9 “Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6 A+B=Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).
A= Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng..
B= Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.
A= Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
B= Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 5-11 “Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ”. Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Đó là lời Chúa.
Hay đọc bài này: BÀI ĐỌC II: Rm 6, 3-9 “Chúng ta phải sống đời sống mới”. Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.
Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 11, 25-26 -Chúa phán: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”. – Alleluia.
BÀI TIN MỪNG: Ga 6:37-40 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông rằng: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
Đó là lời Chúa.
Hay bài này: BÀI TIN MỪNG: Ga 17, 24-26 “Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con”. Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
Đó là lời Chúa. _____________________________________
I/. NGUỒN GỐC LỄ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn.
Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”.
Sau đó, Thánh Odilo (962-1048), Viện phụ Đan viện Cluny (đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 2-11 và trước hết cử hành trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030).
Về sau lễ Cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV cho phép mọi linh mục được dâng 3 thánh lễ trong ngày này:
* Một cho các linh hồn mồ côi * Một theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng * Một theo ý chỉ của chính linh mục
Nếu trùng vào ngày Chúa Nhật, ngày lễ sẽ được dời lại đến ngày 3-11
(Nguồn: conggiao.info) _____________________________________
II/. Ý NGHĨA LỄ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Ngày hôm qua 01/11, chúng ta sống trong niềm vui với các thánh nam nữ trong GIÁO HỘI KHẢI HOÀN.
Sang ngày hôm nay 02/11, Giáo hội muốn con cái mình nhớ đến các linh hồn trong GIÁO HỘI THANH LUYỆN, đang chịu những đau khổ trong Luyện ngục. để thanh luyện họ được tinh tuyền hơn.
Hôm nay thứ Sáu, 02/11/2018, Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong đó có ông bà, cha mẹ, tiên nhân của chúng ta.
Thánh lễ hôm nay cũng gắn liền mỗi người với bao kỷ niệm khó quên và bao nỗi buồn khó tả. Nó gắn liền với nghĩa trang, với các ngôi mộ thẳng tắp, lạnh lẽo và cũng gắn liền với Nhà hài cốt với những hũ cốt xếp ngay ngắn nằm trên kệ.
Lòng ta chợt chùng xuống, ngậm ngùi cho định mệnh, số phận con người.
Cả một cuộc đời cố gắng, phấn đấu, nỗ lực, tung hoành ngang dọc mà bây giờ chỉ còn lại nắm tro tàn này sao! Thật chua xót!
Họ đang nằm ở đây chờ người còn sống đi qua cắm cho họ vài nén nhang cho bớt lạnh lẽo. Họ đang cần những lời cầu nguyện, lời kinh tiếng hát để cho vơi đi nỗi đau khổ mà họ đang chịu trong luyên ngục.
Ngày cầu cho các linh hồn, cũng là dịp để giáo dục Kitô hữu chúng ta, thuộc GIÁO HỘI LỮ HÀNH, giáo dục đức tin và những giá trị con người. Đó là dịp để ta suy nghĩ và có những quyết định sống trưởng thành hơn.
Khi tưởng nhớ đến người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc, khơi dậy nơi những người còn đang sống trên trần gian.
Tâm tình này rất đạo đức và cũng rất tình người. Tâm tình này dẫn ta đến suy nghĩ về những khác biệt trong đời sống con người. Mỗi người đều có ngày mở mắt chào đời từ lòng mẹ đi ra. Và ai cũng có ngày sau cùng, được bọc trong cỗ áo quan chôn vùi xuống lòng đất.
Những người ra đi khỏi cuộc sống trần gian về thế giới bên kia và những người còn đang sống, TRƯỚC SAU VẪN THUỘC VỀ NHAU.
Tất cả cùng chung sống với nhau. Chúng ta và họ cùng chia sẻ cuộc sống niềm tin, cuộc sống tình người.
Họ ra đi, nhưng họ vẫn hiện diện trong trái tim chúng ta. Họ vẫn sống động trong tâm tình biết ơn của ta, và trong những kỷ niệm của ta.
Người ta định nghĩa:
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI ĐÃ CHẾT?
Người chết không hẳn là người nằm bất động im lìm, tim ngừng đập. MÀ NGƯỜI CHẾT CHÍNH LÀ NGƯỜI KHÔNG CÒN AI NHỚ ĐẾN HỌ NỮA.
Như vậy, ông bà, cha mẹ của ta mặc dù đã qua đời nhưng họ vẫn còn sống, họ chưa chết vì ta đang nhớ đến họ trong ngày hôm nay.
Trong ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta:
1/. Tưởng nhớ đến Tổ tiên, Ông Bà, cha mẹ đã ra đi về với Chúa.
Họ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người. Họ là người đã không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa, bằng cơm ăn áo mặc, lo lắng cho sức khỏe. Nhưng họ đã hy sinh suốt cuộc đời trong nhiệm vụ là cha mẹ được Thiên Chúa giao phó, nuôi dạy uốn nắn đời sống đức tin, tinh thần đạo đức của ta.
2/. Tưởng nhớ đến những người thân yêu ruột thịt trong gia đình đã an giấc ngàn thu: họ là chồng hay vợ; là con cái, cháu chắt, anh chị em, cô cậu chú bác.
Với họ, ta đã cùng nhau trải qua những chặng đường trong cuộc sống: vui buồn, cay đắng ngọt bùi, đã cùng nhau sống những giờ phút thành công cũng như thất bại, hy vọng có, lo âu sợ sệt cũng có. Một phần đời sống của ta từ nơi họ và một phần đời sống của họ cũng từ nơi ta.
Tôi biết có ngày tôi sẽ chết. Mặc dầu tôi không biết sẽ chết ngày giờ nào, nơi nào, cách nào.
TÔI SẼ CHẾT.
Đó là chân lý hết sức rõ ràng và chắc chắn. Chân lý này, không ai dạy tôi. Nó nằm ngay trong con người của tôi.
Cái chết sẽ là một biến cố đụng tới mọi người. Vấn đề này được coi là quan trọng. Bởi nó đặt ra câu hỏi:
Đâu là ý nghĩa cuộc sống? Cuộc đời đi về đâu? Bên kia sự chết có gì không?
Trong niềm tin Kitô giáo, ta tin rằng:
CON NGƯỜI LÀ MỘT HỢP THỂ XÁC – HỒN.
A/. LINH HỒN:
Khi chết đi, là lúc Linh hồn ra khỏi thân xác, nó sẽ ra trước Toà Chúa phán xét để được ở một trong ba nơi: Thiên đàng – Luyện ngục – Hoả ngục. Tuỳ theo sự phán xét của Chúa.
+ THIÊN ĐÀNG: là nơi dành cho những người khi còn sống đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và sống theo những đòi hỏi của Tin mừng. Đó là nơi hạnh phúc bất diệt và vĩnh cửu, nơi mà mọi người luôn hướng về, đó mới là quê hương đích thực của ta mà các Thánh được mừng kính trong ngày 01/11 đang hiện diện.
+ HOẢ NGỤC:
Là nơi đau khổ vĩnh viễn, là nơi chỉ có khóc lóc, nghiến răng. Họ luôn oán trách Thiên Chúa và cay cú chính mình.
Đó là nơi dành cho những ai đã từ chối Thiên Chúa một cách quyết liệt và tận cùng khi còn sống. Những kẻ đã từ bỏ mọi hy vọng, từ bỏ mọi nỗi lực để sám hối và đứng lên.
+ LUYỆN NGỤC:
Cũng là nơi dành cho những ai đã tin tưởng vào Chúa, sống theo những đòi hỏi của Tin mừng. Nhưng vì thân xác mỏng dòn, yếu đuối, họ không thắng được các cơn cám dỗ và đã chiều theo nó, mặc dù họ không từ chối Chúa một cách quyết liệt và tận cùng.
Vì thế họ cần có một thời gian thanh luyện để trở nên tinh tuyền hầu được bước vào thiên đàng. Luyên ngục chính là nơi thanh luyện.
Linh hồn thì như vậy, còn thân xác thì sao?
B/. THÂN XÁC:
Sau khi chết linh hồn phải ra trước Toà Chúa phán xét, còn thân xác sẽ bị chôn vùi trong lòng đất để chịu cảnh mục nát, hoặc bị thiêu đốt để trở thành nắm tro tàn.
Đến ngày tận thế, thân xác sẽ được phục sinh, sống lại, dù đang ở bất kỳ dạng nào, dù có mục nát hay bị đốt thành tro bụi. Thân xác sẽ hợp với linh hồn để trở thành con người đầy đủ và sẽ chịu CUỘC PHÁN XÉT THỨ HAI và cũng là cuối cùng, quyết định cho số phận đời đời.
Thân xác sẽ được phục sinh, đó là niềm tin chắc chắn, vì mỗi công hay tội, vinh hay nhục ta thực hiện ở đời này đều có sự tham gia của cả xác lẫn hồn.
Như vậy tại sao chỉ có hồn chịu phán xét!
Cả thân xác cũng phải chịu cuộc phán xét. Vì thế xác phải được phục sinh.
Trở lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa cuộc sống? Cuộc đời đi về đâu? Bên kia sự chết có gì không?
Câu trả lời theo lý thuyết có thể tìm thấy trong nhiều sách vở, nhất là sách đạo. Nhưng câu trả lời theo cảm nghiệm sẽ thường chỉ hiện lên một cách sống động, khi ta ở bên cạnh người sắp chết, hoặc chính ta đã có lần thập tử nhất sinh.
Vì thế, nói cho đúng, vấn đề đặt ra cho ta về cái chết sẽ KHÔNG LÀ SỢ CHẾT, mà là SỢ CHẾT DỮ, chết mà sau đó không được lên thiên đàng, mà phải xuống hoả ngục.
Đó là một vài suy nghĩ và tâm tình đạo đức của ta trong ngày cầu nguyện cho các người đã qua đời hôm nay.
Chúng ta bắt đầu bước vào Bài Tin mừng: ___________________________________
III/. BÀI CHIA SẺ (Ga 6:37-40):
“KHI ẤY, CHÚA GIÊSU NÓI VỚI ĐÁM ĐÔNG RẰNG:
TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI CHÚA CHA BAN CHO TÔI ĐỀU SẼ ĐẾN VỚI TÔI, VÀ AI ĐẾN VỚI TÔI, TÔI SẼ KHÔNG LOẠI RA NGOÀI, VÌ TÔI TỰ TRỜI MÀ XUỐNG, KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM THEO Ý TÔI, NHƯNG ĐỂ LÀM THEO Ý ĐẤNG ĐÃ SAI TÔI.”
Chúa Giêsu đang đứng trước cử tọa là người Do Thái, Ngài gọi Thiên Chúa là Cha. Chúa Cha đó là danh xưng mà họ chưa bao giờ nghe nói đến, phá tan sự xa cách giữa con người với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không còn là Đấng xa lạ, nghiêm khắc nữa, nhưng là Người Cha đầy lòng nhân ái, luôn yêu thương con cái mình. Chúa Giêsu chuẩn bị nói một điều quan trọng, Ngài sắp mạc khải cho con người biết về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.
TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI CHÚA CHA BAN CHO TÔI ĐỀU SẼ ĐẾN VỚI TÔI”.
Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu gồm những ai?
thưa: Đó là tất cả mọi người, trong đó bao gồm những người đã mất, những người đang sống và những người sẽ sinh ra và hiện diện sau này. Nói chung là tất cả mọi người.
Những người đã mất hiện nay đang ở một trong ba nơi, đó là : Thiên đàng – Luyện ngục – Hỏa ngục.
Nhưng vấn đề người ta có đến với Chúa Giêsu không, lại là chuyện khác, vì con người có tự do, nên họ có thể sống theo ý nghĩ của mình, theo những gì mình muốn. Còn về phía Thiên Chúa, Ngài luôn kêu gọi tất cả mọi người.
Ta còn nhớ, có người đã đến hỏi Chúa Giêsu: Phải chăng chỉ có số ít người được cứu độ? (Lc 13, 23).
Hôm nay Ngài khẳng định: không phải, Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người.
“AI ĐẾN VỚI TÔI, TÔI SẼ KHÔNG LOẠI RA NGOÀI.”
Chúa Giêsu khẳng định cho con người biết, bất kỳ ai đến với Ngài, họ sẽ không bị loại ra ngoài.
Ngày hôm qua, ta đã mừng Lễ kính các Thánh nam nữ, đó là những người đã đến với Chúa Giêsu và bây giờ họ đang hưởng hạnh phúc trong Nước Trời, đó là minh chứng hùng hồn cho lời Ngài nói: “ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”.
Ngày hôm nay, ta cũng hướng đến các Đẳng linh hồn, họ cũng đến với Chúa Giêsu nên họ cũng không bị loại ra ngoài, nhưng phải mất một thời gian để tinh luyện mình cho xứng đáng vào Nước Thiên Chúa.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi là hai điều đối nghịch nhau, như lửa với nước, như ánh sáng với bóng tối. Do đó, tội lỗi làm cho chúng ta phải xa lìa Thiên Chúa, khiến chúng ta quay lưng chống lại Ngài và đi ngược lại với bản tính thánh thiện tuyệt vời của Ngài.
Thiên Chúa thánh thiện không thể nào chấp nhận một chút bợn nhơ xấu xa nào trong vương quốc của Ngài.
Đối với các linh hồn đáng thương còn mang dấu ấn của tội lỗi, thì luyện ngục chính là nơi ẩn náu đầy yêu thương, là tiền đường của thiên đàng. Các ngài vui mừng trong đau khổ. Và nỗi đau khổ nặng nề nhất không phải là cực hình hỏa ngục, mà là khát vọng được diện kiến thánh nhan Chúa, mà hiện nay chưa được trở thành sự thật, mà vẫn còn bị trói buộc trong sợ mòn mỏi trông chờ và mong đợi.
Với ý thức về tội lỗi của mình, các ngài sẽ không rời xa luyện ngục, cho tới khi được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Còn mang lấy một chút dấu vết của tội lỗi trong tâm hồn mình cũng là một đớn đau cho các ngài, khi cảm thấy mình bất xứng.
Còn những người ở trong hỏa ngục?
Họ đang ở nơi đau khổ vĩnh viễn, họ đã không đến với Chúa Giêsu, nên họ ở ngoài Nước Thiên Chúa. Hiểu theo một nghĩa nào đó, hình phạt trong hỏa ngục do chính họ chọn, chứ không phải Thiên Chúa muốn, vì họ không chịu đến với Chúa Giêsu thì sẽ không ai có thể cứu được họ.
“VÌ TÔI TỰ TRỜI MÀ XUỐNG, KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM THEO Ý TÔI, NHƯNG ĐỂ LÀM THEO Ý ĐẤNG ĐÃ SAI TÔI.”
Khi Chúa Giêsu nói, ai đến với tôi sẽ không bị loại ra ngoài, lý do Ngài đưa ra, đó là Chúa Giêsu luôn làm theo ý Đấng đã sai Ngài, Chúa Giêsu không theo ý riêng mình. Mà ý của Đấng đã sai Ngài, đó là Chúa Cha. Chúa Cha luôn mong muốn mọi người được cứu độ.
“MÀ Ý CỦA ĐẤNG ĐÃ SAI TÔI LÀ TẤT CẢ NHỮNG KẺ NGƯỜI ĐÃ BAN CHO TÔI, TÔI SẼ KHÔNG ĐỂ MẤT MỘT AI, NHƯNG SẼ CHO HỌ SỐNG LẠI TRONG NGÀY SAU HẾT”.
“KHÔNG ĐỂ MẤT MỘT AI”
Đó là ý muốn của Chúa Cha.
Thánh Phaolô, qua thư Rôma, giải thích rõ ràng rằng “ngay khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người chết cho chúng ta được cứu, khi chúng ta không có sức làm được gì để cứu lấy mình”.
Không để mất một ai là “bằng chứng Thiên Chúa yêu thương ta vô cùng. Ngay khi ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Ngài vẫn để Con Ngài chết. Ngài muốn cứu ta khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bằng cách cho ta được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra. Làm vậy là để ta được hoà giải với Thiên Chúa. Giải pháp ấy là kế hoạch cứu chuộc được thực hiện nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 6-11).
Chúa Giêsu nói rõ ý định của Chúa Cha cho người Do Thái biết, Chúa Cha muốn Ngài không được để người nào phải hư mất, không để người nào phải chết nhưng sẽ được sống mãi, sống vĩnh viễn, cho dù họ phải chết, cái chết do hậu quả của tội nguyên tổ. Cái chết này cũng không cản trở được ý muốn của Thiên Chúa.
“NHƯNG SẼ CHO HỌ SỐNG LẠI TRONG NGÀY SAU HẾT”
Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Matta khi Ladarô chết: “Cô Mác-ta nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.”
Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? ” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” (Ga 11, 21-27)
Chúa Giêsu đã khẳng định với Matta, Ngài là sự sống lại và là sự sống.
CHÚA GIÊSU LÀ SỰ SỐNG:
Do đó ai tin vào Ngài sẽ không bao giờ chết, ý nói về phần linh hồn con người. Linh hồn con người không bao giờ chết cho dù thân xác đã chết Linh hồn chỉ thay đổi chứ không mất đi.
CHÚA GIÊSU LÀ SỰ SỐNG LẠI:
Một khi tin vào Ngài, cho dù có chết cũng sẽ được sống, ý nói về thân xác. Thân xác sẽ được phục sinh trong ngay sau hết. Mọi người sẽ được sống lại trong Ngày Cánh chung, Ngày tận thế.
“THẬT VẬY, Ý CỦA CHA TÔI LÀ TẤT CẢ NHỮNG AI THẤY NGƯỜI CON VÀ TIN VÀO NGƯỜI CON, THÌ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI, VÀ TÔI SẼ CHO HỌ SỐNG LẠI TRONG NGÀY SAU HẾT.”
Câu cuối cùng của Bài Tin mừng, Chúa Cha muốn tất cả những ai thấy Chúa Con và tin vào Chúa Con sẽ được sống muôn đời. Đó là ý muốn của Chúa Cha, còn Chúa Giêsu sẽ thực điều mà Chúa Cha muốn, Đức Giêsu sẽ cho họ sống lại.
Vấn đề đặt ra:
Điều kiện để được sống muôn đời đó là THẤY và TIN vào Chúa Con.
Vậy thử hỏi, những người sống trước thời Chúa Giêsu và sau thời Chúa Giêsu như chúng ta đây, họ không có phúc thấy Chúa Giêsu bằng xương bằng thị, họ có được sống muôn đời không?
Ta còn nhớ lời Chúa Giêsu nói với Tôma khi ông cứng lòng tin, đòi phải được xem thấy Ngài mới chịu tin Ngài sống lại: “Vì anh đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20, 29).
Như vậy từ “THẤY” ở đây có một ý nghĩa sâu xa, thấy bằng con mắt đức tin, đó mới là điều có phúc, còn thấy bằng xương bằng thịt, cái thấy đó mang giá trị thấp nhất. Chúng ta sống trong thời đại hôm nay vẫn thấy được Chúa Giêsu bằng con mắt đức tin của mình.
Và những người sống trước thời Chúa Giêsu, cũng thấy được Ngài khi họ sống trong sự mong chờ Đấng Cứu Thế.
Như vậy, câu nói của Chúa Giêsu: “ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời” luôn đúng cho mọi thời đại, từ khởi nguyên lập địa cho đến tận thế.
Chúng ta bước vào tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
Thực ra, chẳng ngày nào mà Giáo Hội, qua các Thánh Lễ, lại chẳng cầu nguyện cho họ. Nhưng tháng này, Giáo Hội muốn chúng ta sống ý thức hơn và thực hành mạnh mẽ hơn việc đạo đức này.
Cầu nguyện cho những người đã khuất là một bổn phận không thể xao lãng của chúng ta.
Biết Chúa cứu, tin rằng Chúa không để mất một ai là một chuyện. Nhưng Giáo Hội luôn dạy chúng ta phải, bằng tinh thần hợp thông luôn cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời, chứ không được ỷ nại vào Chúa.
Hơn nữa, người tín hữu đã chết trong Ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa sạch hết mọi tội, và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời đời này, thì không thể vào thẳng Thiên đàng được, vì chưa xứng đáng hưởng Thánh Nhan Chúa.
Thánh Gioan cảnh báo rõ trong sách Khải huyền: “Tất cả những gì ô uế, cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và gian tà, đều không được vào thành…” (Kh 21, 27).
Tất nhiên, họ phải chờ tinh luyện xong mới được vào Thiên đàng. Thời gian đó là thời gian xa cách Chúa.
Nên Công đồng Florence (1439) mới định tín có LUYỆN NGỤC để tinh luyện các linh hồn.
Amen. ______________________ Giuse Nguyễn Viết Tâm.
Từ khóa » Suy Niệm Ga 6 37-40
-
Cầu Cho Các Tín Hữu đã Qua đời (Ga 6, 37-40) - Hãy Tin Vào Chúa
-
Ngày 02/11: Cầu Cho Các Tín Hữu đã Qua đời - Hãy Tin Vào Chúa (Ga ...
-
Phúc Âm Ga 6, 37-40 Ai Tin Vào Người Con, Thì được Sống Muôn đời.
-
Lectio Divina: Lễ Các Linh Hồn – Gioan 6:37-40 - Dòng Cát Minh
-
Ngày 02/11. CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI: Ga 6,37-40
-
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI – LỄ I- Lm Giuse Nguyễn ...
-
Thứ Ba: 02. 11. 2021 Lễ Các Đẳng Linh Hồn (Ga 6, 37 – 40)
-
Niềm Hy Vọng được Phục Sinh (Ga 6,37-40) - Tin Vui
-
Tin Mừng GA 6,37-40 Ai... - Ban Truyền Thông GHBL Long Thọ
-
[PDF] 2014 Tin Mừng: Ga 6,37-40 37 Khi ấy, Đức Giêsu Nói Với Dân Chúng ...
-
Chia Sẻ Lễ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC ...
-
Xin Chúa Đón Nhận Các Linh Hồn Thân Yêu (Ga 6, 37-40)
-
Lễ Các Linh Hồn - Lời Chúa - Hàng Ngày - ĐA MINH ROSA LIMA
-
Ngày 02/11: Cầu Cho Các Tín Hữu đã Qua đời
-
Đức Chúa Sẽ Vĩnh Viễn Tiêu Diệt Tử Thần (02.11 – Cầu Cho Các Tín Hữu ...
-
LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY Thứ Bảy Tuần XXX ...
-
Ngày Thứ Ba (02-11-2021) – Trang Suy Niệm
-
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư - Tuần 3 - Phục Sinh (Ga 6, 35-40)