Ngày 02/11. CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI: Ga 6,37-40

Ngày 02 tháng 11

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

THÁNH LỄ I

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,37-40

Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

II. SUY NIỆM

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm các thánh thông công, là sự hiệp thông mật thiết giữa ba thành phần Hội Thánh, bao gồm Hội Thánh Vinh Thắng, Hội Thánh Lữ Hành và Hội Thánh Thanh Luyện. Ngày hôm qua, trong sự tương giao, Hội Thánh Lữ Hành chúng ta hân hoan chia sẻ niềm vui và cảm tạ Chúa với Hội Thánh Vinh Thắng trên trời, thì hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho Hội Thánh Thanh Luyện là các đẳng linh hồn trong luyện ngục.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta một tiêu chuẩn giúp chúng ta sẽ đạt tới vinh thắng, đồng thời cũng nâng đỡ niềm tin cho chúng ta khi dâng lời cầu xin cho các tín hữu đã qua đời.

1. Vâng theo Thiên Ý (x. Ga 6,37-39)

Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định sứ mạng của Người là đến trần gian để làm theo ý Chúa Cha, hầu cứu độ hết mọi người, không loại trừ một ai.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sống sứ mệnh người Kitô hữu, là vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, để được thông phần vào cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô, mưu ích cho các linh hồn, và mai sau cũng được phục sinh với Người.

Các tín hữu đã qua đời, cũng là những người như chúng ta, đã cùng được dìm trong nước Thánh Tẩy, được lãnh lấy của ăn thần linh là Thánh Thể, và đã vượt qua cái chết thể lý. Chúng ta tin tưởng lời Chúa Giêsu hứa hôm nay rằng, những ai Chúa Cha ban cho Tôi thì Tôi không muốn để mất một ai, mà sẽ ban sự sống đời đời cho họ, và cho họ sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, trong thời gian còn sống, các linh hồn còn vướng những vết nhơ tội lỗi và chưa được hoàn toàn xứng đáng diện kiến Chúa. Mầu nhiệm hiệp thông các thánh thông công, chúng ta tin tưởng cầu xin cho họ.

2. Tin vào Chúa Giêsu Kitô (x.Ga 6,40)

Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta biết, ý Thiên Chúa Cha muốn mọi người chúng ta là tin vào Con Thiên Chúa, tức là tin vào Chúa Giêsu, để nhờ đó họ sẽ được mãi mãi chiêm ngưỡng thánh nhan Người và được sống lại trong ngày sau hết.

Như thế, điều kiện tiên quyết để được cứu độ là phải tin và sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa.

Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Lại nữa, Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu mang tính vượt thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Chính vì thế mà trong bài đọc I, ông Gióp đã nói: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày sau hết khi thân xác tiêu tan, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Người” (G 19,25-27).

Một điều đáng khích lệ chúng ta nữa là, như trong bài đọc II, thánh Phaolo dạy: “Chúa Giêsu đã chết để cứu chúng ta là tội nhân…” (Rm 5,8). Như thế, dù tội lỗi như thế nào đi nữa, chúng ta không thất vọng, chúng ta chắc chắn sẽ được cứu độ vì đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, miễn là chúng sống xứng đáng với niềm tin đó.

Và đó cũng là tâm tình mà chúng ta dâng lên Chúa trong ngày hôm nay, để cầu nguyện cho các linh hồn.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán những ai tin vào Ngài sẽ chẳng bao giờ chết, xin Chúa đoái thương đến các linh hồn khi còn sống là những người đã tin vào Chúa, nay được hưởng phúc trường sinh muôn đời nhờ ơn Cứu độ và Lòng thương xót của Chúa. Amen.

Hiền Lâm

———————————

THÁNH LỄ II

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 23,33.39-42

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! ” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! “

II. SUY NIỆM

Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ này, tập chú nói về niềm hy vọng đạt tới thực tại tương lai vĩnh hằng:

Hình ảnh ngôn sứ Isaia được nhìn thấy (bài đọc I), miêu tả việc Thiên Chúa bù đắp lại cho những gian lao đau khổ mà con người chịu khi còn sống nơi trần thế là:“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ, xé bỏ khăn tang, xoá sạch mọi ô nhục và thiết đãi muôn dân một bữa tiệc… Chính Người là Đức Chúa ta hằng đợi trông…” (x. Is 25,6a.7-9).

Trong thư Rôma (bài đọc II), thánh Phaolô cho biết chúng ta là con cái Thiên Chúa sẽ được đồng thừa kế gia nghiệp cùng với Đức Kitô. Và gia nghiệp đó vượt xa mọi thực tại hạnh phúc thế gian, bởi vì những đau khổ đời này sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải (x. Rm 8,14-23).

Qua bài Tin Mừng, niềm hy vọng và khích lệ lớn dành cho chúng ta, là dù quá khứ chúng ta có đầy tội lỗi, nhưng chỉ cần một thời gian ngắn ngủi trở về với Chúa, thì tình thương hải hà của Chúa sẵn sàng tha thứ và nhận chúng ta vào Nước của Người.

Tuy nhiên, để được vào Nước Chúa như người “trộm lành” kia, theo Chúa trong “giờ thứ mười một”, nghĩa là giờ phút cuối cùng, vẫn cần ít nhất hai thái độ: Là nhận ra con người tội lỗi của mình và tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.

1. Nhận ra con người tội lỗi của mình.

Ở Nga, người ta vẫn coi anh chàng “trộm lành” có tên Dismat này là một vị thánh và là bổn mạng của các tội nhân mang án tử. Anh đã nên thánh ngay phút chót của cuộc đời trần thế, chỉ vì anh đã thống hối và tin vào Chúa Giêsu.

Người trộm lành được cứu là vì anh ta đã ý thức tội lỗi của mình và đáng chịu phạt xứng với tội lỗi anh đã gây ra, đồng thời nhờ vào niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Thật vậy, như lời thánh Phaolô dạy: “Chúa Giêsu đã chết để cứu chúng ta là tội nhân…” (Rm 5,8). Như thế, dù tội lỗi như thế nào đi nữa, chúng ta không thất vọng, chúng ta chắc chắn sẽ được cứu độ vì đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, miễn là chúng ta dám tin và sống niềm tin đó.

2. Tin và cầu xin với Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở sám hối mà thôi thì chưa đủ để được vào Nước Thiên Chúa, người trộm lành cần đến niềm tin nơi Đấng bị đóng đinh kia là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Đây là một đặc điểm của đạo Công Giáo chúng ta. Chúng ta không chỉ sám hối mà còn phải tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giêsu Kitô (khác với Phật Giáo), không phải tự cứu mình bằng nỗ lực bản thân mà là cần kết hợp với ơn Chúa, hoàn thiện bản thân trong sự kết hợp với ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô. Cũng không phải chỉ tin là đủ, mà phải hành động cụ thể là sám hối và tin và Tin Mừng.

Cùng hiệp thông cầu cho các tín hữu đã qua đời hôm nay. Chúng ta cùng biết ý thức về thân phận yếu đuối mỏng giòn của mình, đồng thời tin tưởng vào giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, sẽ giải thoát các linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện ngục. Các đẳng từng là những người như chúng ta, đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng trong đời sống niềm tin đó còn thiếu sót, hoặc chưa có một sự sám hối đền tội cho đủ, nên bây giờ còn phải thanh luyện nơi luyện ngục.

Chúng ta tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa, nhưng không ỷ lại vào giờ phút chót, vì chúng ta không biết lúc nào Chúa gọi mình ra đi, nên cần luôn có một sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hứa rằng: “Ai xin thì sẽ được, ai gõ thì sẽ mở cho”, ngày hôm nay chúng con hiệp nhất cầu nguyện, và tạ ơn thay cho các linh hồn, xin Chúa đoái thương nhận những lời cầu xin chân thành của chúng con và đem các linh hồn về Thiên Đàng với Chúa. Amen.

Hiền Lâm

———————————

THÁNH LỄ III

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 11,17-27

Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại! ” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? ” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

II. SUY NIỆM

Trong thánh lễ III, Giáo hội cho đọc đoạn Tin Mừng Gioan kể về việc Chúa Giêsu đến thăm gia đình Bêtania sau khi được tin Lazarô chết. Đoạn Tin Mừng này làm nổi bật lên hai bài học sau đây:

1. Chân lý đức tin qua các lời tuyên xưng của Mác-ta.

“Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”: Phải, “được Chúa thì được tất thảy, mất Chúa thì mất sạch tay”. Lời nói của Mác-ta như là một lời than trách vì Chúa Giêsu đến chậm nên Lazarô em chị đã chết, nhưng đây là một cách diễn tả của Tin Mừng Gioan là: linh hồn chúng ta được coi là đã chết khi vắng Chúa Giêsu.

“Bất cứ điều gì Thầy xin thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy”: Nghĩa là dù em con đã chết rồi, nhưng bây giờ Thầy xin thì Thiên Chúa vẫn cho em con được sống lại. Thật vậy, dù linh hồn chúng ta đã bao lần chết đi vì vắng Chúa, chúng ta xưng thú tội lỗi và đón rước Chúa vào lòng thì Chúa Giêsu sẽ lại phục hồi cho ta sự sống thiêng liêng với muôn vàn ơn phúc.

“Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”: Đây là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đức tin Công Giáo chúng ta xác nhận rằng, những người lành thánh sau khi lìa đời, linh hồn sẽ được hưởng tôn nhan Chúa, và ngày tận thế thân xác cũng sẽ được phục sinh để hưởng hạnh phúc trường cửu. Niềm tin này đã có từ thời Cựu Ước, mà trong bài đọc I, sách Macabê đã ghi lại việc quyên góp tiền để xin dâng hy lễ đền tội cho các chiến sĩ đã tử trận. Ngày nay, nơi Giáo hội Công Giáo, trong sự hiệp thông, chúng ta vẫn cầu nguyện, dâng việc lành và xin lễ đền tội cho các linh hồn.

2. Lời khẳng định của Chúa Giêsu về sự sống.

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”: Chúa Giêsu Kitô là sự sống của linh hồn. Vì thế, khi chúng ta không ăn Bánh Sự Sống thì linh hồn chúng ta sẽ chết yểu và hư đi. Chúa Giêsu còn là sự sống lại. Chính Người là Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai tin vào Người và thông hiệp trong cái chết của Người sẽ được phục sinh như Người.

“Ai tin vào Thầy thì dù chết rồi thì vẫn sẽ được sống”: Hôm nay chúng ta dâng lễ và viếng nghĩa trang cầu nguyện cho các linh hồn, chính là vì chúng ta đang tin vào điều này. Các đẳng linh hồn vẫn sống vì đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng còn mang ít nhiều vết nhơ của tội. Vì thế, lời cầu xin và việc dâng hy lễ của chúng ta là cậy nhờ dòng Máu Sự Sống của Chúa Giêsu đến giải thoát các linh hồn cho về hưởng sự sống vĩnh cửu.

“Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”: Lời này hướng đến chúng ta là những người đang còn hiện hữu trên trần gian. Vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô nên sẽ không sợ cái chết, cái chết thể lý chỉ là cửa ngõ đưa chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán những ai tin vào Ngài sẽ chẳng bao giờ chết, xin Chúa đoái thương đến các linh hồn khi còn sống là những người đã tin vào Chúa, nay được hưởng phúc trường sinh muôn đời nhờ ơn Cứu độ và Lòng thương xót của Chúa. Amen

Hiền Lâm 

GIẢNG LỄ AN TÁNG

Thưa quý Ôbace !

Cùng với những bài đọc Lời Chúa hôm nay, và sự ra đi trở về nhà cha của chị…, chúng ta cùng chia sẻ về cuộc đời của một con người, với ba lần sinh ra: Ngày sinh nhật vào đời, ngày sinh ra làm con Chúa qua Bí tích rửa tội, và ngày sinh ra trong nước trời là lúc từ giã cuộc đời trần thế này. Nói cách tóm tắt là: làm người, làm Ki-tô hữulàm thánh. Và ba cuộc sinh ra đó, chung một điểm duy nhất là làm con Chúa.

Vì thế, cả một cuộc đời của chúng ta là một hành trình, dù là sống gửi thác về, nhưng chỉ là một cuộc hành trình đi về vĩnh cửu, nên chết không phải là một sự chấm dứt, mà là một cuộc sinh ra trong sự vĩnh cửu đời đời không còn kết thúc nữa, như trong bài đọc tiên tri Isaia, Bài đọc I, chúng ta vừa nghe: Từ nay Chúa sẽ cất đi chiếc khăn tang,  không còn đau khổ, than khóc… nữa, vì mọi sự đã qua đi để đi vào đời sống mới bất diệt. Cũng như nơi bài đọc II, trong thứ thứ nhất Corinto, thánh Phaolo đã nói: “Mọi người được tác sinh trong Đức Ki-tô, mà Đức Ki-tô là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Đặc biệt nơi Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su thân thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, mọi người Cha đã ban cho Con, thì Con muốn rằng, Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”.

Tắt một lời, dù ba lần sinh ra: Làm người, làm Ki-tô hữu, và làm thánh, thì chung quy lại đó là LÀM CON CHÚA.

 

Thưa quý Ôbace !

Để hiểu hơn về việc làm con Chúa, mà Ki-tô hữu chúng ta đã được lãnh lấy từ khi chịu phép rửa tội, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nắm vững một chút về ý nghĩa của việc chúng ta đến rửa tội, không hiểu theo nghĩa tiêu cực là rửa tội nguyên tổ, mà là ĐƯỢC LÀM CON CHÚA.

Chúng t đừng nghĩ bế một đứa trẻ đến rửa tội là vì nó có tội, chúng ta thường nghĩ không đúng về điều này: Đứa trẻ nó mới sinh thì tội gì, tại sao cha ăn nho xanh bắt con ê răng, cha ăn mặn con khát nước…?

Xin lấy ví dụ thế này để chúng ta hiểu: Giống như một người bố chuẩn bị lập gia đình cho đứa con trai, ông hứa là ngày cưới sẽ cho nó một cây vàng để có vốn mà làm ăn, nhưng hẳng may đêm trươc ngày cưới bị trộm mất, nên sáng hôm sau, ông không còn có mà cho con, rồi đứa con lấy vợ không còn có mà cho cháu, cháu lấy vợ không còn có cho chắt, chút, chít… và nó cứ khổ mãi, cho đến ngày có một đại gia nào đó thấy khổ và họ tặng lại cho họ cây vàng.

Sách GLCG định nghĩa, tội tổ tông truyền là, làm cho hai ông bà và con cháu mất sự sống siêu nhiên, mất quyền làm con Chúa.

Sách GLCG cũng định nghĩa, phép Rửa tội là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giê-su, đã phục hồi sự sống siêu nhiên và ban lại quyền làm con Chúa.

Thưa quý Ôbace !

Nghe đến đây, chúng ta thấy được khích lệ dường nào, được an ủi dường nào, niềm hi vọng chắc chắn, vì ô (b)… đây, và mọi người chúng ta đây đều đã được rửa tội, nghĩa là được làm con Chúa, thì chắc chắn chúng ta rất hạnh phúc vì có Chúa là Cha, và chẳng có người Cha nào lại không đón con của mình về hưởng hạnh phúc trên thiên đàng.

Vâng, ô (b)… đây đã được sinh ra làm con Chúa qua Bí tích rửa tội, … năm cuộc đời Ki-tô hữu, hơn …năm sống cùng chúng ta nơi giáo xứ T… này, ô (b) đã sống chức vị là con Chúa qua những công việc bác ái, thăm viếng người khó khăn, bệnh tật, với lời an ủi động viên khích lệ, cũng như nhiệt thành trong việc đến đọc kinh cầu nguyện cho những người qua đời, ô (b) vẫn luôn trông cậy Chúa và ngày đêm lần hạt đọc kinh cầu nguyện cho giáo xứ và hết những ai bà được biết đến.

Như vậy, hôm nay đây, ô (b) được sinh ra trong vĩnh cửu, sinh ra không còn để làm người nữa mà là để làm thánh, nghĩa là được kết hiệp trọn vẹn với Chúa trên trời, là Cha mà bà đã sống tình con thảo khi còn tại thế.

Trong sự hiệp thông, chúng ta cùng chung một cha trên trời, chúng ta cùng xin cho người anh chị em của chúng ta được sớm về với Cha trên trời. Amen.

Từ khóa » Suy Niệm Ga 6 37-40