Lối Thoát Nào Cho Cuộc Khủng Hoảng Tại Ukraine? - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Tương lai Đông Ukraine ra sao sau quyết định của ông Putin?
Căng thẳng ở Donbas trước đó đã gia tăng khi lực lượng ly khai và quân đội Ukraine nổ súng vào nhau, vượt qua ranh giới kiểm soát, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện.
Sống trong làn đạn
Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhân chứng cho hay, ngày 20-2 có nhiều tiếng nổ lớn tại trung tâm thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine song chưa rõ nguyên nhân và thiệt hại. Sự việc xảy ra trong lúc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai vùng Donbass leo thang. Người Ukraine xác nhận các cuộc pháo kích của lực lượng ly khai đang ở mức cao nhất kể từ năm 2015 và về phần mình, lực lượng ly khai cáo buộc các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm vào các khu vực dân sự.
Hôm 17-2, một trường mẫu giáo ở vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, cách chiến tuyến chưa đầy 5 km đã bị tấn công. Hai ngày liên tiếp sau đó, nhà chức trách Ukraine đã báo cáo một sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc pháo kích bằng vũ khí hạng nặng, thứ bị cấm trong phạm vi 50 km tính từ chiến tuyến theo Thỏa thuận Minsk.
Chính quyền Ukraine cho biết ngày 17-2 đã có 60 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn do vũ khí hạng nặng. Các nhà lãnh đạo của hai lãnh thổ ly khai là Cộng hòa nhân dân Luhansk và Donetsk thì tuyên bố Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự lớn trong khu vực. Hôm 18-2, họ tổ chức sơ tán hàng loạt dân thường sang Nga, đồng thời hướng dẫn đàn ông ở lại và cầm vũ khí.
Thành phố Marinka, miền Đông Ukraine, có số dân là 10.000 người, nằm ngay trên chiến tuyến, bên ngoài rìa phía Tây của Donetsk, thủ đô tự xưng của một trong hai lãnh thổ ở vùng Donbas do lực lượng ly khai kiểm soát. Sau 8 năm xung đột với hơn 14.000 người thiệt mạng, người dân ở đây đã quen với sự đe dọa của súng và pháo. Hầu hết các tòa nhà của thành phố đều hằn lên vết sẹo của cuộc xung đột và những mái nhà hoặc cửa sổ còn nguyên vẹn là rất hiếm.
Sự leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine đã khiến các cường quốc phương Tây lo ngại nguy cơ nước này đứng trước bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine pháo kích vào lãnh thổ của mình và thực hiện cuộc “đáp trả” tương xứng đối với những người ly khai. Các nhóm viện trợ đã cảnh báo rằng 2,9 triệu người ở cả hai bên chiến tuyến đang cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Vì sao là Donbas?
Donetsk và Luhansk là một phần của khu vực Donbas, nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số và hiện do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát. Mọi chuyện bắt đầu từ “Cách mạng Maidan” hồi tháng 2-2014, khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bỏ trốn khỏi Kiev sau nhiều tháng đối mặt với biểu tình bạo lực trên đường phố. Xung đột nhanh chóng bùng phát ở miền Đông Ukraine. Ngày quan trọng nhất trong lịch trình về việc Ukraine mất quyền kiểm soát Donetsk và Luhansk là 6-4-2014. Vào ngày đó, vài nghìn người biểu tình đã chiếm giữ tòa nhà chính quyền khu vực Donetsk, giương cao cờ nước Nga trên đó. Lực lượng cảnh sát địa phương bảo vệ tòa nhà đã có rất ít phản kháng. Đơn vị được cử đến để dọn dẹp tòa nhà, đứng đầu là tướng cảnh sát Vitaly Yarema, Phó Thủ tướng Ukraine thời điểm đó cũng từ chối xông vào.
Cùng ngày, hàng nghìn người đã xông vào chi nhánh Luhansk của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Phụ nữ và thanh thiếu niên dẫn đầu cuộc tấn công và cảnh sát tránh sang một bên trong khi các sĩ quan SBU giữ tòa nhà trong hơn 6 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, những nhóm người này đã tuyên bố thành lập nhà nước độc lập vào tháng 5-2014 với tên gọi Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk.
Donetsk và Luhansk có diện tích khoảng 11.000km2 và trước chiến tranh được biết đến với ngành công nghiệp nặng cùng khai thác than. Donetsk - thành phố lớn nhất trước đây có sân bay quốc tế và từng tổ chức các trận đấu trong thời gian diễn ra giải vô địch UEFA Euro 2012. Cuộc giao tranh đã phá hủy sân bay và khiến các vùng lãnh thổ gần như bị chia cắt khỏi phần còn lại của Ukraine trong tình trạng kinh tế tồi tệ. Sau khi tự xưng thành nước cộng hòa, hai khu vực cùng nhau tự gọi mình là “Novorossiya” (Nước Nga mới) - hồi sinh một thuật ngữ từng được dùng để chỉ lãnh thổ miền Nam Ukraine do đế quốc Nga chinh phục hồi thế kỷ 18. Chính phủ Ukraine tuyên bố rằng hai khu vực trên thực tế là do Nga chiếm đóng và các nước cộng hòa tự xưng không được chính phủ nào công nhận. Ukraine cũng từ chối đối thoại trực tiếp với một trong hai nước cộng hòa ly khai.
Thỏa thuận Minsk II năm 2015 dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn mong manh và xung đột chuyển thành chiến tranh tĩnh dọc theo Đường liên lạc chia cắt Chính phủ Ukraine và các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Thỏa thuận Minsk (được đặt tên theo thủ đô của Belarus - nơi diễn ra ký kết) cấm vũ khí hạng nặng gần Đường liên lạc. Chính phủ Ukraine gọi lực lượng ly khai là “những kẻ xâm lược” và “những kẻ chiếm đóng”.
Truyền thông Nga thì gọi lực lượng ly khai là “dân quân” và khẳng định rằng họ là những người dân địa phương tự vệ chống lại chính quyền Kiev. Thống kê cho thấy, hơn 14.000 người đã chết trong cuộc xung đột ở Donbas kể từ năm 2014. 1,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ, trong đó hầu hết ở lại các khu vực Donbas vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine và khoảng 200.000 người tái định cư ở khu vực Kiev rộng lớn hơn. Hiện, khu vực này chỉ còn dưới 3 triệu người, 38% trong số đó hết tuổi lao động.
Trước ngày 21-2, Moscow vẫn coi hai quốc gia này là một phần của Ukraine và không công nhận nền độc lập nhưng lại có giao thiệp chân tình với lãnh đạo của hai quốc gia tự xưng này. Nhưng, hôm 15-2, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua nghị quyết do đảng Cộng sản Nga đề xuất công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk (với 351 phiếu ủng hộ, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng), đồng thời trình lên Tổng thống Vladimir Putin xem xét. Đêm 21-2, ông Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự trị này.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, ban đầu Nga tán thành ý tưởng công nhận nền độc lập của hai vùng Donetsk và Lugansk nhưng không sáp nhập lãnh thổ vì hai khu vực này cung cấp cho Moscow đòn bẩy quan trọng trong trận chiến với Kiev. Nga muốn các vùng lãnh thổ này được tái nhập vào Ukraine, với việc các nhà lãnh đạo của họ có quyền phủ quyết đối với các quyết định chính sách đối ngoại lớn, chẳng hạn như việc gia nhập NATO. Thứ nữa là nhiều người Nga không cảm thấy có mối quan hệ mạnh mẽ với Donbas trong khi họ lại coi Crimea là một phần quan trọng trong lịch sử văn hóa và hạm đội Biển Đen của Nga đóng ở đó. Nhưng, thời gian gần đây, chính quyền Moscow chịu sức ép về việc NATO tăng tốc mở rộng với việc Ukraine gia nhập khối này nên đã có những bước tính toán mới. Và, theo sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Vladimir Putin, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại hai vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine dựa theo thỏa thuận mới với thủ lĩnh của các nhóm ly khai này. Ngoài ra, Nga và hai vùng ly khai cũng có kế hoạch ký các thỏa thuận khác về hợp tác quân sự và bảo vệ biên giới.
Gập ghềnh con đường ngoại giao
Phản ứng trước động thái mới nhất của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, đồng thời tiến hành điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và lên kế hoạch cho cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng như người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba thì cho hay Kiev đã chính thức đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức các cuộc tham vấn ngay lập tức về hành động khẩn cấp để giảm căng thẳng. Sau cuộc điện đàm với người đứng đầu Cơ quan Đối ngoại của EU, ông Dmitry Kuleba vẫn nhấn mạnh rằng, đàm phán là lựa chọn phù hợp nhất để giải quyết xung đột ở Donbas. Tuy nhiên, Ukraine cần có sự hỗ trợ của các nước để tính toán những bước tiếp theo sau quyết định của Nga công nhận hai nước cộng hòa Donetsk và Lugansk. Nhiều khả năng, một hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của 5 quốc gia giữ vai trò Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cùng với Ukraine, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra trong tuần này.
Nói chung, các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành không mệt mỏi kèm theo những lời chỉ trích từ lãnh đạo EU, NATO về quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các nước như Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova cùng phản đối quyết định của Moscow. Thậm chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn đánh giá quyết định của Nga đã “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ủng hộ.
Trong diễn biến khác, một quan chức chính quyền Mỹ nhận định với báo giới rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không diễn ra. Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden đã nhất trí “về nguyên tắc” cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin vào một thời điểm nào đó sau khi Ngoại trưởng Mỹ gặp Ngoại trưởng Nga ngày 24-2, miễn là Nga không tấn công Ukraine.
- Ukraine xem xét cắt đứt quan hệ với Nga
- Ukraine "hết đường" giành lại miền Đông?
Từ khóa » Trình Bày Khủng Hoảng Ukraine
-
Toàn Cảnh Khủng Hoảng Ukraine - VnExpress
-
Cuộc Khủng Hoảng Ukraine: Nhìn Từ Nhiều Góc độ - Báo Nghệ An
-
Nhìn Lại Những Nguyên Nhân Cuộc Khủng Hoảng Ukraine Hiện Nay
-
Khủng Hoảng Ukraine: Những Nỗ Lực Cứu Vãn Hòa Bình - Báo Tuổi Trẻ
-
Khủng Hoảng Ukraine, Một Năm Nhìn Lại - Báo Thanh Niên
-
Khủng Hoảng Ukraine: Động Thái Của Các Nước
-
Khủng Hoảng Ukraine - Bài 1: Mâu Thuẫn Đông-Tây - PLO
-
Khủng Hoảng Ukraine: Một Số đài Báo ở VN ủng Hộ Nga Vì E ... - BBC
-
Khủng Hoảng Ukraine: Kiev Tuyên Bố Nga Là 'kẻ Xâm Lược' - BBC
-
Bất ổn Tại Ukraina Năm 2014 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ukraina – Wikipedia Tiếng Việt
-
WHO: Khủng Hoảng Ukraine ảnh Hưởng Sức Khỏe Tâm Thần Hàng ...
-
Hành Trình Trở Về Của Người Việt Tại Ukraine: Ấm Tình Nghĩa đồng Bào
-
Thượng đỉnh Bất Thường EU Bàn Về Khủng Hoảng Ukraine Và Năng ...