Lợi Dụng "dân Chủ", Trương Quốc Huy Tiếp Tục Chống Phá Nhà Nước

Nếu ai có dịp đến nhà Trương Quốc Huy ở Gò Vấp, hẳn sẽ nghe những người hàng xóm nói về mẹ Huy - tên thường gọi là bà Sậu mà theo lời họ, đó là một người đàn bà tham lam, ích kỷ và điêu ngoa.

Vài nét về Trương Quốc Huy và Hàng Tấn Phát

Chả thế mà sau khi Trương Quốc Huy bị bắt, rồi được những nhóm người Việt phản động ở nước ngoài điện thoại hỏi thăm, cho vài trăm USD Mỹ, bà ta đã nghĩ ra cơ hội kiếm tiền bằng cách chủ động liên lạc với những kẻ ấy, rồi nói rằng mình đang mắc bệnh ung thư, không tiền chữa trị, không tiền thuê luật sư cho con, không tiền mua đồ thăm viếng, nhằm kiếm chác.

Cũng chính những người hàng xóm cho tôi biết, vì tính điêu ngoa, ích kỷ, một người thường xuyên bị bà ta chửi bới, nên ngày 19/12/2004, trong một bữa nhậu, đã cầm dao đâm chết bố Huy. Ông này sau đó, đã bị kết án tù nhiều năm vì tội giết người.

Học hết lớp 7, Trương Quốc Huy đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trong thời gian ở trung tâm huấn luyện, đơn vị phát hiện Huy "chơi" heroin nên gã bị đuổi về địa phương. Một thời gian, Huy sống bằng nghề mua bán điện thoại di động ở khu chợ trời đường Hùng Vương, quận 5 trước khi mở một tiệm sửa chữa điện thoại di động ở quận Gò Vấp.

Hàng Tấn Phát sinh ngày 8/7/1984 tại Khánh Hòa, cư trú ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM, là một gã đồng tính chính hiệu với mái tóc dài quá vai, uốn quăn tít, với những chiếc móng tay sơn xanh đỏ lòe loẹt, giọng nói uốn éo. Đã vậy, gã còn mặc... áo ngực phụ nữ!

Chả thế mà khi các cán bộ Cơ quan điều tra đến nhà, nói với gã: “Mời anh đứng lên để nghe đọc lệnh”, thì Phát vẫn ngồi im, mắt... mơ màng nhìn về phía xa xăm nào đó. Nhưng tới lúc một cán bộ - bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, nhẹ nhàng bảo gã: “Mời cô Nhi đứng lên để nghe chúng tôi đọc lệnh”, thì có lẽ chẳng ai tin vào lỗ tai mình, khi Phát (thường hay tự xưng - và rất thích được mọi người gọi mình là cô Nhi, bé Nhi), cất tiếng eo éo: “Dạ mấy anh nói đúng, em là Nhi nè”.

Sau này, trong trại giam, Phát kể cho chúng tôi nghe về quá khứ của gã. Ấy là khi Phát ra đời, bố gã - một công nhân ngành đường sắt, đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất vì những đứa sinh ra trước đó, đều là gái. Nhưng đến tuổi “trổ mã”, ông bố nhận thấy con mình có những điểm bất thường về giới tính nên ông bỏ gia đình, lui về Tháp Chàm, Phan Rang sống lặng lẽ trong buồn phiền.

Học hết lớp 4, Phát nghỉ rồi mấy năm sau, gã từ Nha Trang vào TP HCM, gia nhập các nhóm đồng tính, hát hò ở những đám ma để kiếm cơm qua ngày. Một dạo, Hàng Tấn Phát còn đi theo mấy gánh chuyên tổ chức xổ số lô tô, ném banh, thẩy vòng... tại các “hội chợ” ở những vùng quê.

Bằng chất giọng “xăng pha nhớt”, Phát hát đi hát lại vài bài nhạc tình sướt mướt, rẻ tiền, cốt để câu khách. Đi riết cũng oải, với lại trong đoàn không ai cùng “hệ” nên gã chán.

Phát kể: “Em quay về bùng binh Phú Lâm, quận 6, làm công cho một quán cơm. Chủ quán này cũng là dân “hai phai” như em. Người đến ăn cơm hầu hết đều đồng tính...”.

Cũng cần phải nói thêm về một nhân vật nữa, đó là Phạm Thị Anh Đào - hay còn gọi là Lisa Phạm, Việt kiều Mỹ, cư trú tại 614 Progresssibe Way, Denmaru, South California. Là thành viên cốt cán của “biệt đoàn sao trắng” - một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nguyễn Hữu Chánh, Lisa Phạm từng về Việt Nam 3 lần với nhiệm vụ tuyên truyền, móc nối người vào “biệt đoàn”, đồng thời trả công bằng tiền cho những kẻ đã thực hiện các hành vi tán phát tài liệu chống phá Nhà nước. Trên mạng Internet, Lisa Phạm lấy tên là Bell South (Chuông phương nam) để trao đổi thông tin với đồng bọn.

Các hành vi phạm tội của Trương Quốc Huy...

Sau khi gia nhập tổ chức “Hội đồng dân quân cứu quốc” của trùm khủng bố Nguyễn Hữu Chánh, và nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bùi Quang Vinh và Nguyễn Hoàng Huy Đức.

Đầu tháng 6/2005, Huy nhận lệnh xuống An Giang, Kiên Giang thu thập thông tin, chụp hình những vụ khiếu kiện đất đai, những hoạt động vi phạm pháp luật của một số phần tử Phật giáo Hòa Hảo quá khích rồi sau đó viết thành bài, nhan đề “Ký sự miền Tây Việt Nam”, nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước.

Những bài viết ấy được Huy tung lên các trang web phản động như Đàn Chim Việt, Thông Luận, Lên Đường. Tất cả những việc này, mẹ Huy đều biết nhưng thay vì khuyên can con mình, không nên làm điều sai trái thì ngược lại, bà ta lại khuyến khích Huy.

6h sáng ngày 17/6/2005, Trương Quốc Huy đi xe đò từ TP HCM xuống Kiên Giang, mang theo 240 tờ rơi, nội dung: “Nhân dân Kiên Giang đoàn kết đứng lên lật đổ chính quyền Cộng sản - Lời kêu gọi của đoàn thanh niên Việt Nam cứu quốc”. Đến 16h, Huy vào ăn nhậu ở quán Sơn Tùng rồi đi uống cà phê tại quán Mỹ Duyên. 21h, Huy thuê xe ôm, chạy ra khu đất lấn biển, thả tờ rơi xuống, rồi vòng về Bến Nhứt, thả tiếp. Số còn lại, sợ đem về khách sạn bị phát hiện, nên Huy đề nghị người lái xe ôm dừng lại cho mình đi vệ sinh, rồi ném vào một bụi chuối.

Lisa Phạm, Trương Quốc Huy và Hàng Tấn Phát.

Sau vụ việc ấy, Huy quay về TP HCM, lên "diễn đàn paltalk", tuyên bố ầm ĩ về chuyện mình đã thành công trong vụ rải tờ rơi. Đến tối 25/8/2005, cũng trên "diễn đàn paltalk", Trương Quốc Huy nghe được những câu trả lời phỏng vấn của Lê Quang Liêm, cùng một số người khác, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp Phật giáo Hòa Hảo bèn lấy một câu khẩu hiệu phản động trên mạng, nội dung kêu gọi lật đổ chính quyền rồi in ra 240 tờ.

2h sáng ngày 26/8/2005, Huy tự mình đi xe gắn máy, thả những tờ rơi này trên các đường Lê Lợi, Lê Lai, quận Gò Vấp, TP HCM. Một tiếng sau, Huy quay về, vào “diễn đàn”, thông báo. Tất cả những việc làm này, Trương Quốc Huy được tổ chức khủng bố Nguyễn Hữu Chánh trả công 600USD.

Chính vì những hành vi ấy, ngày 19/10/2005, Trương Quốc Huy bị bắt tạm giam. Khi Cơ quan An ninh Điều tra đến nhà Huy để đọc lệnh, thì phát hiện ra Lisa Phạm cũng đang có mặt tại đó.--PageBreak--

Qua xác minh, Cơ quan ANĐT biết Lisa Phạm chính là người đã dùng biệt danh “Bell South” trên mạng Internet, và nhập cảnh Việt Nam theo lệnh Nguyễn Hữu Chánh để kiểm tra, cũng như chỉ thị cho Hàng Tấn Phát, Trương Quốc Huy tiếp tục thực hiện việc in ấn, thả tờ rơi, tuyên truyền, chống phá Nhà nước. Lập tức, lệnh tạm giam Lisa Phạm được phê chuẩn để làm rõ từng vụ việc.

... và của Hàng Tấn Phát

Vốn là dân đồng tính, nên đam mê của Hàng Tấn Phát là vào mạng Internet “chat”, để tìm kiếm bạn tình. Năm 2004, trong một lần “chat”, Phát tình cờ gặp một gã có biệt danh “ngayvuiseden”.

Qua nhiều lần trao đổi, “ngayvuiseden” cho Phát biết, tên thật của gã là Bùi Quang Vinh, hiện ở Hà Lan, là người của “Hội đồng dân quân cứu quốc" - một tên gọi khác của tổ chức khủng bố do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu.

Vinh hướng dẫn cho Phát biết cách vào “diễn đàn paltalk” - một hình thức hội thoại trực tuyến giữa hàng chục hoặc hàng trăm người với nhau trên mạng Internet - Vinh tuyên truyền, lôi kéo Phát tham gia tranh luận mà mục đích chính là vu cáo Nhà nước Việt Nam.

Cuối tháng 3/2005, Phát từ TP HCM ra Đà Nẵng, thuê nhà trọ ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, tìm việc làm. Đến đầu tháng 4, trong một lần vào “diễn đàn paltalk” dưới cái tên “maiyeuanh152” tại dịch vụ Internet 337, đường Hoàng Diệu, quận Bình Thuận, phường Hải Châu, Phát gặp lại "ngayvuiseden" - tức Bùi Quang Vinh.

Qua trao đổi, biết Hàng Tấn Phát đang ở Đà Nẵng, Vinh đề nghị Phát thực hiện, phổ biến tài liệu chống Nhà nước Việt Nam, và sẽ được trả công xứng đáng bằng cách viết lên các tờ tiền loại mệnh giá 500 đồng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, câu: “Toàn dân Việt Nam đứng lên cứu quốc dưới sự lãnh đạo của hội đồng dân quân cứu quốc”. Cũng như các tổ chức, đại loại như “tuổi trẻ Việt Nam chống Cộng”, “biệt đoàn sao trắng”, “hội đồng cách mạng cứu quốc”, thì “hội đồng dân quân cứu quốc” cũng do trùm khủng bố Nguyễn Hữu Chánh nặn ra.

Theo sự chỉ dẫn của Vinh, Hàng Tấn Phát đến Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Đà Nẵng, dùng 150 nghìn đồng đổi được 300 tờ mệnh giá 500 đồng. Trong suốt 3 ngày tại nhà trọ, Phát dùng bút bi viết câu khẩu hiệu mà Bùi Quang Vinh đã dặn, lên tất cả những tờ giấy bạc.

Tiếp theo, từ 23h đến 3h sáng, Hàng Tấn Phát rải những tờ tiền này ở những con hẻm quanh khu nhà trọ của gã, rồi vào mạng Internet, báo cáo tình hình với Bùi Quang Vinh. Hôm sau, Phát trốn vào TP HCM vì sợ những nhân viên đã đổi tiền cho gã ở Techcombank nhận diện.

Ngày 20/6/2005, Bùi Quang Vinh yêu cầu Hàng Tấn Phát tiếp tục thực hiện phát tán tài liệu, vẫn với nội dung “Toàn dân Việt Nam đứng lên cứu quốc dưới sự lãnh đạo của hội đồng dân quân cứu quốc”. Để tránh bị lộ, Vinh dặn Phát đi thuê khắc chữ ở nhiều tiệm khác nhau, mỗi tiệm chỉ khắc một vài chữ rồi đem về ghép lại.

Chia câu khẩu hiệu phản động làm 6 phần, Hàng Tấn Phát đem từng phần đến tiệm khắc dấu Đức Lợi ở số 212 đường Nguyễn Trãi, tiệm Ngọc Hân đường Phạm Ngũ Lão, tiệm Luật đường Lê Lợi, tiệm Anh Đào, tiệm Toàn Mỹ đường Phạm Hồng Thái, TP HCM, nhờ khắc.

Khi các con chữ đã đầy đủ, Phát mua mực xanh và trong 3 ngày, tại nơi ở trọ thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, gã thực hiện ghép chữ rồi in lên 102 tờ giấy trắng.

2h sáng ngày 7/7, Hàng Tấn Phát thuê một người lái xe ôm, chở gã đi với lý do tìm nhà người bạn. Tại các đoạn đường như vòng xoay Phú Lâm, cầu Phạm Văn Chí, đường Lý Chiêu Hoàng, đường Trần Văn Kiểu, đường Bến Bình Đông, Bến Phú Định, cầu chữ U, cầu Chà Và..., hễ thấy chỗ nào không có bóng người, thì Phát thả tài liệu xuống.

Ngày 25/6/2005, để trả công cho Hàng Tấn Phát, Bùi Quang Vinh gửi về 100 euro dưới cái tên Hauoat, và Phát đã nhận số tiền này tại Ngân hàng Á Châu - TP HCM. Sau đó, Phát vào mạng, thông báo rằng mình đã thực hiện thành công việc tán phát tài liệu chống Nhà nước.

Vào thời điểm này, Trương Quốc Huy cũng thông báo trên mạng với nội dung tương tự nên giữa tháng 10/2005, Lisa Phạm từ Mỹ về Việt Nam, với lý do thăm người tình để tiến hành kiểm tra.

Tháng 8/2005, cũng trên “diễn đàn paltalk”, Hàng Tấn Phát được Nguyễn Hoàng Huy Đức, Việt kiều Mỹ, có biệt danh “thansamset”, là thành viên trong tổ chức khủng bố của Nguyễn Hữu Chánh, rủ Phát tham gia “biệt đoàn sao trắng”. Đầu tháng 9, Phát nhận lời rồi được Đức gửi cho 200USD, để thực hiện việc in ấn, tán phát tài liệu “lời kêu gọi tổng nổi dậy”, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Sau khi photocopy ra được 2.500 tờ, rạng sáng ngày 22/9/2005, Phát mượn xe gắn máy của một người quen, đem rải khoảng 1.400 tờ ở địa bàn các quận 5, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, TP HCM. Sợ bị phát hiện vì trời gần sáng, số còn lại Phát đem về nhà trọ cất giấu.

Trong trại giam, sau khi nghe cán bộ điều tra chứng minh, phân tích, Trương Quốc Huy đã viết nhiều lá đơn xin khoan hồng, nội dung rất thống thiết. Xin trích một đoạn trong “đơn cam kết từ bỏ hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam”, viết ngày 7/7/2006: “... Được các thế lực thù địch chỉ đạo, tôi đã viết bài có nội dung xuyên tạc, đưa lên mạng Internet và in ấn truyền đơn... Tôi nhận thấy hành vi của tôi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đi ngược lại mục tiêu chung của dân tộc... Tôi xin cam kết từ bỏ tất cả để trở thành công dân lương thiện...”.

Tương tự như vậy, trong trại giam, Lisa Phạm cũng nhìn nhận tội lỗi của mình và viết đơn xin khoan hồng: “Tôi không bao giờ làm điều gì chống lại dân tộc Việt Nam, càng không chống lại Chính phủ Việt Nam. Tôi xin cam đoan nếu được khoan hồng, tha thứ, tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm...”.

Tiếp xúc với chúng tôi, Lisa Phạm không ngớt bày tỏ sự ăn năn hối hận, đồng thời đề cao sự ôn tồn, hòa nhã của cán bộ điều tra. Lisa Phạm nói: “Tôi không ngờ là mình lại được đối xử tốt như thế. Trong tất cả các buổi làm việc, chưa hề có ai nói nặng với tôi một tiếng nào...”.

Chính vì những lẽ đó, Lisa Phạm và Trương Quốc Huy được trả tự do. Ngày 23/7/2006, Lisa Phạm bị trục xuất. Nhưng ngay khi về đến Mỹ, ả đã quay ngoắt 180 độ, bằng cách lên mạng Internet, vu cáo Nhà nước Việt Nam đã cùm chân, bỏ đói...

Riêng Trương Quốc Huy thì "ngựa quen đường cũ". Chỉ một thời gian ngắn sau khi được tha, đã lên tiếng trên “diễn đàn paltalk” vu khống các cơ quan bảo vệ pháp luật, công khai thừa nhận việc gia nhập tổ chức chống đối của Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Đài...

Ngày 18/8/2006, Huy bị bắt trở lại. Lần này, ai còn có thể tin vào những lời sám hối, xin khoan hồng của gã

Từ khóa » Trương Quốc Huy Ntv 10