Lời Giải Cho Bài Toán Thiếu Nước Của Singapore

Lọc nước biển thành nước ngọt- Lời giải cho bài toán thiếu nước của Singapore

 

Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở Singapore

Singapore là một quốc đảo luôn gặp khó khăn về nguồn nước ngọt. Năm 1961, Singapore ký 2 hiệp ước song phương với Malaysia về mua bán nước ngọt chưa qua xử lý. Hai hiệp ước này lần lượt hết hiệu lực vào năm 2011 và năm 2061. Năm 2011 vừa qua, Singapore đã đủ tự tin để không phải ký lại hiệp ước mua nước ngọt vừa hết hiệu lực, vì họ đã tìm được đáp án cho bài toán khó nhất của mình.

 

Trước đây, nguồn nước ngọt ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào việc mua từ Malaysia. Ngày nay, nguồn nước mua từ Malaysia chỉ còn chiếm chưa đầy 1/3 nhu cầu sử dụng nước của quốc gia này, vì họ đã có thêm 3 nguồn nước rất quan trọng khác là: nước thu từ thiên nhiên, nước tinh khiết lọc từ nước thải, nước ngọt lọc từ nước biển.

 

Hiện nay, đã có trên 2/3 diện tích của Singapore trở thành khu vực thu nước thiên nhiên, với 15 hồ chứa nước ngọt, hệ thống sông ngòi, 7.000 km mương máng, ống dẫn nước ngọt vào các hồ.

 

Bên cạnh đó, Singapore vừa thực hiện một dự án với quy mô rất lớn, xây dựng đập ngăn nước sông đổ ra biển, đó là đập Marina ở cửa phía nam sông Singapore. Người Singapore đã tiến hành xây dựng đập ngăn nước, tạo thành một hồ chứa rộng 10.000 ha, tương đương 1/7 diện tích của quốc đảo này. Cùng với các hệ thống công trình được xây dựng trước đó, dự án này đã góp phần làm cho tỷ lệ cung cấp nước thu từ thiên nhiên tăng lên chiếm đến 1/2 tổng lượng nước tiêu thụ ở Singapore. Bên cạnh đó, năm 2007, Singapore khánh thành nhà máy lọc nước biển Singspring với công suất 136.000 m3/ngày, tổng kinh phí đầu tư 200 triệu đô Sing. Nguồn nước ngọt được lọc từ biển đang cung cấp khoảng 10% lượng nước cho quốc gia này.

 

Đập ngăn nước Marina

 

Nhưng thành công nhất trong việc giải bài toán về nguồn nước ở Singapore chính là công nghệ xử lý nước thải thành nước tinh khiết. Năm 1987, ông Lý Quang Diệu (khi đó là Thủ tướng của Singapore) đã từng mơ ước sau 20 năm sẽ có công nghệ lọc nước thải thành nước sinh hoạt và người Singapore đã biến điều đó thành hiện thực nhanh hơn mong muốn. Tháng 5 năm 2010, Singapore đã khánh thành nhà máy lọc nước với công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhất thế giới, có thể lọc được tất cả các loại nước thải, kể cả nước từ nhà vệ sinh, thành nước sạch tinh khiết. Hằng ngày, 5 nhà máy loại này ở Singapore cung cấp khoảng 230.000 m3, chiếm 30% tổng nước tiêu thụ của nước này. Công nghệ đã giúp Singapore biến điểm yếu của mình thành cơ hội, giúp nước này thu được những khoản tiền không nhỏ từ việc xuất khẩu kỹ thuật tái chế nước thải. Nước tinh khiết lọc từ nước thải có thể uống trực tiếp, sạch đến mức người Singapore phải bơm lên các đồi cây cho lọc tự nhiên để bổ sung thêm khoáng chất.

 

Việc sản xuất, tìm kiếm thêm các nguồn nước chỉ là 1 mặt của vấn đề giải bài toán thiếu nước ngọt ở Singapore, mặt thứ 2 chính là việc quản lý và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Trong nhiều năm qua, Singapore luôn tục đưa ra các kế hoạch nhằm khuyến khích công dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Những biện pháp Singapore đang áp dụng cũng cơ bản giống Việt Nam, đó là tính giá nước theo lũy tiến và thu thêm các loại thuế, phí (thuế bảo vệ nguồn nước, phí sử dụng nước trên lượng nước tiêu thụ). Tuy nhiên, hiện nay Singapore chỉ tính giá theo 2 mức tiêu thụ, mức từ 1 đến 40 m3 và mức trên 40 m3. Giá nước ở mức từ 1 đến 40 m3 là 1,17 đô Sing, trên 40 m3 là 1,4 đô Sing (khoảng 25.000 đồng), chưa kể thuế và phí. Tỷ lệ tiêu thụ nước bình quân theo đầu người ở Singapore trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhờ ý thức tiết kiệm nước công dân, năm 1995 là 172 lít/ngày, năm 2000 là 165 lít/ngày, năm 2011 là 153 lít/ngày và đích mới sẽ là 146 lít/ngày. Bên cạnh đó, Singapore cũng là quốc gia có tỷ lệ thất thoát nước rất thấp, khoảng 4,6%, bằng với Nhật Bản.

Từ khóa » Nguồn Nước Sạch Hà Nội Lấy Từ đâu